về thừa kế theo pháp luật trong Tư pháp quốc tế Việt Nam:
Phương hướng thứ nhất: Trong Tư pháp quốc tế, khi chọn pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, chúng ta sẽ chọn hệ thống pháp luật có quan hệ mật thiết với loại quan hệ cần giải quyết. Vậy, trong lĩnh vực mà chúng ta nghiên cứu, chúng ta cũng sẽ chọn hệ thống pháp luật có
quan hệ gắn bó với những vấn đề của thừa kế theo pháp luật. Thông thường, việc định hình hệ thống pháp luật có quan hệ mật thiết với loại quan hệ cần điều chỉnh khá dễ dàng, ví dụ: Pháp luật có quan hệ mật thiết với tranh chấp về quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng thường là pháp luật nơi thực hiện hợp đồng. Tuy vậy, trong lĩnh vực mà chúng ta đang đề cập, việc định hình hệ thống pháp luật có quan hệ mật thiết với những vấn đề của thừa kế theo pháp luật lại khá phức tạp vì những vấn đề này có thể liên quan đến một vài hệ thống pháp luật khác nhau. Thứ nhất, vì có sự chuyển dịch quyền sở hữu tài sản của người để lại thừa kế cho người còn sống, quan hệ thừa kế là một quan hệ tài sản và do đó có quan hệ với pháp luật nơi có tài sản. Thứ hai, vì có sự chuyển dịch quyền sở hữu tài sản của người để lại thừa kế cho người còn sống trên cơ sở huyết thống, quan hệ thừa kế là một quan hệ nhân thân và do đó có quan hệ với pháp luật nhân thân của người để lại thừa kế. Thứ ba, khi chết, người để lại thừa kế có thể chưa chấm dứt các quan hệ dân sự thiết lập với các đối tác khác (người thứ ba), nhất là quan hệ dân sự trong hợp đồng và quan hệ dân sự ngoài hợp đồng, do vậy quan hệ thừa kế theo pháp luật cũng là quan hệ tài sản đối với người thứ ba. Nói tóm lại, quan hệ thừa kế theo pháp luật có yếu tố nước ngoài là một quan hệ phức tạp, có quan hệ gắn bó với nhiều hệ thống luật khác nhau, do đó, khi chọn hệ thống pháp luật để điều chỉnh, chúng ta không nên bỏ qua ba bản chất này của quan hệ thừa kế theo pháp luật có yếu tố nước ngoài.
Phương hướng thứ hai: Trong Tư pháp quốc tế các nước, khi chọn một hệ thống pháp luật để điều chỉnh quan hệ thừa kế theo pháp luật có yếu tố nước ngoài, các luật gia thường đưa ra một tiêu chí mà theo đó pháp luật của Tòa án là pháp luật sẽ thường xuyên được áp dụng để giải quyết trong thực tế. Lý do thứ nhất của xu hướng này là Tòa án biết rõ pháp luật nước mình hơn pháp luật nước ngoài về thừa kế, do đó việc áp dụng thường xuyên pháp luật
của Tòa án sẽ làm giảm khó khăn trong công tác xét xử. Lý do thứ hai của xu hướng này là, nếu cho phép pháp luật nước ngoài là pháp luật áp dụng để giải quyết vấn đề thừa kế theo pháp luật, Tòa án cũng như các bên trong quan hệ thừa kế phải biết nội dung của pháp luật nước ngoài. Để biết nội dung pháp luật nước ngoài, Tòa án hoặc các bên trong tranh chấp sẽ tự tìm hiểu và do không biết nội dung pháp luật nước ngoài nên Tòa án cũng như các bên trong tranh chấp phải thuê chuyên gia về luật nước ngoài, đây là một việc khó và tốn kém. Chính vì hai lý do căn bản trên mà các nước sử dụng tiêu chí chọn luật khác nhau để làm sao pháp luật của Tòa án có nhiều cơ hội áp dụng hơn pháp luật nước ngoài. Ví dụ, vì Pháp là nước có nhiều dân nhập cư và ít dân di cư nên người để lại thừa kế thường là người có nơi cư trú cuối cùng ở Pháp và do đó việc cho phép pháp luật nơi cư trú cuối cùng điều chỉnh vấn đề thừa kế theo pháp luật sẽ dẫn đến một thực tế là pháp luật Pháp thường xuyên được sử dụng. Theo chúng tôi, vì sự hiểu biết nội dung pháp luật nước ngoài của Tòa án có giới hạn và việc thuê chuyên gia về pháp luật nước ngoài rất đắt, chúng ta nên đi theo xu hướng này, cụ thể là làm thế nào để pháp luật Việt Nam thường xuyên được sử dụng trong thực tế đối với vấn đề thừa kế theo pháp luật.
Phương hướng thứ ba: Vì di sản ở nước ngoài nên bản án của Tòa án sẽ có thể phải được thừa nhận ở nước nơi có di sản, nhất là khi di sản là bất động sản. Các nước đều đưa ra điều kiện để thừa nhận bản án nước ngoài, do đó việc chọn pháp luật để điều chỉnh quan hệ thừa kế theo pháp luật có yếu tố nước ngoài nên tính đến việc làm thế nào để bản án của Tòa án có nhiều cơ hội được thừa nhận ở nước ngoài nơi có di sản, nếu không việc đưa ra bản án cũng vô ích. Mặt khác, khi di sản ở nước ngoài, công tác xét xử đôi khi phải dùng đến biện pháp ủy thác tư pháp, do đó nên có chút thiện chí với hệ thống pháp luật nước ngoài nơi có di sản để các biện pháp ủy thác có thể gặp thuận
tiện. Vậy phương hướng thứ ba mà chúng ta nên làm là sử dụng một tiêu chí chọn pháp luật mà theo đó bản án của Tòa án nước ta có nhiều cơ hội được thừa nhận ở nước nơi có di sản và các biện pháp ủy thác tư pháp không gặp nhiều bất lợi.