Theo quy định của pháp luật Việt Nam:

Một phần của tài liệu Giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế có yếu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật việt nam trong mối tương quan (Trang 60 - 64)

a) Đối với thừa kế theo pháp luật:

Đối với thừa kế theo pháp luật, thực tiễn Việt Nam trước đây đi theo hướng: được giải quyết theo pháp luật nơi người để lại động sản có nơi thường trú cuối cùng.

Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 767 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định

“Thừa kế theo pháp luật phải tuân theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch trước khi chết.” Với quy định trên, pháp luật đó tôn trọng bản chất nhân thân của quan hệ thừa kế. Như vậy, việc xác định người thừa kế, hàng thừa kế, thời điểm mở thừa kế, di sản thừa kế, quyền và nghĩa vụ của người thừa kế, người quản lý tài sản thừa kế được thực hiện theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch trước khi chết. Chẳng hạn, một người Pháp sang Việt Nam kết hôn với người Việt Nam sinh sống và có tài sản là tiền, vật dụng sinh hoạt cá nhân tại Việt Nam, chẳng may người đó gặp tai nạn và chết họ không kịp để lại di chúc, vợ con họ ở Việt

Nam yêu cầu Việt Nam phân chia di sản, trong trường hợp này, Tòa án Việt Nam tiến hành chia di sản thừa kế theo trình tự thủ tục quy định tại Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2004 của Việt Nam, nhưng vấn đề hàng thừa kế, thời điểm mởi thừa kế …. phải áp dụng pháp luật Pháp.

Trong trường hợp người để lại thừa kế có nhiều quốc tịch thì theo Khoản 2, Điều 760 Bộ luật Dân sự năm 2005“pháp luật áp dụng đối với người nước ngoài có hai hay nhiều quốc tịch nước ngoài là pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch và cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự, nếu người đó không cư trú tại một trong các nước mà người đó có quốc tịch thì áp dụng pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch và có quan hệ gắn bó nhất về quyền và nghĩa vụ công dân.”

Trong trường hợp người để lại thừa kế không có quốc tịch thì theo khoản 1 Điều 760 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Trong trường hợp Bộ luật này hoặc các văn bản pháp luật khác của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dẫn chiếu đến việc áp dụng pháp luật của nước mà người nước ngoài là công dân thì pháp luật áp dụng đối với người không quốc tịch là pháp luật của nước nơi người đó cư trú, nếu người đó không có nơi cư trú thì áp dụng pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Về việc xác định nơi có quan hệ gắn bó nhất về quyền và nghĩa vụ công dân thì đương sự phải có nghĩa vụ chứng minh trước cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam về mối quan hệ gắn bó nhất của mình về quyền và nghĩa vụ công dân với hệ thống pháp luật của nước được yêu cầu áp dụng. Trong trường hợp đương sự không chứng minh được về mối quan hệ gắn bó nhất về quyền và nghĩa vụ công dân của mình đối với hệ thống pháp luật được yêu cầu thì pháp luật Việt Nam được áp dụng. (Điều 5 Nghị định 138/2006/NĐ - CP)

Những quy định trên cũng mở ra nhiều khả năng áp dụng pháp luật Việt Nam trong trường hợp người Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài (chưa nhập quốc tịch nước ngoài). Hiện nay, nhiều người dân nước ta sang làm ăn sinh sống ở nước ngoài nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam và khi chết để lại di sản ở nước ngoài cũng như Việt Nam. Mặt khác, do chiến tranh, một số người Việt Nam sang sống ở nước ngoài, có quốc tịch nước ngoài và về Việt Nam cư trú. Nếu cho phép pháp luật của nước mà người để lại thừa kế có quốc tịch điều chỉnh di sản là động sản, pháp luật Việt Nam có nhiều cơ hội để áp dụng. Điều này khác với quan điểm của các nhà làm luật pháp coi vấn đề thừa kế thuộc quy chế pháp lý về hành vi và sự kiện pháp lý (sự kiện người có tài sản chết và sự kiện mở thừa kế). Các sự kiện này chịu sự điều chỉnh của luật nơi cư trú.

b) Đối với Bất động sản:

Trong thực tế, vì quan hệ về tài sản là bất động sản liên quan mật thiết với hệ thống pháp luật của nước nơi có bất động sản nên pháp luật Việt Nam có xu hướng cho phép pháp luật nơi có tài sản điều chỉnh bất động sản.

