hiện các cam kết với WTO
2.2.3.1. Những cơ hội cho phát triển nông nghiệp
Thứ nhất, thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp ổn định và bền vững hơn:
Quá trình gia nhập WTO giúp mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, thúc đẩy thương mại đặc biệt là các nguồn lực vốn, khoa học và công nghệ cho tăng trưởng nông nghiệp; đồng thời từ nguồn lực thị trường thúc đẩy phân bổ nguồn lực cho phát triển nông nghiệp hợp lý hơn giúp tăng trưởng nông nghiệp ổn định và bền vững hơn.
Thứ hai, tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp hợp lý hơn: Phân bổ nguồn lực cho phát triển nông nghiệp hợp lý, tạo điều kiện
cho các ngành hàng nông sản và những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao phát triển, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp; đồng thời cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từ đó tăng thu hút đầu tư vào nông nghiệp; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nhanh và hợp lý hơn.
Thứ ba, thúc đẩy nâng cao trình độ của nguồn nhân lực và khoa học công nghệ, tăng nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp: Gia nhập WTO tạo
điều kiện tăng cường hợp tác giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học với các nước, tiếp thu công nghệ mới và chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến, nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ doanh nghiệp nước ngoài, nhờ đó nguồn nhân lực, tiềm lực khoa học, công nghệ, vốn trong nông nghiệp được tăng lên.
Thứ tư, tăng cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết và tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị nông sản toàn cầu: Gia nhập
WTO tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nông nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế, nguồn tín dụng và các đối tác; đồng thời buộc các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực canh tranh, năng lực tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị nông sản toàn cầu và hợp tác, liên doanh, liên kết trong phát triển nông nghiệp.
Thứ năm, tăng cơ hội để các cá nhân được thụ hưởng các nông sản hàng hóa đa dạng về chủng loại, mẫu mã và chất lượng với giá cạnh tranh: Gia
nhập WTO chúng ta phải mở cửa thị trường nông sản, tăng cường giao lưu nông sản; nhờ đó tăng khả năng được tiếp cận nhiều hơn với nông sản hàng hóa đa dạng về chủng loại, mẫu mã và chất lượng với giá cả cạnh tranh. Đồng thời tạo cho nông hộ có nhiều lựa chọn hơn giữa tích lũy, đầu tư và tiêu dùng; kích thích tăng sản xuất.
Thứ sáu, thúc đẩy đổi mới và hoàn thiện chính sách phát triển nông nghiệp hợp lý hơn: Gia nhập WTO tạo điều kiện để các nhà hoạch định chính
sách nắm bắt tốt hơn thị trường nông sản và xu thế phát triển nông nghiệp của thế giới, từ đó có thể đổi mới chính sách phát triển nông nghiệp hợp lý.
2.2.3.2. Những thách thức đối với phát triển nông nghiệp
Gia nhập WTO và thực hiện các cam kết của nó không chỉ đưa lại những cơ hội, trái lại nó cũng đặt ra nhiều thách thức cho phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, giữa cơ hội và thách thức luôn chuyển hóa lẫn nhau; nếu không phát huy tốt những cơ hội cho phát triển nông nghiệp thì chúng sẽ trở thành thách thức và ngược lại những thách thức nếu khắc chế được thì chúng lại trở thành những cơ hội; có thể khái quát một số thách thức như sau:
Một là, gia nhập WTO làm gia tăng cạnh tranh gay gắt khiến nhiều doanh
nghiệp nông nghiệp và ngành nông nghiệp gặp khó khăn, thậm chí là phá sản, từ đó gây nhiều hậu quả về mặt kinh tế - xã hội.
Hai là, gia nhập WTO làm tăng sự phụ thuộc của nông nghiệp nội địa vào
thị trường nông sản thế giới và khiến nền nông nghiệp dễ bị tổn thương trước những biến động của cung cầu và giá cả nông sản trên thị trường thế giới.
Ba là, gia nhập WTO làm tăng phân phối không công bằng giữa lợi ích và
rủi ro giữa các nước và các nhóm khác nhau trong xã hội, do vậy có nguy cơ làm tăng khoảng cách giàu nghèo.
Bốn là, trong quá trình gia nhập WTO, các nước đang phát triển phải đối
mặt với nguy cơ chuyển dịch cơ cấu kinh tế tự nhiên bất lợi, do thiên hướng tập trung vào các ngành sử dụng nhiều tài nguyên, nhiều sức lao động, nhưng có giá trị gia tăng thấp, dễ có thể trở thành bãi rác thải công nghiệp và công nghệ thấp, bị cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên.