Giọng tự sự khách quan, lạnh lùng

Một phần của tài liệu đặc sắc bút pháp tự sự trong truyện ngắn của nam cao và lỗ tấn (Trang 97 - 102)

CHƯƠNG 3: NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NAM CAO VÀ LỖ TẤN

3.2.1. Giọng tự sự khách quan, lạnh lùng

Trong văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945, Nam Cao tuy xuất hiện muộn màng nhưng vẫn tạo được tiếng nói riêng của mình so với các cây đại thụ đi trước. Nếu như Vũ Trọng Phụng có giọng trào phúng, Nguyễn Công Hoan có giọng hóm hỉnh thì Nam Cao lại có giọng khách quan, lạnh lùng khi miêu tả lại hiện thực cuộc sống bộn bề. Với Lỗ Tấn, Đặng Thai Mai cũng từng nói: “Lỗ Tấn đã cố ý đem cả khối nhiệt tình mà kiềm thúc lại để cho lí trí có thể vận dụng những điều quan sát vào trong sự khái quát nghệ thuật, để mô tả sự vật thực tế theo những nét bút sâu sắc, bạo dạn, rắn rỏi như ngọn dao nhà điêu khắc” [82; 50].

Đọc truyện ngắn của Nam Cao và Lỗ Tấn, chúng ta có thể cảm nhận được giọng điệu khách quan, lạnh lùng của người kể chuyện trong hầu hết các tác phẩm. Khi đứng trước mọi sự yêu thương hay căm giận, phiền muộn hay hân hoan, thậm chí là cả cái chết…nhưng hai nhà văn vẫn giữ thái độ khách quan, điềm tĩnh. Dù căm ghét xã hội thối nát, thương xót con người bị đày đọa nhưng hai nhà văn không khóc thương ủy mị, cũng không “đao to búa lớn”, mà lạnh lùng mổ xẻ, điềm nhiên phân tích tìm một hướng trình bày cho đúng với thực tế cuộc sống. Giọng điệu kể chuyện này làm cho câu chuyện kể được khách quan hơn, người đọc được nghe, được đọc một câu chuyện như đúng với thực tế mà không hề có sự can thiệp yếu tố chủ quan của người viết.

Nam Cao và Lỗ Tấn đều là hai nhà văn hiện thực nên việc lựa chọn giọng điệu tự sự lạnh lùng, khách quan là một sự lựa chọn khả dĩ cho các sáng tác hiện thực của hai nhà văn. Vì hiện thực thường không có màu hồng mà chọn hiện thực để phê phán thì càng cần phải lạnh lùng và tỉnh táo hơn. Khi kể lại nỗi bất hạnh của con người, hai nhà văn thường chọn cho mình một vị trí khách quan để lặng lẽ quan sát, nghe ngóng, nhận biết rồi điềm

nhiên kể lại những điều mắt thấy tai nghe mà không trực tiếp bày tỏ cảm xúc của mình về sự việc được miêu tả. Hai nhà văn cứ lạnh lùng, khách quan miêu tả các sự việc, hiện tượng như nó vốn có mà không thêm thắt một lời nhận xét, bình luận nào cả. Giọng kể của người kể chuyện cứ đều đều, thản nhiên trước nỗi đau của các nhân vật. Bởi thế tấn bi kịch cuộc đời của chị Tường Lâm (Lễ cầu phúc – Lỗ Tấn) hay của anh đĩ Chuột (Nghèo – Nam Cao) cứ từ từ phơi bày trên từng trang viết.

Trong Khổng Ất Kỷ (Lỗ Tấn), khi nói đến cảnh cùng cực, túng quẫn mà phải liều ăn trộm sách ở nhà cụ cử Đinh và bị đánh què của Khổng Ất Kỷ, người kể không hề tỏ một chút thương xót mà vẫn cứ lạnh lùng kể lại: “Khổng Ất Kỷ đang ngồi trệt dưới quầy, ngay chỗ bậc cửa. Mặt bác ta đen sạm, võ vàng, trông không ra hồn người. Bác ta mặc một chiếc áo kép rách, ngồi xếp bằng hai chân, dưới lót một tấm bao lác có hai dây thừng bằng rơm treo ở vai” [15; 59]. Hình ảnh Khổng Ất Kỷ lúc này chẳng khác nào là một tên ăn mày rách rưới, bị xã hội bỏ rơi. Người kể lại lạnh lùng đến mức tàn nhẫn miêu tả tiếp hình ảnh Khổng Ất Kỷ sau khi uống hết rượu: “bác ta thong thả chống tay lết đi giữa tiếng nói, tiếng cười của những người xung quanh” [15; 59].

