Thơ trên tạp chí Nam phong

Một phần của tài liệu Truyện ngắn trên tạp chí nam phong (1917 1934) với việc xây dựng mô hình truyện ngắn hiện đại (Trang 26 - 28)

7. Cấu trúc của luận văn

1.3.1.Thơ trên tạp chí Nam phong

Tạp chí Nam phong hướng tới nhiều mục đích khác nhau trong đó có mục đích quảng bá văn hóa, văn học. Thơ là một thể loại truyền thống nên có vị trí nhất định trên tạp chí Nam phong.

Trước hết, trên phương diện lý luận, tạp chí Nam phong số 48/1921, tác giả Hồng Nhân đăng bài Thơ là gì? Trong bài viết này tác giả đã có những kiến giải về thơ, trong đó đặc biệt tác giả đã đề cập đến quan niệm thơ ca phương Tây trong sự so sánh với thơ ca phương Đông.

Với mục đích bảo tồn quốc hồn và quốc túy, trong đó có việc sưu tầm, dịch thuật, giới thiệu thơ ca truyền thống của dân tộc ta. Vì vậy, các số báo của tạp chí Nam phong lần lượt giới thiệu các tác phẩm thơ tiêu biểu thời trung đại như Hồng Đức Quốc âm thi tập của Lê Thánh Tông, Bạch Vân thi

tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm, thơ văn Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú

Xương. Riêng Nguyễn Khuyến đã có trên 50 bài thơ được in lại trên các số của tạp chí Nam phong từ 1917-1927. Thơ Tú Xương được sưu tầm và in lại từ 1918-1926 với gần 100 bài. Công việc sưu tầm, giới thiệu thơ trên tạp chí

Nam phong đã làm sống lại giá trị lớn lao của thơ ca truyền thống dân tộc.

Ngoài việc giới thiệu in lại thơ ca truyền thống, tạp chí Nam phong còn cho đăng “một khối lượng lớn, với đủ loại tác giả, trong đó đặc biệt có một số người từng tham gia Duy Tân, Đông kinh nghĩa thục và cả một số người hăm hở bước vào phong trào giải phóng dân tộc ở đương thời như: Phạm Tuấn Tài, Lê Mạnh Trinh, Trần Huy Liệu… Thơ đăng trên tạp chí Nam phong cũng đủ thể loại nhưng chiếm ưu thế tuyệt đối vẫn là thơ Đường luật, có tới 3826 bài” [8; tr 54]. Mặc dù thơ đăng trên tạp chí Nam phong chất lượng không cao, còn rập khuôn, máy móc theo thể loại Đường luật nhưng dù sao, ở giai đoạn giao thời giữa thơ cũ và thơ mới, thì thơ cũ vẫn chiếm ưu thế và vẫn có độc giả riêng yêu thích loại thơ này. “Và ít nhiều nó vẫn có vai trò làm gạch lát đường cho thơ ca dân tộc tiến lên theo đường hiện đại” [8; tr 54].

Bên cạnh thơ sáng tác, tạp chí Nam phong cũng dịch thuật và giới thiệu những tác phẩm thơ tiêu biểu của thế giới mà đặc biệt là thơ ca Pháp và Trung Quốc. Trong số hơn 200 tác phẩm được dịch (từ số 1/1917 đến số 179/1932)

thì thơ chiếm 34% với các tác giả tiêu biểu như Lamartin, Floria, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Đào Tiềm, Hàn Dũ, Vương Duy… Thơ dịch có vai trò tích cực trong việc giúp độc giả thời bấy giờ có điều kiện được tiếp thu tinh hoa văn hóa thơ ca của nước ngoài, đồng thời cũng giúp thi nhân nước ta học tập được phong cách, thi pháp mới của thơ ca thế giới tạo nên sự đa dạng trong khuynh hướng, phương pháp sáng tác và tư tưởng nghệ thuật của thơ ca Việt Nam ở giai đoạn sau.

Có thể nói tạp chí Nam phong là nơi để các nhà thơ công bố tác phẩm mới là cầu nối giữa nhà thơ với công chúng và cũng là nơi để các nhà thơ thử nghiệm, tìm tòi con đường đi đến với thơ ca hiện đại.

Một phần của tài liệu Truyện ngắn trên tạp chí nam phong (1917 1934) với việc xây dựng mô hình truyện ngắn hiện đại (Trang 26 - 28)