Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam với những ảnh hưởng của xã hội tri thức trên thế giới tạo ra những cơ hội nhưng đồng thời đặt ra những yêu cầu mới đối với giáo dục trong việc đào tạo đội ngũ lao động hiện nay. Trong xã hội tri thức, giáo dục đóng vai trò then chốt trong việc phát triển kinh tế xã hội thông qua việc đào tạo con người có trình độ cao đồng thời phải thể hiện được những năng lực cần thiết của người lao động mới để đáp ứng xu thế chung của thế giới.
Từ sự phát triển kinh tế xã hội có thể khẳng định rằng mô hình giáo dục “hàn lâm kinh viện “đào tạo ra những con người thụ động, chạy theo bằng cấp, chú trọng việc truyền thụ những kiến thức lý thuyết xa rời thực tiễn, còn gọi là “kiến thức chết“ không còn thích hợp với những yêu cầu mới của xã hội và thị trường lao động.
Vì vậy, đòi hỏi nền giáo dục nước ta phải đổi mới mạnh mẽ để nâng cao chất lượng đào tạo, nhằm cung cấp cho nền kinh tế nguồn nhân lực có đủ trình độ và năng lực vận hành nền kinh tế trong mọi lĩnh vực. Bên cạnh những năng lực chuyên môn, người lao động cần có những năng lực cần cho việc học suốt đời, gắn với cuộc sống hằng ngày, trong đó chú trọng các năng lực chung như:
− Năng lực tự học, học cách học;
− Năng lực cá nhân (tự chủ, tự quản lí bản thân);
− Năng lực xã hội;
− Năng lực hợp tác;
− Năng lực giao tiếp (tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ);
− Năng lực tư duy;
− Năng lực giải quyết vấn đề;
− Năng lực CNTT [6], [15].
Điều này cũng có nghĩa là các trường THPT hiện nay phải từng bước chuyển mình để trở thành nơi phát triển cho người học những năng lực cần thiết, giúp người học trở
thành những người lao động có trí thức đáp ứng yêu cầu của xã hội, thích ứng được với môi trường sống luôn luôn biến động và tự tin hội nhập quốc tế.