Điểm nhìn trần thuật trong truyện ngắn

Một phần của tài liệu đặc sắc bút pháp tự sự trong truyện ngắn của nam cao và lỗ tấn (Trang 46 - 52)

CHƯƠNG 2: ĐIỂM NHÌN TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NAM CAO VÀ LỖ TẤN

2.1. Điểm nhìn trần thuật trong truyện ngắn

2.1.1. Khái niệm

Trần thuật là một nội dung cơ bản của nghệ thuật tự sự bao gồm các phương diện như: người trần thuật (người kể chuyện), ngôi kể và điểm nhìn trần thuật, giọng điệu trần thuật, ngôn ngữ trần thuật…Trong các truyện ngắn của Nam Cao và Lỗ Tấn, điểm nhìn trần thuật được sử dụng một cách linh hoạt, sáng tạo và có hiệu quả trong quá trình sáng tác văn chương.

Mỗi văn bản tự sự đều có một người đóng vai người kể chuyện để kể lại câu chuyện diễn ra ở đâu, vào lúc nào, như thế nào, có những nhân vật nào tham gia vào câu chuyện. Người kể chuyện đó kể chuyện gì và kể như thế nào sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công của truyện kể. Do vậy, vị trí và xuất phát điểm mà từ đó sự kiện được quan sát, được cảm nhận và được kể lại là rất quan trọng. Đó là “điểm nhìn” theo cách hiểu thông dụng nhất.

Từ lâu, thuật ngữ “điểm nhìn” đã trở nên quen thuộc trong nghiên cứu văn học nói chung và nghiên cứu tự sự học nói riêng. Điểm nhìn là một trong những phương thức tồn tại của tác phẩm, là sợi dây liên kết, quán xuyến toàn bộ các thành tố cấu tạo nên văn bản nghệ thuật, và có vai trò quan trọng trong việc tạo nên tư tưởng, chủ đề của tác phẩm. Trong truyện ngắn và tiểu thuyết hiện đại, việc tổ chức điểm nhìn trần thuật là hết sức quan trọng. Không thể hiểu được sâu sắc tác phẩm văn học nếu ta không tìm hiểu điểm nhìn trần thuật, bởi lẽ, để miêu tả, trần thuật, nhà văn buộc phải xác định, lựa chọn điểm nhìn hợp lý. Trong tác phẩm, việc tổ chức điểm nhìn trần thuật bao giờ cũng cần tính sáng tạo cao độ. Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp, giá trị của tác phẩm bắt đầu từ việc nhà văn mang đến cho người đọc một cái nhìn mới về cuộc đời. Do vậy, việc chọn một điểm nhìn thích hợp để người kể chuyện kể câu chuyện là một trong những trăn trở đối với nhà văn khi sáng tạo nghệ thuật. Mặt khác, thông qua điểm nhìn trần thuật, người đọc có dịp đi sâu tìm hiểu cấu trúc tác phẩm và nhận ra đặc điểm phong cách của nhà văn. Bởi vậy, điểm nhìn trần thuật luôn góp phần đáng kể vào sự thành

công của tác phẩm, qua đó thể hiện sự sáng tạo của nhà văn trên hành trình lao động nghệ thuật đầy nhọc nhằn của mình.

Điểm nhìn trong truyện ngắn không đơn thuần là vị trí quan sát và kể, mà quan trọng hơn, nó là một phần cốt yếu trong tư tưởng và tư duy nghệ thuật của người nghệ sĩ. Trong quá trình sáng tác văn học, nhà văn phải tìm cho mình một điểm nhìn để từ vị trí đó “người trần thuật nhìn ra và miêu tả sự vật trong tác phẩm” [72; 113]. Nhà điện ảnh Xô Viết – Pudovkin ví: việc “Xác định điểm nhìn để tái hiện đời sống như mở một con đường đi vào rừng rậm. Xác định đúng tạo cho người đi cái thế nhìn sâu trông xa, đưa họ đến các điểm nhận thức và cảm thụ mà nhà văn muốn đạt đến” [54; 310].

