Những suy tư về nghề cầm bút

Một phần của tài liệu Đặc điểm tạp văn của Ngô Tất Tố (Trang 84 - 88)

Nhìn chung, dù viết dưới dạng bài báo, bài nghiên cứu, phê bình hay bài giới thiệu, dù phân tích các tác phẩm tiểu thuyết, phóng sự, tiểu phẩm hay dịch thuật, phê bình, các nhà nghiên cứu đều có sự nhìn nhận, đánh giá thống nhất với nhau ở quá trình phát triển tư tưởng, quá trình lao động, sáng tạo, và quá trình đấu tranh không mệt mỏi vì nhân dân và dân tộc của nhà văn lão thành Ngô Tất Tố. Tất cả mọi lời nhận định đều khẳng định tài năng về mọi mặt của Ngô Tất Tố và những cống hiến to lớn của ông đối với nền văn học dân tộc, với việc bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hoá vốn có của đất nước.

Trong “Bút chiến và binh chiến” Ngô Tất Tố đã bộc lộ những suy tư của mình: “Nước ta có báo chưa lâu, mà số báo xuất bản chưa bao lăm. Nhưng mà không ngày nào mà không thấy có sự cãi nhau trên báo, hoặc lớn hoặc nhỏ (…) Những cuộc xung đột trên báo, mặt này có thể ví với những cuộc chiến tranh của các nước, mặt khác cũng có thể so với những cuộc cãi lộn của hàng cá hàng tôm (…) Những cuộc cãi lộn trên báo chẳng phải hoàn toàn bởi sự thù hằn, hay túng đầu đề mà ra. Nhiều khi cũng vì tình thế bắt buộc…Cái cớ làm sao mà báo không chạy”. Vậy, nguyên nhân của việc báo Hà Thành không ai xem là “báo ấy văn chương khốn nạn quá thể”. Cũng là lý do lỗi tại người viết như ở văn chương vậy. Tuy nhiên, “ở đây không thể nói ra, điều nên biết là sự không chạy không phải hoàn toàn là lỗi của kẻ viết...”(Bút chiến và binh chiến) [1920;109]. Nguyên nhân sâu xa đó chính là sự cạnh tranh, bút chiến, những cuộc bút chiến phần nhiều do cạnh tranh mà ra, ai cũng muốn cho mình thắng, đã cầu thắng thì phải dùng đến độc kế. Chính vì lẽ đó, mà sinh ra sự ẩu đả trên các báo.

Trong xã hội đầy rẩy rẫy sự giả dối bất công, người ta có thể làm giả bất cứ thứ gì, giả các ngạch bậc khác thì có pháp luật trừng trị, làng báo không phải lo. Ác cái đến “ngạch nhà báo” họ cũng giả nữa. Ví như, cái chàng đương đêm lẻn vào nhà cô Kim Hoa chực ép tình, “trước khi làm chuyện bất lương, anh ta còn

nấp mãi trong chuồng tiêu nhà ấy và còn đương bị truy tố về tội giả danh nhà báo là khác”. Thật đau lòng cho nghề cầm bút, nhà báo vốn là nghề được trọng dụng vì “nhà báo hướng đạo cho quốc dân, cái anh hiệu ấy thiêng liêng biết chừng nào. Bây giờ có kẻ dám mượn mà đội lên đầu, rồi vào ngồi trong chuồng tiêu thì còn trời đất nào nữa!”. Ngô Tât Tố đã rất bất bình và thương cho cái danh nhà báo. Có thể nói rằng, chưa có lúc nào mà xã hội Việt Nam lại rối ren như thế này, cái giả lấn át cái thật, theo Ngô Tất Tố muốn trừ được kẻ làm giả danh nhà báo thì “không gì bằng làng báo hiệp lực mà nhổ cho hết cái gốc đã sinh ra nạn người giả. Nghĩa là, bài trừ những món ăn giả cho máu Tiên Rồng khỏi có chất dơ (...) hễ ai ăn thức gì thì gọi nó là thức ấy cho mất cái giống “giả cầy””. Nhà báo vì vậy, trong con mắt của nhiều người không mấy ai được kính trọng. Buồn thay là ngay cả khi lấy làm chồng, nhiều chị đăng tuyển trên các trang báo tiêu chuẩn của chị em phụ nữ rất đơn giản nhưng “chẳng thấy chị nào thích nghề làm báo hết thảy”. Ngô Tất Tố cũng rất tủi thân cho chính bản thân mình “Trời đất ơi! Tủi thân cho tôi biết chừng nào. Nếu như biết chắc bao nhiêu bài đó đều do phụ nữ viết ra, thì không khéo tôi phải rưng rưng nước mắt. Thưa các chị em! Nghề báo có phụ chị em bao giờ (…) chúng tôi chẳng những không phụ các chị em mà còn có công nữa là khác (…) Chúng tôi biết yêu, cũng biết chiều, cũng có học và học nhiều nữa. Có thua người ta chẳng qua chỉ thua ở chỗ “nhìn vợ mà cười”. Vì sao các chị em lại không điểm xỉa đến chúng tôi? Đó là những tâm sự chân tình mà Ngô Tất Tố muốn giải bày để có thể an ủi nhà báo và bộc lộ để chị em hiểu hơn về họ. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là tại sao cách đây chừng mười lăm năm nhà báo lại được quý trọng đến vậy? đã có một ông lấy được vợ giàu vì có ngồi trong nhà báo, năm kia năm kìa lại có ông nữa ở nhà báo mà vớ được vợ có tiền? Mấu chốt vấn đề là thế, Ngô Tất Tố đã thẳng thắn nói rằng: “cố nhiên tôi không dám nhận những ông tốt duyên ấy làm bạn đồng nghiệp, là vì đối với làng báo, các ông ấy chỉ là người xâm canh, nếu được đào óc kiếm chữ, người ta sẽ đào bảy ngày không ra một chữ. Đồng nghiệp của chúng tôi đâu có những người như thế?” (Bây giờ tôi phải tủi thân)[1920;185-186]. Ngô Tất Tố một mặt muốn khẳng định rằng những kẻ dốt nát lợi dụng nhà báo, giả danh nhà báo mới lấy

