VI. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN THEO LÃNH THỔ 1 Phương hướng sử dụng đất
2. Phát triển đô thị và các điểm dân cư nông thôn
2.1. Phát triển đô thị
a. Phương hướng chung
- Với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, dự báo tốc độ đô thị hoá của tỉnh bình quân thời kỳ 2011-2015 là 6,2%/năm và thời kỳ 2016-2020 đạt 6,4%/năm. Tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh đến năm 2015 khoảng 46,1% và 53,3% vào năm 2020. Nâng cao chất lượng phát triển đô thị.
- Phát triển mạnh các đô thị để thực hiện tốt chức năng là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - dịch vụ - khoa học kỹ thuật của tỉnh và trung tâm các tiểu vùng, làm cơ sở để thúc đẩy phát triển nông thôn.
- Xây dựng và phát triển đô thị phù hợp với cảnh quan, văn hoá địa phương, theo mô hình đô thị xanh, sạch, đẹp, văn minh.
- Khai thác triệt để các tiềm năng, lợi thế của tuyến đường Hồ Chí Minh; Quốc lộ 24; Quốc lộ 40 và 14C; khu tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Cămpuchia và cửa khẩu quốc tế Bờ Y để phát triển các đô thị.
- Mạng lưới đô thị của tỉnh sẽ từ 7 đô thị: thành phố Kon Tum (đô thị loại III) và 6 thị trấn huyện lỵ là Đăk Glêi, Đăk Tô, Đăk Hà, ĐăkRVe, Sa Thầy, Ngọc Hồi) hiện nay, tăng lên 15 đô thị vào năm 2020, trong đó thành phố Kon Tum là đô thị loại II (thành phố tỉnh lỵ); khu đô thị cửa khẩu Bờ Y; 03 đô thị loại IV là thị xã Plei Kần, thị xã Đắk Tô và thị trấn Đắk Hà; 06 thị trấn huyện lỵ (đô thị loại V) gồm: Đắk Glei, Sa Thầy, KonPlong, Tu Mơ Rông; Đăk Tân, Mo Rai; và 04 thị trấn thuộc huyện là Đăk Rve, Đăk Dục, Đăk Môn, Hiếu. Trong giai đoạn 2020-2025 nâng cấp thị trấn Đăk Hà lên thị xã.
- Tăng cường quản lý xây dựng theo quy hoạch tại các đô thị trên địa bàn tỉnh. Quy hoạch và xây dựng hoàn thiện mạng lưới giao thông, điện lưới, hệ thống cấp, thoát nước, bưu chính viễn thông, vệ sinh, thu gom và xử lý chất thải rắn và các công trình công cộng khác như công viên, khu sinh hoạt văn hoá - thể thao, vui chơi giải trí theo hướng đồng bộ, đáp ứng tối đa nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
b) Phương hướng phát triển một số đô thị của tỉnh
(1) Thành phố Kon Tum: đô thị tỉnh lỵ trung tâm hành chính chính trị của tỉnh. Trung tâm thương mại dịch vụ du lịch vùng phía Nam Kon Tum, động lực chính phát triển toàn tỉnh, đặc biệt là vùng phía Nam tỉnh. Là đầu mối giao
thông vùng quan trọng vùng Bắc Tây Nguyên và miền Trung (Quảng Nam, Quảng Ngãi). Có vị trí chiến lược an ninh quốc phòng quan trọng. Hiện nay là đô thị loại III, sẽ nâng cấp trở thành đô thị loại II sau năm 2020. Hướng phát triển chính: phát triển theo tuyến đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14, quốc lộ 24, phát triển dọc theo hai bên sông Đắkbla (đô thị bên sông).
(2) Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y: là trung tâm liên kết hành lang kinh tế Đông Tây trong tam giác phát triển 3 nước Việt Nam - Lào - Cămpuchia. Hướng phát triển không gian như sau:
- Hướng Bắc: phát triển dọc theo đường Hồ Chí Minh. - Hướng Nam: phát triển theo Quốc lộ 14C.
- Hướng Đông: phát triển theo hướng thị trấn Pleikần.
- Hướng Tây: phát triển theo quốc lộ 40, đường A1, A2, A3, A4, A5 tới khu vực giáp biên giới với Lào và Căpuchia.
