Những thay đổi chiến lược từ môi trường vĩ mô

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ phát triển chiến lược marketing dịch vụ thông tin giải trí thương mại 1900 của tập đoàn bưu chính viễn thông việt nam (VNPT) (Trang 30 - 33)

a. Môi trường chính trị - pháp luật

Hiện nay, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức 7 - 7,5%/năm trong những năm vừa qua, đứng thứ hai Châu Á sau Trung Quốc. Công cuộc cải cách kinh tế, hệ thống pháp luật, chính sách vĩ mô của nhà nước đang được hoàn thiện dần và củng cố đã góp phần thúc đẩy, mở rộng lĩnh vực kinh doanh dịch vụ. Trong những năm tới, cùng với việc tiếp tục các chính sách mở cửa, các hiệp định thương mại được ký kết, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên, kích thích các ngành phát triển. Nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông giữa các tầng lớp dân cư sẽ tăng lên nhưng cũng làm tăng mức độ cạnh tranh về chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Đây là cơ hội cho sự phát triển ngành Bưu chính Viễn thông.

Xã hội ngày càng phát triển, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, sự ra đời hàng loạt các khu chế xuất, khu công nghệ cao đòi hỏi ngành viễn thông phải đi trước một bước, và phải nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa loại hình dịch vụ để đáp ứng được nhu cầu thông tin trao đổi của khách hàng.

Các chủ trương, chính sách, công cụ quản lý vĩ mô của nhà nước như: chiến lược phát triển ngành, thuế, chính sách giá, thủ tục hành chính,...tác động trực tiếp hoặc gián tiếp vào giá cả, vào chính sách của doanh nghiệp với loại hàng, loại hình dịch vụ cụ thể. Vì vậy ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ kinh doanh, hiệu quả kinh doanh của mỗi một doanh nghiệp. Việc nghiên cứu kỹ các nhân tố này sẽ giúp cho doanh nghiệp tìm ra được những lợi thế và hạn chế những khó khăn để tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Môi trường pháp lý của Việt Nam tiếp tục được hoàn thiện, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế ảnh hưởng mạnh mẽ tới việc hoạch định chính sách của Nhà nước. Sự ra đời của Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông đã làm thay đổi môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp viễn thông rất nhiều. Theo Pháp lệnh, chính sách của Nhà nước là khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh bưu chính, viễn thông trong môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch do Nhà nước quản lý với đầy đủ các loại hình dịch vụ, bảo đảm chất lượng dịch vụ và giá cả hợp lý; mở rộng hợp tác quốc tế về bưu chính viễn thông trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi , phù hợp với luật pháp Việt Nam và công ước quốc tế mà Việt Nam gia nhập và ký kết. Trong thời gian tới, môi trường kinh doanh viễn thông Việt nam sẽ ngày càng sôi động hơn, cạnh tranh giữa nhiều doanh nghiệp viễn thông trong và ngoài nước sẽ diễn ra mạnh mẽ và gay gắt hơn.

Việt Nam là thành viên chính thức của các tổ chức quốc tế như: ASEAN, AFTA, APEC, tổ chức thương mại thế giới WTO, do đó, các ràng buộc về mở cửa thị trường viễn thông là không thể tránh khỏi. Xu hướng mở cửa, hội nhập cùng với nhu cầu giao lưu phát triển đã và sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển thị trường viễn thông Việt Nam. Trong thời gian tới, khi có sự đầu tư và tham gia của các Công ty viễn thông nước ngoài vào thị trường viễn thông Việt Nam thì đây sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp cận với những công nghệ tiên tiến nhất, học hỏi kinh nghiệm kinh doanh của các tập đoàn viễn thông lớn, nhưng cùng với nó sẽ là sự cạnh tranh khốc liệt, nguy cơ bị chiếm thị phần là hoàn toàn có thể xảy ra.

