- Năng lực nghiên cứu phát triển
CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ CÁC NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN CLKT CỦA DNKT VIỆT NAM THEO ĐỊNH HƯỚNG
2.1.1.4. Chất lượng kiểm toán
Thông tin tài chính phải đáp ứng yêu cầu chính xác, đầy đủ, kịp thời và đáng tin cậy nhằm đáp ứng các nhu cầu của Người sử dụng. Trên cơ sở đó, các quy định pháp luật của các quốc gia và các chuẩn mực ban hành bởi các tổ chức nghề nghiệp đặt ra yêu cầu đối với KTV phải đảm bảo đưa ra sự tin cậy đối với các thông tin tài chính đã được kiểm toán. Điều này đặt ra yêu cầu đối với các DNKT và KTV phải thực hiện cuộc kiểm toán phù hợp với các tiêu chuẩn phù hợp nhằm đảm bảo rằng “một cuộc kiểm toán chất lượng đã được thực hiện” (IAASB, 2011).
Tuy nhiên, như đã phân tích ở Chương 1: “Tổng quan các nghiên cứu trước”, thuật ngữ “CLKT” cho đến nay vẫn còn là vấn đề tranh luận giữa các Nhà nghiên cứu đại diện các quan điểm khác nhau về CLKT.
Theo DeAngelo (1981), CLKT là sự đánh giá của thị trường về khả năng một KTV phát hiện sai sót trọng yếu và báo cáo sai sót trọng yếu.
Bên cạnh định nghĩa của DeAngelo, nhiều Nhà nghiên cứu khác cũng đã đưa ra định nghĩa về CLKT như sau:
Theo Titman & Trueman (1986), Beatty (1989), Davidson & Neu (1993), CLKT là tính chính xác của thông tin được cung cấp bởi các KTV. Trong khi đó, Theo Dopuch & Simunic (1982), Simunic & Stein (1987), CLKT là mức độ đảm bảo xác suất mà BCTC đã được kiểm toán không còn chứa đựng thiếu sót hoặc sai sót trọng yếu.
Theo Ủy ban Chuẩn mực kiểm toán quốc tế: CLKT là một vấn đề phức tạp. Đến nay, không có một định nghĩa nào hoặc phân tích nào được công nhận một cách phổ biến. Thuật ngữ CLKT bao gồm các yếu tố chính để tạo ra một môi trường nhằm tối đa hóa khả năng để việc kiểm toán có chất lượng được thực hiện dựa trên cơ sở phù hợp (IAASB, 2011).
Qua kết quả các nghiên cứu trước cho thấy, CLKT hình thành do sự tác động của nhiều nhóm nhân tố: KTV, DNKT, các yếu tố bên ngoài và sự tương tác của nhiều đối tượng tham gia quá trình kiểm toán. CLKT là một thành phần của chất lượng BCTC, bởi vì CLKT cao sẽ tăng độ tin cậy của BCTC. Bên cạnh đó, CLKT còn phụ thuộc vào mức độ tuân thủ CMKiT và khả năng của KTV trong việc phát hiện và đưa ra ý kiến về những sai sót trọng yếu trong BCTC.
Theo Defond & Zhang (2014), do CLKT là một khái niệm đa chiều, CLKT cần được quan sát dưới nhiều khía cạnh khác nhau, cũng như cần có sự kết hợp các phương pháp, tiêu chí đo lường khác nhau để có thể đo lường được mức độ của CLKT.
Như đã trình bày ở phần mở đầu, do tính đặc thù của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. KTĐL được xem như một công cụ quản lý kinh tế và chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Tài chính là cơ quan quản lý Nhà nước về kế toán – kiểm toán. Trong bối cảnh đó, một cuộc kiểm toán được đánh giá là có chất lượng, trước hết phải đảm bảo tuân thủ các chuẩn mực về kiểm toán đã được Bộ Tài chính ban hành. Trong đó, việc duy trì tính độc lập thuộc về phạm trù đạo đức nghề nghiệp cũng được chú trọng. Ngoài ra, xuất phát từ đặc điểm của các DNKT Việt Nam, hạn chế về quy mô và nguồn lực tài chính còn thấp, nguy cơ tư lợi do phụ thuộc kinh tế rất dễ xuất hiện, việc đảm bảo mức độ tuân thủ CMKiT không những là trách nhiệm pháp lý, tư cách đạo đức mà còn giúp cho DNKT Việt Nam giảm bớt nguy cơ về tranh chấp và kiện tụng. Từ đó nâng cao CLKT, nâng cao uy tín, năng lực kinh doanh, góp phần nâng cao NLCT của doanh nghiệp. Mặt khác, xuất phát từ vai trò làm tăng độ tin cậy của BCTC đối với các đối tượng sử dụng của KTĐL. Năng lực của KTV, DNKT thể hiện qua trình độ, kinh nghiệm, quy mô và sự hỗ trợ các công cụ và quá trình kiểm soát, giám sát của DNKT sẽ làm tăng khả năng phát hiện và báo cáo sai sót trọng yếu trên BCTC. Từ đó, làm tăng giá trị và độ tin cậy của BCTC. Do vậy, trong điều kiện Việt Nam, CLKT của các DNKT Việt Nam là sự kết hợp giữa mức độ tuân thủ CMKiT lẫn mức độ đảm bảo về khả năng của KTV trong việc phát hiện sai sót và báo cáo sai sót trọng yếu trên BCTC.
