Sau năm 1954, Nhà nước thực hiện công cuộc cải cách ruộng đất, giao quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân nhưng về bản chất mới chỉ công nhận việc giao đất đai cho nông dân để sản xuất, chưa công nhận quyền trao đổi, mua bán đất đai để sản xuất. Trong thời kỳ phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp, sở hữu về ruộng đất của nông dân bị xóa bỏ để xác lập quyền sở hữu tập thể về ruộng đất. Đến trước năm 1986, do nền kinh tế vận hành theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, điều hành nền kinh tế theo mệnh lệnh hành chính, cơ chế thị trường không được thừa nhận nên các thị trường khác nói chung và thị trường BĐS nói riêng chưa hình thành ở nước ta.
Công cuộc đổi mới toàn diện nền kinh tế bắt đầu được triển khai thực hiện kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng. Theo đó, vấn đề cơ bản nhất là chuyển mô hình kinh tế của nước ta từ nền kinh tế bao cấp, kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần và sau được gọi là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội VI của Đảng là dấu mốc ghi nhận sự ra đời cơ sở pháp lý về chính trị, về đường lối để xuất hiện các yếu tố của thị trường. Tuy nhiên, sau năm 1986 mới chỉ xuất hiện một số loại thị trường như thị trường hàng tiêu dùng, thị trường trao đổi máy móc thiết bị…Riêng thị trường BĐS chưa được hình thành ngay từ giai đoạn này do còn thiếu các cơ sở pháp lý để vận hành và quản lý thị trường này mặc dù chủ trương của Đảng đã cho phép phát triển thị trường BĐS.
kinh tế tư nhân, không thừa nhận có sự tách bạch giữa quyền sở hữu đất đai với quyền sử dụng đất đai…đã làm cho thị trường BĐS thiếu căn cứ pháp lý để vận hành một cách hợp pháp. Tuy nhiên trên thực tế, thay cho việc hình thành thị trường BĐS một cách chính thức, thị trường BĐS phi chính thức đã hình thành với quy mô ngày càng tăng, nhất là trong lĩnh vực nhà ở, đất ở. Các hoạt động giao dịch BĐS phi chính thức diễn ra phổ biến như mua bán nhà ở, đất ở với giấy tờ trao tay; lấn chiếm đất nông nghiệp để mua bán trao tay….Các hoạt động giao dịch BĐS mang tính tự phát, chủ thể có các quyền liên quan đến đất đai được coi là đối tượng quyết định hành vi giao dịch BĐS. Hiện tượng hình thành thị trường BĐS một cách phi chính thức một mặt phản ánh sự hiện diện một cách khách quan của quan hệ cung - cầu về BĐS trong đời sống kinh tế - xã hội, mặt khác còn phản ánh sự thiếu hụt, sự lạc hậu của hệ thống pháp luật so với chủ trương, chính sách của Đảng trong việc phát triển các yếu tố thị trường, phát triển các loại thị trường nói chung và thị trường BĐS nói riêng trong những năm từ 1986 đến năm 1992 khi Hiến pháp mới thay thế Hiến pháp năm 1980 [19, tr.169].
Giai đoạn trước năm 1993, giao dịch BĐS chủ yếu là nhà ở (vốn đã tồn tại) và đất ở. Mọi chủ thể có đất (theo nghĩa là một hàng hóa) đều có thể tham gia giao dịch quyền sử dụng đất nhưng phi chính thức. Các hoạt động mang tính tư phát, chủ thể có các quyền về sử dụng đất đai được coi là đối tượng quyết định hành vi giao dịch. Do vậy, giai đoạn trước khi có Luật Đất đai năm 1993, cấp độ phát triển của thị trường BĐS của Việt Nam có thể gọi là giai đoạn phát triển ở cấp độ sơ khởi.