được vợ, mặt khác lại lấy làm thất vọng vì bị người ta lợi dụng, đội lốt để tìm lợi ích cá nhân làm mất danh dự của nhà báo.

Bên cạnh bị kẻ gian lợi dụng đổi lốt rồi bị nghi ngờ, coi thường nghề viết báo, làng văn dường như bị đối xử so với các nghề khác. Chẳng hạn, như nghề thể thao, trong vòng mười lăm năm tới đây, sự hâm mộ thể thao của quốc dân Việt Nam mỗi ngày thêm nhiệt liệt, trong cuộc đua xe vừa rồi, “ông Vũ Văn Thân kiện nhi Bắc Kỳ, khi mới đến Sài Gòn đã được tiền thưởng tất cả trước sau đều có hơn một nghìn tám trăm đồng”. Đó là điều đáng mừng cho sự nghiệp thể thao. Song nhìn lại làng văn thì sao? Nhiều người muốn quăng bút mà chuyển sang làng thể thao, trong khi tầm quan trọng đều như nhau. Ngô Tất Tố chỉ rõ: “Nếu cái ảnh hưởng của làng thể thao có thể bồi bổ sức khỏe cho giống nòi thì ảnh hưởng của làng văn cũng có thể làm cho trí thức giống nòi được thêm mở rộng. Như thế nghĩa là công trạng của làng văn ít ra cũng bằng công trạng của làng thể thao”. Ba mươi năm kể ra cũng không phải là ngắn, sách vở báo chí in ra kể cũng đã khá. Có nhiều người cũng là cả một đời cống hiến cho làng văn nhưng để động viên khích lệ họ thì chưa một lần, có chăng chỉ một mình ông Tản Đà mới có, Ngô Tất Tố cho biết: “Dân làng văn - trừ ông Tản Đà - có lẽ chưa ai được hưởng một chút ơn nào của ai. Thỉnh thoảng cũng có những cái giải thưởng văn chương từ hai trăm đồng trở lại. Đó là của làng văn hoặc của những người có quan hệ với làng văn đặt ra để khuyến miễn nhau cho hay. Còn của người ngoài hầu hết là những giải thưởng “hữu danh vô thực” họ cốt để bịp những ông văn sĩ khờ dại, không thể gọi là giải thưởng”[1920;212-213]. Vừa tủi vừa hờn vì thực tế đã vậy, “phong trào thể thao bồng bột nổi lên” anh em thể thao đi đâu cũng có người đưa đón, “tiếp rước”. Còn vời làng văn không có hân hạnh ấy “Một tay cự phách của làng văn làng báo như ông Phan Khôi, thui thủi vào Nam ra Bắc, có ai ỏ ê đến đâu? Còn độc giả thì sao? Đố ai bán nổi cái vé một xu để vào xem các nhà văn đấu bút trong các cuộc bút chiến, hay một cuộc bình văn, trong khi có cuộc đấu bóng nào thường có hàng nghìn khán giả bỏ hai đồng bạc để mua cái vé để xem các cầu thủ phô tài. Đó không chỉ là sự chênh lệch mà còn là sự bất cân đối về nhận thức của tác giả, khán giả đối với làng văn. Ngô Tất Tố đã rất thấu hiểu và chia sẻ với những gì mà nhà văn phải chịu thiệt thòi, một đời viết văn,

