Ngôn ngữ đối thoạ

Một phần của tài liệu đặc sắc bút pháp tự sự trong truyện ngắn của nam cao và lỗ tấn (Trang 82 - 88)

CHƯƠNG 3: NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NAM CAO VÀ LỖ TẤN

3.1.2.1. Ngôn ngữ đối thoạ

Ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật trong truyện ngắn của Nam Cao và Lỗ Tấn là dạng ngôn ngữ cá tính hoá rất cao. Có nghĩa là, khi xây dựng ngôn ngữ đối thoại của nhân vật, Nam Cao và Lỗ Tấn không chỉ nhằm mục đích tái hiện lại các cuộc giao tiếp của nhân vật trong truyện, mà còn thể hiện được tính cách của nhân vật. Hai nhà văn đã sử dụng ngôn

ngữ cá tính hoá của nhân vật rất đặc sắc. Lời đối thoại của nhân vật cho ta thấy tính cách nhân vật hiện lên rất rõ ràng.

Chí Phèo (Chí Phèo – Nam Cao) lúc còn hầu hạ nhà chủ, hầu như không được tác giả không miêu tả một lời nói nào của nhân vật này. Điều đó đã phản ánh sự nhẫn nại, cam chịu của kiếp người nông dân nô lệ. Nhưng sự thay đổi tính cách của Chí sau khi ra tù đã bộc lộ rõ trong những lúc hắn cất tiếng ăn vạ, kêu làng, đốt nhà, cướp của, “con quỉ dữ”…Ngôn từ của người nông dân có phẩm chất hiền lành biến mất, thay vào đó là lời lẽ của kẻ lưu manh, côn đồ. Nhưng trước Bá Kiến, hắn vẫn bộc lộ bản chất nô lệ khi xưng hô rất tử tế. Đặc biệt, đoạn đối thoại giữa Bá Kiến và Chí Phèo cho thấy ngôn ngữ của Chí Phèo là ngôn ngữ của một kẻ hỗn láo, chuyên dọa dẫm nhưng có phần dễ thỏa hiệp:

“Bấy giờ cụ mới lại gần hắn, khẽ lay và gọi: - Anh Chí ơi! Sao lại làm ra thế này? (1)

Chí Phèo lim dim mắt rên lên:

- Tao chỉ liều chết với bố con nhà mày đấy thôi. Nhưng tao mà chết thì có thằng sạt nghiệp mà còn rũ tù chưa biết chừng. (2)

Cụ bá cười nhạt, nhưng tiếng cười giòn giã lắm; người ta bảo cụ hơn người cũng chỉ bởi cái cười.

- Cái nhà anh này nói mới hay! Ai làm gì anh mà phải chết? Đời người chứ có phải con ngóe đâu? Lại say rồi phải không? (3)

Rồi đổi giọng, cụ thân mật hỏi:

- Về bao giờ thế? Sao không vào tôi chơi? Đi vào nhà uống nước. (4) Thấy Chí Phèo không nhúc nhích, cụ tiếp luôn:

- Nào đứng lên đi. Cứ vào đây uống nước đã. Có cái gì, ta nói chuyện tử tế với nhau. Cần gì mà phải thanh động lên thế, người ngoài biết mang tiếng cả. (5)

Rồi vừa xốc Chí Phèo cụ vừa phàn nàn:

- Khổ quá! Giá tôi ở nhà thì đâu đến nỗi. Ta nói chuyện với nhau thế nào cũng xong. Người lớn cả, chỉ một câu chuyện với nhau là đủ. Chỉ tại thằng Lí Cường nóng tính không nghĩ trước nghĩ sau. Ai, chứ anh với nó còn có họ nữa cơ đấy. (6)

Chí Phèo chả biết họ hàng ra làm sao, nhưng cũng thấy lòng nguôi nguôi. Hắn cố làm ra vẻ nặng nề, ngồi lên. Cụ bá biết rằng mình đã thắng, đưa mắt nháy con một cái…” [13; 24,25].

