Sống chết mặc bay (Phạm Duy Tốn), Câu chuyện một tối của người tân

Một phần của tài liệu Truyện ngắn trên tạp chí nam phong (1917 1934) với việc xây dựng mô hình truyện ngắn hiện đại (Trang 82 - 86)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3.1.Sống chết mặc bay (Phạm Duy Tốn), Câu chuyện một tối của người tân

người tân hôn (Nguyễn Bá Học) với Chí Phèo, Lão Hạc (Nam Cao)

Trước tiên phải khẳng định rằng, trên tạp chí Nam phong cũng như tác giả Nam Cao có nhiều truyện ngắn viết về đề tài nông thôn. Song chúng tôi chọn những truyện ngắn trên để so sánh vì chúng có nhiều điểm tương đồng và khá tiêu biểu. Nét tương đồng giúp chúng ta nhận thấy rõ hơn sự kế thừa, phát triển, hoàn thiện của mô hình truyện ngắn trên tạp chí Nam phong của các tác giả sau này.

Từ những năm đầu thế kỉ XX đến 1945, sự khai thác thuộc địa đến cạn kiệt của thực dân Pháp, sự vơ vét bóc lột người dân đến tận xương tủy của quan lại phong kiến đã làm cho người dân ở nông thôn Việt Nam rơi vào tình trạng nghèo đói, đen tối, bế tắc, cùng cực. Làng quê xơ xác tiêu điều, thân phận con người bị dồn đến bước đường cùng. Thực trạng ấy đã được các nhà văn như Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Nam Cao phản ánh hết sức sinh động, chân thực trong những trang viết của mình. Đây là nguyên nhân người nông dân thất nghiệp: “đã lâu nay, trong vùng này còn có nghề gì là làm ăn được. Từ khi có nhà máy dệt, thời bao nhiêu khung cửi, guồng sợi đều gác lên xà nhà, từ khi có nhà máy rượu, máy xay, thời khó nhọc nhất là nghề đâm tay nuôi lợn, cũng không làm cho đủ mà ăn được. May thuê vá mướn là nghề của con gái nhà nghèo mà từ khi có máy khâu, thời còn ai hỏi đến đường kim mũi chỉ nữa (…). Từ một cách bán cái sỉ nhục đi mà kiếm ăn thời không có phương kế gì là tự cứu được” [17; tr 231]. Sự bần cùng hóa nông thôn đã đẩy người nông dân trở thành vô sản, phải làm thuê cho các ông chủ nhà máy từ người nông dân đến công nhân cũng không khá hơn chút nào, họ bị vắt kiệt sức lao động: “từ khi tôi vào làm trong nhà máy, không còn được trông thấy

mặt trời. Từ 4h sáng, còi nhà máy gọi lần thứ nhất, tôi trở dậy mà nấu ăn, đến 5h còi gọi lần thứ hai, tôi bắt đầu ra đi, đến 6h đến nơi vào làm, lại đến 9h tối ra về, 10h về đến nhà, dọn dẹp cho đến 12h rồi đi ngủ” [17; tr 214]. Cái cảnh người nông dân thất nghiệp cũng gặp trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao “ làng mất nghề sợi, nghề vải đành phải bỏ. Đàn bà rỗi rải nhiều. Còn tý việc nhẹ nào, họ tranh nhau làm mất cả. Lão Hạc không có việc làm” [6; tr 51]. Đời sống khó khăn cũng được phản ánh trong truyện ngắn Chí Phèo: “Vải hôm nay bán mấy?- Kém ba xu dì ạ. Thế còn ăn thua gì! - Cố co kéo mãi mới được một tấm năm xu.- Thật thế đấy nhưng chẳng lẽ rằng lại chơi” [7; tr 35]. Đời sống ngày càng khó khăn, vì vậy các trang viết phản ánh nỗi khổ này cũng càng về sau càng gây ấn tượng bi thảm hơn.