hầu hết thi sĩ nào cũng mắc phải những oái oăm, đắng cay cuộc đời. Có lúc ông rất căm giận ông trời muốn hỏi ông trời còn ghen đến bao giờ nữa?: “Trong khoảng hơn mười thế kỷ tới đây ông Trời thù ghét nhà thơ dữ lắm, nhất là những người nổi tiếng về thơ”. Không chỉ ở Việt Nam mà bên Tàu cũng vậy, thi sĩ trứ danh như Đào Tiềm, Đỗ Phủ, Lý Bạch, và Tô Đông Pha cũng bị trời ghen ghét. “Đào đã có lúc phải đi ăn xin, Đỗ đã có hai người con chết đói, Lý đã mấy lần dâng thư cho Hàn Kinh Châu, xin một thước đất trước làm hỗ dương mày hả hơi mà vẫn không được, Tô thì khi ở Trào Châu, chỉ dám đem người con út là Quá đi theo, cha con cơm niêu nước lọ bao nhiêu năm trời”. Ở Việt Nam thì sao? Cái ghen ghét của Trời cũng vậy, “các ông Cao Bá Quát, Trần Tế Xương và Từ Diễn Đồng đều là những người có tiếng về thơ. Nhưng Cao tiên sinh đã phải than rằng: “Khi nghèo, miệng bụng lụy người nhiều”, Trần tiên sinh đã phải kêu rằng: “Một tuồng rách rưới con như bố”, Từ tiên sinh thì phải ngậm ngùi mà đọc hai câu: “Van nợ lắm khi tràn nước mắt, Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi””. Tản Đà tiên sinh là một nhà thơ có tài thì không thể tránh khỏi sự ghen ghét của Trời. “Trong lúc còn tiên còn sống, trời đã bắt phải suốt đời lật đật, đến nay trời còn để bọn bất lương cướp hết vốn liếng của bà vợ góa nhà thi sĩ”[1920;253]. Một câu hỏi lớn đặt ra cho các nhà thơ, rằng tại sao họ đều có chung số phận như vậy? cùng chung cảnh ngộ là túng quẫn, khốn đốn. Phải chăng nghề viết văn, làm thơ ai cũng phải chịu thiệt thòi vậy sao? Do kiếp trước họ nợ Trời mà họ không được tôn trọng hay do họ không có quyền hành gì trong xã hội này? Họ kêu van không được mà ngậm ngùi chịu đựng số phận trong suốt cả cuộc đời. Không có giải pháp nào để làm lối thoát cho các thi sĩ, họ bị bế tắc, bị ép đến bước đường cùng. Ngô Tất Tố cũng rất cảm thông với hoàn cảnh, số phận của nhà thơ Tản Đà và ông ngậm ngùi mà than rằng: “Than ôi, đời đáng chán hay không đáng chán. Tiên sinh nếu có thiêng mà đọc hai khúc “cố bần” chắc phải thề rằng: Kiếp sau không làm nhà thơ” [1920;253]. Đây chính là điểm gặp gỡ giữa Ngô Tất Tố với các thi sĩ, điều này nói lên xã hội ngày xưa cũng như bây giờ, thi sĩ vốn không được coi trọng bây giờ cũng thế, họ đều bị ghen ghét, đố kỵ là đối tượng phải chịu nhiều thiệt thòi, họ chỉ biết kêu van Trời mà thôi. Chúng ta cũng biết rằng, mỗi con người để tồn tại và phát triển toàn diện thì phải đảm bảo sự phát triển về

thể chất và tinh thần. “Gạo và văn” là hai thứ để con người phát triển toàn diện: “Một đằng nuôi tinh thần một đằng nuôi thể chất, nó rất cần cho loài người. Nhưng con nhà văn ít khi nghĩ đến chuyện gạo. Vì chuyện gạo là chuyện tục chọc, trong óc nếu phải chứa đến chuyện ấy, thì viết văn khó lòng mà được sáng suốt, chuyện văn không thể trộn chuyện gạo là vì thế. Ngô Tất Tố tâm sự “Cái nạn thóc cao gạo kém ở bên Trùng Khánh đó còn gấp nghìn lần ở ta, cho nên các bạn đồng nghiệp chúng tôi ở đấy đương phải yêu cầu đổi văn lấy gạo. Một bài văn nghìn chữ, họ bán được 60 đến 100 đô la. Bởi giá văn không kịp giá gạo, bán bằng giá ấy không đủ nuôi cái ngòi bút, cho nên họ muốn bài văn nghìn chữ đổi thẳng 17 cân Anh gạo, chứ không lấy tiền”. Đúng là “hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”, nghề văn không được coi trọng như nghề nông nữa rồi, trong lúc chạy gạo không ra, chắc đâu có người muốn liệng cái bút đi để cầm cái cày cho đỡ tủi. Xét cho đến cùng, nghề văn cũng là nghề kiếm sống để nuôi sống bản thân như bao nghề khác, nó cũng phục vụ đời sống văn hóa tinh thần, nuôi dưỡng tâm hồn cho tất cả mọi người nhưng lại không được coi trọng, không được “đối xử” công bằng như các nghề khác. Nhà văn có sứ mệnh rất quan trọng nhưng họ phải chịu cực khổ, phải chấp nhận thực tại để đổi lấy danh dự nghề nghiệp của mình.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tạp văn của Ngô Tất Tố (Trang 84 - 88)