Tuy nhiên, tình hình chính trị ở Việt Nam khá ổn định, cơ chế chính sách của Nhà nước ta luôn giành ưu tiên cho sự phát triển lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, đồng thời cũng sẽ có bảo hộ nhất định cho ngành viễn thông trong nước. Đây là cơ hội thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam trong thời gian đầu khi bước vào hội nhập cạnh tranh.

b. Môi trường kinh tế

Thông qua việc thực hiện công cuộc đổi mới, chuyển sang nền kinh tế thị trường và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng cao và ổn định, thu nhập và mức sống của người dân ngày càng được nâng cao, Việt Nam được chính thức công nhân đã vượt qua ngưỡng nước nghèo.

Nền kinh tế nước ta đã được CNH, HĐH mạnh mẽ, với sự chuyển dịch cơ cấu GDP theo hướng tích cực, trong đó tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP ngày càng lớn rất thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông phát triển bắt nhịp với CNH, HĐH đất nước.

c. Môi trường tự nhiên - công nghệ

Công nghệ là nhân tố có sự thay đổi năng động nhất trong các nhân tố tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp viễn thông.

Trình độ phát triển khoa học kỹ thuật của Việt Nam nói chung còn thấp, tuy nhiên, mạng viễn thông Việt nam đã được chính phủ cho phép đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tương đối hiện đại so với các nước trong khu vực. Năm 2003, Việt Nam được đánh giá là nước có thị trường viễn thông phát triển nhanh thứ hai trên thế giới.

Viễn thông là một trong những lĩnh vực có sự thay đổi về công nghệ nhanh đến chóng mặt. Sự phát triển của công nghệ đã góp phần làm thay đổi phương thức kinh doanh của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trên thế giới. Trong khi các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam vẫn phải duy trì những công nghệ hiện đại đã có sẵn trên mạng lưới nhằm mục đích hoàn vốn đầu tư thì cũng sẽ rất dễ dẫn tới rơi vào cuộc chạy đua công nghệ mới, vừa cần tránh không bị tụt hậu song lại phải tránh không bị rơi vào bẫy chạy đua đầu tư công nghệ mới với các đối thủ viễn thông nước ngoài có công nghệ mạnh trong thời gian tới khi thị trường viễn thông mở cửa.

Xã hội cung cấp những nguồn lực mà doanh nghiệp viễn thông cần, tiêu thụ những sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp sản xuất ra. Các giá trị chung của xã hội, tập tục truyền thống, lối sống của doanh nghiệp, cơ cấu dân số, thu nhập của dân cư, thói quan tiêu dùng,…đều có tác động nhiều mặt đến tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Dân số nước ta hiện nay là hơn 86 triệu dân, đây là điều kiện thuận lợi để các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông khai thác.

Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, đời sống của người dân ngày một nâng cao, trình độ dân trí và nhu cầu thông tin liên lạc cũng ngày một tăng đã tạo ra sự đa dạng và phong phú các loại hình dịch vụ viễn thông có chất lượng cao và giá thành hạ. Tỷ lệ hộ gia đình có thu nhập trung bình và khá tăng lên đáng kể, ngoài những nhu cầu thiết yếu để đảm bảo cuộc sống hàng ngày, thì những nhu cầu như vui chơi giải trí, các dịch vụ thông tin đa dạng,…cũng tăng lên.

Thị hiếu tiêu dùng của người dân cũng có ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông. Đa số người dân vẫn có thói quen tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ truyền thống, không thích thay đổi khi chưa thực sự biết rõ về sản phẩm cạnh tranh trong khi sản phẩm dịch vụ mà họ đang sử dụng đã tạo được niềm tin nhất định, điều đó thể hiện cả trong lĩnh vực viễn thông.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ phát triển chiến lược marketing dịch vụ thông tin giải trí thương mại 1900 của tập đoàn bưu chính viễn thông việt nam (VNPT) (Trang 30 - 33)