Nhu cầu vật chất luôn luôn là nhu cầu hàng đầu đảm bảo cho người lao động tồn tại, tái sản xuất sức lao động để từ đó có thể tạo ra của cải, vật chất cho xã hội. Kích thích vật chất là việc dùng các lợi ích vật chất nhằm thỏa mãn nhu cầu của con người. Đây là một động lực quan trọng thúc đẩy người lao động làm việc có trách nhiệm, nhiệt tình, phấn đấu để đạt hiệu quả sản xuất cao. Kích thích vật chất bao gồm kích thích về tiền lương, tiền thưởng, và các phúc lợi, dịch vụ khác.
1.3.3.1. Tiền lương
Tiền lương là số tiền người sử dụng lao động trả cho người lao động một cách cố định và thường xuyên theo một đơn vị thời gian.
Tiền lương là phần cơ bản nhất trong thu nhập của người lao động, tiền lương giúp cho người lao động và gia đình họ trang trải chi tiêu, sinh hoạt và các dịch vụ cần thiết đồng thời cũng là khoản tiền đảm bảo cho người lao động tái sản xuất sức lao động. Nếu tiền lương càng cao thì dẫn đến kết quả làm việc càng cao, càng kích thích người lao động làm việc hăng hái, đạt hiệu quả tốt.
1.3.3.2. Tiền thưởng
Tiền thưởng là một dạng khuyến khích tài chính được chi trả một lần cho sự thực hiện công việc của người lao động. Có thể được chi trả đột xuất để ghi nhận những thành tích xuất sắc của người lao động. Tiền thưởng là
30
một khoản thu nhập bổ sung cho người lao động, biểu hiện bằng tiền hoặc hiện vật.
Kích thích Tiền thưởng là một loại kích thích vật chất có tác dụng tích cực đối với người lao động trong việc phấn đấu thực hiện tốt hơn công việc được giao. Tiền thưởng không những kích thích vật chất mà còn có tác dụng kích thích tinh thần cho người lao động, vì tiền thưởng là cơ sở để đánh giá thành tích, tinh thần, trách nhiệm, trình độ làm việc...của người lao động.
1.3.3.3. Phúc lợi và dịch vụ
Phúc lợi là phần thù lao gián tiếp được trả dưới dạng các hỗ trợ về cuộc sống cho người lao động.
Phúc lợi rất phong phú và đa dạng được chia làm hai dạng sau: Phúc lợi bắt buộc và phúc lợi tự nguyện.
Bên cạnh phúc lợi thì dịch vụ cho người lao động cũng được các tổ chức quan tâm đó là những khoản tài chính gián tiếp hỗ trợ một phần cuộc sống cho người lao động nhưng người lao động phải trả thêm một khoản tiền nào đó. Hiện nay có rất nhiều loại dịch vụ như: dịch vụ giải trí, dịch vụ giảm giá, mua cổ phần công ty...
Trong khi nền kinh tế ngày càng phát triển, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện thì việc đưa ra các chương trình phúc lợi và dịch vụ cho người lao động có tác dụng rất lớn đến việc tạo động lực cho người lao động.
Do đó để phúc lợi và dịch vụ trở thành một công cụ tạo động lực cho người lao động hiệu quả nhất thì tổ chức cần phải xây dựng và quản lý chương trình phúc lợi, dịch vụ thật tốt và hợp lý.
Song song với các biện pháp kích thích vật chất thì các biện pháp kích thích tinh thần cũng có vai trò quan trọng trong việc tạo động lực cho người lao động. Tùy thuộc vào hoàn cảnh và thời điểm cụ thể mà mỗi biện pháp
31
kích thích có vị trí cũng như vai trò khác nhau nhưng cùng với sự phát triển mạnh mẽ của xã hội thì nhu cầu của con người ngày càng phong phú và đa dạng hơn, khi nhu cầu vật chất được thỏa mãn thì nhu cầu tinh thần sẽ chi phối mạnh đến các hoạt động của con người. Do vậy mà các biện pháp kích thích tinh thần ngày càng có ý nghĩa hơn.