Đã từ lâu, nhiều nhà nghiên cứu văn học quan tâm đến vấn đề tổ chức điểm nhìn trần thuật trong các tác phẩm văn chương. Theo Trần Đình Sử, vấn đề điểm nhìn trần thuật trong tác phẩm tự sự đã được các nhà nghiên cứu bàn đến từ đầu thế kỉ XIX, người đề xuất đầu tiên là nhà văn Anna Barbauld. Đến cuối thế kỉ XIX, vấn đề này được Henry James và F.Schlegel trình bày cụ thể hơn. Sang khoảng đầu thế kỉ XX, hàng loạt các nhà nghiên cứu như: K.Frideman (1910), Percy Lubbock (1921) và E.M. Poster (1927) lại tiếp tục đề cập đến vấn đề điểm nhìn trong tiểu thuyết hiện đại. Từ những năm hai mươi trở đi, vấn đề điểm nhìn trong văn bản tự sự trở thành một trong những tiêu điểm của nghiên cứu văn học. Tuy nhiên, quan niệm của các nhà nghiên cứu không hoàn toàn đồng nhất nhau về vấn đề này. Chúng tôi xin trình bày một vài quan niệm như sau:

Pospelov trong Dẫn luận nghiên cứu văn học xem điểm nhìn là một vấn đề quan trọng trong văn bản tự sự. Ông nhấn mạnh: “Trong tác phẩm tự sự, điều quan trọng là tương quan giữa các nhân vật với chủ thể trần thuật, hay, nói cách khác, điểm nhìn của người trần thuật đối với những gì mà anh ta miêu tả” [103; 90].

Theo M.H. Abrahams trong Từ điển thuật ngữ văn học - A Glossary of Literature terms, điểm nhìn chỉ ra “những cách thức mà một câu chuyện được kể đến - một hay nhiều phương thức được thiết lập bởi tác giả bằng ý nghĩa mà độc giả được giới thiệu với những cá tính, đối thoại, những hành động, sự sắp đặt và những sự kiện mà trần thuật cấu thành trong một tác phẩm hư cấu” [3; 1].

Percy Lubbock đã chỉ ra mối quan hệ giữa người kể chuyện và điểm nhìn: “Tôi cho rằng toàn bộ vấn đề rắc rối về phương pháp nghệ thuật sáng tác phụ thuộc vào vấn đề điểm nhìn – vấn đề thái độ của người kể chuyện đối với việc trần thuật” [70; 118].

Trong Lí luận văn học, Phương Lựu cho rằng: “Nghệ sĩ không thể miêu tả, trần thuật các sự kiện đời sống được, nếu không xác định cho mình một điểm nhìn đối với các sự vật hiện tượng: nhìn từ góc độ nào, xa hoặc gần, cao hay thấp, từ bên trong ra hay từ bên ngoài vào…Điểm nhìn trần thuật là một trong những yếu tố hàng đầu của sáng tạo nghệ thuật” [62; 310].

Nguyễn Thái Hòa trong Những vấn đề thi pháp của truyện cũng đã chú trọng đến vấn đề điểm nhìn. Với nhà nghiên cứu, điểm nhìn: “không phải là lập trường chính trị xã hội mà là tọa độ thời gian được lựa chọn cho hoạt động kể chuyện, phát triển nội dung, sắp xếp bố cục, hư cấu thành truyện” [37; 122].

Trần Đình Sử trong Dẫn luận Thi pháp học cho rằng: “Điểm nhìn văn bản là phương thức phát ngôn trình bày, miêu tả phù hợp với cách nhìn, cách cảm thụ thế giới của tác giả”“Khái niệm điểm nhìn mang tính ẩn dụ, bao gồm mọi nhận thức, đánh giá, cảm thụ của chủ thể đối với thế giới. Nó là cái vị trí dùng để quan sát, cảm nhận, đánh giá, bao gồm cả khoảng cách giữa khách thể và chủ thể, cả phương diện vật lí, tâm lí, văn hóa” [69; 149]. Ông đã đề xuất một khái niệm về điểm nhìn: “Điểm nhìn trần thuật không chỉ là điểm nhìn thuần túy quang học như khái niệm tiêu cự, tụ điểm mà nó còn mang nội dung, quan điểm, lập trường tư tưởng, tâm lí của con người” [69; 182].

