Câu chuyện gia tình của Nguyễn Bá Học và Báo hiếu: trả nghĩa cha; Báo

Một phần của tài liệu Truyện ngắn trên tạp chí nam phong (1917 1934) với việc xây dựng mô hình truyện ngắn hiện đại (Trang 86 - 91)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3.2.Câu chuyện gia tình của Nguyễn Bá Học và Báo hiếu: trả nghĩa cha; Báo

nghĩa cha; Báo hiếu: trả nghĩa mẹ của Nguyễn Công Hoan

Đầu thế kỉ XX, thực dân Pháp đẩy mạnh việc khai thác thuộc địa ở Việt Nam, xã hội Việt Nam bị phân hóa nhanh chóng thành nhiều giai tầng khác nhau, mâu thuẫn đối lập nhau. Đồng thời quá trình tiếp xúc văn hóa phương Tây cũng làm cho nền tảng văn hóa Nho học phong kiến ở Việt Nam bị lung lay. Nhiều giá trị văn hóa đạo đức truyền thống bị đổi thay và mai một. Với đạo đức truyền thống, chữ hiếu từ là một giá trị được mọi người đề cao, xem đó là đạo lí hiển nhiên phải có ở mỗi con người. Từ người thường dân đến vua chúa quan lại, ai ai cũng phải có hiếu với cha mẹ, kính trọng cha mẹ, phải biết ơn đấng sinh thành, dưỡng dục. Ấy vậy mà với sự hình thành của giai cấp tư sản, đồng tiền đã lên ngôi và ngự trị, giá trị đạo đức có khi bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Chữ hiếu trước đây được mọi người tôn thờ thì nay có kẻ nhẫn tâm chà đạp.

Đề tài này đã được nhiều cây bút truyện ngắn quan tâm thể hiện, gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh mọi người. Người tiên phong viết về đề tài này trong truyện ngắn hiện đại là Nguyễn Bá Học. “Mặc dù vẫn quan niệm thiên chức của nhà văn là làm văn để “treo gương luân lí”, bảo vệ đạo đức truyền

thống, nhưng Nguyễn Bá Học đã bước đầu rời bỏ quan niệm văn học của nhà nho, ý thức được cần thiết phải có thể loại mới để phản ánh đời sống, đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ mới và tính chất mới của công chúng”[11; tr 269]. Trong truyện ngắn Câu chuyện gia tình, Nguyễn Bá Học đề cao sự sinh thành, giáo dưỡng của người mẹ: “Già ở góa đã 30 năm nay, nhà nghèo, chỉ bới đất nhặt cỏ, nuôi hai con đi học. Ngày quên ăn, đêm quên ngủ, trông thấy con ấy là ngọc giải phiền, không nỡ lúc nào mà mẹ con xa vắng nhau” [17; tr151). Tấm lòng của người mẹ đối với con không gì đo đếm được. Người mẹ hi sinh tất cả vì con, đứa con là nguồn sống nguồn vui là động lực cho người mẹ vượt qua mọi khó khăn khổ ải của cuộc đời. Ấy vậy mà cả hai đứa con của bà cụ không đứa nào nuôi nổi mẹ. Đứa lớn theo Nho học làm thầy đồ, từ khi nhà nước bỏ thi bỗng thất nghiệp không nuôi nổi vợ con, mẹ già. Đứa con thứ hai theo Tây học khấm khá thành đạt hơn nhưng tệ hại hơn là ăn chơi, cờ bạc, ăn cắp tiền của vợ để đi chơi với người tình, nói dối với cả mẹ đẻ ra mình. Dưới con mắt của nhà nho Nguyễn Bá Học, những hành động ấy thể hiện sự băng hoại, xuống cấp trầm trọng của đạo đức. Hành động ấy của đứa con đối với người mẹ là sự bất hiếu lớn. “Có thể nói ông (Nguyễn Bá Học) là nhà văn đầu tiên của Việt Nam đầu thể kỉ XX viết truyện ngắn phản ánh cuộc sống thành thị đang trên đà tư sản hóa. Cuộc sống thường nhật được miêu tả trong bầu không khí náo động, xô bồ, chen chúc các loại người mưu mô và trụy lạc gia tang ở thành thị, ngược hẳn với nông thôn vắng lặng và tàn tạ” [11; tr 269].