Từ những phân tích trên, theo Tác giả, Chất lượng kiểm toán của DNKT Việt Nam
là mức độ tuân thủ CMKiT và mức độ đảm bảo về khả năng phát hiện sai sót, báo cáo sai sót trọng yếu trên BCTC.
Theo định nghĩa trên, tại Việt Nam, CLKT được đánh giá bằng sự kết hợp của hai khía cạnh. Thứ nhất là khía cạnh quản lý Nhà nước về CLKT. Thứ hai là dưới góc độ đáp ứng nhu cầu của Người sử dụng BCTC.
Theo nghiên cứu của Duff (2004), có hai thành phần của CLKT: Chất lượng chuyên môn và Chất lượng dịch vụ. Trong đó, Chất lượng chuyên môn xuất phát từ yếu tố bản chất nội tại của CLKT, Chất lượng dịch vụ là cảm nhận bên ngoài của CLKT. Chất lượng dịch vụ có tác động trực tiếp đến NLCT của các doanh nghiệp
thông qua cảm nhận của Người sử dụng, Chất lượng chuyên môn thể hiện qua nỗ lực của KTV và DNKT, có tác động gián tiếp đến NLCT của doanh nghiệp. Việc nghiên cứu thành phần của CLKT sẽ giúp DNKT Việt Nam có những giải pháp thích hợp trong việc nâng cao CLKT và NLCT của DNKT.
Để đo lường CLKT của DNKT Việt Nam, cần thực hiện hai bước. Đầu tiên, đo lường mức độ tuân thủ CMKiT qua kết quả kiểm tra CLKT hàng năm tại các DNKT của cơ quan quản lý Nhà nước. Kế đến, đo lường CLKT thông qua việc kết hợp đánh giá theo yếu tố Đầu vào, Đầu ra hoặc Quá trình kiểm toán theo các biện pháp đánh giá trực tiếp hoặc gián tiếp tương ứng được áp dụng tại một số nước theo tổng hợp các phương pháp đo lường CLKT của Defond & Zhang (2014) như đã được trình bày ở phần Tổng quan các nghiên cứu trước (Chương 1).
2.1.1.5. Chuẩn mực quốc tế về kiểm soát chất lượng (ISQC1)
Để duy trì và nâng cao CLKT tại các doanh nghiệp, Chuẩn mực quốc tế về KSCL (ISQC1) quy định và hướng dẫn trách nhiệm của DNKT đối với hệ thống KSCL kiểm toán và các dịch vụ liên quan khác. Hệ thống KSCL bao gồm các chính sách được xây dựng nhằm đạt được mục tiêu của DNKT là xây dựng và duy trì một hệ thống KSCL để có sự đảm bảo hợp lý rằng: DNKT và các cán bộ, nhân viên của DNKT đã tuân thủ Chuẩn mực nghề nghiệp, pháp luật và các quy định có liên quan; Báo cáo được doanh nghiệp phát hành là phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.
Để đảm bảo CLKT, ISQC1 đặt ra sáu lĩnh vực cần được giải quyết bằng các chính sách và thủ tục KSCL của DNKT. Các chính sách, thủ tục này phải được quy định bằng văn bản và phổ biến đến tất cả cán bộ, nhân viên của DNKT. Các yếu tố của hệ thống KSCL bao gồm: Trách nhiệm của BGĐ về chất lượng trong DNKT; Chuẩn mực, các quy định về đạo đức nghề nghiệp có liên quan; Chấp nhận và duy trì mối quan hệ khách hàng và các hợp đồng dịch vụ cụ thể; Nguồn nhân lực; Thực hiện hợp đồng dịch vụ; Giám sát.
Bên cạnh nội dung trên, Chuẩn mực còn nhấn mạnh trách nhiệm của DNKT phải xây dựng các chính sách và thủ tục để đẩy mạnh văn hóa nội bộ trên cơ sở nhận thức rằng: “Chất lượng là cốt yếu khi thực hiện hợp đồng dịch vụ” và đảm bảo rằng DNKT, tất cả cán bộ và nhân viên của doanh nghiệp đã tuân thủ Chuẩn mực và các quy định về đạo đức có liên quan. Chuẩn mực quốc tế về KSCL (ISQC1) còn là cơ sở để xây dựng Chuẩn mực và quy chế KSCL tại các doanh nghiệp nói chung và cho một cuộc kiểm toán cụ thể nói riêng.