Như vậy, cơ bản các ý kiến của các nhà nghiên cứu đều chỉ ra một đặc điểm mang tính chất chức năng của điểm nhìn là nó thể hiện vị trí và quan điểm, thái độ của chủ thể trần thuật đối với việc trần thuật. Nói cách khác, điểm nhìn là phương thức miêu tả, trình bày, là cách nhìn, cách cảm thụ của người trần thuật về câu chuyện được kể. Có thể thấy điểm nhìn trần thuật là: “một trong những yếu tố hàng đầu của sáng tạo nghệ thuật”

[54; 310]. Văn học là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, để phản ánh được thế giới ấy, nhà văn không thể không chọn cho mình một điểm nhìn. Điểm nhìn là yếu tố thể hiện tư duy, chiều sâu tư tưởng, sự nhạy bén của người nghệ sĩ trước cuộc sống. Điểm nhìn trần thuật trong tác phẩm văn học không phải là điểm nhìn thuần túy quang học mà là một kiểu dạng tư duy nghệ thuật của nhà văn mang một nội dung thẩm mĩ và mang quan điểm, lập trường, tư tưởng. Nó là điểm tựa, là chỗ đứng là nhà văn lựa chọn khi trần thuật. Nghiên cứu điểm nhìn nghệ thuật là điều cần thiết không thể thiếu khi phân tích cấu trúc nội tại của tác phẩm, cũng như phân tích cách cảm thụ, miêu tả và thái độ,

tư tưởng của tác giả trong tác phẩm. Đó là con đường tiếp cận, nắm bắt vẻ đẹp và chiều sâu giá trị của tác phẩm tự sự.

2.1.2. Phân loại

Đến nay, sự phân loại điểm nhìn trần thuật vẫn còn một số điểm chưa thống nhất. Sau đây là một số cách phân loại điểm nhìn trần thuật trong tác phẩm tự sự:

Theo cuốn Lí luận văn học (Phương Lựu chủ biên), điểm nhìn trần thuật được phân chia trên hai bình diện:

Xét về bình diện trường nhìn, điểm nhìn trần thuật gồm hai loại:

- Điểm nhìn tác giả: người trần thuật đứng ngoài câu chuyện để quan sát câu chuyện. Kiểu trần thuật này mang tính khách quan tối đa cho lời trần thuật.

- Điểm nhìn nhân vật: người trần thuật nhìn sự vật, hiện tượng theo quan điểm của một nhân vật trong tác phẩm. Trần thuật theo điểm nhìn nhân vật mang đậm sắc thái tâm lí, chất trữ tình hoặc châm biếm do sự chi phối trực tiếp bởi địa vị, hiểu biết, lập trường của nhân vật.

Xét về bình diện tâm lí, điểm nhìn trần thuật gồm hai loại:

- Điểm nhìn bên ngoài: chủ thể trần thuật giữ cái nhìn khách quan từ vị trí bên ngoài có khoảng cách nhất định với đối tượng trần thuật.

- Điểm nhìn bên trong: người trần thuật nhìn thấy đối tượng qua lăng kính của một tâm trạng cụ thể, dễ dàng tái hiện diễn biến trong tâm hồn nhân vật.

Các tác giả cuốn Nhập môn văn họcchia điểm nhìn trần thuật thành 5 loại:

- Trần thuật khách quan: người trần thuật lẩn đi, không nhập cảm vào ý thức của một nhân vật nào, chỉ ghi lại những sự kiện một cách khách quan.

