- Những định hướng phát triển không gian chính:
3. Phương hướng bảo vệ môi trường
3.1. Phương hướng chung
Trong thời gian tới, phương hướng bảo vệ môi trường tỉnh tập trung vào: - Tiếp tục thực hiện Luật Bảo vệ môi trường; triển khai có hiệu quả các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và Chương trình hành động của ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Chương trình hành động số 1318/CTr-UBND ngày 7/7/2009 của UBND tỉnh về thực hiện Kế hoạch số 52-KH/TU ngày 23/4/2009 của tỉnh ủy Kon Tum triển khai thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị “về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
- Tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường. Tăng cường sử dụng công cụ kinh tế trong quản lý môi trường.
- Đầu tư, đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho môi trường và sử dụng đúng mục đích, hiệu quả kinh phí cho sự nghiệp môi trường; đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.
- Thực hiện các điều ước quốc tế về môi trường và hợp tác về công tác bảo vệ môi trường ở địa phương.
- Tập trung xử lý ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường các làng nghề, khu dân cư, các khu và cụm công nghiệp; quản lý và xử lý chất thải rắn các đô thị, khu dân cư; bảo vệ đa dạng sinh học;
- Tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về môi trường; đào tạo, tập huấn chuyên môn, quản lý về bảo vệ môi trường; tăng cường công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sau thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, các điểm nóng về môi trường;
- Chú trọng các biện pháp chống xói mòn và sạt lở đất.
- Lập quy hoạch quản lý và xử lý rác thải đô thị; quy hoạch quản lý chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại.
- Phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội để triển khai các Nghị quyết liên tịch Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký kết giữa với một số tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội.
- Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành nhằm thống nhất mục tiêu và hành động trong các hoạt động quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường để có thể trở thành tiếng nói chung trong toàn bộ chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Gắn kết nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch phát triển các làng nghề, khu, cụm công nghiệp, trang trại chăn nuôi tập trung.
3.2. Phương hướng bảo vệ môi trường trên một số lĩnh vực
- Bảo vệ tài nguyên đất. Cần khai thác một cách hợp lý, tránh làm cạn kiệt chất dinh dưỡng trong đất, có những biện pháp duy trì và tăng độ màu mỡ, dùng những loại phân bón, hóa chất thích hợp, trồng những loại cây trồng phù hợp, không làm thoái hóa đất. Sử dụng tiết kiệm và hợp lý tài nguyên đất.
- Bảo vệ tài nguyên rừng và đa dạng sinh học. Khai thác hợp lý, đảm bảo tái sinh rừng, nuôi dưỡng phục hồi rừng và trồng rừng mới, đặc biệt đối với các địa bàn xung yếu (rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ môi sinh môi trường, phòng hộ các công trình thuỷ lợi). Quy hoạch bảo tồn thiên nhiên đối với Vườn quốc gia Chư Mom Rây và Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh; đồng thời thực hiện tốt công tác bảo vệ các khu bảo tồn sinh thái này. Bảo vệ nghiêm ngặt các động, thực vật quý hiếm.
- Bảo vệ tài nguyên nước. Cần khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm nguồn nước kể cả nước mặt và nước ngầm. Có những quy chế, quy định chặt
chẽ đối với những công trình sản xuất công nghiệp và kinh doanh, dịch vụ, du lịch trong việc sử dụng nguồn nước. Quy định bắt buộc đối với một số ngành sản xuất, kinh doanh phải xử lý rác, nước thải đảm bảo vệ sinh trước khi cho đổ vào nguồn nước chung (các sông, suối, hồ, đầm v.v.) nhằm giữ gìn chất lượng nguồn nước.
- Bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Khai thác tài nguyên khoáng sản một cách hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là khi công nghiệp khai thác bôxit và khoáng sản quí hiếm được đầu tư khai thác và đi vào hoạt động. Đảm bảo không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường xung quanh, không làm xáo trộn sự phát triển các ngành kinh tế khác và làm ảnh hưởng tới đời sống dân cư.
- Bảo vệ các danh lam thắng cảnh tự nhiên có ý nghĩa du lịch, nghiên cứu sinh thái. Cần bảo tồn các sắc thái tự nhiên của cảnh quan, duy trì các hệ động, thực vật của các vùng sinh thái đặc thù, vùng rừng nguyên sinh, đồng thời tôn tạo làm tăng vẻ đẹp tự nhiên mà vẫn đảm bảo không làm mất đi giá trị tự nhiên của các danh lam thắng cảnh đó.
- Bảo đảm vệ sinh môi trường sống ở các đô thị, dân cư tập trung. Quy hoạch xây dựng hệ thống cấp, thoát nước cho thành phố, thị xã, thị trấn, đặc biệt là ở đô thị Kon Tum, PLeikần, các thị trấn, các khu công nghiệp tập trung. Quy hoạch phát triển mạng lưới thu gom và xử lý rác thải đô thị. Cần chú ý đảm bảo không gây ô nhiễm đất đai, nguồn nước, không khí cho dân cư đô thị và các vùng lân cận.
- Bảo vệ các tài nguyên nhân văn. Cần bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa nhằm giữ gìn giá trị nhân văn để giáo dục lòng tự hào dân tộc và khai thác phát triển tham quan, du lịch ở mức độ hợp lý, tránh làm cho các công trình biến dạng, hư hỏng, xuống cấp.
- Vấn đề phòng chống tránh lũ lụt, thiên tai. Vấn đề phòng chống thiên tai cần luôn được quan tâm trong cả những năm trước mắt và cả lâu dài. Phòng tránh và hạn chế thiên tai bằng giải pháp xây dựng các công trình điều tiết kết hợp đồng bộ với các giải pháp khác như trồng rừng phòng hộ, bố trí cây trồng tránh vụ v.v. Tăng cường các trang thiết bị hiện đại cho các trạm khí tượng thuỷ văn, các trạm thông tin liên lạc trong tỉnh nhằm tạo điều kiện đưa tin kịp thời.
- Quản lý chất thải khu công nghiệp, chất thải y tế, chất thải sinh hoạt.
+ Đối với khu vực đô thị và khu công nghiệp: Phấn đấu đến năm 2015 thu gom và xử lý 100% chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và y tế. Đến năm 2020, các khu đô thị đều có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt đô thị tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. 100% khu, cụm công nghiệp đều có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi đi vào hoạt động.
+ Đối với khu vực nông thôn cần chú ý bảo vệ môi trường khi dùng thuốc trừ sâu, phân bón hoá học. Có các biện pháp lâm sinh để chống xói mòn, tăng độ phì cho đất. Đẩy mạnh trồng và bảo vệ rừng. Quản lý và sử dụng có hiệu quả
nguồn nước mặt, nước ngầm, bảo đảm cân bằng môi trường sinh thái.