CHỌN LỰA NHỮNG KHÁCH HÀNG TIỀM NĂNG VÀ KHÁCH HÀNG CÓ UY TÍN
Ngày nay, việc tiếp cận nguồn vốn vay của người dân đối với NH không còn là việc quá khó giống như nhiều năm về trước. Chỉ cần có mục đích sử dụng vốn vay hợp pháp, tình hình tài chính minh bạch, khả năng tài chính đảm bảo có thể trả đầy đủ nợ gốc và lãi cho NH khi đến hạn cộng với việc có tư cách pháp nhân, tư cách thể nhân được thừa nhận bởi pháp luật là khách hàng có thể xin vay vốn tài NH. Và tùy theo mức độ tín nhiệm của NH đối với khách hàng, NH có quyền quyết định cho vay có tài sản làm đảm bảo hay không có tài sản làm đảm bảo (hay còn gọi là cho vay tín chấp). Tuy nhiên, đó là đối với những khách hàng có uy tín cao, có mối quan hệ thân thiết và là đối tác lâu dài của NH. Trong thực tế, việc chọn lựa được những khách hàng nói trên là điều không dễ dàng. Đặc biệt, trong tình hình cạnh tranh gay gắt như hiện nay trong ngành Ngân hàng, điều này lại càng trở nên khó khăn hơn nữa. Các NHTM thì luôn muốn mở rộng mạng lưới cấp tín dụng của mình, trong khi không phải khách hàng nào cũng đầy đủ tiêu chuẩn để NH có thể chấp nhận hỗ trợ nguồn vốn mặc dù nhu cầu sử dụng vốn ngày càng gia tăng trên thị trường. Muốn hạn chế được rủi ro trong công tác
lựa chọn khách hàng và nâng cao chất lượng cung cấp tín dụng, không gì khác hơn đó là phải có một quy trình thẩm định khách hàng tốt.
Công tác thẩm định khách hàng phải được đẩy mạnh và nâng cao về chất lượng. Với nổ lực không ngừng của Ban giám đốc và đội ngũ cán bộ công nhân viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, tại NHTMCP Phương Nam CN ĐBSCL đã và đang dần hoàn thiện tốt hơn nữa các khâu thẩm định trong quy trình xét vay đối với khách hàng. Tuy nhiên, để giúp cho công tác thẩm định khách hàng đạt được chất lượng tốt hơn nữa, có thể áp dụng một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, sau khi thẩm định về khả năng tài chính, công tác thẩm định của NH nên nhắm sâu vào tính thiết thực và hữu ích của các dự án, phương án SXKD, dự án, phương án phục vụ đời sống an sinh xã hội. Các tiêu chuẩn có thể quan tâm khi tiến hành công tác thẩm định như : mức độ ảnh hưởng đến con người và môi trường khi thực hiện các dự án, phương án; mức độ đóng góp của ngành cho sự tăng trưởng của nền kinh tế; các tiêu chuẩn về an toàn chất lượng đối với sản phẩm, hàng hóa làm ra….
Thứ hai, đối với khách hàng uy tín và thân thiết cũng cần có những qui trình bổ trợ thẩm định cụ thể như: tổ chức công tác tư vấn cho các khách hàng này khi họ muốn sử dụng vốn để đầu tư, khuyến khích khách hàng đầu tư vào lĩnh vực được Nhà nước ưu đãi, thành lập tài khoản quản lý vốn đầu tư cho khách hàng.
Thứ ba, tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng vốn vay, kết hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý các dự án, phương án SXKD, tránh tình trạng khách hàng có những hành vi vi phạm nội dung đã ký kết trong hợp đồng tín dụng.