Xu hướng phát triển nông nghiệp trên thế giới

Một phần của tài liệu luận văn phát triển nông nghiệp việt nam sau khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO) (Trang 151 - 154)

Một là, nền nông nghiệp (nghĩa rộng) thế giới đang phát triển theo xu hướng một nền nông nghiệp “phát triển bền vững”.

Trong xu hướng toàn cầu hóa, khu vực hóa về kinh tế, các nguồn lực được phân bổ hợp lý hơn và hiệu quả cao hơn; tuy nhiên do tác động của kinh tế và thị trường toàn cầu, các yếu tố rủi ro và phát triển thiếu ổn định do kinh tế thị trường mang lại có xu hướng ngày càng tăng; cộng với biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và khó lường vì thế “phát triển bền vững” là đòi hỏi khách quan trong phát triển kinh tế nói chung và phát triển nông nghiệp nói riêng. “Phát triển bền vững” là phát triển dựa trên ba trụ cột: bền vững về kinh tế, bền vững về mội trường và bền vững về mặt xã hội.

Hai là, nền nông nghiệp thế giới phát triển theo xu hướng tăng cường áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ xanh, công nghệ hữu cơ...; nhằm sản xuất ra những nông lâm thủy hải sản có chất lượng, năng suất cao và sạch hơn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho con người.

Trên thế giới, nhiều nước đã ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp, đặc biệt là các nước phát triển; điển hình là Isarel, một nước bán sa mạc, khí hậu khắc nghiệt, nhưng họ đã làm nên điều kỳ diệu về nền nông nghiệp xanh công nghệ cao trên hoang mạc. Là nước có diện tích rất nhỏ, nhưng Israel lại được mệnh danh là “thung lũng Silicon” của thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ. Chỉ với 2,5% dân số làm nông nghiệp nhưng Israel là một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, khoảng 3 tỷ USD nông sản/năm. Kinh nghiệm xây dựng nền nông nghiệp hiện đại của Israel là đầu tư cho khoa học kỹ thuật; năm 1950, một nông dân Israel cung cấp

lương thực thực phẩm đủ cho 17 người và hiện nay là 90 người. Một ha đất gieo trồng cho 3 triệu bông hồng, hay 500 tấn cà chua/vụ; một con bò cho tới 11 tấn sữa/năm (55lít sữa/con/ngày), mức năng suất mà chưa một nước nào trên thế giới có được.

Hà Lan là quốc gia đã được mệnh danh "nước đất trũng", có 1/4 diện tích lãnh thổ thấp hơn mực nước biển và 1/3 diện tích lãnh thổ chịu sự uy hiếp thường nhật của nước mặn và nước sông gây ngập úng. Vì thiếu đất canh tác, Hà Lan thực thi chiến lược "đầu tư cao-sản xuất nhiều" với việc phát triển thủy lợi và hệ thống nhà kính. Diện tích nhà kính của Hà Lan gần 11000 ha, chiếm 25% tổng diện tích nhà kính trên toàn thế giới. Trong đó, có tới 40% dùng để sản xuất rau, 35% sản xuất hoa, 20% sản xuất cây ăn quả, hiệu quả tăng 5-6 lần sản xuất ngoài trời [59].

Về công nghệ sinh học, các nước phát triển đi vào giai đoạn hai của việc áp dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, các nước đang phát triển đang ở giai đoạn một với mục tiêu tăng năng suất, giá trị và chất lượng nông, thủy hải sản. Trong các nước đang phát triển, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil là những nước có tiềm năng lớn từ nội lực trong nước về công nghệ sinh học; Quỹ Nông nghiệp và Phát triển quốc tế (IFAD) của Liên hợp quốc đang lỗ lực giúp các nước trên thế giới tăng nhanh diện tích canh tác bằng công nghệ sinh học không dùng hóa chất làm phân bón và thuốc trừ sâu. Đó là những công nghệ lấy hữu cơ làm cơ sở phát triển các phương pháp canh tác tự nhiên và truyền thống. Phương pháp canh tác bằng công nghệ hữu cơ đang được tổ chức có hiệu quả tại Ấn Độ và Trung Quốc - nơi chiếm gần một nửa số hộ nông dân trên toàn cầu. Trên thế giới hiện nay có 26 triệu ha đất nông nghiệp đang được quản lý sản xuất theo công nghệ hữu cơ (Asia Times tháng 3/2006). Ước tính giá trị nông sản canh tác bằng công nghệ hữu cơ trên toàn cầu năm 2005 đạt gần 30 tỷ USD, xu hướng này đang tăng rất nhanh. Riêng Trung Quốc, giá trị

xuất khẩu nông sản canh tác bằng công nghệ hữu cơ tăng từ mức dưới 1 triệu USD giữa những năm 1990 đến gần 200 triệu USD trong năm 2004. Hiện Trung Quốc có hơn 1.000 công ty nông nghiệp và nông trại được cấp giấy xác nhận là sản xuất bằng công nghệ sạch hữu cơ. Còn tại Ấn Độ có khoảng 2,5 triệu ha được cấp giấy chứng nhận sản xuất bằng công nghệ hữu cơ [60].

Trong khuôn khổ Hiệp định AoA, SPS, TBT… khuyến khích phát triển nền nông nghiệp “phát triển bền vững”, “nông nghiệp công nghệ cao”, “nông nghiệp sinh học”, “nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp hữu cơ…”; thể hiện ở các Hiệp định như: các chính sách được phép hỗ trợ trong Hộp xanh lá cây, Hộp xanh lam (AoA); công nhận các quốc gia có quyền sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại để bảo vệ sức khỏe con người, động vật và thực vật (SPS); ban hành các quy trình kỹ thuật (TBT); đề ra các tiêu chuẩn tối thiểu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như “Chỉ dẫn địa lý”, “Giống cây trồng và vật nuôi”, “chủng vi sinh, vi khuẩn”, bảo vệ văn bằng sáng chế “cho các quy trình vi sinh và phi sinh học phục vụ sản xuất cây trồng và vật nuôi” (TRIPS)…

Ba là, nền nông nghiệp thế giới phát triển theo xu hướng hình thành mạng sản xuất, chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Tự do hoá thương mại hàng nông sản đang đang diễn ra với mức độ ngày càng tăng, phân công lao động trong chuỗi giá trị hàng nông sản toàn cầu ngày càng sâu sắc với mức độ chuyên môn hoá ngày càng cao, từ khâu nghiên cứu và phát triển (R&D) sản phẩm, sản xuất sản phẩm (từ khâu nuôi trồng đến chế biến) đến marketing và phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Các nước tham gia vào chuỗi giá trị hàng nông sản đang tìm cách thâm nhập vào những khâu tạo ra giá trị gia tăng nhiều nhất, như các khâu R&D, marketing, tiêu thụ và phân phối sản phẩm. Trong những năm gần đây, nhiều nước đang phát triển đã từng bước cải thiện vị trí của mình trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, tham gia vào những khâu, những công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao. Thực tế cho thấy,

tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu đang là xu thế phổ biến hiện nay và sự tham gia này mang lại lợi ích kinh tế và xã hội to lớn, kể cả đối với các nước đang phát triển.

Một phần của tài liệu luận văn phát triển nông nghiệp việt nam sau khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO) (Trang 151 - 154)