(3) Thị trấn Plei Kần: là trung tâm hành chính chính trị văn hóa và kinh tế huyện Ngọc Hồi, trung tâm dịch vụ thương mại gắn với Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Đầu tư phát triển thị trấn Plei Kần trở thành đô thị loại IV vào sau năm 2010 và trở thành thị xã vào trước năm 2015. Hướng phát triển chính: dọc theo hành lang đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) và Quốc lộ 40.
(4) Thị trấn Konplong: là trung tâm hành chính chính trị văn hóa huyện Konplong có tính chất trội về dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tham quan và nhân văn. Hướng phát triển chính: dọc theo hành lang Quốc lộ 24 đi Quảng Ngãi và Tỉnh lộ 676. Khai thác các hệ thống mặt nước, sông suối để phát triển các trung tâm dịch vụ du lịch.
(5) Thị trấn Đắkglei: là trung tâm hành chính chính trị văn hóa và kinh tế huyện Đắkglei, trung tâm dịch vụ thương mại du lịch với vùng bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh và cửa ngõ phía Bắc tỉnh Kon Tum. Hướng phát triển chính: dọc theo hành lang đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14).
(6) Thị trấn Đắk Tô: là thị trấn huyện lỵ huyện Đắk Tô, là trung tâm hành chính chính trị, văn hóa và kinh tế của huyện, đồng thời là trung tâm dịch vụ du lịch tham quan di tích lịch sử và nhân văn của huyện. Đầu tư phát triển thị trấn Đăk Tô thành đô thị loại 4 vào trước năm 2015 và thành thị xã vào trước năm 2020. Hướng phát triển chính: phát triển dọc theo hành lang đường Hồ Chí Minh và tuyến Tỉnh lộ 672.
(7) Thị trấn Đắk Hà: là thị trấn huyện lỵ huyện Đắk Hà, là trung tâm hành chính chính trị kinh tế và văn hóa của huyện Đắk Hà. Đầu tư phát triển thị trấn Đăk Hà thành đô thị loại 4 vào trước năm 2020 và thành thị xã vào trước năm 2025. Hướng phát triển chính: phát triển dọc theo hành lang đường Hồ Chí Minh và tuyến tỉnh lộ 671.
(8) Thị trấn Sa Thầy: là thị trấn huyện lỵ huyện Sa Thầy, là trung tâm hành chính chính trị kinh tế và văn hóa của huyện Sa Thầy và vùng vườn quốc
gia Chư Mom Ray. Hướng phát triển chính: xung quanh khu vực ngã 3 Tỉnh lộ 674 và Tỉnh lộ 675.
(9) Thị trấn Đắk R’Ve: định hướng là thị trấn trung tâm tiểu vùng huyện Kon Rẫy, là trung tâm kinh tế và văn hóa khu vực phía Bắc huyện; phát triển dọc theo hàng lang Quốc lộ 24 và 2 bên bờ sông Đăk Pô Ne.
(10) Thị trấn Tu Mơ Rông: là thị trấn huyện lỵ huyện Tu Mơ Rông, là trung tâm hành chính chính trị kinh tế và văn hóa huyện Tu Mơ Rông. Hướng phát triển chính: dọc theo hành lang Tỉnh lộ 672.
(11) Thị trấn Đắk Tân: là thị trấn huyện lỵ huyện Kon Rẫy, là trung tâm hành chính chính trị kinh tế và văn hóa huyện Kon Rẫy. Hướng phát triển chính: phát triển dọc theo hành lang Quốc lộ 24 và Tỉnh lộ 677
(12) Thị trấn Mô Rai: là thị trấn huyện lỵ huyện Nam Sa Thầy (dự kiến thành lập trong giai đoạn 2011-2015), là trung tâm hành chính chính trị kinh tế và văn hóa của huyện mới Nam Sa Thầy.
(13) Các thị trấn thuộc huyện (quy hoạch phát triển mới)
Thị trấn Đắk Dục: là thị trấn trực thuộc huyện Ngọc Hồi, có tác dụng hỗ trợ các hoạt động thương mại dịch vụ dọc hành lang đường Hồ Chí Minh, và các khu dân cư thuộc huyện
Thị trấn Hiếu: trực thuộc huyện Konplong, có tác dụng hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của huyện, đặc biệt khi vùng du lịch Măng Đen được đầu tư phát triển thành động lực kinh tế của tỉnh Kon Tum.
Thị trấn Đắk Môn: là thị trấn thuộc huyện Đắk Glei có tác dụng hỗ trợ các hoạt động thương mại dịch vụ dọc hành lang đường Hồ Chí Minh, và các khu dân cư thuộc huyện về phía Nam.
