Giọng điệu trong truyện ngắn của Nam Cao và Lỗ Tấn

Một phần của tài liệu đặc sắc bút pháp tự sự trong truyện ngắn của nam cao và lỗ tấn (Trang 94 - 97)

CHƯƠNG 3: NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NAM CAO VÀ LỖ TẤN

3.2.Giọng điệu trong truyện ngắn của Nam Cao và Lỗ Tấn

Nếu như trong đời sống hàng ngày, ta thường nghe giọng nói để nhận ra con người, thì trong văn học cũng vậy, giọng điệu trong tác phẩm giúp ta nhận ra tác giả. Trong nghệ thuật tự sự nói chung và nghệ thuật trần thuật nói riêng, giọng điệu là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu. Một tác giả tài năng phải định hình được cho mình một giọng điệu riêng, không nhầm lẫn với ai. Nếu thiếu giọng điệu ấy thì tác giả cũng như tác phẩm của họ sẽ trở nên mờ nhạt và thiếu bản sắc.

Trong đời sống, giọng điệu là tiếng nói, lối nói…biểu thị thái độ của người nói. Trong văn học, giọng điệu là hiện tượng “siêu ngôn ngữ học” được thể hiện ở tiếng nói tư tưởng, tình cảm và thái độ của chủ thể tác giả đối với đối tượng được miêu tả. Giọng điệu trong tác phẩm văn học không đơn thuần là một tín hiệu âm thanh có âm sắc đặc thù để nhận ra người nói, mà là một giọng điệu mang nội dung, tình cảm, thái độ ứng xử của nhà văn trước hiện thực đời sống. Nó là một hiện tượng mang tính cá nhân cao độ, là sản phẩm của quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc của nhà văn.

Theo Trần Đình Sử: “Giọng điệu là một yếu tố đặc trưng của hình tượng tác giả trong tác phẩm” [69; 111]. Hình tượng tác giả trong tác phẩm được thể hiện thông qua giọng điệu chủ yếu của nhân vật mang mặt nạ đứng ra tự sự, trữ tình với người đọc, thể hiện thái độ, lập trường, cách nhìn của chủ thể phát ngôn về đối tượng được nói đến và đối tượng mà nhà văn hướng tới.

Trong Từ điển thuật ngữ văn học, giọng điệu là: “thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn qui

định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa, gần, thân, sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm” [72; 112]. Bên cạnh đó, giọng điệu còn: “có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn và tác dụng truyền cảm cho người đọc. Thiếu một giọng điệu, nhất định nhà văn chưa thể viết ra được tác phẩm, mặc dù đã có đủ tài liệu và sắp xếp xong hệ thống nhân vật” [72; 113]. Giọng điệu tạo nên phong cách nhà văn và tạo nên âm hưởng cho tác phẩm. Khi thái độ, tư tưởng, tình cảm của người kể chuyện với các sự việc, hiện tượng được nói đến, được bộc lộ thì việc thâm nhập vào chiều sâu tác phẩm và lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn sẽ thuận lợi rất nhiều cho người đọc.

Nguyễn Thái Hòa trong Những vấn đề thi pháp của truyện cho rằng: “Giọng điệu chính là mối quan hệ giữa chủ thể và hiện thực khách quan thể hiện bằng hành vi ngôn ngữ trong đó bao hàm cả việc định hướng, đánh giá và thói quen cá nhân sử dụng ngôn từ trong những tình huống cụ thể” [37; 154].

Trong bài nghiên cứu Giọng điệu và giọng điệu trong văn xuôi hiện đại, Lê Huy Bắc cho rằng: “Giọng điệu là âm thanh xét ở góc độ tâm lí, biểu hiện ở thái độ buồn, vui, giận hờn, hờ hững…” để phân biệt với “giọng là âm thanh xét ở góc độ vật lí” [7; 67]. Ở đây, tác giả phân biệt giữa giọng vốn có của con người và giọng điệu trong văn chương. Như vậy, giọng điệu trong văn chương là sự thể hiện thái độ, tình cảm của tác giả. Nó gắn chặt với đối tượng được phản ánh và cách thức tổ chức lời lẽ diễn đạt.

M.B.Khrapchenco nhận định: “Đề tài, tư tưởng, hình tượng chỉ được thể hiện trong môi trường và giọng điệu nhất định đối với đối tượng sáng tác, đối với những mặt khác nhau của nó. Hiệu suất cảm xúc của lối kể chuyện, của hành động kịch, của lời lẽ trữ tình trước hết thể hiện ở giọng điệu chủ yếu vốn là đặc trưng của tác phẩm văn học với tư cách là một thể thống nhất hoàn chỉnh” [100; 168].