Ngày thường mưa thuận gió hòa mà người dân đã khổ đến như vậy, nói gì tới cảnh bão gió lụt lội. Một cơn bão quét qua làng, lão Hạc trở nên trắng tay, hoa màu tan tác hết không còn thu được đồng nào. Sợ nhất, khốn khổ nhất là cảnh lụt lội vỡ đê. Đây là cảnh đê vỡ: “nước tràn lênh láng xoáy thành vực sâu nhà cửa trôi băng, lúa má ngập hết; kẻ sống không có chỗ ở, kẻ chết không nơi chôn, lênh đênh mặt nước, chiếc bóng bơ vơ, tình cảnh thảm sầu, kể sao cho xiết.” [17; tr 460].

Trong khi người nông dân khó khăn, cùng quẫn, đen tối, không lối thoát thì đám quan lại ở nông thôn lại sống hết sức xa hoa, trụy lạc, dâm ô, vô trách nhiệm. Trong khi “lũ con dân đang chân lấm tay bùn, trăm lo nghìn sợ, đem thân yếu hèn mà đối với sức mưa to gió lớn, để bảo thủ lấy tính mạng gia tài” thì quan phụ mẫu hộ đê đang ở trong đình đèn thắp sang trưng, nha lệ lính tráng kẻ hầu người hạ đi lại rộn ràng, phục vụ cho quan lớn đánh bài và ăn yến sào. Khi đê vỡ mọi người đều giật nảy mình, duy quan vẫn điềm nhiên chỉ lăm le chực người ta bốc trúng quân mình chờ hạ. Vì ngài sắp ù to” [17; tr458]. Nhân vật Bá Kiến trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao “là một

tên địa chủ dâm đãng, đồi bại, hắn có tới bốn bà vợ mà vẫn tìm cách tòm tem với vợ Binh Chức trong lúc Binh Chức đi lính vắng nhà. Và cũng vì ghen tuông mà Bá Kiến sẵn sàng vu cáo đẩy Chí Phèo vào vòng tù tội” [11; tr 282]. Không chỉ có thế, Bá Kiến còn tìm mọi cách vơ vét, bòn rút của dân lành, sử dụng những thằng đầu bò để gây sự, để trừng trị bọn phe cánh đối nghịch để kiếm ăn.

Qua các truyện ngắn trên, đời sống nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945 được các nhà tái hiện với hai mảng chính đối lập nhau: nhân dân lao động đói khổ cùng cực, địa chủ quan lại sống độc ác giàu có, xa hoa dâm đãng, hưởng lạc. Các nhà văn bênh vực cảm thông sâu sắc với nỗi thống khổ của người nông dân và phê phán, lên án mạnh mẽ tầng lớp quan lại địa chủ phong kiến.

Mặc dù giữa các tác giả có nhiều điểm chung khi viết về đề tài nông thôn, song mỗi tác phẩm lại có cách chiếm lĩnh, thể hiện đời sống riêng. Cũng viết về sự cơ cực của người nông dân, trong khi Phạm Duy Tốn ở truyện ngắn

Sống chết mặc bay chọn tình huống điển hình đê vỡ để thể hiện sự cùng cực

của đám đông dân nghèo thì Nam Cao trong tác phẩm Chí Phèo lại xây dựng một cá nhân điển hình - Chí Phèo là người nông dân lương thiện bị bần cùng hóa “cùng hơn cả dân cùng”, trở thành lưu manh, bị tước đoạt đi nhân hình nhân tính, bị cái đói, cái rét rình rập đe dọa, bị cô lập với thế giới con người.

