Theo điều 4 Luật Di sản văn hóa, thì:
Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa
học, bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa,
khoa học, được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, được lưu truyền bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ khác, bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân ca, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết về nghề thủ công truyền thống, tri thức về y, dược học cổ truyền, về văn hóa ẩm thực, về trang phục truyền thống dân tộc và những tri thức dân gian khác.
Kiên Giang, nếu so với hình thành và phát triển của lịch sử dân tộc, thì còn non trẻ, chỉ hơn 300 năm tuổi. Nhưng không vì thế mà con người Kiên Giang lại có bề dày các giá trị văn hóa truyền thống kém đi, mà trái lại, đất và người Kiên Giang lại còn phát triển, hình thành thêm những giá trị vằn hóa truyền thống đặc thù riêng có của người Phương Nam. Ngay từ thời kỳ khai phá vùng đất này, từ thế kỷ XVII-XVIII, những nết văn hóa đặc sắc của người Việt, Khmer, Hoa, Chăm đã gặp gỡ nhau, đan xen và hòa quyện vào nhau để hình thành lên nét mới về văn hóa cho vùng đất Phương Nam này. Trong những cuộc tiếp xúc với văn hóa phương Tây ở cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Nam bộ cũng là nơi đi trước cả nước. Vì sớm tiếp xúc với văn hóa phương Tây, mà Nam bộ nhanh chóng có tư duy hiện đại, bắt kịp với những biến đổi đương thời. Đồng thời, nhờ có điều kiện tự nhiên
và môi trường ưu đãi đã tạo cho Nam bộ nói chung và Kiên Giang nói riêng những sắc thai văn hóa tiêu biểu, những tính cách riêng có của con người ở vùng đất này.
Đặc trưng đầu tiên dễ nhận thấy là quá trình giao lưu văn hóa diễn ra với tốc độ mau lẹ, tạo cho con người tính cách mau lẹ, cởi mở, hướng ngoại; đồng thời rất phóng khoáng, thật thà, cương trực, gan dạ nhưng cũng mềm dẽo, linh hoạt, giản dị, tự tin. Cho nên, có thể nói văn hóa của con người Kiên Giang hiện tại là sự kết hợp giữa văn hóa truyền thống của dân tộc với văn hóa hiện đại, từ đó làm nảy sinh những yếu tố văn hóa riêng biệt, nó được thể hiện cả ở đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân nơi đây. Người Phương Nam, cũng như con người Kiên Giang nói riêng say mê lao động nhưng cũng không kém phần thi vị, coi trọng văn hóa, thích nghệ thuật ca hát, biểu diễn. Một tính cách đặc trưng nữa đã làm nên nét văn hóa rất riêng của người Miền tây là trọng tình nghĩa, bao dung, họ xem trọng đức tính nhân – nghĩa – trí – dũng – liêm (phỏng theo nho giáo), họ rất ghét tính xảo trá, gian dối, xu nịnh, tham lam. Nói chung, con người sống phóng khoáng, thật thà, giản dị, nghĩa tình, vô tư và luôn có ý thức tôn trọng chuẩn mực đạo đức xã hội, những truyền thống văn hóa dân tộc, đặc biệt là truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc và sống nhân văn.
Trong những giá trị đó, gần đây nhất, ở thế kỷ XX, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ để giành độc lập cho dân tộc, nó càng được thể hiện và phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Nói đến văn hóa, nói chung, theo nghĩa rộng là bao trùm tất cả các mặt của đời sống xã hội; gồm có văn hóa vật thể và phi vật thể. Vậy nên khi nói đến giá trị văn hóa truyền thống ở đây, chỉ là nói đến khía cạnh của văn hóa, nhưng đấy lại là đặc trưng của văn hóa của một dân tộc, là bản sắc dân tộc. Và cũng vậy, với giá trị văn hóa truyền thống cũng vậy, cũng có giá trị truyền thống vật thể và phi vật thể. Kiên Giang cũng có một truyền thống văn hóa đa dạng, phong phú bao gồm vật thể và phi vật thể đó.