Trong đoạn đối thoại này, có sáu lời thoại thì Chí Phèo chỉ nói đúng một lời (lời thoại số 2), năm lời còn lại (lời thoại số 1, 3, 4, 5, 6) đều là lời của nhân vật Bá Kiến. Rõ ràng, dù là người đi ăn vạ nhưng cuối cùng Chí Phèo hoàn toàn lại bị thua cuộc trước một Bá Kiến dày dạn, khôn ngoan. Trước cuộc đối thoại, mang tâm lí của kẻ đi dọa dẫm ăn vạ nhưng sau khi nghe những lời ngon ngọt của Bá Kiến, Chí Phèo đã đánh mất ý định và từ từ đánh mất nhân cách của mình; từ một kẻ mang nặng mối thù, Chí trở thành tay sai đắc lực của Bá Kiến. Ngoài ra, trong đoạn đối thoại này, Nam Cao còn xây dựng thành công ngôn ngữ đối thoại của Bá Kiến nhằm bộc lộ tính cách của nhân vật này. Đoạn đối thoại đã làm rõ chân dung của Bá Kiến: một tên cáo già tinh ranh, lọc lõi. Trong đoạn đối thoại, Bá Kiến nói hầu hết lời thoại. Mỗi lời thoại của hắn đều làm bật lên tính cách của một con người gian xảo, quỷ quyệt. Lời nói của Bá Kiến luôn tỏ ra thân mật, quan tâm tới Chí Phèo“Về bao giờ thế? Sao không vào tôi chơi?”; thậm chí để đạt được mục đích xoa dịu Chí Phèo, Bá Kiến lại ỡm ờ nói rằng giữa mình và Chí Phèo thân quen như người trong nhà “người ngoài biết, mang tiếng cả”, “Ai, chứ anh với nó còn có họ nữa cơ đấy”, hay có lúc Bá Kiến đưa Chí Phèo lên ngang hàng với mình “Người lớn cả…”. Ngôn ngữ của Bá Kiến là ngôn ngữ của một người có quyền thế lại rất mực tinh ranh, quát nạt hay dịu dàng cũng khiến người ta tuân phục. Ngôn ngữ đối thoại của Bá Kiến thể hiện rõ cái lọc lõi của một tên cáo già đầy thủ đoạn và kinh nghiệm trong việc hà hiếp, thống trị nông dân. Bá Kiến hiểu rất nhanh và rất chính xác cơ sự xảy ra. Lời nạt nộ quát tháo của Bá Kiến đối với Lí Cường (cùng với cử chỉ đưa mắt) càng bộc lộ rõ hơn bản chất nham hiểm của một tên “ngấm ngầm đẩy người ta xuống sông nhưng rồi lại dắt nó lên để nó đền ơn mình” [13; 30].

Trong AQ chính truyện, Lỗ Tấn cũng đặc biệt chú ý đến từng lời nói nhân vật, qua đó làm nổi rõ tính cách của họ. AQ lúc bị thua trước đối thủ mạnh, luôn giở giọng cầu hoà. Nhưng trước kẻ yếu đuối, hay với người cùng thân phận y lại lên giọng chửi bới rất khinh thị. Khi gặp tên Vương râu xồm – một người cũng chẳng hơn gì AQ thì AQ liền giở giọng là một kẻ chẳng biết sợ ai:

“- Đồ sâu róm! (1)

- Đồ chó ghẻ, mày mắng ai đấy! (…)

AQ đứng phắt dậy, hai tay chống nạnh.” [6; 127]. Rõ ràng, chỉ với hai câu nói (câu 1, 2) nhưng ta cũng thấy được tính cách khá ngang ngược của AQ. Vô cớ chửi người mà vẫn còn tỏ vẻ không sợ ai, ra vẻ thách thức khi bị người ta phản ứng. Thế nhưng, khi đứng trước “ông Tây” thì lời nói, thái độ và hành động của AQ thật đáng thương:

“- Cái gì? - Tôi…(1) - Ra ngay!

- Tôi định đầu hàng. (2) (…)

AQ đưa hai bàn tay lên che đầu rồi không kịp suy nghĩ chuồn thẳng.” [15; 162].

Còn Vú Ngò dù chỉ nói có hai câu nhưng đã bộc lộ rõ tính cách “ngồi lê đôi mách” của mình:

“- Cụ bà ấy mà, hai hôm nay không ăn một hột cơm nào đâu nhé! Chả là cụ ông muốn mua nàng hầu.

(…)

- Mà mợ Tú cũng đến tháng tám này thì ở cử đấy nhé!...” [15; 135].

Ngôn ngữ đối thoại trong các truyện ngắn của Nam Cao và Lỗ Tấn còn thể hiện được những trạng thái tâm lí của nhân vật. Trong truyện ngắn của Nam Cao, nhân vật thường xuyên đối thoại trực tiếp. Thông qua hàng loạt những đối thoại, Nam Cao đã làm bật lên tất cả những khía cạnh phức tạp trong tâm lí của nhân vật. Chí Phèo là một tên lưu manh, tâm lí của Chí là tâm lí của một tên tù tội trở về. Nhưng điều đáng nói là bản thân Chí Phèo cũng ý thức được điều đó. Hơn ai hết, Chí Phèo hiểu rằng chính Bá Kiến là người đã đẩy y vào tù. Với Chí Phèo, việc hắn ăn vạ Bá Kiến với tâm lí muốn đòi lại những gì oan ức mình phải gánh chịu bao năm là điều bất tất phải bàn cãi. Tuy nhiên, tâm lí của một người nông dân muốn được làm người thật sự dù đã từng bị bần cùng hóa, lưu manh hóa của Chí Phèo được thể hiện rõ ràng nhất trong lời đối thoại của Chí Phèo với Bá Kiến ở cuối truyện: “Tao muốn làm người lương thiện!...Ai cho tao lương thiện…Tao không thể là người lương thiện được nữa” [13; 50, 51]. Tiếng nói cuối cùng của Chí Phèo là tiếng kêu thảm thiết, muốn được làm người nhưng cuối cùng vẫn bị cự tuyệt. Tiếng kêu ấy là tâm lí của một người đang ở vào thời điểm tuyệt vọng nhất của

