Bối cảnh xã hội Việt Nam sau 1975

Một phần của tài liệu cảm hứng về người anh hùng trong văn xuôi nghệ thuật nguyên ngọc sau 1975 (Trang 52 - 54)

6. Cấu trúc của luận văn

2.1.Bối cảnh xã hội Việt Nam sau 1975

Đại thắng mùa xuân năm 1975, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, mở ra một thời kỳ mới cho đất nước, thời kì độc lập tự do, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Chuyển sang thời bình, cuộc sống đã thực sự đi vào quỹ đạo đời thường, con người phải đối mặt với muôn vàn vấn đề của cuộc sống, những vấn đề phồn tạp mà vĩnh hằng. Những thay đổi trên đã tác động rất lớn đến đời sống văn học và nó đòi hỏi chính những người cầm bút phải thay đổi cách nhìn cuộc sống hay nói rõ hơn chính nền văn học phải vận động theo xu hướng mới để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống mới, nhà văn đặc biệt

phải nhạy cảm với những đổi thay của cuộc sống, là người phải luôn lắng nghe hơi thở của cuộc sống và phản ánh trung thực cuộc sống. Đời sống xã hội nói chung và đời sống văn học nói riêng vận động với những nét lớn sau đây:

Thứ nhất, từ sau 1975 dân chủ hóa trở thành xu thế lớn của xã hội và trong đời sống tinh thần của con người, xu hướng này vận động bao trùm cả nền văn học. Đặc biệt, với chủ trương cởi trói cho nền văn học, với tinh thần

đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật đã tạo cơ sở cho tư tưởng, cho xu

hướng dân chủ hóa trong văn học được khơi dòng và phát triển mạnh mẽ. Dân chủ hóa đã trở thành những mạch nước ngầm ngấm sâu vào nhiều cấp độ và bình diện của đời sống văn học. Sự thay đổi về ý thức nghệ thuật đã tạo cho nhà văn có cái nhìn mới về cuộc sống, về con người. Văn học giai đoạn này được nhấn mạnh trước hết ở sức mạnh khám phá thực tại và thức tỉnh ý thức về sự thật, ở vai trò dự cảm, dự báo. Trong văn học, con người thực sự được tôn trọng, được là chính mình, được nói lên chính kiến của mình trước những vấn đề của xã hội. Cuộc sống thời bình là hiện thực của đời sống hằng ngày với các quan hệ thế sự vốn dĩ đa đoan đa sự, phức tạp chằng chịt, đan dệt nên những mạch nổi, mạch ngầm của đời sống. Hiện thực đó chính là đời sống của mỗi cá nhân con người. Đặc biệt là cá nhân những người anh hùng một thời với những khát vọng, những sâu kín bên trong tâm hồn cần được cảm thông và sẻ chia.

Thứ hai, văn học cách mạng Việt Nam trước 1975 được xây dựng trên nền tảng nhân đạo với cảm hứng chủ đạo là chủ nghĩa yêu nước, khát vọng độc lập, tự do và lí tưởng xã hội chủ nghĩa. Từ sau 1975, cuộc sống dần trở lại với những quy luật bình thường. Chính những quy luật bình thường của cuộc sống đã thúc đẩy sự thức tỉnh ý thức cá nhân, đòi hỏi sự quan tâm đến mỗi người, từng số phận. Đặc biệt là những khát khao rất đời thường. Sự thức tỉnh ý thức cá nhân đã làm thay đổi quan niệm về con người. Con người ấy không

còn là những anh hùng với tính cách oai hùng, bi tráng nữa mà con người trong văn học hôm nay được nhìn ở nhiều vị thế và trong tính đa chiều của mọi mối quan hệ, con người được văn học khám phá, soi chiếu ở đời sống tư tưởng, ở tình cảm, bản năng, khát vọng cao cả và dục vọng tầm thường trong tính nhân loại phổ quát.

Thứ ba, sau 1975 con người có điều kiện để nhìn nhận một cách chính xác hơn về cuộc sống hôm nay, nhìn người khác và nhìn chính mình trong tổng thể của cuộc sống. Con người hôm nay có được một độ lùi cần thiết về thời gian cho phép mỗi người đánh giá đúng hơn, chính xác hơn bản thân mình để thấy được rằng con người vẫn có những nhu cầu chính đáng cần được đáp ứng và tôn trọng. Đó chính là yêu thương, đồng cảm và sẻ chia, đặc biệt là những người anh hùng từng tham gia cuộc chiến. Đó chính là số phận, là đời tư, là những góc khuất còn sâu kín trong tâm hồn của họ mà trong thời chiến chưa có dịp bộc lộ.

Một phần của tài liệu cảm hứng về người anh hùng trong văn xuôi nghệ thuật nguyên ngọc sau 1975 (Trang 52 - 54)