I.S.Turgenev cho rằng: “Cái quan trọng trong tài năng văn học…là cái mà tôi muốn gọi là tiếng nói của mình. Đúng thế, cái quan trọng là tiếng nói của mình, cái quan trọng là giọng riêng biệt của chính mình, không thể tìm thấy trong bất cứ cổ họng của người nào khác” [99; 165].

Như vậy, giọng điệu nghệ thuật không chỉ là yếu tố hàng đầu để xác định phong cách của người nghệ sĩ, mà nó còn là yếu tố có vai trò thống nhất mọi yếu tố khác của hình thức

tác phẩm thành một chỉnh thể hoàn chỉnh. Đối với một nhà văn lớn, họ luôn có sự tìm kiếm một tiếng nói riêng, khu biệt với tiếng nói của những người khác.

Trong tác phẩm tự sự, giọng điệu có vai trò rất lớn đối với việc trần thuật và sự hình thành phong cách của nhà văn. Giọng điệu chính sẽ tạo thành âm hưởng chung bao trùm lên tác phẩm. Nó quyết định nhiều khâu, nhiều yếu tố trong việc xây dựng tác phẩm; chi phối phương thức, cách thức xây dựng nhân vật. Giọng điệu là phương tiện để người kể chuyện đi sâu phản ánh hiện thực cuộc sống của con người. Nếu không có giọng điệu thì tác phẩm chỉ là sự ghi chép đơn thuần, dàn trải của nhà văn về cuộc sống. Do vậy, tìm được giọng điệu thích hợp sẽ giúp cho nhà văn kể chuyện hấp dẫn hơn, thể hiện sâu sắc hơn tư tưởng của tác phẩm. Trong những trường hợp như vậy, giọng điệu sẽ trở thành chìa khóa để mở tác phẩm.

Một tác phẩm có giá trị đều thể hiện một giọng điệu riêng biệt, tiêu biểu cho thái độ, cảm xúc của nhà văn. Để nhận diện người trần thuật trong tác phẩm tự sự, người ta không thể không căn cứ vào giọng điệu. Có nhiều yếu tố làm nên giọng điệu của một nhà văn, trong đó có thể xem cảm hứng chủ đạo của nhà văn là nền tảng tạo nên giọng điệu. Nếu nhà văn có cảm hứng cao cả thì giọng điệu sẽ là cao cả; nếu nhà văn có cảm hứng chính luận, phê phán, bất mãn với thực tại thì anh ta sẽ chọn giọng điệu lên án, mỉa mai, châm biếm…

Nhìn chung, giọng điệu giữ một vai trò quan trọng trong quá trình sáng tạo của nhà văn. Bên cạnh điểm nhìn, giọng điệu là một yếu tố mà nhà văn phải cân nhắc lựa chọn nhiều trước khi sáng tác văn chương. Giọng điệu tạo nên bản sắc độc đáo riêng của nhà văn. Những nhà văn chân chính luôn tìm tòi, định hình cho mình một giọng điệu riêng, khu biệt với giọng của những người khác. Nam Cao và Lỗ Tấn cũng không nằm ngoài số nhà văn ấy. Trong các sáng tác truyện ngắn, Nam Cao và Lỗ Tấn đã tạo cho mình một hệ thống giọng điệu riêng biệt. Hệ thống giọng điệu ấy đã tạo nên một bản hợp xướng âm thanh đa sắc trong các tác phẩm của hai nhà văn. Thông thường, giọng điệu bị chi phối bởi yếu tố điểm nhìn nên trong truyện ngắn của Nam Cao và Lỗ Tấn thường đa giọng, đa âm. Tuy vậy, trong các sáng tác truyện ngắn, hai nhà văn cũng tạo được một giọng chủ âm để từ đó thể hiện được tư tưởng, ý đồ sáng tác của mình. Trong giới hạn của luận văn, chúng tôi chỉ đi vào đối sánh giọng điệu trong truyện ngắn của Nam Cao và Lỗ Tấn ở phương diện giọng điệu trần thuật. Qua khảo sát và so sánh, chúng tôi nhận thấy tác

phẩm của hai nhà văn có sự “gặp gỡ” ở hai giọng điệu trần thuật chủ đạo là: giọng tự sự khách quan, lạnh lùng và giọng mỉa mai, châm biếm, hài hước. Chúng tôi cho rằng hai giọng điệu này chỉ là phương thức mà Nam Cao và Lỗ Tấn sử dụng để thể hiện lại bức tranh hiện thực cuộc sống của xã hội đương thời với bao điều “chướng tai gai mắt” cùng với hàng loạt những thói hư tật xấu, những u mê, ảo tưởng của người Việt Nam và Trung Hoa lúc bấy giờ chứ đây không hẳn là thái độ, tình cảm của hai nhà văn trước hiện thực và thân phận con người trong bối cảnh xã hội thời ấy.

Một phần của tài liệu đặc sắc bút pháp tự sự trong truyện ngắn của nam cao và lỗ tấn (Trang 94 - 97)