Thái Nguyên là tỉnh thuộc vùng Trung du miền núi phía Bắc, có diện tích tự nhiên 3.562,82km2, dân số 1.127.430 nghìn người [19]. Đất đai của Thái Nguyên chủ yếu là đồi núi (chiếm đến 85,8% tổng diện tích tự nhiên). Diện tích đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ rất nhỏ 12,4 %. Những diện tích đất mầu mỡ, đầy đủ dinh dưỡng và chủ động tưới tiêu đều được sử dụng gieo trồng lúa nước, cây ngô được trồng trên đất không đủ tưới tiêu và trồng trên đất nương rẫy có điều kiện thời tiết khắc nghiệt, trình độ khoa học còn thấp… do đó năng suất, sản lượng ngô hàng năm của Thái Nguyên còn ở mức rất thấp, chưa hình thành các vùng ngô hàng hoá lớn. Những 1995 trở về trước, sản xuất ngô ở Thái Nguyên chủ yếu dùng các giống cũ, giống địa phương có thời gian sinh trưởng dài, năng suất thấp. Sau một thời gian với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, có sự tham gia tích cực của đội ngũ các nhà khoa học, diện tích trồng ngô lai ngày càng tăng, thay thế dần các giống ngô địa phương. Đến nay, diện tích trồng ngô lai tăng mạnh, chiếm trên 90% diện tích, chính vì vậy năng suất ngô của Thái Nguyên đã được cải thiện đáng kể.
Chỉ tiêu Năm Diện tích (nghìn ha) Năng suất (tạ/ha) sản lượng (nghìn tấn) 2006 15,3 35,2 53,9 2007 17,8 42,1 74,9 2008 20,6 41,1 84,6 2009 17,4 39,1 68,0 2010 17,9 42,0 75,2 2011 18,6 43,3 80,6 2012 17,9 42,2 75,5
(Nguồn: Cục thống kê tỉnh Thái Nguyên, năm 2013[6])
Số liệu bảng 1.6 cho thấy từ năm 2006 đến 2012, sản xuất ngô của Thái Nguyên đã có những chuyển biến, mặc dù diện tích ngô năm 2012 tăng không đáng kể (tăng 2,6 ha) nhưng năng suất tăng 7,0 tạ/ha, sản lượng tăng 21,6 nghìn tấn. Có được những kết quả trên là nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học mới vào sản xuất, đặc biệt là có các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nông dân như trợ giá giống, vật tư, thủy lợi ... Tuy nhiên cây ngô ở tỉnh Thái Nguyên vẫn chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh của nó, năng suất và sản lượng còn ở mức rất thấp, vì vậy cần phải có những lộ trình, giải pháp phù hợp hơn cho sản xuất. Một trong các giải pháp quan trọng nâng cao năng suất và sản lượng ngô là cải tạo cơ cấu giống, sử dụng các giống ngô lai mới, phù hợp với điều kiện mỗi địa phương.