(14) Phát triển các điểm dân cư thị tứ, trung tâm xã:
Hệ thống thị tứ trong huyện đặc biệt hỗ trợ trực tiếp cho việc phát triển kinh tế nông thôn dần dần chuyển đổi theo hướng dịch vụ, và hiện đại hóa nông thôn, đồng thời tăng sự ổn định phát triển vùng.
Các điểm dân cư thị tứ vùng sâu vùng xa, và dọc hành lang biên giới với Lào và Cămpuchia cần được đầu tư phát triển thích đáng như các khu vực Sê San, Đắk Long, Đắk Blô, Đắk Nhoong, Đắk Man,... và các điểm dân cư huyện Tu Mơ Rông, Konplong... Phát triển thị tứ Đăk Ring và thị tứ Đăk La gắn với cụm công nghiệp thuộc huyện Đăk Hà.
2.2. Phát triển các điểm dân cư tập trung theo tiêu chí nông thôn mới
(1) Từng bước tiến hành phân bố lại dân cư trên các địa bàn. Quy hoạch đất đai, chuẩn bị địa bàn tiếp nhận dân kinh tế mới theo kế hoạch và dãn dân đến các xã biên giới trắng dân; các huyện vùng cao, vùng xa để lập làng, phát triển sản xuất. Vùng đón dân chủ yếu là ở các huyện Sa Thầy, KonPlong, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông... Quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các trung tâm
cụm xã, các điểm dân cư tập trung, các xã mới chia tách và các vùng kinh tế mới; cải thiện tiện nghi và nếp sống ở các đô thị;
(2) Tiếp tục thực hiện và hoàn thành công tác sắp xếp và bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm, cải thiện cuộc sống vật chất, văn hóa tinh thần cho dân cư nông thôn và đảm bảo an ninh nông thôn.
(3) Xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu về giao thông, điện, nước, thủy lợi, trường học... nhằm ổn định tại chỗ. Đối với các hộ cư trú phân tán, rải rác, khó khăn cho việc xây dựng hạ tầng, cần kiên quyết di dời đến các địa điểm theo quy hoạch. Xây dựng các dự án ổn định dân di cư tự do và đón nhận dân kinh tế mới ở khu vực Mô Rây (Sa Thầy) để thành lập các xã mới, huyện mới; các xã Đăk Ruồng - Tân Lập (Kon Rẫy); xã Đăk Long - Măng Cành - Đăk Tăng (KonPlong); Tu Mơ Rông, Đăk Hà (Tu Mơ Rông)...
(4) Quy hoạch các khu tái định cư cho số hộ nằm trong các dự án giải phóng mặt bằng thủy điện PLeikrông; Thủy điện Thượng Kon Tum; các dự án thủy điện vừa và nhỏ; Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y; Khu trung tâm hành chính các huyện Tu Mơ Rông, Kon Rẫy và các huyện mới chia tách; các khu, cụm công nghiệp Sao Mai, Hoà Bình, Đăk La, Đăk Tô...
(5) Xây dựng cơ sở hạ tầng và ổn định dân cư tại khu tái định cư thủy điện PleiKrông (tại xã Sa Nhơn - huyện Sa Thầy nhận dân từ xã Hà Mòn - Huyện Đăk Hà).
(6) Phát triển các điểm dân cư tập trung Kroong - Kon Tum; Đăk La, Đăk Hring, Hà Mòn, Đăk Ui - Đăk Hà; Sa Bình, Ya Xier, Rờ Kơi - Sa Thầy; Văn Lem, Đăk Sao, Tân Cảnh, Diên Bình-Đăk Tô; Tu Mơ Rông, Tê Xăng-Tu Mơ Rông; 732, Đăk Dục, Sa Loong - Ngọc Hồi; Đăk Pét, Đăk Môn, Mường Hoong, Đăk Man - Đăk Glei; Xã Hiếu, Đăk Tăng, Ngọc Tem - Kon Plong; ĐăkTre- Kon Rẫy.
Các điểm dân cư tập trung này với chức năng là trung tâm kinh tế - văn hoá - dịch vụ - khoa học công nghệ ở nông thôn, là hạt nhân gắn kết giữa đô thị và nông thôn, thúc đẩy và nâng cao trình độ dân trí, nếp sống văn minh nông thôn, tạo điều kiện giao lưu, trao đổi hàng hóa trong vùng.