Nội dung kế thừa

Một phần của tài liệu Truyện ngắn trên tạp chí nam phong (1917 1934) với việc xây dựng mô hình truyện ngắn hiện đại (Trang 71 - 72)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.2.Nội dung kế thừa

Các nhà văn sáng tác truyện ngắn giai đoạn 1930-1945 đã kế thừa mô hình truyện ngắn trên tạp chí Nam phong một cách tự giác về cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Về phương diện nội dung, truyện ngắn giai đoạn 1930-1945 đã thực sự bám sát vào đời sống xã hội. Do điều kiện lịch sử xã hội Việt Nam giai đoạn này ứng với phong trào đấu tranh dân chủ 1936-1939 nên vấn đề hiện thực xã hội được các tác giả khai thác triệt để hơn hình thành hẳn một trào lưu hiện thực chủ nghĩa. Một số truyện ngắn trên tạp chí Nam phong có xu hướng lãng mạn khi viết về đề tài tình yêu đôi lứa với sự bồng

bột, nồng nàn say đắm nhưng còn dang dở không đi đến hôn nhân đã được các nhà văn trong nhóm Tự lực văn đoàn giai đoạn sau kế thừa và nâng cấp lên tạo ra những tác phẩm theo khuynh hướng lãng mạn chủ nghĩa. Về phương diện nghệ thuật giai đoạn sau đã kế thừa được các yếu tố như kết cấu và nghệ thuật xây dựng nhân vật ngôn ngữ và giọng điệu. Về nghệ thuật xây dựng nhân vật, các nhà văn viết truyện ngắn giai đoạn 1930-1945 đã kế thừa được từ truyện ngắn trên tạp chí Nam phong cách miêu tả nhân vật qua ngoại hình. Ngoài ra xây dựng nhân vật qua miêu tả hành động với cốt truyện li kì nhiều tình tiết hấp dẫn được các nhà văn viết truyện ngắn kế thừa và phát triển. Đặc biệt vấn đề xây dựng nhân vật theo mạch phát triển tâm lí được các nhà văn lãng mạn kế thừa để đem lại những thành tựu đáng kể.

Về kết cấu, trên cơ sở kết cấu đa dạng mà các tác giả truyện ngắn trên tạp chí Nam phong đã xây dựng, các nhà văn giai đoạn sau kế thừa tất cả các kiểu kết cấu như truyện lồng trong truyện, kết cấu theo dòng thời gian sự

kiện, kết cấu theo hình thức viết thư, kết cấu theo mạch phát triển tâm lí nhân vật…

Về ngôn ngữ và giọng điệu, truyện ngắn trên tạp chí Nam phong đã xây dựng được các kiểu giọng điệu như giọng điệu khách quan, giọng điệu phê phán đả kích, giọng điệu tâm tình trữ tình, giọng điệu suồng sã, hài hước… Tất cả đều được các tác giả viết truyện ngắn giai đoạn 1930-1945 học tập. Truyện ngắn trên tạp chí Nam phong đã sử dụng ngôn ngữ hiện đại với các từ ngữ khá thông dụng từ cuộc sống hàng ngày, hạn chế việc dùng các điển tích, điển cố. Câu văn cũng dùng các kiểu câu hiện đại là chủ yếu với với kiểu câu đa dạng, trong đó loại câu văn ngắn kết cấu một cụm C-V đơn giản khá phổ biến, giúp người đọc dễ tiếp nhận.

Những yếu tố ấy các nhà văn viết truyện ngắn giai đoạn sau kế thừa phát triển và hoàn thiện trong các sáng tác của mình để tạo ra những truyện ngắn hay thực sự mang tính hiện đại.

Một phần của tài liệu Truyện ngắn trên tạp chí nam phong (1917 1934) với việc xây dựng mô hình truyện ngắn hiện đại (Trang 71 - 72)