Cũng giống như thế, khi nói về hiện thực cuộc sống với những điều nhỏ bé, bình thường, vụn vặt, Nam Cao thường giữ một giọng điệu khách quan, lạnh lùng. Cũng nói về cái đói, cái nghèo, cái khổ, cái bất hạnh của con người, Nam Cao không nói bằng giọng điệu thống thiết như Nguyên Hồng hay giọng hài hước như Nguyễn Công Hoan, bao giờ ông cũng giữ cho mình một giọng điềm nhiên. Đám cưới của Dần (Một đám cưới – Nam Cao) dưới con mắt và giọng điệu trần thuật lạnh lùng của Nam Cao đã trở thành một đám cưới ảm đạm như một đám ma. Xót xa thay, trong ngày cưới của mình, Dần phải về nhà chồng không một manh áo cưới, không pháo dẫn đường, không xe đưa đón. Dần về nhà chồng mà như đi trong đám tang của cuộc đời mình: “Đến tối, đám cưới mới ra đi chỉ vẻn vẹn có sáu người cả nhà gái và nhà trai…Cả bọn lủi thủi trong sương lạnh và bóng tối như một gia đình xẩm lẳng lặng dắt díu nhau đi tìm chỗ ngủ” [13; 345]. Đó không chỉ là hiện thực về nỗi buồn của Dần, của gia đình Dần mà còn là nỗi đau của nhiều phận người và của xã hội.

Mặc dù Nam Cao và Lỗ Tấn có sự “gặp gỡ” trong việc dùng giọng tự sự khách quan, lạnh lùng khi miêu tả về hiện thực cuộc sống đen tối đương thời, nhưng xét kĩ, giọng điệu tự sự của Nam Cao có phần khách quan, lạnh lùng hơn giọng tự sự của Lỗ Tấn. Điều này là do bối cảnh thời đại của hai nước và ý đồ sáng tạo nghệ thuật của hai nhà văn có điểm

khác nhau. Xã hội Việt Nam lúc bấy giờ đầy rẫy những điều bức bối mà Nam Cao thì chủ trương: “cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra mà đón lấy tất cả những vang động của đời…” [13; 168]. Nam Cao quan tâm nhiều đến hiện thực xã hội và hiện thực về số phận con người trong xã hội ấy nên nhà văn đứng ngay trong cuộc đời và đón nhận tất cả những gì cuộc đời mang đến rồi thể hiện vào trong tác phẩm bằng một giọng văn hết sức khách quan và tỉnh táo nhằm làm tăng giá trị tố cáo cho tác phẩm. Người kể chuyện khách quan trong truyện của Nam Cao khi cần bình luận cũng không ưa phát biểu dông dài như người kể chuyện khách quan trong truyện của Lỗ Tấn. Nam Cao cứ để cho câu chuyện hiện lên một cách tự nhiên, khách quan như những gì mà nó đang tồn tại. Ngược lại, dù xã hội Trung Quốc vốn dĩ cũng đầy rẫy sự mù mịt, tăm tối nhưng đó không phải là cái đích duy nhất mà Lỗ Tấn hướng đến. Thật ra, Lỗ Tấn không chủ yếu nhằm vào hiện thực xã hội và hiện thực về số phận con người, ông nhằm vào mục đích là lôi hết bệnh tật của người Trung Hoa đang được che giấu kĩ càng ra để chạy chữa. Xã hội và con người Trung Hoa mà Lỗ Tấn nhìn thấy không phải là sự thực vì nó đã được che giấu kín đáo. Thế nên, Lỗ Tấn không chủ yếu miêu tả lại hiện thực một cách khách quan, lạnh lùng mà chủ yếu ông nhìn hiện thực xã hội và con người Trung Hoa lúc bấy giờ dưới phương thức mỉa mai, châm biếm, hài hước.

