Trong lĩnh vực nông nghiệp, ngoài Hiệp định của WTO, Việt Nam còn phải thực các Hiệp định của ASEAN, giữa ASEAN và các đối tác trong khu vực. Tuy nhiên trong khuôn khổ của luận án, tác giả chủ yếu đề cập các cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ WTO về lĩnh vực nông nghiệp; chủ yếu Hiệp định AoA và Hiệp định SPS, đây là hai Hiệp định quan trọng nhất.
3.1.2.1. Cam kết và thực hiện cam kết Hiệp định nông nghiệp (AoA)
- Về mở cửa thị trường: Về thuế, cam kết cắt giảm 10,6% đối với thuế
20% so với mức MFN hiện hành, từ trên 24,5% xuống còn xấp xỉ 20% (nếu tính theo mức thuế trong hạn ngạch của các mặt hàng trên). Nếu trừ đồ uống, rượu bia và thuốc lá, mức cam kết giảm thuế nông sản giảm 18% so với mức MFN hiện hành (từ 22% xuống 18%). Mức độ giảm có sự khác nhau giữa các sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm. Nhưng tổng quát chung là các sản phẩm chế biến có mức thuế cao 40%-50% thì bị yêu cầu giảm nhiều hơn so với nông sản thô. Những nhóm hàng cụ thể phải giảm nhiều hơn là thịt, sữa, rau quả chế biến, thực phẩm chế biến, quả ôn đới. Các mặt hàng nông sản thô mà Việt Nam có khả năng xuất khẩu lớn như gạo, cà phê, cao su, tiêu, điều… không giảm hoặc giảm rất ít. Thời gian cắt giảm từ 3-5 năm. Việt Nam thực hiện các cam
kết WTO một cách nghiêm túc trong tất cả các lĩnh vực nông nghiệp.
Nông nghiệp, để đảm bảo khi gia nhập WTO và lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu không ảnh hưởng lớn đến tốc độ phát triển của ngành nông nghiệp, Việt Nam chỉ cam kết cắt giảm 471 dòng thuế thuộc 88 nhóm hàng trong tổng số 162 nhóm hàng (nhóm hàng 4 chữ số) thuộc 19 trong tổng số 24 chương.
Mức thuế bình quân của tất cả các mặt hàng nông sản tham gia cắt giảm tại thời điểm gia nhập WTO là 25,2 % và cam kết cắt giảm xuống còn 20,1% bắt đầu từ 1/1/2012. Tuy nhiên trên thực tế thuế suất bình quân của các dòng sản phẩm trên áp dụng bắt đầu từ 1/1/2012 là 19,7 % tức là giảm nhiều hơn so với cam kết là 0,4 điểm %.
Trong đó nhiều nhóm hàng có mức cắt giảm thuế nhiều so với cam kết, chẳng hạn nhóm hàng HS0402 sữa và kem, chưa cô đặc, chưa thêm đường hoặc chất ngọt khác có mức thuế cam kết cắt giảm năm 2012 là 25% nhưng trên thực tế đã giảm xuống còn 5%; nhóm hàng HS1513 có mức thuế cam kết đến năm 2012 cắt giảm còn 35% nhưng thực tế chỉ còn 15% và một số sản phẩm khác... Một số mặt hàng có mức cam kết cắt giảm giảm thuế mạnh nhất, mức độ cắt giảm từ 18% trở lên nhưng tất cả các mặt hàng này đều cắt giảm
đúng hạn so với cam kết. Nhìn chung các mặt hàng nông sản đều có hạn cuối thực hiện cắt giảm thuế là vào 1/1/2012, qua 5 năm thực hiện các cam kết về thuế quan khi gia nhập WTO, Việt Nam đã thực hiện tốt các cam kết về cắt giảm thuế quan. Cụ thể là có 60 nhóm hàng (nhóm 4 chữ số) cắt giảm đúng hạn chiếm 68,2%, đặc biệt có 25 nhóm hàng (nhóm 4 chữ số) cắt giảm mạnh hơn so với cam kết (tương đương với 28,4% nhóm hàng), chỉ có 3 nhóm hàng cắt giảm chậm hơn so với cam kết (chiếm 3,4%) [8].