Cùng đề tài sa đọa về đạo đức, Nguyễn Công Hoan trong Báo hiếu: trả

nghĩa cha và Báo hiếu: trả nghĩa mẹ cũng xây dựng hình ảnh một người mẹ

tận tụy hết lòng vì con, cũng là người có số phận không may mắn ở góa để nuôi con. “Bà ấy là một người đàn bà góa. Đã ngoài ba mươi năm nay, có một đêm bà ấy trót dại chiều chồng mà tình cờ đẻ ra được một đứa con trai. Sinh

được ít lâu, trời bắt tội bà ấy góa bụa. Nhà nghèo, làm ăn vất vả, kiếm chẳng đủ ăn, nhưng bà ấy chẳng nhẫn tâm bỏ đứa bé thơ ngây trả nhà chống để đi bước nữa mà vui thú với tuổi xuân đương hơ hớ. Qua mấy năm khó nhọc, khi sài khi đẹn, suýt chết mấy lần thì đứa bé đến tuổi đi học” [18; tr54]. Thằng con ấy sau bỏ ra tỉnh làm ăn buôn bán phát tài trở nên giàu có là chủ hãng ô tô Con cọp. Ấy thế nhưng người mẹ không được hưởng chút nào cái sung sướng cùng con mà ngược lại trong một đêm “Mưa phùn. Gió bấc. Rét buốt tận xương”, bà bị chính đứa con trai của mình ra đuổi bà ra đường. Sự bất hiếu đến táng tận lương tâm của người con khiến cho bà cụ uất lên mà chết. Ấy vậy nhưng khi bà cụ chết, hắn lại tổ chức đám tang linh đình trọng thể, khóc than kêu gào thảm thiết để che mắt thiên hạ. Vợ chồng hắn càng tỏ ra có hiếu, càng cố sức che đậy thì người đọc càng nhận ra bản chất đại bất hiếu của hắn. Cả hai truyện ngắn đều có điểm chung là người mẹ ở góa tần tảo nuôi con khôn lớn trưởng thành nhưng sự bất hiếu của người con khiến cho các bà mẹ phải buồn lòng, thậm chí uất hận mà chết như trong Báo hiếu: trả nghĩa

mẹ của Nguyễn Công Hoan. Hai truyện ngắn của hai tác giả (Nguyễn Bá Học

và Nguyễn Công Hoan) sáng tác ở các thời điểm khác nhau nhưng đều có chung quan niệm: chính xã hội tư sản ở thành thị đã làm băng hoại đạo đức tha hóa con người, hủy hoại giá trị đạo đức truyền thống. Lối sống tư sản thành thị đề cao đồng tiền và ăn chơi sa đọa, hưởng lạc là nguyên nhân trực tiếp làm nảy nòi những đứa con bất hiếu.

Mặc dù có nhiều điểm tương đồng ở hai truyện ngắn, song mỗi truyện lại có cách thể hiện riêng độc đáo. Truyện ngắn Câu chuyện gia tình sáng tác thời kì đầu thế kỉ XX (1918), nội dung phản ảnh sự xuống cấp của hai nền giáo dục: giáo dục Nho học thì đã lỗi thời, chỉ là thứ lí thuyết suông. Giáo dục Tây học đi liền với sự tiến bộ, văn minh, thực nghiệp thì không ngăn nổi con người tiêm nhiễm nhiều thói hư tật xấu của lối sống tư sản thành thị. Người

con thứ hai của bà cụ học theo Tây học lên tỉnh sống và đổi tính, đổi nết “lúc ở nhà thì thật thà hiếu hữu, bây giờ động nói thì dở lí dở luật ra con người vô tình. Khi ở nhà thì thật là thuần hòa, bây giờ động việc thì cậy thế cậy quyền ra con người táo tợn; khi ở nhà thì ăn ở kham khổ, đến bây giờ thì học thói xa xỉ tưởng thế là văn minh; khi ở nhà thì nhịn bạn nhường thầy, đến bây giờ thì cậy trí khoe tài cho ai cũng là mọi rợ.” [17; tr 153]. Quan niệm của Nguyễn Bá Học là “làm người ai cũng phải có bổn phận: làm con phải đền ơn cha mẹ, làm chồng phải giúp vợ, làm cha phải nuôi con” [17; tr152]. Vậy mà cả hai đứa con của bà cụ không nuôi nổi cụ, tệ hại hơn người con thứ hai còn ăn trộm tiền, tư trang của vợ để đi chơi với người tình, sẵn sàng nói dối mẹ đẻ. Đó là những biểu hiện vi phạm đạo đức nghiêm trọng cần gióng chuông cảnh tỉnh mọi người.

Câu chuyện gia tình là truyện ngắn hiện đại đầu thế kỉ XX nên nội

dung tư tưởng các yếu tố nghệ thuật có nhiều đổi mới, song có một số yếu tố chưa hoàn thiện. Cốt truyện còn đơn giản, câu chuyện mang tính luận đề phục vụ cho mục đích “treo gương đạo đức” của tác giả. Nhân vật bà cụ già lẩm cẩm mà nói câu nào cứ như một bậc hiền triết giảng về đạo Nho, giảng về luân lí đạo đức vậy. Nghệ thuật kể chuyện còn dài dòng, rườm rà, đoạn đầu là đoạn nghị luận xã hội của tác giả, là bình luận ngoại đề, tác giả còn dùng nhiều từ Hán Việt và câu văn biền ngẫu. Dù còn một số nhược điểm song

Câu chuyện gia tình vẫn là một truyện ngắn khá thành công của Nguyễn Bá

Học nói riêng, của truyện ngắn trên tạp chí Nam phong nói chung và cũng là sự thành công của người đi tiên phong trong viết truyện lối mới ở nước ta, mở ra triển vọng của truyện ngắn Việt Nam hiện đại viết bằng chữ quốc ngữ.

