Những thay đổi chiến lược từ thị trường ngành dịch vụ viễn thông

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ phát triển chiến lược marketing dịch vụ thông tin giải trí thương mại 1900 của tập đoàn bưu chính viễn thông việt nam (VNPT) (Trang 33 - 35)

a. Những thay đổi về cung và cầu thị trường ngành

Xu hướng tự do hóa thị trường và hội nhập viễn thông: Xu hướng này đang diễn ra mạng mẽ ở nhiều quốc gia, nhằm thích ứng với sự phát triển nhanh về công nghệ, dịch vụ làm tăng hiệu quả phát triển viễn thông. Sự tham gia của tư nhân trong phát triển bưu chính viễn thông ngày càng rõ nét và chiếm tỷ trọng lớn. Đối với nước ta, Nhà nước đã có chính sách mở cửa thị truờng viễn thông và tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực viễn thông. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm cơ hội tiếp cận các công nghệ tiên tiến và được thử sức trên đấu trường quốc tế, một sân chơi rộng và bình đẳng hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp cũng phải chịu thêm sức ép cạnh tranh khá lớn không chỉ giữa các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam mà hơn nữa là với các tập đoàn viễn thông lớn trên thế giới.

Sự áp đảo của di động so với cố định: Xu hướng áp đảo của điện thoại di động so với cố định được thể hiện qua sự phát triển ngày càng nhanh chóng số lượng các thuê bao di động. Nếu như năm 1993 toàn thế giới có 600 triệu thuê bao cố định và

chưa đến 50 triệu thuê bao di động thì mười năm sau, năm 2003 có 1,2 tỷ thuê bao cố định và gần 1,3 tỷ thuê bao di động. Đối với Việt Nam, năm 2011, tổng số thuê bao di động đã đã gấp 4 lần số thuê bao cố định.

Xu hướng hội tụ giữ tin học - viễn thông - truyền thông: Xu hướng này xuất phát từ những tiến bộ vượt bậc về khoa học trong lĩnh vực tin học, viễn thông và truyền thông. Sự kết hợp giữa các lĩnh vực này mang lại sự tiện lợi cho khách hàng khi sử dụng nhiều dịch vụ khác nhau thông qua một thiết bị đầu cuối duy nhất, tạo ra các dịch vụ lai ghép thoả mãn tối đa nhu cầu rất đa dạng của khách hàng và nâng cao hiệu quả kinh tế khi tận dụng khai thác được cơ sở hạ tầng của nhau. Mạng viễn thông Việt Nam hiện nay tương đối hiện đại nhưng vẫn dùng hệ thống chuyển mạch kênh. Trong tương lai sẽ chuyển sang mạng chuyển mạch gói, những công nghệ mới này chủ yếu dựa trên nền công nghệ thông tin. Giá đầu tư cũng như giá cước dịch vụ sẽ rẻ hơn nhiều.

Như vậy, các nhân tố trên đây có vị trí khác nhau đối với việc tăng giảm lợi nhuận, nhưng giữa chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Mỗi nhân tố trên đều bao gồm các mặt kinh tế, xã hội, tổ chức, kỹ thuật,…nhất định mà mỗi doanh nghiệp cần nhận biết để phân tích đầy đủ sự tác động của nó đến lợi nhuận và tìm ra biện pháp thích hợp nhằm tạo ra những tác động tích cực làm tăng lợi nhuận

b. Các đối thủ cạnh tranh

Sự cạnh tranh trong viễn thông đang diễn ra gay gắt, trên một quy mô rộng: cạnh tranh về mạng lưới khai thác, về các loại hình dịch vụ cung cấp, về chất lượng dịch vụ, về giá cước dịch vụ, về công nghệ; cạnh tranh trên thị trường các nguồn lực,…Từ chỗ chỉ cạnh tranh với các doanh nghiệp viễn thông trong nước, tiến tới phải cạnh tranh với các doanh nghiệp liên doanh, với các doanh nghiệp nước ngoài. Từ chỗ chỉ cạnh tranh một số dịch vụ tới cạnh tranh nhiều loại dịch vụ viễn thông. Hiện nay trên thị trường viễn thông Việt Nam có các doanh nghiệp cùng kinh doanh những loại hình dịch vụ sau:

• Cung cấp hạ tầng viễn thông và kinh doanh mạng: có 6 doanh nghiệp là Công ty Viễn thông liên tỉnh (đơn vị thành viên của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT), Công ty cổ phần dịch vụ bưu chính viễn thông Gài Gòn SPT, Tập đoàn Viễn thông quân đội- Viettel, Công ty cổ phần viễn thông Hà Nội- HTC, Công ty viễn thông Hàng hải- Vishipel.

• Cung cấp dịch vụ viễn thông di động: có sáu doanh nghiệp với các thương hiệu đã xuất hiện trên thị trường viễn thông Việt Nam là Mobifone 090, Vinaphone 091, S-fone 095, Viettel Mobile 098, Gtel 099, HTC 098

• Cung cấp dịch vụ 1800, 1900: có 4 doanh nghiệp là VTN/VNPT, Viettel, FPT, SPT.

Trong thời gian tới, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nước ngoài sẽ được phép thành lập liên doanh với các đối tác được phép cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ viễn thông trong thời gian vừa qua đã và trong tương lai gần sẽ phải đối đầu với hai xu thế:

• Cạnh tranh giữa các công ty thuần nhất về vốn và quản lý là trong nước. • Cạnh tranh giữa các Công ty có sở hữu nước ngoài.

Lợi thế của những doanh nghiệp ra đời sau là được tự do lựa chọn và thừa hưởng những thành quả của người đi trước, vì vậy, các doanh nghiệp viễn thông ra đời sau với bộ máy gọn nhẹ hơn, thị trường được phép lựa chọn, đồng thời lại được thừa hưởng những ưu đãi theo phương thức giá cả sẽ tạo ra sức cạnh tranh cực kỳ lớn đối với những doanh nghiệp đã cung cấp dịch vụ trước đây.

Cùng với sự cạnh tranh giữa các đối thủ viễn thông còn xuất hiện sự cạnh tranh về loại hình sản phẩm dịch vụ viễn thông, cạnh tranh về công nghệ, về khả năng thu hút đầu tư, về giá cước viễn thông,…Áp lực cạnh tranh còn từ phía khách hàng, khách hàng ngày càng có yêu cầu cao về giảm giá cước, về các loại hình dịch vụ với chất lượng cao, về phương thức thanh toán,…Áp lực từ các dịch vụ thay thế như: di động, cố định, thoại qua Internet, VoIP, cố định không dây,…

Các doanh nghiệp mới, đặc biệt là các doanh nghiệp viễn thông nước ngoài với lợi thế về khả năng quyết định và đãi ngộ, sẽ rất thuận lợi thu hút nguồn nhân lực từ chính các doanh nghiệp viễn thông cũ. Nguồn nhân lực có trình độ thường đảm nhận các khâu then chốt trong quá trình sản xuất, khi bị thu hút chuyển dịch tạo ra lỗ hổng và gây tổn hại tới cả một dây truyền sản xuất, làm gia tăng chi phí đào tạo. Đây là nguy cơ "chảy máu chất xám" đối với các doanh nghiệp viễn thông.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ phát triển chiến lược marketing dịch vụ thông tin giải trí thương mại 1900 của tập đoàn bưu chính viễn thông việt nam (VNPT) (Trang 33 - 35)