Cây ngô có nguồn gốc ở Châu Mỹ, được du nhập vào Việt Nam thế kỷ thứ 17. Chính vì không phải nơi phát sinh cây ngô nên nguồn gen ngô ở Việt Nam rất hạn chế. Mặt khác do chiến tranh kéo dài nên sự phát triển của khoa học kỹ thuật ở Việt Nam khởi đầu chậm hơn so với các nước trên thế giới và khu vực. Các nhà khoa học Việt Nam bắt đầu điều tra về thành phần loài và giống địa phương vào giai đoạn 1955-1970 (Cao Đắc Điểm, 1988) [10].
Từ quần thể Suwan -2, áp dụng phương pháp đưa nguyên liệu mới vào quần thể gốc, Trần Hồng Uy và cs (1987) [38] đã chọn được giống TSB2 ổn định về mặt di truyền. TSB2 đã được đưa vào sản xuất trên diện tích lớn ở các tỉnh phía Bắc.
Năm 1991, Trần Hồng Uy và Bùi Thị Lan [39] trên cơ sở tập đoàn nhập nội từ Thái Lan bằng phương pháp cải tạo quần thể đã chọn được quần thể Suwan -1 (TSB1) có nhiều đặc điểm nông học tốt phục vụ sản xuất.
Ở Việt Nam, chương trình chọn tạo giống ngô lai đã được bắt đầu từ những năm đầu của thập kỷ 60, tuy nhiên các nghiên cứu thử nghiệm giống ngô lai ở Việt Nam đã không đạt kết quả mong muốn do nguồn vật liệu không thích hợp trong điều kiện nhiệt đới ẩm, ngày ngắn của Việt Nam (Trần Hồng Uy, 1999) [42].
Từ năm 1990 đến nay, cuộc cách mạng về ngô lai ở nước ta đã được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Các nhà khoa học nghiên cứu ngô đã chú trọng hơn vào việc phát triển các dòng thuần để tạo giống ngô lai.
Bằng phương pháp lai đỉnh, Mai Xuân Triệu và cs (2000)[37] đã chọn được dòng IL78 và IL68 có khả năng kết hợp chung cao để làm vật liệu tạo giống ngô lai.
Lương Văn Vàng và cs (2002)[44], từ 5 dòng tự phối S4 là L1, L2, L3, L4, L5 bằng phương pháp lai đỉnh với 2 cây thử là LVN10 và DF1 đã xác định được 2 dòng ưu tú là L4, L5 làm vật liệu tạo giống ngô lai.
Từ các giống ngô lai nhập nội có khả năng chịu hạn, bằng phương pháp tự phối, Ngô Hữu Tình và Phan Thị Vân (2004)[35], đã tạo được 8 dòng ngô thuần và chọn được 2 dòng T6 và T8 có khả năng kết hợp chung tốt là vật liệu tạo giống LVN99 có khả năng chịu hạn phục vụ sản xuất cho các tỉnh miền núi phía Bắc.
Những năm đầu của thập kỷ 90, do cơ sở vật chất kỹ thuật chưa đáp ứng được một số khâu trong quá trình sản xuất giống lai, nên ngô lai chưa phát huy được hết vai trò của nó. Vì vậy, để chương trình ngô lai phát triển các nhà khoa học Việt Nam đã đưa ra các định hướng rất rõ ràng:
+ Thu thập, bảo tồn và phát triển nguồn nguyên liệu ngô trong nước, đặc biệt là những nguồn nguyên nhiên liệu quý về tính chống chịu, chín sớm, chất lượng cao làm lương thực.
+ Nhập nội những nguồn nguyên liệu ngô nhiệt đới, quan tâm đến tính chống chịu của các giống. Chú trọng các nguồn nguyên liệu chín sớm, ngô thực phẩm như: ngô nếp, ngô đường, ngô rau, ngô có hàm lượng protein cao (Trần Hồng Uy, 1999) [42].
Giai đoạn đầu những năm 1990, sản xuất ngô ở Việt Nam chủ yếu sử dụng các giống lai không quy ước như: LS5, LS6, LS8... và những giống ngô
lai kép quá trình sản xuất hạt giống dễ dàng, giá thành hạt giống rẻ, mang lại hiệu quả cao cho người sản xuất.
