Con người văn chương trong bối cảnh xã hội, văn hóa có nhiều biến đổ

Một phần của tài liệu đặc sắc bút pháp tự sự trong truyện ngắn của nam cao và lỗ tấn (Trang 28 - 32)

Mỗi nhà văn đều có một quan niệm, một cách nhìn về cuộc sống. Quan niệm và cách nhìn cuộc sống của nhà văn sẽ chi phối nội dung, tư tưởng chủ đề cũng như hình thức nghệ thuật của tác phẩm. Quan niệm và cách nhìn của nhà văn chính là con người văn chương của nhà văn được thể hiện trong tác phẩm. Do vậy, khi nghiên cứu về hiện tượng

“gặp gỡ” giữa Nam Cao và Lỗ Tấn trong sáng tác văn học nghệ thuật, không thể không lưu tâm đến sự “gặp gỡ” của con người văn chương giữa hai nhà văn.

Các nhà nghiên cứu văn học đều nhận thấy rằng con người văn chương của Nam Cao và Lỗ Tấn cũng có sự “gặp gỡ” với nhau. Sự “gặp gỡ” này được thể hiện khá rõ nét qua tư tưởng, quan niệm sáng tác văn chương của hai nhà văn. Tuy nhiên, để hình thành được động cơ, quan điểm sáng tác chân chính tạo nên tên tuổi của Nam Cao và Lỗ Tấn, hai nhà văn đã phải trải qua một quá trình “tìm đường” và “nhận đường” khá lâu dài. Quá trình này diễn ra song song với quá trình hai nhà văn ngày càng nhận thức đúng đắn hơn về phong trào cách mạng của đất nước mình để thực sự đứng vào hàng ngũ của những người yêu nước chân chính. Đây là một trong những lí do để biết bao thế hệ người đọc vẫn luôn yêu mến các sáng tác của hai ông. Bởi lẽ, đó không chỉ là những tác phẩm có văn phong độc đáo mà còn vì thái độ tích cực của hai nhà văn đối với cuộc sống, đối với đất nước và nhân loại.

Đối với Nam Cao, tư tưởng sáng tác nghệ thuật của ông có sự chuyển hướng rõ rệt trước khi định hình hoàn chỉnh phong cách văn chương. Từ khi còn rất trẻ, Nam Cao chịu ảnh hưởng rất rõ của nhà trường chế độ cũ trong lối viết văn. Thơ văn lãng mạn Pháp và thơ văn lãng mạn Việt Nam trong buổi giao thời làm cho cây bút của cậu học trò mới bắt đầu chập chững viết văn nghiêng về cảm hứng lãng mạn, phiêu lưu. Tâm hồn mơ mộng cùng với sự tác động của văn học lãng mạn đương thời đã khiến cho Nam Cao nghiêng về xu hướng “nghệ thuật vị nghệ thuật”, thoát li thực tế. Hầu hết, những sáng tác của Nam Cao trong thời kì này đều xoay quanh chủ đề tình yêu lãng mạn như: Cảnh cuối cùng, Những cánh hoa tàn, Một bà hào hiệp, Hai khối óc…Hà Minh Đức đã từng nhận xét rất đúng rằng: “Trong những ngày sôi nổi của tuổi trẻ lớn lên, cũng như buổi đầu đến với văn học, Nam Cao làm một số thơ lãng mạn và viết những truyện tình thơ mộng. Ở thời kì này, ngòi bút của Nam cao đang dò dẫm để tìm một lối đi, tâm hồn Nam Cao đang dần đổi thay để có được một cách nhìn đúng đắn cuộc sống” [26; 194].

Thật may mắn, Nam Cao đã không “chết mòn” trong lối văn chương hoa mộng ấy quá lâu khi ông sớm nhận ra thứ văn chương ấy không dành cho mình. Nhà văn đã phải chứng kiến biết bao đau thương, mất mát của những người dân xung quanh mình; chính bản thân nhà văn cũng đã phải vất vả để kiếm sống, phải vật lộn với nghèo đói, bệnh tật để mưu sinh trong một thời đại đầy bão tố nên những hình ảnh thi vị của cuộc sống đã

không còn là hiện thực với nhà văn nữa. Cuối cùng, Nam Cao đã định hình cho mình một quan điểm nghệ thuật đúng đắn, có ý nghĩa dẫn lối cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật của ông để chúng ta có được Nam Cao – một nhà văn hiện thực lớn của văn học hiện đại Việt Nam, mặc dù quãng đời sáng tác của ông khá ngắn ngủi.