Ví dụ theo khoản 1 Điều 833 Bộ luật Dân sự năm 1995 quy định “việc xác lập, chấm dứt quyền sở hữu, nội dung quyền sở hữu đối với tài sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản đó”. Vậy khi tài sản là bất động sản ở Việt Nam thì pháp luật Việt Nam điều chỉnh và ở nước ngoài thì pháp luật nước ngoài điều chỉnh. Quan điểm này được nhấn mạnh lại trong Khoản 3, điều 104 Luật hôn nhân gia đình Việt Nam năm 2000 “Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó” và Khoản 3, điều 834 Bộ luật dân sự năm 1995 quy định: “hợp đồng dân sự liên quan đến bất động sản ở Việt Nam phải tuân theo pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Vì vậy, không hề bất ngờ khi khoản 2 điều 767 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định “quyền thừa kế đối với Bất động sản phải tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản” (lexreisitax). Quy định như trên là hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. Giải pháp này thể hiện sự tôn trọng bản chất tài sản của quan hệ thừa kế, điều đó có thể tránh được những phản ứng không tốt của nước nơi có di sản cho những biện pháp ủy thác cũng như việc thừa nhận bản án của tòa án Việt Nam đối với tài sản này vì ở đây áp dụng pháp luật nước nơi có tài sản.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, án lệ của nước cộng hòa Pháp 1904 để áp dụng hệ thuộc luật nơi có tài sản đối với trường hợp thừa kế để áp dụng hệ thuộc luật nơi có tài sản đối với trường hợp thừa kế bất động sản. Hệ thuộc luật nơi có bất động sản có ưu điểm là áp dụng một hệ thống pháp luật thống nhất để điều chỉnh chế độ sở hữu bất động sản và chế độ thừa kế bất động sản.

Quyền thừa kế gồm quyền để lại di sản thừa kế và quyền nhận thừa kế. Trong trường hợp di sản thừa kế là bất động sản thì việc người thừa kế có quyền nhận thừa kế có được nhận hay không còn phụ thuộc vào pháp luật nước nơi có bất động sản. Có nước chấp nhận quyền sở hữu bất động sản của người nước ngoài nhưng có nước hạn chế chấp nhận, có nước chấp nhận quyền sở hữu cá nhân với đất đai nhưng có nước lại theo chế độ sở hữu toàn dân hay sở hữu nhà nước đối với đất đai. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người thừa kế, thông thường các nước theo chế độ sở hữu toàn dân (sở hữu nhà nước) đối với đất đai hoặc chế độ hạn chế quyền sở hữu bất động sản của người nước ngoài có những quy định cho phép người nhận thừa kế hưởng giá trị của di sản.

Cho đến nay chúng ta đều biết, quyền sở hữu bất động sản của người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn chưa được pháp luật thừa nhận một cách bình đẳng như công dân trong nước. Do đó khó có thể khẳng định người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng có quyền thừa kế đối với bất động sản như công dân trong nước. Thực tiễn ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong nhiều năm qua đó cho thấy tình hình thừa kế của người Việt Nam ở nước ngoài phát sinh ngày càng nhiều. Để giải quyết trường hợp này, pháp luật Việt Nam cũng giải quyết theo hướng cho phép người thừa kế hưởng giá trị tài sản. Pháp luật Việt Nam cho phép Việt Kiều mua nhà tại Việt Nam, sau khi họ chết, những người thừa kế nếu là người Việt Nam, sinh sống tại Việt Nam hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà tại Việt Nam sẽ được quyền sở hữu, đứng tên trong giấy chứng nhận nhưng nếu không phải là đối tượng được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam sẽ chỉ nhận được giá trị của ngôi nhà đó (có quyền định đoạt, chuyển nhượng, có quyền bán để hưởng giá trị tài sản).

Tại khoản 2 Điều 12 Nghị Định 138/2006/NĐ - CP quy định việc xác định tài sản là động sản hay bất động sản: “Việc xác định một tài sản thuộc di sản thừa kế là bất động sản hoặc động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có di sản thừa kế đó.”

Như vậy, pháp luật Việt Nam áp dụng hệ thuộc luật nước nơi có di sản thừa kế để xác định một tài sản là động sản hay bất động sản.

Một phần của tài liệu Giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế có yếu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật việt nam trong mối tương quan (Trang 60 - 64)