Tuy nhiên, dẫu đã kìm nén sự yêu thương, sự đau xót trước cảnh con người rơi vào bi kịch nhưng ẩn đằng sau những trang văn gần như không một lời cảm thông, bênh vực ấy lại là một khoảng tâm tình trĩu nặng của hai nhà văn. Người đọc trong phút ngỡ ngàng ban đầu vẫn nhận ra được tấm lòng của hai con người vừa có nhân cách vừa có tài năng ấy. Đọc lướt tác phẩm của Nam Cao và Lỗ Tấn, người đọc có thể sẽ ngộ nhận Nam Cao và Lỗ Tấn có “trái tim sắt đá”, đang làm ngơ trước những con người bất hạnh, những hiện thực đắng cay. Nhưng thực ra, trái tim của Nam Cao và Lỗ Tấn không hề lạnh lùng cũng không hề sắt đá. Đằng sau cái giọng tự sự lạnh lùng là một trái tim nóng bỏng yêu thương, trân trọng con người và hết lòng vì con người. Xuyên suốt toàn bộ tác phẩm Chí Phèo

(Nam Cao) và AQ chính truyện (Lỗ Tấn), một cảm nhận bao trùm về lối trần thuật trong mỗi tác phẩm là: giọng điệu khách quan lạnh lùng nhưng vẫn chan chứa tình cảm thương xót của tác giả. Nam Cao kể về cuộc sống chân thực, trần trụi như nó vốn có: chuyện một thằng say rượu, chuyện đối nghịch nhau giữa các phe cánh, chuyện yêu đương của những kẻ gàn dở…Nhưng nhà văn kể không phải chỉ để kể, mà qua những câu chuyện tưởng như

vặt vãnh đời thường lại là chuyện về một chế độ xã hội mà ở đó nhân quyền không được tôn trọng, bị giẫm đạp, xúc phạm; con người bị đối xử như con vật. Lời trần thuật của người kể chuyện như một “ống kính” quay hình ảnh về những hành vi của “con quỷ dữ” làng Vũ Đại: rạch mặt, ăn vạ, cướp của, đốt quán, làm tay sai cho địa chủ với những việc làm bất lương…Lời trần thuật khách quan khiến người đọc có cảm giác ghê sợ, nhưng đó là cảm giác do ý đồ sáng tạo của nhà văn mang lại. Nhà văn muốn thể hiện tối đa sự căm ghét của mình đối với hiện thực xã hội đương thời. Xã hội ấy đã biến những con người hiền lành thành những tên tay sai đắc lực cho thế lực thống trị. Xã hội ấy đã đẩy con người vào bi kịch bị tha hóa, lưu manh hóa, biến chất. Nhưng dù sao đó cũng là những con người đáng thương hơn đáng giận.

Cũng phong cách đó, ta bắt gặp ở nhà văn Lỗ Tấn trong AQ chính truyện, khi tác giả kể về cuộc đời chú AQ sống vô nghĩa bằng những hành động và suy nghĩ ngớ ngẩn của mình, người kể chuyện dường như không có ý định bênh vực một chút gì cho con người của y: tên y, bộ dạng y, con người y, thân phận y, tính cách y…tất cả đều bộc lộ sự thảm hại. Nhưng đấy không phải là mục đích của ông. Với lối trần thuật khách quan, ông muốn phơi bày nhược điểm của con người và xã hội Trung Quốc. Ý đồ nghệ thuật đã giúp ông thành công khi sử dụng lối trần thuật khách quan, lạnh lùng nhưng ẩn chứa những yêu thương và căm giận bên trong. Dẫu sao, Lỗ Tấn cũng xuất phát từ tình yêu thương con người, muốn con người thoát khỏi những u mê, ảo tưởng để tiến đến một cuộc sống mà ở đó con người có thể sống tốt hơn, không thảm hại như AQ.

Tuy có sự tương đồng trong cách sử dụng giọng điệu trần thuật khách quan, lạnh lùng nhưng chan chứa tình yêu thương thì sắc thái của yếu tố trữ tình, của lòng thương cảm, xót xa mà hai nhà văn dành cho nhân vật của mình cũng không hoàn toàn như nhau. Điều này, trước hết là lẽ dĩ nhiên vì tình yêu thương của mỗi người dành cho con người xung quanh không thể nào hoàn toàn giống nhau. Nhưng mặt khác, sự khác nhau này còn do mục đích, ý đồ sáng tác và quan niệm nghệ thuật, cách nhìn về thế giới hiện thực và số phận con người của Nam Cao và Lỗ Tấn cũng có những khác biệt:

