1. Chính sách phát triển nguồn nhân lực
Thực hiện tốt công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, có biện pháp khuyến khích, huy động tối đa sức lực và trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân cống hiến cho phát triển tỉnh nhà, có chính sách khuyến khích nguồn lao động có kỹ thuật cao từ các nơi khác đến. Chú trọng việc đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ cán bộ công chức và lực lượng lao động hiện đang làm việc để thích ứng với những yêu cầu mới về nhân lực. Ưu tiên đào tạo lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức tốt việc dạy nghề cho thanh niên nông thôn để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nền kinh tế nông thôn.
* Coi trọng phát triển quy mô và chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao dân trí:
- Duy trì, củng cố thành quả phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ, thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, hoàn thành đúng tiến độ phổ cập trung học cơ sở (vào năm 2010) và từng bước phổ cập THPT.
- Thực hiện mạnh mẽ xã hội hoá giáo dục ở tất cả các cấp học, bậc học đối với các địa bàn thuận lợi, có điều kiện kinh tế phát triển.Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các trường ngoài công lập tại thành phố và các thị trấn. Phát triển quỹ khuyến học ở các cấp. Phát triển mạnh phong trào tự học thường xuyên và rộng rãi trong toàn dân, nhất là trong thanh niên để tiến tới xây dựng một xã hội học tập.
- Khuyến khích và tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, ngoài nước, các địa phương tài trợ cho sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo.
- Phát triển mạnh mạng lưới trường học và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học. Mở rộng hệ thống trường nội trú, bán trú cấp xã, trường trung học cơ sở cụm xã. Mở rộng giáo dục mầm non, nhà trẻ ở nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên cơ sở đa dạng hoá các loại hình trường lớp, khuyến khích phát triển mạnh mẽ các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.
- Xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và cơ cấu. Tăng cường đào tạo để chuẩn hoá giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông các cấp. Thực hiện tốt công tác cử tuyển trong công tác đào tạo giáo viên cho vùng đồng bào dân tộc, vùng kinh tế khó khăn và
vùng sâu, vùng xa, giáo viên người dân tộc, giáo viên dạy tiếng, chữ dân tộc. - Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục trong nhà trường với giáo dục tại gia đình và cộng đồng.
- Triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách hỗ trợ đối với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Đưa tiếng dân tộc thiểu số vào dạy ở bậc tiểu học đối với những vùng có đông học sinh dân tộc thiểu số.
- Ngoài việc thực hiện chính sách phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông theo quy định của Trung ương, cần có chính sách cụ thể, sát hợp với đặc điểm, tình hình, điều kiện của tỉnh để phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học phổ thông, nhất là phát triển hệ thống trường dạy nghề cấp tỉnh, cấp huyện; khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục; quan tâm xây dựng nhà ở cho giáo viên; đào tạo tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ giáo viên tiểu học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
2. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực
- Nâng cao thể trạng nguồn nhân lực, tập trung vào ba vấn đề cơ bản: Đảm bảo an toàn dinh dưỡng, an ninh lương thực; chăm sóc y tế và phát triển đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân.
- Đảm bảo số lượng và cơ cấu nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong quá trình thực hiện nội dung này, vấn đề cần đặc biệt quan tâm là công tác đón nhận dân kinh tế mới nhằm khai thác các vùng đất nhiều tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng.
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Để thực hiện nội dung này cần tập trung vào các vấn đề trọng tâm sau đây:
+ Thực hiện tốt công tác giáo dục phổ thông và đào tạo, hướng nghiệp nghề cho thanh niên. Thực hiện phân luồng, định hướng học nghề cho các em khi hết bậc trung học cơ sở.
+ Đẩy mạnh việc phổ cập các tri thức khoa học kỹ thuật phổ thông cho người lao động, giới thiệu và chuyển giao kỹ thuật tiên tiến trong các lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản và chế biến nông lâm sản; nâng cao kỹ năng sản xuất và chất lượng sản phẩm.
+ Phát triển mạnh các hình thức dạy nghề đa dạng, linh hoạt, thiết thực, gắn với khả năng tạo ra việc làm. Tổ chức tốt việc dạy nghề cho thanh niên nông thôn để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nền kinh tế nông thôn.
