2.3.4.1. Về phát triển nông nghiệp
Qua nghiên cứu kinh nghiệm phát triển nông nghiệp của một số nước rút ra những kinh nghiệm cho phát triển nông nghiệp như sau:
Một là, các nước phát triển nông nghiệp có hiệu quả cao và bền vững đều biết phát huy lợi thế so sánh của ngành nông nghiệp, khai thác có hiệu quả
nguồn lực về tài nguyên thiên nhiên, kịp thời điều chỉnh tăng trưởng nông nghiệp từ chiều rộng sang chiều sâu, chuyển dịch cơ cấu sản xuất hướng tới tối ưu hoá, đảm bảo phát triển nông nghiệp đạt hiệu quả cao. Đặc biệt với các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi; khi cải cách, đổi mới và mở cửa phát triển nông nghiệp chủ yếu nhờ vào tăng diện tích và tăng
đầu con; xuất khẩu nông sản thô là chính, ít đầu tư cho chế biến sâu, giá trị gia tăng thấp…; vì thế tăng trưởng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp giảm dần, rất dễ rơi vào bẫy “thu nhập trung bình”.
Hai là, phát triển nông nghiệp trên cơ sở không ngừng áp dụng những
thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến, đồng bộ từ giống, sản xuất, bảo quản, chế biến, lưu thông và tiêu thụ. Đổi mới phương thức sản xuất theo hướng tăng giá trị gia tăng nhờ vào chế biến sâu và những nông đặc sản, sản phẩm chế biến đặc hữu.
Ba là, phát triển nông nghiệp trên cơ sở không ngừng nâng cao năng lực
cạnh tranh và năng lực tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu trên nền tảng năng lực cạnh tranh của ngành hàng nông sản. Năng lực cạnh tranh của ngành hàng là tổng hòa năng lực cạnh tranh của sản phẩm và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; với hỗ trợ của năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh quốc gia có được ngoài năng lực của các ngành hàng trong nền kinh tế còn có đóng góp của cơ chế chính sách và hạ tầng kỹ thuật…
Bốn là, phát triển nông nghiệp có hiệu quả cao và bền vững trên cơ sở
xây dựng ngành nông nghiệp CMH, TTH cao, phân công và hợp tác, liên doanh liên kết chặt chẽ. Bởi tham gia WTO, cạnh tranh không chỉ trên thị trường toàn cầu mà còn cạnh tranh ngay cả thị trường nội địa; nếu không xây dựng được ngành nông nghiệp CMH,TTH cao, phân công, hợp tác, liên doanh liên kết chặt chẽ, sẽ thua ngay trên sân nhà.
Năm là, phát triển nông nghiệp không thể thiếu vai trò của nhà nước
trong đầu tư hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực; cũng như các chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp nằm trong nhóm hộp xanh (Green box) và nhóm hổ phách (Amber box), không quá 10% giá trị sản lượng nông nghiệp đối với các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi mà WTO cho phép.
2.3.4.2. Khung phân tích phát triển nông nghiệp
- Một là, Luận án đánh giá sự phát triển nông nghiệp Việt Nam dựa trên
những tiêu chí đã được xây dựng để đánh giá ở các mặt tăng trưởng nông nghiệp; chuyển dịch cơ cấu; áp dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong nông nghiệp; CMH, TTH, hợp tác liên kết từ sản xuất chế biến và tiêu thụ; năng lực cạnh tranh và năng lực tham gia chuỗi giá trị của nông sản, của ngành hàng; kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng cơ sở trong nông nghiệp.
- Hai là, Chỉ ra những nguyên nhân của thành công và tồn tại trên cơ sở
đánh giá phát triển nông nghiệp kết hợp với phân tích những cam kết với WTO và điều chỉnh chính sách đối với nông nghiệp sau khi gia nhập WTO.
- Ba là, Trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển nông nghiệp, kinh
nghiệm và xu hướng phát triển nông nghiệp trên thế giới; đề xuất định hướng, quan điểm và giải pháp phát triển nông nghiệp Việt Nam đến năm 2025.
Phạm vi nghiên cứu, luận án tập trung vào phát triển nông nghiệp sau
khi Việt Nam gia nhập WTO nhưng có so sánh với trước khi gia nhập WTO ở những nội dung cần thiết.
Chương 3
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM SAU KHI GIA NHẬP WTO