Thông qua con đường sáng tác, thông qua ngôn ngữ, hệ thống nhân vật, Nam Cao đã bộc bạch, gửi gắm quan niệm nghệ thuật của mình. Có hai tác phẩm bộc lộ khá đầy đủ quan niệm thuật của Nam Cao là: Đời thừaGiăng sáng. Nam Cao phê phán thứ văn chương như là những ánh trăng lừa dối, thứ văn chương thi vị hóa những cảnh bất công đen tối, phủ ánh trăng lên những kiếp lầm than. Nhà văn yêu cầu một thứ nghệ thuật phát ngôn cho sự thật và lòng nhân đạo: “Chao ôi! Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than ...”

(Giăng sáng). Ông viết ngay giữa hiện thực của đời sống nghèo khổ, của người lao động và đã khẳng định sức mạnh của văn học nghệ thuật chính là bắt nguồn từ đời sống và phục vụ đời sống. Nam Cao quan niệm văn học phải phản ánh hiện thực, phải khám phá vào bản chất, vào chiều sâu của nó: “Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”

(Đời thừa). Từ quan niệm đó, Nam Cao chủ trương đi vào phát hiện bản chất của các sự vật hiện tượng; tìm ra những qui luật của cuộc đời, của cuộc sống, của số phận từ những nghịch lí số phận con người cụ thể, cá biệt. Nam Cao đã nhìn thấy và chỉ cho người đọc thấy cái xã hội nô lệ và lạc hậu xứ mình, cái xã hội đẳng cấp, bất công và phi nhân ấy đã làm tha hoá, biến dạng biến chất con người ta như thế nào. Tuyên ngôn nghệ thuật của Nam Cao thấm đượm tinh thần nhân đạo cao cả. Nó cho thấy rõ trách nhiệm của người cầm bút chân chính trước vận mệnh của con người, xã hội; của dân tộc, đất nước đang oằn mình trong đau thương. Tuyên ngôn ấy đã chứng tỏ Nam Cao là một nhà văn hiện thực chân chính.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Nam Cao hoạt động với tư cách của một cán bộ cách mạng làm báo, làm văn. Quần chúng cách mạng và cuộc kháng chiến gian khổ của cả dân tộc đã trở thành trung tâm phản ánh trong tác phẩm văn chương của Nam Cao. Truyện Đôi mắt thể hiện khá rõ cách nhìn của Nam Cao về quần chúng cách mạng và cuộc kháng chiến gian khổ. Với Đôi mắt, ngòi bút hiện thực của Nam Cao đã phê phán triệt để những biểu hiện bảo thủ lỗi thời, vừa đề cập đến vấn đề có tính bản chất cho một nền văn học

mới "sống đã rồi hãy viết" và "góp sức vào công việc không nghệ thuật lúc này chính là để sửa soạn cho tôi một nghệ thuật cao hơn" (Nhật kí ở rừng). Những tác phẩm sau cách mạng tháng Tám 1945 của Nam Cao rất giàu tính chiến đấu, có tác dụng vận động quần chúng sâu sắc. Sự chuyển biến của Nam Cao từ xu hướng nghệ thuật lãng mạn đến quan điểm hiện thực và cuối cùng là quan điểm cách mạng là một quá trình phấn đấu gian khổ nhưng dứt khoát.