Trong 7 năm qua (hết năm 2013), nông sản đã cắt giảm được 1.118 dòng thuế theo cam kết WTO, từ mức thuế bình quân 23,5% vào thời điểm gia nhập xuống còn 20%. [73]
Lâm nghiệp, khi gia nhập WTO, Việt Nam cam kết cắt giảm thuế quan
bình quân là 14,6% vào thời điểm gia nhập và 10,5% sẽ là mức cắt giảm cuối cùng. Tính đến 1/12/2012, trong số 22 nhóm thuộc lĩnh vực lâm nghiệp thuộc chương 44: Gỗ và các mặt hàng từ gỗ; than từ gỗ và một số mã thuộc nhóm hàng HS9403; đồ nội thất khác có 11 nhóm hàng cắt giảm đúng hạn (chiếm 50%) và 10 nhóm cắt giảm nhanh hơn so với cam kết (chiếm 45,45%), chỉ có nhóm hàng HS4418 cột trụ và xà, dầm, panen lát sàn các loại khác là có mức cắt giảm chậm hơn cam kết (chiếm 4,5% nhóm hàng), tuy nhiên sự khác biệt
chỉ là 0,8 điểm % (cam kết 3% và hiện cắt giảm còn 3,8%).
Mức giảm mạnh nhất là các mặt hàng thuộc nhóm hàng mã HS4420 (gỗ khảm, dát; tráp, và các loại hộp đựng đồ kim hoàn…; tượng nhỏ và đồ trang trí bằng gỗ; các loại đồ dùng bằng gỗ) từ mức thuế suất trung bình là 40% xuống còn 20% (giảm 20 điểm %). Sau đó là các mặt hàng thuộc nhóm hàng mã HS4414 (khung tranh, ảnh, khung gương bằng gỗ hoặc các sản phẩm bằng gỗ tương tự), nhóm mã hàng HS4419 (bộ đồ ăn, bộ đồ làm bếp bằng gỗ), nhóm hàng mã HS4421 (các sản phẩm bằng gỗ khác) từ mức thuế suất trung bình là 40% xuống còn mức thuế suất trung bình 25% (giảm15 điểm %) [10]. Đến
cuối năm 2013, lâm sản đã cắt giảm thuế 69 mặt hàng, với mức cắt giảm thấp nhất là 10% và cao nhất 50%.[74]
Thủy sản: Việt Nam đã cam kết điều chỉnh giảm 163 dòng thuế thuộc 9 nhóm hàng. Trong đó: 7 nhóm thuộc chương 3 (cá và động vật giáp xác… và
động vật thủy sinh không sương sống khác), các nhóm này chủ yếu là hàng tươi, sống hoặc ướp lạnh. 2 nhóm thuộc chương 16 (các chế phẩm từ thịt, cá hay giáp xác, động vật thân mềm hoặc thủy sinh không xương sống khác), các
nhóm này chủ yếu là hàng đã qua chế biến.
Mức thuế suất cam kết cắt giảm bình quân của lĩnh vực thủy sản là tương đối lớn, từ mức thuế suất trung bình (khi gia nhập) là 32% xuống còn 20,1% (giảm 11,9 điểm %). Mức giảm mạnh nhất là các mặt hàng thuộc nhóm cá đông lạnh và cá filê (nhóm HS0303, nhóm HS0304), từ mức thuế suất trung bình là 30% xuống 14,9% (giảm 15,1 điểm %). Các mặt hàng thuộc nhóm cá tươi hoặc ướp lạnh như cá ngừ, cá hồi (nhóm HS0302), từ mức thuế suất trung
bình là 30% xuống mức thuế suất trung bình 17,1% (giảm 12,9 điểm %).
Lộ trình cắt giảm thuế của hàng thủy sản là tương đối dài, từ 5 đến 7 năm kể từ khi gia nhập. Số dòng thuế cắt giảm ở từng năm cũng khác nhau. Năm 2009 cắt giảm 9 dòng thuế, năm 2010 cắt giảm 72 dòng thuế, năm 2011 cắt giảm 37 dòng thuế, năm 2012 cắt giảm 39 dòng thuế và năm 2014 cắt giảm 6 dòng thuế còn lại.
Trong lộ trình phải điều chỉnh 163 dòng thuế thuộc 9 nhóm hàng thủy sản, từ mức thuế bình quân 32,2% trước thời điểm gia nhập WTO xuống còn 20,1% (giảm 12,1%); đã cắt giảm được 156 dòng thuế, chỉ còn 6 dòng phải cắt giảm vào năm 2014. [74]
Kết quả, đến 1/1/2014, chúng ta đã thực hiện đúng với lộ trình cam kết với tất cả các nhóm hàng. Thậm chí, có một số nhóm hàng Việt Nam còn cắt giảm nhanh hơn so với lộ trình cam kết; nhóm hàng động vật giáp xác tươi
hoặc ướp lạnh (HS0306), mức thuế suất cam kết cắt giảm vào năm 2012 là 17,8% nhưng thuế suất áp dụng trong thực tế năm 2012 đã cắt giảm còn 5,8%. Hoặc nhóm hàng động vật thân mềm tươi sống hoặc ướp lạnh (HS0307) mức thuế suất cam kết cắt giảm vào năm 2012 là 16,5% nhưng trong thực tế năm 2012 đã chỉ còn 4,6% [11].
