Địa hình và khí hậu

Một phần của tài liệu Luận văn tốt nghiệp - Một số giải pháp tăng cường thu hút vốn ODA cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn các tỉnh miền núi phía Bắc (Trang 34 - 36)

h) Báo cáo thực hiện chương trình, dự án ODA

2.1.1.2.Địa hình và khí hậu

Địa hình vùng miền núi phía Bắc bị chia cắt khá mạnh do ảnh hưởng của các dãy núi lớn, đặc biệt là dãy Hoàng Liên. Đây chính là dãy núi chia cắt miền núi phía Bắc thành 2 tiểu vùng khí hậu Đông Bắc và Tây Bắc. Vùng Đông Bắc nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa Đông Bắc, vùng Tây Bắc nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, với số giờ nắng cao và ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của các cơn bão mùa hè cũng như các đợt gió mùa Đông Bắc vào mùa Đông. Sự chia cắt về địa hình đã tạo cho vùng miền núi phía Bắc

nhiều tiểu vùng sinh thái khác nhau với tài nguyên sinh vật phong phú trong đó có nhiều loại động thực vật qúy hiếm. Chỉ tính riêng khu vực Tây bắc đã có 51 loài động vật qúy hiếm và đặc hữu. Tuy nhiên, cũng do sự chia cắt phức tạp về địa hình, nhiều vùng có độ dốc lớn nên việc phát triển hệ thống giao thông, mở mang xây dựng cơ sở hạ tầng gặp nhiều khó khăn. Đây chính là trở ngại lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng miền núi phía Bắc.

Địa hình các tỉnh miền núi phía Bắc rất đa dạng, trải dài từ những vùng núi cao đến những ngọn đồi thoải bị phong hóa, hay từ những ngọn núi đá vôi được hình thành với đỉnh nhọn cho đến những ngọn núi với độ cao lên đến 2.450 m so với mặt nước biển. Đá kiến tạo nên núi thường là trầm tích, khác biệt từ độ bền vững cho đến độ phong hóa. Thông thường, do đá vôi có khả năng kháng phong hóa tốt hơn nên phổ biến hơn, tồn tại dưói dạng những triền dốc đứng hùng vĩ. Những loại đá khác dễ bị phong hóa hơn lại hình thành những triền đồi thoải. Những dạng đồi thoải này thường có cấu tạo là một lõi đá phong hóa (đá regolith) được bao phủ trong một lớp đất dày được hình thành thông qua một quá trình phong hóa liên tiếp. Nằm giữa núi và đồi là những đồng bằng bị rửa trôi và chịu lũ nằm trên nền thung lũng, bao gồm các loại đất được phù sa bồi tích rất màu mỡ. Các thung lũng với hai bên sườn núi dốc đứng và nền thung lũng hẹp thường hạn chế cơ hội phát triển thành đất canh tác nông nghiệp. Kết quả là, nhiều người dân có nguồn sinh kế đa dạng phụ thuộc vào sản xuất lúa không đủ sống bằng cách thu hoạch thêm các sản phẩm từ rừng, nhưng nguồn thu này không ổn định.

Càng lên cao về phía Tây và phía Bắc với mô hình thoát nước thường chảy xuôi về phía Tây Nam vào vịnh Bắc Bộ qua lưu vực sông Hồng. Các dòng sông thường dốc đứng và dòng chảy xiết vào các mùa mưa nhưng giảm cường độ tại các lưu vực cao dẫn tới việc giảm lưu lượng dòng chảy vào mùa khô. Địa hình núi dốc đứng tạo cơ hội tốt cho việc xây dựng trạm phát điện, hướng mà Chính phủ hiện nay đang tích cực theo đuổi. Gần về phía bờ biển, các dòng sông ngày càng mở rộng hình thành các con sông thực thụ và quanh co uốn khúc hơn qua các bãi sông thuộc vùng đông bằng khá rộng lớn nơi việc tiêu thụ thoát nước trở thành vấn đề

vào mùa mưa vì rất nhiều công trình được xây dựng đã phá vỡ các dòng thoát nước tự nhiên đồng thời lượng mưa với tần số và cường độ lớn thường gây ra lũ lụt ở diện rộng tại khu vực liền kề các dòng sông bao trọn các khu vực đồng bằng khá lớn, đó cũng chính là diện tích đất canh tác đạt năng suất cao nhất Việt Nam.

Khí hậu rất đa dạng, từ nóng ẩm tại những vùng thấp trải dài về phía đông cho đến khi hậu ôn hòa hơn tại các vùng núi. Lượng mưa chủ yếu chịu ảnh hưởng từ gió mùa phía nam, khi gió đông thổi về nam mang theo không khí ẩm tạo nên mưa lớn, đạt đỉnh điểm từ tháng 7 đến tháng 8. Một loại gió mùa phía bắc cũng có thể xuất hiện vào khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 4, mang theo mây, mưa nhẹ và không khí mát hơn. Lượng mưa đặc biệt phụ thuộc vào địa điểm khu vực và bị ảnh hưởng bởi địa hình. Tại một số nơi, những triền dốc khiến gió nổi lên và hơi ẩm ngưng tụ rồi rơi xuống tạo mưa, hình thành các vùng mưa theo chiều gió thổi. Lượng mưa tại mỗi vùng có sự chênh lệch đáng kể, từ khoảng 1.500 mm/năm cho đến gần 4.000 mm tại một số nơi.

Những đặc điểm trên có ý nghĩa quan trọng trong việc quy hoạch và thiết kế cơ sở hạ tầng nông thôn. Đáng quan tâm là nguy co xói mòn trong quá trình cải tạo đường giao thông nông thôn, với các điều kiện các sườn dốc yếu do vật liệu kém và lượng mưa lớn có thể khiến các mái taluy dễ bị sạt, đôi khi chỉ vài năm sau khi xây dựng. Việc tìm hiểu những vấn đề trên là rất quan trọng trong khâu thiết kế hệ thống thoát nước và các biện pháp chống sạt dốc. Nguy cơ xói mòn và bị tác động ở nhiều cấp độ cũng ảnh hưởng đến tính khả thi và những lợi ích tiềm năng của các công trình thủy lợi.

Trong khu vực có 15 tỉnh, tổng cộng có 126 huyện và 2.391 xã nông thôn với khoảng 28.000 thôn và hơn 2.1 triệu hộ dân nông thôn. Quy mô trung bình ước tính cuả một hộ dân là khoảng 4.6 người.

Một phần của tài liệu Luận văn tốt nghiệp - Một số giải pháp tăng cường thu hút vốn ODA cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn các tỉnh miền núi phía Bắc (Trang 34 - 36)