Cây ngô ở Việt Nam thực sự phát triển từ năm 1995 đến nay. Các nhà khoa học đã xây dựng quỹ gen ngô Việt Nam bằng cách thu thập các quần thể địa phương nhưng quan tâm chủ yếu đến việc nhập các vật liệu ngô từ các nước, các cơ quan nghiên cứu quốc tế như CIMMYT dưới dạng vốn gen, quần thể và giống lai.
Viện nghiên cứu ngô đang bảo tồn hơn 3000 dòng tự phối từ đời F6 trở lên, 470 mẫu giống thụ phấn tự do, trong đó nguồn nhập nội là 293, nguồn địa phương là 150 và các quần thể tự tạo theo các chương trình chọn tạo giống, số lượng các quần thể tự tạo đang được khai thác là 27 (Ngô Hữu Tình, 1999) [32].
Các nhà khoa học Việt Nam đã điều tra, thu thập, bảo tồn và phân loại 584 nguồn nguyên liệu ngô. Duy trì nghiên cứu khoảng 6000 hàng dòng/năm từ 580 nguồn dòng hiện có, đã lai tạo được nhiều giống ngô lai mới năng suất cao, chất lượng tốt phục vụ cho sản xuất ngô ở các vùng trong cả nước
Đánh dấu cho sự khởi đầu của giống ngô lai Việt Nam là LVN10, đây là giống ngô lai đơn có khả năng thích ứng rộng với nhiều vùng sinh thái trong cả nước . Sự ra đời của LVN10 đã mang lại nguồn lợi hàng tỷ đồng mỗi năm cho nông dân, tiết kiệm hàng triệu đôla do nhập giống từ nước ngoài (Trần Hồng Uy và cs, 1994) [40].
Khắc phục nhược điểm của LVN10 là thời gian sinh trưởng dài, khó luân canh cây trồng, Trần Hồng Uy, Ngô Hữu Tình và cs (1996) [41] đã lai tạo được giống LVN12 có thời gian sinh trưởng trung bình, thích hợp với nhiều vùng, nhiều vụ, có khả năng chống đổ, chịu hạn khá, tiềm năng năng suất 60-90 tạ/ha.
cơ cấu cây trồng, áp dụng công thức luân canh 3 vụ trên những chân đất chủ động nước, với cây trồng phổ biến trong vụ 3 là ngô đông. Ở miền Bắc các giống ngô dài và trung ngày nếu gieo sau 20/9 năng suất giảm hoặc không cho thu hoạch vì gặp hạn và rét cuối vụ. Vì vậy, Phan Xuân Hào, Trần Hồng Uy và cs [13] năm 1999, đã lai tạo thành công giống lai đơn LVN4 có độ đồng đều cao, năng suất cao có thể đạt 10-11 tấn/ha, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh, cứng cây, chống đổ tốt với gió bão. Do có đặc tính ổn định nên có thể gieo trồng được ở tất cả các vụ trong năm.
Bên cạnh việc tạo ra các giống ngô lai có năng suất chất lượng cao, các giống ngô thích hợp với nhiều vùng sinh thái khác nhau với những đặc tính nông học quý được các nhà khoa học rất quan tâm. Giai đoạn từ năm 1995 - 2004 nhóm nghiên cứu ngô thuộc Trung tâm Khảo nghiệm giống cây trồng Trung ương đã lai tạo giống ngô lai đơn T6 và giống ngô lai ba T7 có triển vọng sản xuất tại các tỉnh Duyên Hải Nam Trung Bộ, trong đó giống T7 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống khu vực hoá tại Miền Trung năm 2004 [3].
