Lý luận đóng vai trò tổng kết kinh nghiệm

Một phần của tài liệu Truyện ngắn trên tạp chí nam phong (1917 1934) với việc xây dựng mô hình truyện ngắn hiện đại (Trang 64 - 66)

7. Cấu trúc của luận văn

2.3.2.Lý luận đóng vai trò tổng kết kinh nghiệm

Lý luận về truyện ngắn đã được Phạm Quỳnh và các cộng sự của ông nổ lực quảng bá, qua hoạt động dịch thuật với nhiều bài được đăng tải trên

các số báo của tạp chí Nam phong. Lý luận đó đã góp phần quan trọng trong việc hướng đạo cho văn sĩ nước ta sáng tác truyện ngắn. Tuy nhiên việc tổng kết kinh nghiệm về lý luận truyện ngắn trên tạp chí Nam phong còn rất hạn chế. Theo cách tiếp cận của chúng tôi thì trên tạp chí Nam phong chưa có bài tổng kết kinh nghiệm về lý luận truyện ngắn nào một cách hệ thống, đầy đủ mà mới dừng lại ở việc vừa giới thiệu lí thuyết, vừa tổng kết thông qua những bài giới thiệu hoặc phê bình truyện ngắn. Chẳng hạn, khi giới thiệu truyện ngắn Người lính bằng tuyết… Phạm Quỳnh viết: “Truyện dịch sau này là thuộc về lối đoản thiên tiểu thuyết. Lối ấy cũng là một lối hay trong văn chương tây, các văn sĩ ta có thể bắt chước mà làm bằng tiếng Nôm vì lối tiểu thuyết dài thì hiện nay người ta còn chưa đủ tư cách mà khởi hành được”. Như vậy Phạm Quỳnh đã đúc rút kinh nghiệm cho văn sĩ nước ta hai điều: một là, nên viết đoản thiên tiểu thuyết, tức là sáng tác với nội dung ngắn bằng tiếng Nôm không nên sáng tác tiểu thuyết dung lượng lớn vì chưa đủ khả năng, trình độ; hai là, đây là một lối văn hay nên học tập mà sáng tác. Tương tự như vậy, khi giới thiệu truyện ngắn Tự nguyện góa chồng của Paul Ivoi, Phạm Quỳnh cũng đã nêu lên kinh nghiệm viết loại truyện này: “cũng như lối truyện Liêu trai, nhưng lời văn thành thực, nghĩa truyện thảm thiết biết chừng nào”. Lấy một truyện rất quen thuộc với văn sĩ nước ta là truyện Liêu trai để văn sĩ ta dễ hình dung và chỉ bổ sung thêm về những lời văn thành thực để khẳng định cần sáng tác theo khuynh hướng hiện thực phù hợp với truyện ngắn hiện đại hơn.

Đến khi văn sĩ ta đã sáng tác được những truyện ngắn hiện đại theo sự hướng đạo về lý luận mà Phạm Quỳnh đã đặt ra thì Phạm Quỳnh tiếp tục viết lời giới thiệu bao hàm cả những nhận định đánh giá tổng kết về truyện ngắn. Tiêu biểu là bài giới thiệu truyện ngắn Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn. Phạm Quỳnh viết: “Ông là một người rất nhiệt thành với văn quốc ngữ và đã

biệt lập ra một lối văn riêng, lấy sự tả chân làm cốt. Mỗi bài văn của ông như một tấm ảnh phản ánh chân tướng như hệt. Ông tin rằng văn chương đã tả được hết cái cảnh thực là khắc có cái sức cảm động vô cùng không cần phải nghị luận xa xôi”. Qua lời giới thiệu này, Phạm Quỳnh muốn khẳng định việc tả chân là một lối văn riêng, tả chân có thể lay động tình cảm người đọc, không cần phải nghị luận thêm.

Trên tạp chí Nam phong số 21 (tháng 3/1919) Thượng Chi dịch bài Lối

tả chân trong văn chương (bàn về nhà văn Pháp Guyde Maupassant) Phạm

Quỳnh đã nêu lên hai điểm quan trọng trong kinh nghiệm sáng tác của nhà văn này đó là tả chân (tả thực) và cái kết mở theo hướng trình bày một cách khách quan kết thúc tự nhiên để giành phần kết luận cho người đọc.

Có thể nói những lời bình luận chứa đựng những bài học kinh nghiệm quan trọng từ các vấn đề lý luận cũng như thực tiễn sáng tác đã được Phạm Quỳnh trình bày trên các số báo Nam phong thời kì đầu đã giúp văn sĩ nước ta bước đầu sáng tác những truyện ngắn theo khuynh hướng hiện đại. Hoạt động này là những đóng góp quan trọng về mặt lý luận phê bình cũng như vào công cuộc hiện đại hóa văn học nước nhà.

Một phần của tài liệu Truyện ngắn trên tạp chí nam phong (1917 1934) với việc xây dựng mô hình truyện ngắn hiện đại (Trang 64 - 66)