- Trần thuật thông suốt tất cả: người kể dường như biết tất cả về đời sống nội tâm và hoạt động của mọi nhân vật trong tác phẩm.

- Trần thuật thông suốt tất cả có lựa chọn: người kể chỉ “biết hết tất cả” với một vài nhân vật. Những nhân vật khác được miêu tả qua ấn tượng của nhân vật được lựa chọn. -Trần thuật tham dự: người trần thuật tham dự vào truyện như là một nhân vật, khoảng cách giữa người trần thuật và nhân vật được rút ngắn tới mức thấp nhất.

- Trần thuật không tham dự: người kể lẩn đi, lời kể hầu như chỉ còn sự kiện, tình tiết. Khoảng cách giữa người trần thuật và nhân vật là lớn nhất.

Theo Pospelov, điểm nhìn trần thuật được chia thành hai loại:

- Trần thuật khách quan: khi có khoảng cách nhất định giữa nhân vật và người trần thuật. Loại trần thuật này thường gặp nhiều trong các tác phẩm tự sự truyền thống.

- Trần thuật chủ quan: người trần thuật nhìn thế giới theo con mắt của một nhân vật, thâm nhập vào suy nghĩ và ấn tượng của người ấy. Khoảng cách giữa người trần thuật và đối tượng được trần thuật bị thủ tiêu. Điểm nhìn từ hai phía được thâm nhập lại thành một.

Theo Trần Đình Sử, điểm nhìn trần thuật được chia thành 5 loại:

- Điểm nhìn của người trần thuật – tác giả hay nhân vật trần thuật, của nhân vật. - Điểm nhìn không gian, thời gian.

- Điểm nhìn bên trong, bên ngoài. - Điểm nhìn đánh giá tư tưởng, cảm xúc. - Điểm nhìn ngôn từ.

Dựa trên lí thuyết về điểm nhìn nghệ thuật của R.S. Choles và R.Kellogg, Cao Kim Lan chia điểm nhìn trần thuật thành 3 loại:

- Điểm nhìn của người kể chuyện toàn tri: người kể thông suốt mọi sự, và được quyền không chỉ miêu tả sự việc như anh ta đã thiết lập mà còn có thể bình luận về chúng để khái quát hóa và để kể với người đọc những suy nghĩ về sự kiện đã xảy ra.

- Điểm nhìn của người kể chuyện ngôi thứ ba: người kể chuyện có đầy đủ quyền năng trên khắp trường nhìn của anh ta, miêu tả và thuật lại cho độc giả những gì mình nghe thấy, nhìn thấy với tư cách nhân chứng.

- Điểm nhìn của người kể chuyện ngôi thứ nhất: người trần thuật là một nhân vật trong truyện, thường xưng “tôi” để kể lại câu chuyện hoặc miêu tả tâm trạng của mình hoặc của các nhân vật khác.

Trong sách Lí luận văn học – Mấy vấn đề cần suy nghĩ (Nguyễn Văn Hạnh, Huỳnh Như Phương), điểm nhìn trần thuật được chia thành 3 loại:

- Trần thuật khách quan: sự trần thuật được tiến hành từ điểm nhìn của một người quan sát đứng bên ngoài đối tượng. Chủ thể trần thuật kể lại tất cả những gì anh ta chứng kiến. Anh ta chỉ kể lại những điều đã chứng kiến hoặc trực tiếp cảm thấy, nghe thấy. Qua đó, chúng ta thấy được tính khách quan rõ nét, không mang sắc thái tâm lí riêng của nhân vật. Ở điểm nhìn này, chủ thể trần thuật ở ngôi thứ ba.

- Trần thuật chủ quan: sự trần thuật được tiến hành từ điểm nhìn của một nhân vật. Bằng cái nhìn “nhân vật hóa”, người trần thuật vừa tái hiện lại thế giới, diễn biến các sự việc, sự kiện, môi trường, vừa có khả năng đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật. Ở điểm nhìn này, người trần thuật đồng thời cũng là một nhân vật trong tác phẩm, đứng ở ngôi thứ nhất và tái hiện lại những gì mà bản thân nhân vật đã trải qua.

