h) Báo cáo thực hiện chương trình, dự án ODA
2.2. Hiện trạng cơ sở hạ tầng nông thôn và tình trạng đói nghèo ở miền núi phía Bắc
Miền núi phía Bắc là vùng có tỷ lệ đói nghèo cao nhất trong cả nước, với tỷ lệ đói nghèo là 25% ở vùng Đông Bắc và 49% ở vùng Tây Bắc. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đói nghèo này là do điều kiện địa lý (và mật độ dân cư thưa thớt cũng do địa hình khó khăn) và do thành phần dân cư chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Điều kiện địa hình và khí hậu của vùng rất phức tạp và đa dạng nhưng nhìn chung cản trở nhiều hơn là tạo điều kiện cho việc phát triển nông nghiệp toàn diện trên quy mô lớn. Ngoài dải đồng bằng phù sa ven biển nhỏ hẹp, đất đai trong vùng đều là đất dốc kém màu mỡ. Điều này cùng với tình hình thiên tai xảy ra thường xuyên do tác động của biến đổi khí hậu (bão, lũ quét và hạn hán) đã gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và góp phần gây nên nhiều vấn đề môi trường khác (như xói mòn đất, thoái hóa đất và tình trạng phá rừng)(37). Đất nông nghiệp rất khan hiếm và người ta đã tận dụng mọi cơ hội để tăng năng suất trên các diện tích hạn chế.
Có ba yếu tố góp phần tạo nên thực trạng cơ sở hạ tầng của miền núi phía Bắc nếu xét về tổng thể phát triển kinh tế xã hội của vùng.
- Yếu tố đầu tiên là sự thiếu đầu tư vốn vật chất và xã hội cho vùng này trong những năm gần đây vì ưu tiên quốc gia đã hướng về phát triển cho hai vùng đông dân cư nhất và có triển vọng nhất về thương mại là vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sống Cửu Long.
- Yếu tố thứ hai là mật độ dân cư thấp và việc cung cấp các dịch vụ xã hội có chi phí giá thành cao ở các vùng hẻo lánh.
- Yếu tố thứ ba là năng lực hạn chế của các cấp chính quyền địa phương trong việc duy trì tổng lượng vốn cơ sở hạ tầng đang tăng mạnh hơn bao giờ hết (tất cả các tỉnh chỉ trừ một tỉnh đều phụ thuộc vào phân bổ vốn từ chính phủ trung ương cho ngân sách hàng năm). Hệ quả của các yếu tố này đã khiến vùng miền núi phía Bắc trở thành một trong những vùng kém phát triển nhất trong cả nước và điều này phản ánh trong tổng cơ sở hạ tầng vật chất của vùng (trong đó 22% đường giao thông là đường bê tông hay đường nhựa, 21% là đường đá cấp phối và 57% là đường đất, trong số 50.000 km kênh mương thủy lợi khoảng 16.270 km hay 32% là
kiên cố, 40% số hộ gia đình không được tiếp cận các công trình cấp nước nông thôn được nâng cấp; đại đa số chợ là chợ tạm…)
Kiểm tra tổng nguồn hạ tầng nông thôn hiện có của các tỉnh tham gia đã khẳng định:
- Đầu tư hơn nữa cho cơ sở hạ tầng là một nhu cầu cấp bách.
- Phạm vi các cơ sở hạ tầng cần nâng cấp cải thiện là rất lớn. Tỉ lệ đường cấp huyện được rải nhựa dao động từ mức thấp nhất 5% (Sơn La) đến mức tối đa 70% (Vĩnh Phúc), các hạ tầng thủy lợi phục vụ 200.000 ha đang cần nâng cấp, khoảng 15.000 km kênh mương cấp 1 và cấp 2 cần kiên cố hóa và khoảng 1/3 dân số chưa được cung cấp nước sạch. Hơn nữa, mặc dù các lợi ích được báo cáo của dự án RISP là đáng kể (giảm mạnh tỷ lệ đói nghèo và thu nhập hộ gia đình tăng tới 40%), tác động của dự án này đối với tổng hạ tầng nông thôn còn khiêm tốn (cơ bản là chỉ nâng cấp được 6 - 15% đường cấp huyện ở mỗi tỉnh dự án và 5 - 25% diện tích tưới tiêu). Tất cả các dự án đầu tư khác đều hạn chế về tác động chung nếu căn cứ vào nhu cầu nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Bản chất nhân quả trong mối quan hệ giữa nguồn hạ tầng nông thôn và sinh kế của người dân (nhất là cách thức nó tác động đến tình hình đói nghèo) được đánh giá thông qua các điều tra tại hiện trường trong khi chuẩn bị dự án. Điều hiển nhiên là để giải quyết tình trạng đói nghèo ở nông thôn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì cần phải đầu tư vào một loạt các cơ sở hạ tầng nông thôn (đường, công trình thủy lợi, cấp nước, cũng như kè song, chợ). Vì nguồn thu nhập, các hoạt động phúc lợi xã hội, phân bổ dân cư khác nhau trong vùng cần phải có các can thiệp khác nhau. Nhu cầu chủ yếu về các công trình đường nông thôn, thủy lợi, thoát nước, ổn định kè sông ở miền núi phía Bắc là nhu cầu nâng cấp (và mở rộng không đáng kể) các hệ thống và mạng lưới hiện có. Trong khi đối với công trình cấp nước nông thôn, nhu cầu này phải được xây dựng với khả năng ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu ngày càng tăng, đồng thời phải lường trước thực tế về công tác bảo dưỡng không đầy đủ sẽ ảnh hưởng lớn đến tính bền vũng của hạ tầng nông thôn.
Các tiểu dự án phải phù hợp với hoàn cảnh địa phương để giúp người dân thoát nghèo một cách bền vững. Việc nâng cấp công trình thủy lợi dự kiến sẽ đáp ứng nhu cầu của những người tương đối nghèo, trong khi công trình cấp nước sẽ phục vụ cộng đồng những người khó khăn hơn. Công trình đường nâng cấp dự kiến sẽ đem lại các lợi ích về yếu tố sản xuất và cho những người tương đối nghèo ở vùng xung quanh (vì họ sẽ tận dụng được cơ hội thị trường và cơ hội việc làm gia tăng) cũng như những người nghèo nhất vì nó sẽ giúp họ giảm chi phí tiếp cận với các dịch vụ xã hội, y tế và giáo dục. Việc cải thiện hạ tầng nông thôn cho các bộ phận dân cư khác nhau ở các tỉnh tham gia nhất là cho người dân tộc thiểu số bản địa đã giúp vùng hòa nhập với sự tăng trưởng kinh tế năng động của cả nước. Mặc dù sự đầu tư vật chất thực tế sẽ là chủ đạo trong công cuộc này (do chi phí tương đối cao). Các phân tích cho thấy rằng các vấn đề như tài chính, lập kế hoạch, sự tham gia của cộng đồng và nâng cao năng lực cũng cần được chú trọng trong quá trình này nếu muốn giải quyết một cách có hiệu quả các vấn đề cốt lõi. Các yếu tố này mang tính logic nếu muốn tạo ra các tác động mong muốn của các dự án được vốn ODA tài trợ là giảm nghèo ở nông thôn và chủ yếu là người dân tộc thiểu số.