đời mình. Sau tiếng kêu ấy, con người chỉ có thể đi tìm cái chết để kết thúc sự tuyệt vọng của mình và để kết thúc một kiếp ngườinhưng không phải là người của Chí Phèo.

Khi cuộc sống đầy những lo toan, bức xúc hàng ngày vì cái đói, cái ăn thì người ta không thể nghĩ được những điều sáng sủa hơn, bình tĩnh hơn. Chẳng hạn trong Giăng sáng (Nam Cao):

“Hắn quắc mắt lên và nghiến răng: - Im ngay! Câm cái mồm. (1) - Câm…Câm cái gì! (…) - (…)

- Cho nó chết! Cho nó chết! Sống làm gì nữa? Nay ốm mai đau thì chết đi cũng phải!...Sống lắm thì cũng chỉ khổ và làm người ta khổ thôi, được gì? Chết đi! Mày chết đi” (2) [13; 380]. Những lời lẽ tàn nhẫn và độc ác (câu 1, 2) dường như đã trút bỏ được hết những bực bội, tức tối trong người, “Điền thấy hả giận”. Ngôn ngữ đối thoại ở đây không chỉ thể hiện tính cách nóng nảy, thiếu tự chủ của người trí thức tiểu tư sản nghèo, mà còn giải tỏa những chất chứa, dồn nén trong tâm trạng do đời sống bí bách thường nhật đè bẹp.

Trong truyện Li hôn của Lỗ Tấn, khi đọc đến những lời thoại của cô Ái, người đọc dễ dàng nhận ra sự thay đổi tâm lí của cô Ái từ trước, trong và sau cuộc gặp gỡ với cụ Lớn Thất. Trước cuộc gặp gỡ, cô Ái với tâm lí giận dữ và niềm tin vào sự công bằng của cụ Lớn Thất nên cô ta nói rất mạnh mẽ: “Anh Tam ạ! Tôi cũng không muốn về bên đó làm gì. Anh nghĩ xem, thằng chó ấy nó mê một con đàn bà góa, thế là nó bỏ tôi. Tưởng dễ lắm đấy! Rồi thằng bố nó cũng chỉ biết về hùa với thằng con, cũng ghét tôi. Dễ thật! Còn ông Lớn Thất? Lẽ nào ông ta chơi than với ông huyện thì không kể gì lẽ phải nữa hay sao? Chắc ông ta không thể như cụ Úy, chỉ nói: “Thôi, về đi thôi mà!”. Tôi sẽ nói cho ông ta biết những nỗi đau khổ tôi phải chịu bao nhiêu năm trời nay để xem ông ta nói ai phải, ai trái.” [15; 360]. Nhưng khi thấy cụ Lớn Thất có vẻ không hài lòng, cô Ái lại tỏ ra sợ sệt, ăn nói khẽ khàng hơn: “Cháu vẫn đến đây là để nghe lời cụ dạy” [15; 368]. Và cuối cùng là hoàn toàn tuân phục theo những lời của cụ Lớn Thất. Từ lời đối thoại của cô Ái, người đọc dễ dàng nhận ra sự thay đổi tâm lí rõ rệt của cô trước và trong cuộc gặp gỡ với cụ Lớn Thất.

Ngôn ngữ bình dị đời thường đi vào tác phẩm Nam Cao và Lỗ Tấn đã được nâng lên thành ngôn ngữ nghệ thuật. Nó khắc họa được tính cách, tâm lí của nhân vật, lôi cuốn người đọc từ đầu đến cuối tác phẩm.