Hàng năm vào tháng 11-12 Bộ Tài chính đều ra thông tư ban hành “Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế” cho năm sau; như Thông tư số: 157/2011/TT-BTC, ngày 14/11/2011, Thông tư số: 164/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013.
Phi thuế: Loại bỏ hoàn toàn các hàng rào phi thuế, nhất là các hạn chế
định lượng nhập khẩu, trừ viêc áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với 4 mặt hàng là đường, muối, trứng gia cầm và lá thuốc lá. Quyền kinh doanh xuất nhập khẩu (cam kết trong phần dịch vụ): Các doanh nghiệp nước ngoài được phép kinh doanh xuất nhập khẩu hàng nông sản ngay khi Việt Nam gia nhập WTO (trừ gạo đến hết năm 2011); tuy nhiên các doanh nghiệp nước ngoài không được phép mua trực tiếp từ nông dân mà phải thông qua các đại lý, hoặc các doanh nghiệp nội địa. Tuy nhiên trên thực tế nhiều tư thương nước ngoài đã thâm nhập sâu vào thị trường nông sản nội địa mua trực tiếp nông sản từ nông dân qua các đại lý ảo, nâng giá, tranh mua, mua nông sản mà người bán không hiểu họ mua để làm gì…; tạo ra nhu cầu nông sản ảo gây nhiều hậu quả tiêu cực cho sản xuất nông nghiệp của nước ta.
- Về hỗ trợ trong nước: Theo WTO, các chính sách nằm trong nhóm hộp
xanh (Green box) là những chính sách không hoặc rất ít có tác dụng bóp méo thương mại vì vậy các nước đều được phép áp dụng; sự ưu đãi đặc biệt và khác biệt (S&D) dành cho các nước đang phát triển và chậm phát triển là được phép hỗ trợ cho nông nghiệp nằm trong nhóm chính sách gọi là “chương trình phát triển”. Các nước phải cam kết cắt giảm các chính sách nằm trong nhóm hổ
phách (Amber box) nếu vượt quá mức cho phép, gọi là mức tối thiểu (de minimis). Mức tối thiểu là 5% giá trị sản lượng nông nghiệp dành cho các nước
phát triển và là 10% dành cho các nước đang phát triển.
Căn cứ vào hiện trạng chính sách trong nước và Việt Nam đàm phán với tư cách là nước đang phát triển và nước có nền kinh tế chuyển đổi, Việt Nam đã cam kết sẽ thực hiện các chính sách hỗ trợ trong nước cho ngành nông nghiệp theo đúng tinh thần của Hiệp định. Nghĩa là Việt Nam sẽ tự do áp dụng các chính sách nằm trong nhóm Hộp xanh và Chương trình phát triển. Nhóm chính sách hộp hổ phách sẽ áp dụng ở mức tối thiểu là 10% giá trị sản lượng nông nghiệp. Ngoài mức này, ta còn bảo lưu thêm được một khoản hỗ trợ nữa vào khoảng 4000 tỷ đồng/năm. Có thể nói, trong nhiều năm tới, ngân sách Việt Nam cũng chưa đủ sức để hỗ trợ cho nông nghiệp ở mức này… Nhìn chung, các chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước của Việt Nam là phù hợp với quy định của Hiệp định Nông nghiệp và cam kết WTO. Mức hỗ trợ cho nông nghiệp còn rất thấp không chỉ so với quy định WTO mà còn so với các nước trong khu vực. Chính vì vậy, về cơ bản, Việt Nam không phải điều chỉnh chính sách cho phù hợp với quy định và cam kết mà chỉ là xây dựng các chính sách mới nhằm hỗ trợ nông nghiệp phát triển bền vững trước bối cảnh hội nhập và biến đổi khí hậu toàn cầu.
