6. Cấu trúc của luận văn
3.1.1. Không gian thời gian tâm tưởng
Không gian thời gian tâm tưởng trong tác phẩm văn học là không gian thời gian được xây dựng với những vật liệu từ kí ức bằng những kỷ niệm, những hoài niệm về quá khứ. Trong tác phẩm của Nguyên Ngọc sau năm 1975, không gian thời gian tâm tưởng là sự hoài niệm về những kí ức hào hùng, anh dũng trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.
Trong Trở lại Mèo Vạc, tác giả nhiều lần đưa người đọc trở về với quá khứ, với những kỷ niệm khi tác giả tham gia diệt phỉ năm xưa cùng Thào Mỹ
và Sùng Chóa Vàng ở Đồng Văn - Mèo Vạc. Những ngày tháng ấy là những ngày đẹp nhất, lãng mạn nhất, cho nên “cả những hiểm nguy của cuộc chiến đấu đang chờ phía trước, đều chẳng nghĩa lý gì so với cảnh đẹp đến nghẹt thở
nơi đất trời núi non biên giới” [61;417].
Trong Tháng Ninh Nông, là những tháng ngày nhân vật tôi phải vật lộn với cái chết và sự sống, nhờ sự cưu mang và chăm sóc của đồng bào nên “tôi” đã vượt qua được hiểm nguy “...Ngày nay nhớ lại, tất cả đều như trong một
giấc mơ”, “Không, có thật mà, cô gái ấy, tôi đoan đấy. Bởi vì chính cô mớm
cho tôi chút nước bắp nhai nhỏ đầu tiên” [61;465]. Suốt câu chuyện là lời kể
của nhân vật tôi về những kỷ niệm chiến đấu. Nhân vật tôi đã được đồng bào cưu mang và cứu sống, những hành động đẹp và những ân tình sâu nặng ấy nhân vật tôi vẫn luôn canh cánh bên lòng, mong có một ngày trở về và đền đáp những ân tình của người cũ.
Trong Người hát rong giữa rừng, là những kỷ niệm chiến đấu của “tôi” với người nghệ sĩ của núi rừng – Y Yơn. Những ngày khói lửa chiến tranh họ cùng cất cao giọng hát để cổ vũ tinh thần chiến đấu của đồng bào, đồng chí:
“...ngày ấy chúng tôi là một gánh hát rong, lang thang trên rừng núi Tây
Nguyên, và giữa chiến tranh” [61;543]. Trong sự hồi tưởng của nhân vật tôi,
Y Yơn là một nghệ sĩ tài hoa, yêu tự do, yêu quê hương và đồng bào của mình. Cũng chính vì những yếu tố đó mà chàng nghệ sĩ tài hoa – Y Yơn đã lang thang khắp núi rừng chỉ để làm một việc. Đó là hát. Cất cao tiếng hát để quên đi những đau thương mất mát của chiến tranh mà cổ vũ tinh thần cho đồng đội ngày đêm chiến đấu.
Trong Cát cháy, là sự hồi tưởng lại những ngày Bình Dương (Quảng Nam) còn chìm trong khói lửa chiến tranh “Ngày ấy, trên đất Quảng Nam, địch cày ủi điên cuồng. Bị vây đánh liên miên, cùng quẫn trên cả một vùng đất không chỉ mỗi con người mà đến cả mỗi mô đất, mỗi ngọn cỏ, gốc cây
...cũng có thể tung cái chết vào mặt kẻ thù”[61;711]. Và những người anh hùng quyết giành từng mảnh đất, từng người dân với địch “...Không ai còn có
thể tin và hiểu tại sao hồi đó những con người Bình Dương lại đứng ra gánh
vác những trách nhiệm ghê gớm như vây, và gánh được, tồn tại được, cho
mình, tất nhiên rồi, nhưng cũng là cho cả huyện, cả tỉnh, cả miền Nam, cả
nước” [61;722]. Từng câu chuyện, được chính những nhân chứng sống từng tham gia chiến đấu kể lại. Và suốt trong dòng hồi tưởng ấy, những người anh hùng được sống trở lại với quá khứ hào hùng, anh dũng rất đỗi cao đẹp của họ.
Với bút ký Có một con đường mòn trên biển Đông, là sự hồi tưởng của chính những người anh hùng tham gia trong chuyến vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam. Trong dòng hồi tưởng ấy, tác giả được nghe và được gặp gỡ những nhân chứng sống của lịch sử, những hải trình dài trên biển phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thiên nhiên cùng những hiểm nguy từ sự tấn công của kẻ thù. Những trận đối đấu trực tiếp với địch ở bãi Vũng Rô, bãi ngang – khu V, cửa sông Ray – Vũng Tàu, trên hải phận quốc tế...đều cho thấy sự kiên cường, dũng cảm đầy mưu trí trong chiến đấu và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ bí mật về con đường biển Đông của những thủy thủ tàu.
Bằng việc xây dựng không gian thời gian tâm tưởng trong các tác phẩm của mình, tác giả giúp người đọc có cái nhìn đa chiều và bao quát về sự thay đổi của cuộc sống, của số phận nhân vật cũng như thấu hiểu hơn những xúc cảm đan xen phức tạp diễn ra trong tâm hồn nhân vật.
Trước năm 1975, Nguyên Ngọc thường xây dựng nhân vật trong không gian và thời gian thực tuyến tính. Nhiệm vụ của văn học cách mạng là phản ánh hiện thực cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc với những người anh hùng được xây dựng dựa trên nhân vật có thật. Tất cả những tính cách của người anh hùng được quy tụ vào một điểm sáng là ca ngợi cái oai hùng nhất,
bi tráng nhất, gạt bỏ đi những yếu tố của đời thường. Do đó, nhân vật được phản ánh trong tác phẩm của Nguyên Ngọc trước năm 1975 là người anh hùng được xây dựng dựa trên nguyên mẫu thực tế như anh hùng Núp (Đất nước đứng lên), anh hùng Tnú (Rừng xà nu) với không gian tập thể, không gian rộng lớn, hoành tráng mang đậm tính sử thi.
Sau năm 1975, Nguyên Ngọc vẫn nhất quán với phong cách sáng tác của mình là viết với cảm hứng anh hùng. Ông càng trăn trở về người anh hùng bước ra khỏi quá khứ với những tâm thế khác nhau và luôn hướng về tương lai với một cái nhìn lạc quan, tin tưởng. Đó là người anh hùng sống một cuộc đời thầm lặng với những lo toan đời thường. Quá khứ hào hùng tuy vẫn là những kỷ niệm đẹp nhưng họ biết rằng, giờ đây, họ phải thích nghi với cuộc sống xô bồ, đầy khắc nghiệt.