Ngoài ra, ngôn ngữ đối thoại còn thể hiện quan niệm về cuộc sống, về con người của hai nhà văn thông qua nhân vật. Dù là người nông dân hay trí thức, nhân vật của Nam Cao bao giờ cũng cố gắng tìm đến cho mình một chiều sâu nhất định. Hay nói như Nguyễn Đăng Mạnh thì đó là những con người “hay triết lí, thích khái quát” [57; 80]. Thông qua ngôn ngữ đối thoại của mình, nhân vật bộc lộ quan niệm về con người, về cuộc đời, về cuộc sống. Ngôn ngữ đối thoại trong các truyện ngắn của Nam Cao nhuốm màu sắc triết lí về cuộc sống. Đôi khi chỉ là một câu nói bình thường nhưng lại có ý nghĩa sâu sắc khiến người đọc phải nghĩ suy: “Có phải không anh Hiệp? Khi người ta phải bán những cái vuốt ve để sống…Tôi có lạ gì chuyện ấy? Nhưng tôi thích lấy y thì cứ lấy. Cái quá khứ của y chỉ có mình y có quyền quan tâm đến. Đó là một lẽ. Lẽ thứ hai, là một cô gái giang hồ với một người đàn bà lương thiện không khác nhau là mấy. Chỉ có những hoàn cảnh khác. Hoàn cảnh đổi rất có thể là người đổi, tâm tính đổi” [13; 208]. Đó là quan niệm của nhân vật trong truyện Sao lại thế này? (Nam Cao) đã được xây dựng trên nền tảng của niềm tin yêu nhân ái, vị tha, cao thượng.

Con người sống sao cho có ích – đó là khát vọng lớn nhất về con người mà Nam Cao đã gửi gắm qua nhân vật của mình. Nhưng thật khó sống được như thế trong một xã hội đầy rẫy những điều trái khoáy, khi sự đói khát, lo âu làm con người trở nên “dúm dó”, khi tội ác của chế độ còn hằn sâu trên gương mặt những con người khốn khổ. Nhân vật của Nam Cao quằn quại khi đi tìm cánh cửa trở về làm người:

“ – Tao muốn làm người lương thiện! (…)

– Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa…” [13; 51]. Những lời đối thoại của Chí Phèo là cả một quan niệm, một triết lí về nhân cách con người, là mong muốn được sống một cuộc sống đích thực của con người.

Trong các truyện ngắn của Lỗ Tấn, thông qua những lời đối thoại của các nhân vật, ta cũng thấy được những quan niệm của nhà văn về cuộc sống, về xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ. Trong Nhật kí người điên, lời đối thoại của nhân vật tôi trong truyện nói với

anh trai mình hoàn toàn không phải là lời của một người điên đang nói một cách không ý thức. Ngược lại, người điên lại chính là người tỉnh táo hơn ai hết, anh ta chính là người nhận thức rõ hơn người khác về xã hội “người ăn thịt người” của Trung Quốc lúc bấy giờ. Lời đối thoại của anh ta với anh mình thể hiện triết lí, quan niệm của anh ta về những con người “ăn thịt người”: “Chỉ có điều này thôi, nhưng khó nói quá. Anh này, có lẽ xưa kia, khi con người còn man rợ, họ đã từng ăn thịt người. Nhưng rồi về sau, tâm tư thay đổi, có kẻ không ăn nữa, muốn trở nên tốt, nên họ trở thành người, trở thành những người chân chính. Có kẻ vẫn ăn…Cũng như sâu bọ, có thứ biến thành chim, cá, khỉ, và cuối cùng biến thành người. Có kẻ không muốn trở nên tốt, đến nay vẫn là sâu bọ. Kẻ ăn thịt người so với kẻ không ăn thịt người, xấu hổ biết mấy! Sợ còn xấu hổ hơn sâu bọ so với khỉ nhiều nhiều lắm” [15; 48, 49]. Rõ ràng, dù bị xem là người điên nhưng anh ta vẫn rất sắc bén trong từng lời nói của mình để thể hiện quan niệm, cái nhìn khinh bỉ của mình đối với những con người “ăn thịt người”. Và người điên lại chính là người tỉnh táo hơn bao giờ hết khi cho rằng: “Chỉ cần bước một bước thôi, chỉ cần bỏ ngay cái thói ấy đi thì ai nấy đều được yên ổn, thái bình. Đành rằng xưa nay vẫn thế, nhưng bây giờ chúng ta có thể tốt với nhau hơn. Không được ư?” [15; 49]. Lời đối thoại của người điên cho ta thấy anh ta hoàn toàn không điên, anh ta bị xem là điên bởi vì sự nhận thức sớm của mình về xã hội Trung Quốc. Lời nói đó thể hiện rõ ràng quan niệm của anh ta về vấn đề cải tạo xã hội. Làm sao anh ta có thể điên khi chỉ ra cách làm con người sống yên ổn, thái bình hơn là hãy xóa bỏ cái thói ấy – cái thói “ăn thịt người” đã tồn tại hàng nghìn năm của Trung Quốc!

Một phần của tài liệu đặc sắc bút pháp tự sự trong truyện ngắn của nam cao và lỗ tấn (Trang 82 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)