Nam Cao không đi vào một bức tranh xã hội rộng lớn với một căn bệnh tinh thần đã ăn sâu, bám rễ và phổ biến trong xã hội Trung Quốc như Lỗ Tấn mà chỉ đi vào một vùng, một miền nhỏ hẹp với những số phận con người đang quằn quại trong đau thương. Trong tác phẩm của Nam Cao, những cái riêng biệt, nhỏ bé, những thân phận con người cụ thể, riêng

lẻ được nhà văn mổ xẻ, lí giải sâu sắc nên có giá trị phổ quát lớn lao. Nam Cao chủ trương đi vào những tầng sâu nhất, những ngóc ngách kín đáo nhất của những số phận cá biệt rồi từ đó nâng lên tầm khái quát có tính nhân loại. Với Lỗ Tấn, điều mà ông quan tâm chủ yếu là căn bệnh tinh thần, tư tưởng chung của cả dân tộc Trung Hoa. Và tác phẩm của ông mổ xẻ nhằm chữa trị những căn bệnh ấy qua từng số phận con người cụ thể, xác thực.

Ngoài ra, xuất phát từ mục đích và quan niệm nghệ thuật về con người khác nhau nên sự yêu thương, trân trọng con người của Nam Cao và Lỗ Tấn cũng khác nhau. Văn chương đối với Lỗ Tấn là một vũ khí để cải tạo con người, cải tạo xã hội tiến tới giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước Trung Quốc. Sáng tác văn chương đối với Lỗ Tấn cũng là một sự chiến đấu. Dĩ nhiên, Lỗ Tấn cũng có lòng nhân đạo, yêu thương con người, muốn cứu con người thoát khỏi u mê, ảo tưởng nhưng mục đích chính trị, xã hội của Lỗ Tấn biểu hiện khá rõ rệt. Trong khi đó, Nam Cao lại hướng đến mục đích nhân đạo sâu sắc. Lỗ Tấn thương cảm, xót xa cho những con người bị u mê, còn Nam Cao lại thương cảm, xót xa cho những kiếp sống đang bị chà đạp, bị xô đẩy đến đường cùng. Nhân vật của Lỗ Tấn dường như đã bị triệt tiêu khả năng đấu tranh để vươn lên, còn nhân vật của Nam Cao thì phải luôn cựa quẫy, phải luôn đấu tranh để bứt thoát khỏi những bi kịch của số phận. Nếu nhân vật của Lỗ Tấn rơi vào bi kịch là do chính bản thân nhân vật bị u mê, ảo tưởng thì nhân vật của Nam Cao rơi vào bi kịch lại là do hoàn cảnh sống mang đến. Nhân vật của Nam Cao không bao giờ được đặt trên một mặt phẳng bình yên mà phải luôn va đập với hoàn cảnh sống; luôn khó khăn, luôn mâu thuẫn, dằn vặt, đấu tranh nội tâm gay gắt khi lựa chọn cho mình một hướng đi, một cách giải quyết. Và bao giờ cũng thế, để sống tốt hơn, sống đúng nghĩa hơn thì nhân vật của Nam Cao phải trả giá rất đắt, có khi là kết thúc cuộc sống của mình. Chính vì thế, nếu Lỗ Tấn trân trọng những nhân tố bên trong con người có khả năng làm cách mạng thì Nam Cao lại cố gắng tìm kiếm và trân trọng những “con người” bên trong những con người, những kiếp sống dường như không phải là con người.

Riêng ở mảng đề tài viết về người nông dân, Lỗ Tấn dù có gắn bó, gẫn gũi với nông thôn và người nông dân nhưng dẫu sao ông cũng là một người trí thức tư sản nên cái nhìn của Lỗ Tấn dường như chỉ là cái nhìn của người bên ngoài, chứng kiến được sự việc đang xảy ra với người nông dân và thương xót thay cho họ. Còn Nam Cao, cả cuộc đời vẫn chỉ là một người trí thức nghèo khổ. Cái gốc của ông là ở nông thôn, là một người nông dân nên những tình thương của ông dành cho người nông dân lại là tình thương của chính

người trong cuộc, tình thương của chính mình. Có lẽ vì thế mà sự thương cảm của ông dành cho người nông dân luôn tha thiết và đầy xót xa. Ông thương cho người nhưng thật ra cũng chính là đang thương cho mình.

Một phần của tài liệu đặc sắc bút pháp tự sự trong truyện ngắn của nam cao và lỗ tấn (Trang 97 - 102)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)