Với Lỗ Tấn, thời kì đầu ông chịu ảnh hưởng của thuyết “Tiến hóa luận” khi giải thích sự phát triển của xã hội: “Sinh mệnh lớp sau bao giờ cũng có ý nghĩa hơn, hoàn toàn hơn lớp trước, tương lai sẽ sáng sủa hơn hiện tại, lực lượng mới sẽ thay thế lực lượng cũ” [82; 319]. Những thời kì sau, nhà văn đã từ bỏ quan điểm “tiến hóa luận” để đến với quan điểm Mácxít thể hiện bằng nhiều truyện ngắn có tính chiến đấu cao. Đây là một quá trình phát triển tư tưởng khá lâu dài nhưng dứt khoát để từng bước một Lỗ Tấn còn đang băn khoăn, “gào thét”, “bàng hoàng” trở thành một Lỗ Tấn – nhà văn cách mạng. Lỗ Tấn luôn đứng về phía nhân dân bị áp bức để quan sát, phân tích hiện tượng nhằm thể hiện những vấn đề bức xúc của thời đại, thực hiện được ước mơ, khát vọng của quần chúng lao động. Nhà văn quan niệm văn học phải phục vụ nhân sinh đồng thời phải cải tạo nhân sinh. Và muốn cải tạo nhân sinh thì trước hết phải quét sạch những cản trở trên con đường giải phóng dân tộc. Đồng thời, Lỗ Tấn đã xác định văn chương dùng để chữa bệnh tinh thần – căn bệnh tinh thần của người Trung Quốc lúc bấy giờ mà Lỗ Tấn gọi là “liệt căn tính”. Theo ông thì “liệt căn tính” chính là cản trở lớn nhất trên con đường giải phóng của người Trung Hoa vào thời điểm ấy. Nó khiến cho con người dễ thỏa mãn, đớn hèn, mất hết mọi khả năng nhận xét cũng như nhận thức, thủ tiêu con đường tiến lên. Vì vậy, Lỗ Tấn cho rằng phê phán căn bệnh quốc dân là nhiệm vụ hàng đầu của nhà văn trong giai đoạn chuyển mình của đất nước. Sứ mệnh của nhà văn là phải lôi hết căn bệnh tinh thần của con người ra để cho mọi người cùng thấy và cùng đề ra phương hướng, cách chạy chữa. Rõ ràng, Lỗ Tấn đã nhận thức được rằng bản thân sự nghèo đói không dẫn đến cách mạng mà phải có ý thức về sự nghèo đói thì mới dẫn đến cách mạng. Hay nói cách khác, nhà văn phải là người cảnh tỉnh, báo động và thức tỉnh cho mọi người thấy căn bệnh đó để họ thay đổi. Rõ ràng phải làm cho nhân dân biết sợ bản thân mình thì mới giúp họ mạnh dạn lên. Chủ trương của Lỗ Tấn phù hợp với chức năng của văn học là gõ cửa tâm hồn, đánh thức tư tưởng. Và trên thực tế, văn chương của Lỗ Tấn nói

nhiều về cái xấu để tìm cách chạy chữa, để bồi dưỡng lòng tự tin, tự lập, tự cường của dân tộc, để góp phần quét sạch những cản trở trên con đường giải phóng dân tộc. Quan điểm, thái độ của Lỗ Tấn khi đề cập đến những tính xấu của người dân Trung Hoa là phê phán để cải tạo, phá để xây chứ không phải để giễu cợt. Khi đề cập đến vấn đề phê phán căn bệnh tinh thần quốc dân, Lỗ Tấn quan tâm đến bệnh trạng tinh thần của những người bất hạnh trong xã hội. Theo ông, họ bị mắc bệnh tinh thần là do hai nguyên nhân: do cuộc sống bị áp bức, bóc lột lâu đời nên họ trở nên cam chịu; do họ bị ảnh hưởng từ giai cấp thống trị. Trong bài Vì sao tôi viết tiểu thuyết, Lỗ Tấn đã bộc bạch: “Mỗi khi chọn đề tài tôi đều chọn những người bất hạnh trong xã hội bệnh tật với mục đích là lôi hết bệnh tật của họ ra làm cho mọi người chú ý và tìm cách chạy chữa”. Như vậy, văn chương đối với Lỗ Tấn là một vũ khí để chiến đấu. Những sáng tác của Lỗ Tấn vạch trần tội ác của chế độ phong kiến, phản ánh bộ mặt xã hội chân thực, cuộc sống bế tắc của người lao động, số phận người trí thức đang quằn quại trong mâu thuẫn xã hội gay gắt. Như vậy, chủ nghĩa hiện thực trong sáng tác của Lỗ Tấn cũng phát triển theo tiến trình nhận thức tư tưởng của ông, từ tiến hóa luận đến giai cấp luận, từ hiện thực phê phán đến hiện thực cách mạng.

Như vậy, điểm tương đồng dễ nhận thấy trong con người văn chương của Nam Cao và Lỗ Tấn là hai nhà văn đều trải qua một quá trình tìm tòi lâu dài để định hình hoàn chỉnh quan niệm, tư tưởng sáng tác nghệ thuật của mình. Cả hai nhà văn đều từ những bước đi còn chập chững trong những ngày đầu đến với văn chương để sau đó ngày càng chín chắn, trưởng thành hơn trên con đường đi của mình. Từ những ngã đường khác nhau nhưng cuối cùng hai nhà văn lại gặp nhau ở quan niệm nghệ thuật đúng đắn: văn chương phải phản ánh hiện thực, văn chương là vũ khí chiến đấu, văn chương phải phục vụ nhân dân, phục vụ cho cuộc đấu tranh của dân tộc.

1.2. Vị trí truyện ngắn của Nam Cao và Lỗ Tấn trong dòng văn xuôi Việt Nam và Trung Quốc

Một phần của tài liệu đặc sắc bút pháp tự sự trong truyện ngắn của nam cao và lỗ tấn (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)