+ Tập trung đầu tư xây dựng hoàn thành Trường cao đẳng kinh tế -kỹ thuật tổng hợp, Trường dạy nghề của tỉnh và các trung tâm đào tạo nghề ngắn hạn (Trung tâm Dạy nghề: Kon Đào; Măng đen; Thành lập và đầu tư các Trung tâm giáo dục thường xuyên ở tất cả các huyện; Trung tâm Dạy nghề của các doanh nghiệp) nhằm mở rộng quy mô ngành nghề phổ cập để đáp ứng nhu cầu học nghề trong xã hội; coi trọng đào tạo cán bộ kỹ thuật, đào tạo công nhân lành
nghề; kết hợp chặt chẽ giữa phổ thông và chuyên nghiệp, dạy nghề để đào tạo công nhân lành nghề. Tiến hành quy hoạch, sắp xếp hệ thống mạng lưới trường trung học chuyên nghiệp, dạy nghề trên địa bàn phù hợp với yêu cầu cơ cấu nhân lực và phát triển kinh tế vùng. Tăng cường năng lực Trường Dạy nghề tỉnh nhằm đào tạo công nhân kỹ thuật cho Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và các khu công nghiệp trên địa bàn. Củng cố, tăng cường năng lực Trường Cao đẳng sư phạm, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật. Nâng cấp Trường trung học y tế thành Trường Cao đẳng. Phối hợp, tạo điều kiện xây dựng và phát triển Phân hiệu Đại học Đà nẵng tại Kon Tum.
* Tăng cường đào tạo và đào tạo lại cán bộ, công chức. Tổ chức thực hiện tốt quy chế đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức theo Quyết định số 161/2003/QĐ -TTg, ngày 04/8/2003 và Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức giai đoạn 2006-2010 theo Quyết định số 40/QĐ -TTg, ngày 15/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ.
* Thực hiện đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản trị doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đủ khả năng tiếp cận những tiến bộ về khoa học quản lý, công nghệ, thị trường để chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
* Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ổn định cuộc sống cho lực lượng lao động của các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp; Khu kinh tế cửa khẩu và các khu đô thị mới được hình thành trong tương lai.
* Khuyến khích phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ và nhân tài trong hàng ngũ cán bộ, công chức công tác quản lý nhà nước và quản lý kỹ thuật. Nâng cao hiệu quả sử dụng nhân tố con người, tạo động lực kích thích con người phát huy sức lực, trí tuệ cho công việc.
* Làm tốt công tác quy hoạch đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực; Quy hoạch hệ thống giáo dục chuyên nghiệp và trường nghề.
3. Chuẩn bị tốt các điều kiện để đón nhận dân kinh tế mới và sắp xếp lạidân cư dân cư
Quy hoạch, lập dự án tiếp nhận dân cư ngoài tỉnh trọng tâm là khu vực huyện mới (Nam Sa Thầy), dọc tuyến biên giới, thị trấn KonPlong.
Sắp xếp lại dân cư ở những nơi cần thiết (trên cơ sở phương án sắp xếp của tỉnh), qua đó phân bố lại lực lượng lao động hợp lý giữa các vùng.
Sắp xếp dân cư thông qua các chương trình định canh định cư, di dân tái định cư lòng hồ các công trình thuỷ điện.
Đón dân phải gắn với các dự án cụ thể; tính toán kỹ các điều kiện về nguồn lực, địa bàn, đặc biệt là điều kiện sinh sống...
* Quản lý chặt chẽ và đảm bảo điều kiện sống cho các đối tượng di dân tự do. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các dự án ổn định dân di cư tự do (Thành phố Kon Tum; Đăk Hà; Sa Thầy); ổn định dân di cư tự do Lào tại Đăk Glei, Ngọc
Hồi. Xây dựng và triển khai thực hiện các dự án ổn định dân di cư tự do ở những địa bàn đông dân di cư tự do còn gặp nhiều khó khăn.
* Chú trọng nâng cao năng lực cho các xã nghèo và người nghèo: Nâng cao năng lực cho các xã nghèo là nhằm hỗ trợ và tạo cơ hội cho người nghèo vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Phải làm thay đổi căn bản tư duy, tự vươn lên XĐGN.
- Nghiên cứu hệ thống tổ chức nâng cao năng lực xoá đói giảm nghèo từ tỉnh đến xã; có cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho người nghèo; Chính sách hỗ trợ sản xuất và đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.
* Thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở thông qua thực hiện chương trình chuẩn hoá và đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt cơ sở.