Hạn chế trong công tác đấu thầu

Một phần của tài liệu Luận văn tốt nghiệp - Một số giải pháp tăng cường thu hút vốn ODA cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn các tỉnh miền núi phía Bắc (Trang 63 - 66)

h) Báo cáo thực hiện chương trình, dự án ODA

2.5.2.4.Hạn chế trong công tác đấu thầu

Việc tổ chức đấu thầu tuyển chọn chuyên gia tư vấn, xây lắp và mua sắm thiết bị tại các dự án ODA do ADB tài trợ thủ tục quá phức tạp, kéo dài và chất lượng chưa cao. Đặc biệt các gói thầu về tuyển chọn tư vấn thường kéo dài 1-2 năm. Hiện nay, cơ chế đấu thầu của Việt nam được thực hiện theo Luật đấu thầu 61/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 và Nghị định 111/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2006. Do quy định trong Nghị định đấu thầu chưa chặt chẽ về điều kiện cụ thể của từng gói thầu, chỉ quy định giá trị trần mà không quy định giá trị sàn của một gói thầu, nên tình trạng dự án chia nhỏ gói thầu không cần thiết (phổ biến là các dự án thuỷ lợi) làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, chất lượng công trình tổng thể do tính không đồng nhất về thời gian và chất lượng của các nhà thầu. Mặt khác, những dự án do ADB tài trợ phải tuân theo quy chế của ADB về đấu thầu, mua sắm là chính, nếu thực hiện theo qui định trong nước thì lại mâu thuẫn với quy định của nhà tài trợ. Vì vậy, trong thời gian qua, công tác đấu thầu của các dự án/chương trình do ADB tài trợ trong ngành nông nghiệp thường bị chậm trễ.

Nguyên nhân của sự chậm trễ này là do chưa có sự hài hoà thống nhất và phù hợp giữa các thủ tục mua sắm của nhà tài trợ với qui chế đấu thầu của Việt Nam hiện nay. Từ đó dẫn đến các thủ tục chồng chéo, trùng lắp qua nhiều khâu, nhiều công đoạn phê duyệt gây nên chậm trễ. Ngoài ra, phải kể đến một nguyên nhân chủ quan là: Các cán bộ thực hiện công tác đấu thầu, thẩm định và phê duyệt kết quả đấu thầu chưa có đủ năng lực và kinh nghiệm, đôi khi còn thiếu công minh trong quá trình đấu thầu dẫn tới triển khai kế hoạch chậm trễ, hoặc chọn nhà thầu không đủ năng lực thực hiện gói thầu dẫn đến công trình xây lắp kém chất lượng, thiết bị mua sắm không tốt gây thất thoát, giảm hiệu quả sử dụng vốn.

Đặc biệt công tác đấu thầu tuyển chọn tư vấn trong các dự án tài trợ đa phương, thời gian làm việc, lương của các tư vấn rất cao (khoảng 20.000 USD/tháng/người). Mức lương này thường do các nhà tài trợ đơn phương đưa ra khi thiết kế dự án. Vì vậy, khả năng tiết kiệm trong đấu thầu hạng mục này trên thực tế là rất thấp.

2.5.2.5. Khó khăn trong công tác di dân, giải phóng mặt bằng

Nguyên nhân của tình trạng này là :

- Phạm vi giải phóng mặt bằng của các dự án giao thông trải dài qua nhiều địa phương, tỉnh thàh trorgn cả nước, mỗi dự án phải giải tỏa hàng ngàn hộ dân nên rất là kho khăn

- Thành phần của Ban giải phóng mặt bằng đều do phòng công nghiệp hoặc xây dựng các huyện đảm nhiệm ; sự kiêm nhiệm này đã dẫn tới sự yếu kém về năng lực và trình độ quản lý cũng như sự thiếu hụt về quyền lực hành chính.

- Một số cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để vụ lợi trogn việc bồi thường cho người dân.

2.5.2.6. Hạn chế về trình độ cán bộ quản lý

Theo qui định hiện hành về phân cấp quản lý dự án ODA, các Ban quản lý dự án chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý nguồn vốn được phân bổ, thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, xây lắp và mua sắm thiết bị, nghiệm thu khối lượng công việc hoàn thành và thanh toán cho nhà thầu. Vì vậy,

trình độ chuyên môn kỹ thuật của các cán bộ dự án đóng vai trò rất quan trọng trong việc sử dụng vốn ODA. Hiểu biết tốt về công nghệ sẽ giúp phía Việt Nam tiết kiệm đáng kể chi phí mua sắm, đảm bảo mua sắm đúng các thiết bị máy móc và dịch vụ phù hợp với mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các cán bộ quản lý dự án chưa có thái độ chủ động trong mua sắm do trình độ còn hạn chế. Thiếu kiến thức về chuyên môn kỹ thuật dẫn đến nghiệm thu các khối lượng thực hiện của các nhà thầu xây lắp chưa đạt tiêu chuẩn, hoặc nghiệm thu quá khối lượng thực hiện.

Các Ban Quản lý dự án còn hạn chế về năng lực, trình độ, ngoại ngữ cũng như kinh nghiệm quản lý, khả năng phân tích, đàm phán hợp đồng cho nên quá trình xét thầu, đàm phán ký kết hợp đồng mua sắm, xây lắp kéo dài.

Mặt khác, các Ban quản lý dự án trung ương được giao quản lý nhiều dự án với lượng vốn lớn trong khi đó một số cán bộ quản lý dự án lại yếu về chuyên môn, kinh nghiệm công tác và trình độ ngoại ngữ; thiếu kỹ năng phân tích, đàm phán hợp đồng; nhất là kinh nghiệm và trình độ làm việc với chuyên gia nước ngoài. Từ đó, dẫn đến quá trình quản lý, thực hiện dự án còn nhiều lúng túng, tốc độ giải ngân chậm, gây ảnh hưởng đến quá trình thu hút vận động vốn ODA cho ngành nông nghiệp.

Một phần của tài liệu Luận văn tốt nghiệp - Một số giải pháp tăng cường thu hút vốn ODA cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn các tỉnh miền núi phía Bắc (Trang 63 - 66)