Truyện ngắn (đoản thiên tiểu thuyết) trên tạp chí Nam phong

Một phần của tài liệu Truyện ngắn trên tạp chí nam phong (1917 1934) với việc xây dựng mô hình truyện ngắn hiện đại (Trang 31 - 35)

7. Cấu trúc của luận văn

1.3.3.Truyện ngắn (đoản thiên tiểu thuyết) trên tạp chí Nam phong

Truyện ngắn (đoản thiên tiểu thuyết) là một thể loại chủ lực trên tạp chí

Nam phong. Trong 17 năm tồn tại với 210 số báo, Nam phong đã đăng tải hơn

60 truyện ngắn. Truyện ngắn trên tạp chí Nam phong là những bước đi đầu tiên của truyện ngắn Việt Nam hiện đại, vì vậy, “Nội dung truyện ngắn Nam phong mang cái nhìn nhân sinh gắn với những giá trị đạo đức có tính truyền

thống. Hầu hết các tác phẩm khám phá những vấn đề cũ nhưng mới nảy sinh trong xã hội bấy giờ ” [17; tr 16].

Tạp chí Nam phong đã ghi lại tên tuổi những người viết truyện ngắn : Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Văn Cơ, Mân Châu, Đoàn Ngọc Bích, Nguyễn Ngọc Thiều, Đoàn Nhữ Nam, Toàn Tùng, Nguyễn Khắc Cán, Lê Đức Nhượng… Nổi bật lên trong số những tác giả tiêu biểu ấy là Nguyễn Bá Học và Phạm Duy Tốn.

Với số lượng tác giả đông đảo, với hơn 60 truyện ngắn được đăng tải, tạp chí Nam phong đã góp phần không nhỏ vào quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam thời kỳ đầu. Hiện đại hóa văn học ở các truyện ngắn trên cả hai phương diện nội dung và hình thức thể hiện.

Trên phương diện nội dung, truyện ngắn trên tạp chí Nam phong đã phản ánh khá đầy đủ các mặt đời sống xã hội lúc bấy giờ. Từ đời sống cơ cực của nông dân, công nhân đến lối sống xa hoa vô trách nhiệm của bọn quan lại phong kiến cũng như đạo đức xã hội “xuống cấp” đều được phẩn ánh chân thực sinh động trong truyện ngắn.

Trước hết tầng lớp những người cầm bút viết truyện ngắn trên tạp chí

Nam phong là trí thức. Họ là những nhà báo, nhà giáo, là sinh viên,… Vì vậy,

đề tài họ quan tâm đầu tiên là cuộc sống, tư tưởng, tình cảm của tầng lớp họ. Trong cuộc sống, tầng lớp trí thức tiểu tư sản lúc bấy giờ lâm vào sự bế tắc về

tư tưởng, gian nan và những khó khăn, buồn tẻ trong đời sống của những người công chức, trí thức. Chủ đề này được các tác giả Nguyễn Bá Học, Nguyễn Tiến Lãng thể hiện sinh động qua các truyện như Dư sinh lịch hiểm

ký, À ! chuyện chiêm bao,…

Đời sống xã hội có nhiều thay đổi, Pháp đẩy mạnh khai thác thuộc địa nhiều làng nghề truyền thống bị phá sản, cuộc sống ổn định làng xã Việt Nam bị phá vỡ, đi vào khủng hoảng, đời sống nông dân, công nhân lâm vào cơ cực. Những nội dung này được phản ánh sinh động sâu sắc qua hai truyện ngắn khá tiêu biểu trên tạp chí Nam phong đó là Câu chuyện một tối của người tân

hôn của Nguyễn Bá Học và Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn.

Bên cạnh đề tài người nông dân, người công nhân là cảm hứng phê phán bọn quan lại phong kiến. Những tên quan được mệnh danh là “dân chi phụ mẫu” mà sống xa hoa vô trách nhiệm, vô cảm trước sự cùng cực và cái chết của người dân. Ở nông thôn nạn phu phen tạp dịch đã trở thành mối lo ngại, cực nhọc của mỗi suất đinh trong làng bởi bọn quan lại nhũng nhiễu, “vòi vĩnh”. Nhiều gia đình phải mất tiền để chạy một “chức quan” trong làng trong xã để thoát cảnh phu phen. Những dịp “chạy” như vậy là dịp béo bở với bọ Hương lý, Chánh tổng… chúng lừa bịp để bóp nặn hầu bao người dân hám danh muốn mua quan, mua chức (Ông phó Xẹ của Nguyễn Khắc Cán). Đề tài và chủ đề về quan lại thoái hóa biến chất “là sự tiếp nối tinh thần phê phán mạnh mẽ giai cấp thống trị của các tác giả nhân đạo chủ nghĩa trong văn chương cổ điển ở thế kỷ trước” [51; 38].

Ngoài các chủ đề trên, truyện ngắn trên tạp chí Nam phong còn viết nhiều về đề tài đạo đức, luân lí xã hội. Vấn đề đạo đức xã hội, luân lý xã hội lúc bấy giờ được nêu lên trong các truyện ngắn chính là sự mâu thuẫn, khủng hoảng của xung đột cũ mới. Sự “đụng độ” giữa hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây và sự ra đời của lối sống thị dân, lối sống tư sản đã tạo ra sự khủng hoảng về giá trị, về chuẩn mực quan niệm đạo đức. Ngay từ những số

đầu tiên, các tác giả thuộc tầng lớp Hán học như Nguyễn Bá Học, Mân Châu, Nguyễn Văn Cơ, Đoàn Ngọc Bích… đều viết về đề tài này. Truyện ngắn Câu

truyện gia tình trên Nam phong số 10/2018 của Nguyễn Bá Học nói về sự va

chạm giữa lối học cũ tuân theo luân lý cương thường và lối học mới làm hư hại con người. Người kể chuyện trong câu chuyện gia tình là một người đàn bà góa chồng, ở vậy nuôi hai con ăn học, đến khi trưởng thành hai con đều không nuôi nổi mẹ, bà phải tự kiếm ăn lần lữa qua ngày. Người con trai cả theo Hán học thì đã hết thời, người con trai thứ theo Tây học, bắt chước thói văn minh, tưởng mình đã cao hơn ông cha mà kiêu ngạo, quên cả tình vợ chồng, nếp gia phong.