Từ năm 1995 đến nay, ngoài việc quan tâm đến cải thiện năng suất, các nhà khoa học còn đầu tư vào chương trình nghiên cứu và phát triển ngô chất lượng protein cao QPM (Quality Protein Maize). Năm 2001, giống ngô lai chất lượng đạm cao HQ2000 đã được Hội đồng Khoa học công nghệ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép khu vực hoá, có năng suất cao hơn ngô thường, hàm lượng protein là 11% (ngô thường là 8,5 - 9%), trong đó hàm lượng Lysine là 4,0% và Triptophan là 0,82- 0,86% (còn ngô thường là 2,6% và 0,5%) (Lê Quý Kha, Trần Hồng Uy và cs, 2001) [18].
Trong công tác chọn tạo giống ngô, tạo dòng là giai đoạn không thể thiếu. Tuy nhiên theo phương pháp truyền thống, phải qua 6-8 đời tự phối mới được dòng thuần làm vật liệu tạo giống ngô lai, công việc này đòi hỏi
thời gian và chi phí lớn. Chính vì vậy, các nhà khoa học trên thế giới đã quan tâm tới tạo dòng thuần bằng ứng dụng công nghệ sinh học. Ở Việt Nam, từ năm 1995, Nguyễn Hữu Đống và cs [12] đã công bố những kết quả bước đầu trong việc nuôi cấy bao phấn và noãn invitro.
Mặc dù ở Việt Nam việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học mới bắt đầu hơn 10 năm trở lại đây nhưng đã thu được kết quả đáng khích lệ. Viện nghiên cứu ngô đã cho ra đời hơn 10 dòng đơn bội kép, được đánh giá là rất có triển vọng trong công tác tạo giống lai.
Bùi Mạnh Cường và cs (1998) [8] đã nghiên cứu tạo cây đơn bội kép bằng kỹ thuật nuôi cấy bao phấn, kết quả từ 61 nguồn giống đã xác định được 16 giống cho bao phấn phản ứng, 3 nguồn có khả năng tái sinh cây và 5 nguồn có khả năng tạo được callus.
Ngoài ra các nhà khoa học nghiên cứu về ngô của Việt Nam còn thành công trong việc chuyển đổi dòng ngô thường thành dòng ngô QPM bằng phương pháp nuôi cấy bao phấn. Theo phương pháp backcross việc chuyển hệ thống gen O2O2 từ dòng QPM sang ngô thường phải mất 4-5 năm, nhưng ứng dụng công nghệ sinh học thời gian này được rút ngắn đáng kể chỉ còn 2-3 năm (Bùi Mạnh Cường, Ngô Thị Minh Tâm và cs, 2006) [9].
Hiện nay kỹ thuật nuôi cấy bao phấn là một trong những hướng nghiên cứu tạo dòng thuần invitro có nhiều triển vọng ở Việt Nam (Trần Thị Thêm, 2006) [28].
Như vậy, chương trình chọn tạo giống ngô Việt Nam đã từng bước phát triển từ giống lai không quy ước đến lai kép, lai ba, lai đơn cải tiến và lai đơn. Những thành tích đó đã đưa sản xuất ngô Việt Nam đứng trong hàng ngũ các nước tiên tiến ở Châu Á. Một loạt các giống lai do Việt Nam chọn tạo đã được trồng ở tất cả các vùng sinh thái trong cả nước. Sự phát triển sản xuất ngô ở Việt Nam không chỉ là nhiệm vụ của các nhà khoa học mà là mối quan
tâm của cả xã hội. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách tích cực khuyến khích các nhà khoa học và hỗ trợ cho nông dân phát triển sản xuất ngô. Tháng 3/2008 Chính phủ đã ban hành quyết định cho phép trồng thử nghiệm cây trồng chuyển gen tại nước ta.
Thành công của ngành sản xuất ngô Việt Nam là kết quả của sự định hướng đúng đắn, sự chỉ đạo kiên quyết của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ, là kết quả của những chính sách có tính chất đòn bẩy của Nhà nước, Trung ương và địa phương, của sự phát huy tối đa nội lực, đi tắt, đón đầu, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại của Viện nghiên cứu Ngô và một số Viện nghiên cứu khác phối hợp với Cục khuyến nông, các Công ty giống cây trồng Trung ương và các tỉnh, huyện trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, là kết quả của sự lao động vô cùng sáng tạo của hàng triệu nông dân.