- Trần thuật theo phương thức liên chủ quan: Sự trần thuật được tiến hành từ điểm nhìn bên trong của nhân vật nhưng không thuần nhất nhân vật nào mà đan cài, xen kẽ giữa các nhân vật. Điểm nhìn của các nhân vật chồng chéo lên nhau, hòa trộn với nhau tạo nên một hợp thể phức điệu của các điểm nhìn trong toàn bộ tác phẩm và trong từng hoạt động của nhân vật.

Theo Thái Phan Vàng Anh, có ba kiểu nhìn (gắn với ba kiểu điểm nhìn) phổ biến ở người kể chuyện:

- Nhìn “từ đằng sau” (gắn với điểm nhìn toàn tri): khingười kể chuyện có vai trò toàn năng với cái nhìn thông suốt tất cả.

- Nhìn “từ bên trong” (gắn với điểm nhìn bên trong): khi người kể chuyện là nhân vật. Điểm nhìn bên trong thường thể hiện qua độc thoại nội tâm của nhân vật.

- Nhìn “từ bên ngoài” (gắn với điểm nhìn bên ngoài): Đây là điểm nhìn của người kể chuyện khi anh ta đứng ngoài, chỉ kể “chuyện” chứ không hiểu rõ tâm lí nhân vật. Đây cũng là điểm nhìn từ các nhân vật khác.

Qua khảo sát, chúng ta thấy mỗi nhà nghiên cứu đã tìm tòi và khai thác các vấn đề của điểm nhìn trần thuật theo những phương cách riêng. Nhưng nhìn chung, khái niệm điểm nhìn trần thuật thường được nghiên cứu đi kèm với khái niệm ngôi kể (ngôi trần thuật) của người kể chuyện (người trần thuật). Hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu văn học đồng ý với cách phân loại căn cứ vào ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba của người kể chuyện, điểm nhìn trần thuật được chia thành hai kiểu: điểm nhìn trần thuật bên ngoài (điểm nhìn trần thuật khách quan ở ngôi thứ ba của người kể chuyện hàm ẩn) và điểm nhìn trần thuật bên trong (điểm nhìn trần thuật chủ quan ở ngôi thứ nhất của người kể chuyện xưng “tôi”). Kiểu điểm nhìn trần thuật bên ngoài thường được sử dụng trong các truyện kể truyền thống với người kể chuyện là người “biết tất” và kể lại câu chuyện một cách khách quan. Dù người kể chuyện không xuất hiện nhưng trước sau câu chuyện vẫn được kể lại từ một cái nhìn xuyên suốt. Người kể chuyện

này luôn luôn đứng cao hơn nhân vật. Còn kiểu điểm nhìn trần thuật bên trong là kiểu điểm nhìn trong các truyện kể hiện đại với người kể chuyện được lộ diện ở ngôi thứ nhất đồng thời là nhân vật. Do vậy, người kể chuyện và nhân vật ngang bằng nhau, trùng khít nhau. Tuy nhiên, trong thực tế sáng tác, đặc biệt là các sáng tác hiện đại và đương đại, thay vì sử dụng một loại điểm nhìn từ đầu đến cuối tác phẩm thì các nhà văn đã sử dụng nhiều điểm nhìn tức là di chuyển linh hoạt, đan xen các kiểu điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn bên trong, điểm nhìn của người kể chuyện và điểm nhìn của các nhân vật tạo nên tính chất đa thanh, phức điệu cho tác phẩm. Với kiểu điểm nhìn này, nhà văn bắt buộc phải sử dụng đến nhiều ngôi kể trong cùng một tác phẩm

Một phần của tài liệu đặc sắc bút pháp tự sự trong truyện ngắn của nam cao và lỗ tấn (Trang 46 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)