- Năng lực nghiên cứu phát triển
CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ CÁC NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN CLKT CỦA DNKT VIỆT NAM THEO ĐỊNH HƯỚNG
2.1.1.3. Chất lượng và đặc điểm của chất lượng
Theo Từ điển Tiếng Việt (2010), chất lượng là một phạm trù triết học biểu thị những thuộc tính bản chất của sự vật, chỉ rõ nó là cái gì, tính ổn định tương đối của sự vật để phân biệt nó với các sự vật khác. Chất lượng là đặc tính khách quan của sự vật. Chất lượng biểu hiện ra bên ngoài qua các thuộc tính. Nó liên kết các thuộc tính của sự vật lại làm một, gắn bó với sự vật như một tổng thể, bao quát toàn bộ sự vật và không tách khỏi sự vật. Sự vật trong khi vẫn còn là bản thân nó thì không thể mất chất lượng của nó. Sự thay đổi chất lượng kéo theo sự thay đổi của sự vật về căn bản. Chất lượng của sự vật bao giờ cũng gắn liền với tính quy định về số lượng của nó và không thể tồn tại ngoài tính quy định ấy. Mỗi sự vật bao giờ cũng là sự thống nhất của chất lượng và số lượng (Từ điển Tiếng Việt, 2010).
Theo Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam ISO 9000:2007, chất lượng được định nghĩa là mức độ của một tập hợp các đặc tính vốn có đáp ứng các yêu cầu.
Theo quan điểm của Tổ chức Kiểm tra chất lượng Châu Âu – chất lượng là mức độ phù hợp của sản phẩm đối với yêu cầu của Nhà tiêu dùng (Nguyễn Quang Toản, 1990). Đồng quan điểm trên, Crosby (2004) cũng cho rằng: chất lượng là sự phù hợp với yêu cầu. Dưới góc độ thị trường, William Edwards Deming cho rằng: chất lượng là mức độ dự đoán trước về tính đồng đều và có thể tin cậy được tại mức chi phí thấp và được thị trường chấp nhận (Tạ Thị Kiều An & cộng sự, 2010).
Dù đứng trên các giác độ khác nhau, các quan điểm trên đều có chung một nhận định về đặc điểm của chất lượng, có thể khái quát như sau:
Chất lượng là tập hợp các đặc tính của thực thể thể hiện khả năng thỏa mãn nhu cầu. Do đó, khi đánh giá chất lượng phải xét đến đặc tính của thực thể có liên quan đến sự thỏa mãn của những nhu cầu cụ thể.
Chất lượng là sự phù hợp với nhu cầu. Cho nên, nếu một thực thể dù đáp ứng được tiêu chuẩn nhưng không phù hợp với nhu cầu thì sẽ không được thị trường chấp nhận.
Chất lượng được đánh giá trên cả hai mặt: chủ quan và khách quan. Tính chủ quan của chất lượng thông qua chất lượng thiết kế, tính khách quan thể hiện thông qua các thuộc tính vốn có trong sản phẩm.