- Trợ cấp xuất khẩu: Theo Hiệp định Nông nghiệp, mọi hình thức trợ
cấp xuất khẩu nông sản đều bị nghiêm cấm. Những nước thành viên WTO đang áp dụng các chính sách trợ cấp xuất khẩu phải kê khai và cam kết cắt giảm. Sự ưu đãi đặc biệt và khác biệt dành cho các nước đang phát triển là được phép áp dụng 2 hình thức trợ cấp xuất khẩu, đó là trợ cước phí vận tải và chi phí tiếp thị đối với hàng xuất khẩu. Trợ cấp xuất khẩu, do đây là chính sách có tính bóp méo thương mại nhiều nhất, nên các nước thành viên WTO đòi hỏi các nước gia nhập WTO phải cam kết không trợ cấp xuất khẩu ngay khi gia
nhập đổi lại được hưởng quy chế MFN. Do đó, Việt Nam cũng phải cam kết cam kết bỏ trợ cấp xuất khẩu ngay khi gia nhập và bảo lưu quyền được hưởng S&D trong lĩnh vực này. Vào thời điểm Việt Nam gia nhập WTO thì các quy định cho phép trợ cấp xuất khẩu đối với nông sản không còn hiệu lực; các cam kết cụ thể liên quan đến trợ cấp xuất khẩu nông sản phải ở mức bằng không trong “Biểu cam kết Hàng hoá”. Từ năm 2006 đến nay, Việt Nam đã không áp dụng bất cứ hình thức trợ cấp xuất khẩu nào.
Tuy vậy, cam kết này không ảnh hưởng đến các quyền của Việt Nam theo quy định hiện hành của WTO đối với các hỗ trợ trong nước. Việt Nam bảo lưu quyền được hưởng một số quy định riêng của WTO dành cho các nước đang phát triển trong lĩnh vực này. Đối với các loại hỗ trợ mà WTO quy định phải cắt giảm như một số hình thức hỗ trợ lãi xuất để thu mua nông sản, hỗ trợ dưới hình thức quy định giá sàn cho nông sản (trợ cấp "hổ phách")…, nhìn chung Việt Nam được duy trì trợ cấp ở mức không quá 10% giá trị sản lượng [7].
3.1.2.2. Cam kết và thực hiện Hiệp định SPS
Việt Nam đã cam kết áp dụng đầy đủ các quy định của Hiệp định SPS kể từ ngày gia nhập WTO mà không cần có thời gian chuyển đổi, các cơ quan quản lý chuyên ngành của Việt Nam sẽ áp dụng các biện pháp SPS phù hợp với tất cả các quy định liên quan của Hiệp định SPS. Việt Nam phải thực hiện các quy định kỹ thuật về ấn định thời hạn sử dụng đối với nguyên liệu thực phẩm chưa chế biến và phụ gia thực phẩm vào thời điểm gia nhập WTO. Đối với các sản phẩm khác, Việt Nam chấp thuận nguyên tắc “sử dụng tốt nhất trước hạn…” (Best used before term…) theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Các hạn chế nhập khẩu dựa trên các biện pháp về thời hạn sử dụng được áp dụng cho các nguyên liệu thực phẩm chưa chế biến và phụ gia thực phẩm phải được dựa trên các nguyên tắc khoa học bao gồm các tiêu chuẩn quốc tế liên quan [2], [7].
Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các Bộ ngành khác tiến hành rà soát các quy định trong nước cho phù hợp với Hiệp định SPS, tổ chức phổ biến cam kết và tập huấn nội dung Hiệp định cho các cán bộ liên quan. Đã triển khai cổng thông tin điện tử của Văn phòng SPS để trao đổi thông tin giữa văn phòng với mạng lưới SPS của các Bộ ngành và Ban thư ký Ủy ban SPS của WTO; xây dựng và ban hành quy chế tổ chức và phối hợp hoạt động giữa Văn phòng SPS Việt Nam với các điểm thông báo, hỏi đáp về SPS thuộc các Bộ ngành nhằm đảm bảo thực thi đầy đủ nghĩa vụ minh bạch hóa của Việt Nam đối với Hiệp định SPS
Các Hiệp định TRIPS, TBT, AD, SCM và SG, Việt Nam đã cam kết có nghĩa vụ áp dụng đầy đủ các quy định của các Hiệp định kể từ ngày gia nhập WTO mà không cần có bất kỳ thời gian chuyển đổi nào. Các cơ quan quản lý chuyên ngành của Việt Nam có nghĩa vụ áp dụng các quy định của pháp luật phù hợp với tất cả các quy định liên quan của Hiệp định; thực tế Việt Nam thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các Hiệp định trên [12].