“Có thể nói nếu Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn là những cây bút tiên phong trong việc tạo dựng thể loại truyện ngắn quốc ngữ hiện đại Việt Nam thì Nguyễn Công Hoan là người đã có công hoàn thiện thể loại truyện ngắn và

đẩy nó phát triển cao hơn. Ông thực sự đã trở thành một cây bút truyện ngắn, một tác giả lớn trong nền văn xuôi Việt Nam hiện đại” [11; tr 280].

Nguyễn Công Hoan với hai truyện ngắn liên hoàn Báo hiếu: trả nghĩa

cha và Báo hiếu: trả nghĩa mẹ đã đem lại thành công lớn cho đề tài viết về

đạo đức trong truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1930-1945. Nguyễn Công Hoan xây dựng được tình huống truyện độc đáo, trước hết đó là tình huống trớ trêu nghịch lí, phi lí trái với đạo đức thông thường. Trong ngày giỗ cha, người con trai tổ chức cỗ bàn linh đình quan khách đông đúc tấp nập, dự tiệc ăn uống trong ngôi nhà rộng rãi ấm cúng, đèn sáng trưng thì cũng chính là kẻ đã nhẫn tâm đuổi bà mẹ ra ngoài trời mưa rét sau khi bố thí cho bà cụ hai đồng hào. Chính hắn cùng với vợ đã giết mẹ đẻ của mình sau đó làm đám ma rất trọng thể, rất linh đình để được khen là người có hiếu. Qua những tình huống trên, bản chất đại bất hiếu của người con trai bị bóc trần, người đọc không chỉ khinh bỉ mà còn căm ghét hạng người vô đạo bất hiếu không có lương tâm.

Cách kể chuyện của Nguyễn Công Hoan cũng thật tự nhiên, câu văn rất linh hoạt, ngôn ngữ chọn lọc gần gũi với ngôn ngữ dân gian, với ngôn ngữ sinh hoạt đời thường giàu cảm xúc. Nguyễn Công Hoan cũng chú trọng xây dựng hoàn cảnh điển hình đối chọi, đối lập nhau gay gắt. Trong phòng là những con người ăn mặc lịch sự đèn điện sáng trưng ấm cúng, còn ở ngoài trời mưa phùn gió bấc, rét buốt tận xương với hình ảnh bà cụ đói rét, ăn mặc bẩn thỉu. Chi tiết nhỏ này ngay từ đầu đã bóc trần sự tệ bạc của người con đối với mẹ.

Ngôn ngữ trong truyện ngắn Báo hiếu: trả nghĩa cha của Nguyễn Công Hoan nhiều màu sắc, mỗi nhân vật có một sắc thái ngôn ngữ riêng. Ngôn ngữ ông chủ hang ô tô Con cọp đầy quyền uy hách dịch khi nói với bà cụ đẻ ra mình; ngôn ngữ bà vợ ông chủ khi nói với khách thì ngọt nhạt giả dối; ngôn

ngữ của bà cụ thì mộc mạc chân thật. Ngôn ngữ đã bộc lộ rõ tính cách nhân vật. Ngoài ngôn ngữ nhân vật, Nguyễn Công Hoan còn sử dụng ngôn ngữ người kể chuyện giàu tính hài hước, có khi đan xen bình luận nửa trực tiếp: vừa là ngôn ngữ nhân vật vừa là ngôn ngữ tác giả tạo nên sự sinh động hấp dẫn. Tính chất trào phúng thể hiện cả trong ngôn ngữ, tình huống truyện, trong ngữ cảnh đối lập. “Từ những sự việc trong cuộc sống, Nguyễn Công Hoan đã tạo nên những tình huống truyện độc đáo, phù hợp với ngôn ngữ trào phúng của mình, đồng thời có ý nghĩa phê phán sâu cay xã hội đương thời” [11; tr 294].

Qua hai truyện ngắn cùng đề tài về đạo hiếu của hai tác giả trên, chúng ta thấy có sự kế thừa phát triển và hoàn thiện truyện ngắn Việt Nam hiện đại.

Một phần của tài liệu Truyện ngắn trên tạp chí nam phong (1917 1934) với việc xây dựng mô hình truyện ngắn hiện đại (Trang 86 - 91)