Nguyễn Bá Học là người hăng “hăng hái” nhất trong các cây bút viết về đề tài này trên tạp chí Nam phong. Ngoài Câu chuyện gia tình, Nguyễn Bá Học còn cho đăng các truyện như Một nhà bác học, Chuyện cô chiêu nhì. Nguyễn Bá Học cho rằng: “xa xỉ tất là bại gia, kiêu căng tất là bại đức, cậy giàu sang là cái hạnh phúc hiện thời, biết đâu không phải là cái di họa cho con cháu”.

Xung đột cũ mới, những bất cập trong xã hội đương thời đã làm nảy sinh những những tình huống bi hài, cười ra nước mắt. Trần Đức Nhượng trong truyện Đồ mất dạy đã phát hiện ra sự xuống cấp của đạo đức xã hội thông qua những nghịch lý oái ăm: là thầy giáo mà không dạy nổi con mình, hai cha con không hẹn mà gặp nhau chốn “ăn chơi”, hát xướng. Tình huống này đặt ra sự xuống cấp về đạo đức, sự mất gia giáo ngay trong gia đình nhà giáo, sự suy đồi, sa đọa trở nên phổ biến từ già đến trẻ, từ cha đến con trong một gia đình.

Ở một khía cạnh khác, các tác giả Nguyễn Văn Cơ, Vũ Miễn Nam, Nguyễn Bá Học… thông qua các truyện ngắn của mình đã biểu dương những hành vi tốt đẹp, đề cao đạo đức, biết trọng nghĩa, sống thủy chung. Những truyện ngắn Một cánh hoa chìm của Nguyễn Văn Cơ, Ai giết người của Mân Châu đề cao đức hy sinh, thậm chí là hi sinh mạng sống của mình cho người khác. Những câu chuyện ấy đã cổ cũ mạnh mẽ cho đạo đức, đạo lý tốt đẹp của

những người theo đạo khổng luôn sống vì nhân, nghĩa, lễ, trí, tín muốn noi theo các bậc thánh nhân. Bên cạnh ca ngợi, cổ vũ đạo đức phong kiến trên tạp chí Nam phong còn đăng một số truyện như Câu chuyện nhà sư của Nguyễn Bá Học, Thần thiên lương của Mân Châu Nguyễn Mạnh Bổng kể về bi kịch cuộc đời, những nhân vật chính của câu chuyện phải nhận kết cục bằng cái chết trong dằn vặt đau đớn bởi sự vong ân bội nghĩa mà họ gây ra.

Đề tài về tình yêu, hôn nhân gia đình cũng được đề cập đến trong một số truyện ngắn trên tạp chí Nam phong. Các truyện Giọt lệ hồng lâu của Hoàng Ngọc Phách, Ôi ! thiếu niên của Vũ Đình Chí, Chuyện một người du

học sinh An Nam… đều thể hiện những mối tình lãng mạn, say đắm, thậm chí

yêu cho đến chết vì nhớ mong, vì tương tư.

Bên cạnh đề tài tình yêu lãng mạn, thủy chung, các tác giả truyện ngắn trên tạp chí Nam phong còn lên án, phê phán những hủ tục xấu xa, những thói dâm ô “đa thê, đa thiếp”, vì nó mà nhiều gia đình đã trở nên tan vỡ, bất hạnh trong xã hội bấy giờ mà tiêu biểu như Vì đâu nên nỗi dở dang, vì nàng mê tín,

vì chàng tà dâm và Mại thiếp vi nô của Phạm Vọng Chi.

Ở phương diện hình thức thể hiện, mặc dù nhiều tác giả còn dùng lối văn biền ngẫu, dùng nhiều từ Hán Việt song có nhiều truyện có sự đổi mới mạnh mẽ về mặt hình thức như dùng ngôn ngữ dời thời, xây dựng được nhiều tình hướng độc độc đáo hấp dẫn. Một số truyện ngắn trên tạp chí Nam phong có cách kể hấp dẫn, nhiều tình tiết li kỳ góp phần không nhỏ vào thành công trong việc chuyển tải nội dung tư tưởng của câu chuyện.

Tóm lại, điều đáng ghi nhận là, đề tài của những truyện ngắn trên tạp chí Nam phong bước đầu đã mang yếu tố hiện thực, thiên về hướng lấy từ cuộc sống hiện tại, cuộc sống đương thời, không sách vở, giáo điều như đề tài của văn chương giai đoạn trước, được thể hiện thông qua những hình thức khác nhau, có nhiều sáng tạo. Do vậy, truyện ngắn trên tạp chí Nam phongđã định hình được mô hình truyện ngắn hiện đại tương đối rõ nét.

Chương 2 (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

NHỮNG GỢI Ý VỀ MỘT MÔ HÌNH TRUYỆN NGẮN HIỆN ĐẠI VỚI TRUYỆN NGẮN TRÊN TẠP CHÍ NAM PHONG

Một phần của tài liệu Truyện ngắn trên tạp chí nam phong (1917 1934) với việc xây dựng mô hình truyện ngắn hiện đại (Trang 31 - 35)