Theo khoa học thống kê, để phản ánh một hiện tượng kinh tế-xã hội, người ta thường sử dụng các chỉ số để biểu hiện quan hệ so sánh giữa các mức độ khác nhau của hiện tượng ở những thời điểm khác nhau hoặc không gian khác nhau nhằm chỉ ra sự biến động của hiện tượng qua thời gian hoặc không gian. Để phản ánh một hiện tượng kinh tế-xã hội không phải chỉ dùng một chỉ số mà thường dùng nhiều chỉ số khác nhau, được biểu hiện qua số tuyệt đối, số tương đối và số bình quân. Chỉ số cá thể phản ánh sự biến động về một chỉ tiêu nào đó của một hiện tượng kinh tế-xã hội; trong khi chỉ số tổng hợp phản ánh sự biến
động về một chỉ tiêu nào đó của nhiều hiện tượng kinh tế-xã hội hay nhiều phần tử của hiện tượng phức tạp
Đối với thị trường BĐS, để phán ánh quy mô, trạng thái, xu thế diễn biến phát triển của thị trường BĐS theo phạm vi không gian hoặc theo thời gian, người ta sử dụng một số chỉ số khác nhau cũng được biểu hiện qua số tuyệt đối, số tương đối và số bình quân. Tùy theo mục đích khác nhau, các chỉ số được xây dựng riêng để phản ánh diễn biến cụ thể một mặt nào đó của thị trường BĐS như khả năng cung BĐS: nhu cầu BĐS; giá nhà ở; diễn biến giá giao dịch BĐS; tần suất giao dịch BĐS…; hoặc chỉ số được xây dựng tổng hợp để phản ánh mức độ biến động của một bộ phận hay toàn bộ thị trường BĐS.
Tiếp cận trên đây là cơ sở để nhận thức đầy đủ hơn về chỉ số thị trường BĐS. NCS khái quát khái niệm về chỉ số thị trường BĐS như sau: “Chỉ số thị trường BĐS bao gồm hệ thống các chỉ tiêu khác nhau được xây dựng theo nguyên lý của khoa học thống kê, cung cấp công cụ đo lường và chỉ báo về tình trạng của thị trường BĐS nhằm chỉ ra quy mô, trạng thái, xu hướng biến động của một loại BĐS, một số loại BĐS, một số phân khúc thị trường hay toàn bộ thị trường BĐS qua các thời kỳ khác nhau cho những khu vực thị trường nhất định”.