Trong môt doanh nghiệp bộ máy lập kế hoạch thường là phòng Tài chính- Kế hoạch. Dựa trên các số liệu từ các phòng ban chức năng khác, bộ phận này tổng hợp, sử dụng các phương pháp định tính định lượng và dự báo để đưa ra những kế hoạch cần thiết trong kỳ kế hoạch (ngắn hoặc dài hạn). Các kế hoạch về nhân sự này thường được đưa ra sau khi Chiến lược của công ty được đề xuất.
Tuy nhiên, theo một số tranh luận hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng việc thành lập riêng một bộ phận kế hoạch là việc không cần thiết do hiệm vụ lập kế hoạch là nhiệm vụ của mỗi cấp quản lý, bao gồm cả CEO và những người đang phụ trách các bộ phận chức năng. Mỗi giám đốc hay trưởng phòng chức năng (kinh doanh, tiếp thị, tài chính, nhân sự, cung ứng) đều phải tự lập kế hoạch hoạt động cho bộ phận mình (đương nhiên là với sự phối hợp, trao đổi thông tin với các bộ phận khác), trong đó bao gồm việc xây dựng những mục tiêu, chỉ tiêu, các giải pháp thực hiện cùng với các chương trình hành động cụ thể. Không thể trông cậy vào một ông/bà trưởng phòng kế hoạch nào đó với những trách nhiệm và kiến thức chung chung lại đi lập kế hoạch thay cho mọi phòng ban trong công ty. Càng không nên để người này đóng vai trò triển khai việc xây dựng kế hoạch kinh doanh cho toàn công ty được. Rõ ràng, không ai am hiểu thị trường bằng giám đốc kinh doanh, không ai am hiểu sản xuất bằng giám đốc sản xuất. Chính những người này phải đóng vai trò chính yếu trong việc lập các kế hoạch liên quan đến các hoạt động này. Và, theo logic thông thường, một kế hoạch kinh doanh phải đóng vai trò “mở đường” cho các kế hoạch khác đi theo.
Như vậy, trong xã hội hiện nay, kỹ năng kiến thức lập kế hoạch dần trở thành kiến thức thiết yếu cho mỗi cá nhân, đặc biệt là đối với các nhà quản lý. Chính vì vậy, dần dần công tác lập kế hoạch nhân sự sẽ do phòng nhân sự- bộ phận trực tiếp quản lý nhân viên, lao động trong doanh nghiệp phụ trách nghiên cứu, dự báo và đề xuất kế hoạch cho kỳ kế hoạch tiếp theo.