Đối với vấn đề thừa kế theo pháp luật các hiệp định đều sử dụng hệ thuộc giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế riêng biệt cho hai loại di sản thừa kế: động sản và bất động sản.
Theo quy định của các hiệp định tương trợ tư pháp thì quyền thừa kế đối với bất động sản còng tuân theo pháp luật của nước ký kết nơi có bất động sản. Theo các quy phạm này, các hiệp định đó áp dụng hệ thuộc luật nơi có vật để giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế bất động sản.
Nhưng muốn áp dụng được các quy phạm này, để giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế trước tiên là cần phải phân định di sản. Việc xác định di sản là động sản hay bất động sản là tiền đề để áp dụng các nguyên tắc tương ứng để giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế.
Hiện nay, pháp luật các nước không có nguyên tắc thông nhất để phân định tài sản là động sản hay bất động sản. Do đó, cùng một tài sản có nước cho rằng đó là bất động sản nên đã dẫn đến tình trạng xung đột pháp luật về định danh tài sản. Để giải quyết vấn đề này, đa số các nước trên thế giới áp dụng luật nơi có vật để giải quyết vấn đề định danh (trừ một số ít nước như Pháp áp dụng hệ thuộc luật tòa án (lex fori) để giải quyết vấn đề này).
Trong các hiệp định tương trợ tư pháp việc phân định tài sản là động sản hay bất động sản sẽ căn cứ vào nguyên tắc chung ghi nhận trong các hiệp định. Luật của nước nơi có di sản thừa kế là luật áp dụng để phân biệt động sản và bất động sản (điều 35 khoản 3 Hiệp định với Tiệp Khắc cũ, điều 34 Khoản 3 Hiệp định với Cuba, điều 43 khoản 3 hiệp định với Hungari, Điều 33 khoản 3 Hiệp định với Bungari, Điều 48 Hiệp định với Đức.)
Như vậy nếu di sản thừa kế nằm trên lãnh thổ Việt Nam thì pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng để xác định di sản đó là động sản hay bất động sản. Nếu di sản thừa kế nằm ở nước ngoài hữu quan thì áp dụng pháp luật của nước đó.
Khoản 3 điều 833 Bộ luật dân sự 1995 quy định: “Việc phân biệt tài sản là động sản hay bất động sản được xác định theo pháp luật của nước có tài sản đó”
Quy định tại khoản 3 Điều 833 Bộ luật dân sự chính là áp dụng hệ thuộc “luật nơi có tài sản” để xác định vấn đề nêu trên và phù hợp với thông lệ quốc tế. Mỗi nước có sự phân biệt động sản và bất động sản riêng, do đó mà việc xác định quyền thừa kế đối với bất động sản và động sản dễ dàng được xác định theo pháp luật mỗi nước.
Như vậy, để giải quyết vấn đề thừa kế bất động sản, các hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý mà Nhà nước ta ký kết với nước ngoài áp dụng hệ thuộc “luật nơi có tài sản” để giải quyết.
b) Đối với động sản:
Quyền thừa kế động sản được xác định tương tự như pháp luật trong nước, nghĩa là theo pháp luật nước ký kết mà người để lại tài sản thừa kế là công dân khi chết.
Như vậy, các hiệp định đó sử dụng hệ thuộc luật quốc tịch của người để lại tài sản để giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế động sản. Theo nguyên tắc này, người để lại di sản là động sản là công dân nước nào sẽ áp dụng luật của nước đó để điều chỉnh quan hệ thừa kế.
Ví dụ: Công dân Bungari cư trú, làm ăn sinh sống tại Việt Nam, khi chết, người đó để lại di sản thừa kế là động sản ở trên lãnh thổ Việt Nam thì luật áp dụng để giải quyết thừa kế động sản này sẽ áp dụng để giải quyết thừa kế động sản này sẽ là luật Bungari.