1.3.3.4. Tạo việc làm ổn định cho người lao động
Con người khi sinh ra và tồn tại trong xã hội luôn luôn mong muốn được lao động, làm việc, là người có ích cho gia đình, cho xã hội. Mặt khác con người làm việc và lao động không chỉ nhằm đảm bảo cuộc sống hàng ngày mà còn tạo điều kiện, cơ hội để phát triển, hoàn thiện khả năng của bản thân. Bất kỳ một người lao động nào cũng mong ước có một công việc ổn định, lâu dài để có thể tự nuôi sống bản thân, góp phần nuôi sống gia đình mình để họ có thể yên tâm khi làm việc. Tạo việc làm ổn định cho người lao động, giúp cho người lao động có cuộc sống ấm no, tăng sự tích luỹ, ổn định tốt hơn, là một trong những biện pháp tăng cường kích thích tinh thần quan trọng đối với người lao động.
1.3.3.5. Mối quan hệ trong tập thể lao động
Trong một tập thể lao động luôn có cấp trên, cấp dưới, lãnh đạo, nhân viên, tuy nhiên mối quan hệ trong tập thể lao động không chỉ là mối quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới mà là mối quan hệ giữa con người với con người trong tập thể. Mối quan hệ này sẽ bộc lộ trong suốt quá trình làm việc, ảnh hưởng đến hoạt động của người lao động trong tổ chức, vì vậy cần có sự quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau, hỗ trợ nhau, cùng nhau làm việc mang lại tinh thần làm việc thoải mái, hăng say... Qua đó người lao động luôn cảm thấy yêu mến tập thể, gắn bó với tổ chức, làm việc hiệu quả hơn... Mối quan hệ trong tập thể lao động góp phần không nhỏ vào việc tạo ra động lực cho người lao động làm việc tích cực hơn và gắn bó hơn với tổ chức.
32
1.3.3.6. Đảm bảo tính công bằng trong tuyển dụng, đào tạo và bổ nhiệm cán bộ
Trong quá trình làm việc và cống hiến, người lao động luôn mong đợi ở tổ chức sự nhìn nhận và đánh giá đúng những đóng góp của họ, coi đó như động lực để họ tiếp tục phấn đấu, cống hiến cho xã hội. Tuy nhiên nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đặc biệt trong khối nhà nước, môi trường làm việc còn mang tính bình quân chủ nghĩa, cào bằng, khiến cho sự năng động, sáng tạo của người lao động chưa được phát huy. Sự mất dân chủ, thiếu công khai minh bạch trong tuyển dụng, đào tạo, đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm... ở nhiều lúc, nhiều nơi cũng làm cho người lao động thui chột, chán nản, mai một tư duy sáng tạo, phấn đấu, cống hiến.
Vì vậy, để tạo động lực cho người lao động làm việc, phấn đấu lao động tích cực, sáng tạo, thì cần có những quan điểm lãnh đạo khách quan, công bằng, xây dựng những cơ chế chính sách rõ ràng trong việc tạo môi trường để phát huy trí tuệ, tài năng và phẩm chất của người lao động. Cần có cơ chế đánh giá hiệu quả, khách quan và công bằng về công việc, hài hoà nhu cầu lợi ích của của từng đối tượng người lao động, đối với người lao động là công nhân trực tiếp cần quan tâm nhiều hơn đến những đãi ngộ bằng vật chất như tăng lương, tăng thưởng, giảm giờ làm… đối với người lao động làm việc gián tiếp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trẻ có trí thức, cần mạnh dạn tuyển chọn, đào tạo, đãi ngộ, đề bạt vào những vị trí chủ chốt của tổ chức, doanh nghiệp.
1.3.3.7. Các phong trào thi đua đoàn thể
Các phong trào thi đua, đoàn thể tạo điều kiện cho người lao động có thể học hỏi kiến thức, kinh nghiệm từ những người khác đồng thời tạo ra sự gần gũi, hiểu nhau hơn đối với người lao động. Các phong trào thi đua trong tổ chức sẽ kích thích người lao động ganh đua nhau thực hiện tốt công việc
33
của mình góp phần nâng cao năng suất lao động cho bản thân, tập thể cũng như cho toàn tổ chức. Khi xã hội ngày càng phát triển thì các phong trào thi đua đoàn thể ngày càng góp phần quan trọng trong việc tạo động lực cho người lao động trong tổ chức, doanh nghiệp, góp phần thoả mãn nhu cầu giao tiếp, nhu cầu học hỏi...