Cùng chung chủ đề phê phán quan lại nhưng mỗi tác giả lại có sự thể hiện riêng. Phạm Duy Tốn trong Sống chết mặc bay xây dựng hình tượng ông quan hộ đê xuống làng X để cùng dân hộ đê nhưng trong khi dân bì bõm dưới bùn lầy, dưới trời mưa tầm tã thì quan ở trong đình đèn sáng trưng, lính lệ đi lại phục vụ nhộn nhịp để quan ăn yến sào, hút thuốc và đánh bài. Khi nghe lính bẩm báo đê vỡ mọi người đều giật mình riêng quan vẫn điềm nhiên đánh bài. Chi tiết nhỏ này đã bóc trần sự vô trách nhiệm đến độc ác của ông quan

hộ đê. Dưới ngòi bút sắc sảo và lạnh lùng của Nam Cao, Bá Kiến trong truyện ngắn Chí Phèo lại điển hình cho sự khôn ngoan trong cách cai trị để bòn rút của cải của dân lành. Bá Kiến là kẻ “khôn róc đời” đã đúc rút cho mình một kho kinh nghiệm cai trị bóc lột nhân dân lao động, đó là “lấy thằng đầu bò trị thằng đầu bò”, “mềm nắn rắn buông”, ‘nắm thằng có tóc không nắm thằng trọc đầu”, “trị không được thì Cụ dùng”, “đập bàn đập ghế đòi cho được năm đồng rồi lại vứt cho hắn năm hào vì thương anh túng quá”. Bá Kiến khéo léo cho những thằng đối địch chọi nhau, cụ chỉ tựa sơn quan hộ đấu thằng nào chết cũng có lợi cho cụ cả. Với sự khôn ngoan xảo quyệt, nham hiểm như vậy, thật sự Bá Kiến đã trở thành một điển hình trong tất cả sự cá biệt của nó, không lẫn với ai, không giống với một ông cường hào, quan lại phong kiến nào khác.

Trên phương diện nghệ thuật, Phạm Duy Tốn trong Sống chết mặc bay đã xây dựng được tình huống đối lập nhau, sự đối lập đẩy đến đỉnh điểm để khắc họa tính cách nhân vật ông quan, khắc họa sự khốn cùng của người dân. Tuy nhiên, về ngôn ngữ Phạm Duy Tốn sử dụng câu văn biền ngẫu, hai vế đối nhau trong một câu là lối thể hiện cũ mà văn học trung đại ưa dùng. Yếu tố này càng cho thấy sự giao thời về mặt nghệ thuật trong truyện ngắn Phạm Duy Tốn.

Với Nam Cao, qua tác phẩm Chí Phèo nhà văn đã xây dựng được những nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Bá Kiến, Chí Phèo là những con người vừa đại diện cho những giai tầng cụ thể, vừa là những con người độc đáo, duy nhất không gặp ở nhân vật nào khác. Trong kết cấu, Nam Cao sử dụng kết cấu vòng tròn, đảo lộn trật tự thời gian đầy sang tạo, cách kết cấu này góp phần bộc lộ tốt nhất tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Đó là sự quẩn quanh, bế tắc, không lối thoát, sự tồn tại song hành giữa bọn quan lại địa chủ phong kiến với người dân lao động nghèo. Về ngôn ngữ Nam Cao sử dụng

ngôn ngữ kể chuyện, ngôn ngữ nhân vật đầy sáng tạo, có loại ngôn ngữ trực tiếp, ngôn ngữ nửa trực tiếp, sử dụng nhiều thành ngữ tục ngữ, lời ăn tiếng nói hàng ngày nhân dân, đầy tính cảm xúc tạo nên cá tính, tính cách sắc nét cho nhân vật.

Qua sự so sánh trên, chúng ta nhận thấy, tác giả sau có sự kế thừa, phát triển sáng tạo riêng để bổ sung và hoàn thiện hơn những đề tài, chủ đề, hình thức nghệ thuật mà tác giả đi trước đã đặt ra. Chính sự kế thừa phát triển và hoàn thiện này đã tạo cho Nam Cao có phong cách riêng độc đáo, qua đó, đóng góp cho truyện ngắn 1930-1945 những thành tựu nổi bật.

Một phần của tài liệu Truyện ngắn trên tạp chí nam phong (1917 1934) với việc xây dựng mô hình truyện ngắn hiện đại (Trang 82 - 86)