PHÂN TÍCH THỰC TRẠNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ NAM ĐỊNH
2.1.2. Chức năng, nhiệm vụ của nhà trường
*Chức năng Trường cao đẳng nghề Nam Định
Trường cao đẳng nghề Nam Định là cơ sở công lập, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân có trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề trong các lĩnh vực: kinh tế, kỹ thuật, dịch vụ ... thuộc hệ thống giáo dục nước Công hoà xã hội
chủ Nghĩa Việt Nam, đồng thời là cơ sở nghiên cứu triển khai ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và của khu vực nam đồng bằng Sông Hồng.
Nhà trường chịu sự quản lý trực tiếp của UBND tỉnh Nam Định, sự quản lý của nhà nước về giáo dục đào tạo nghề của Tổng cục dạy nghề, bộ Lao động Thương binh và Xã hội, được hưởng các chính sách chế độ của nhà nước áp dụng cho hệ thống các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, có tư cách pháp nhân và được sử dụng con dấu riêng.
* Nhiệm vụ của Trường cao đẳng nghề Nam Định
1. Tổ chức đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ ở các trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề nhằm trang bị cho người học năng lực thực hành nghề tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khoẻ, đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, tạo điều kiện cho học sinh có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục học lên trình độ cao hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
2. Tổ chức xây dựng, duyệt và thực hiện các chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề đối với ngành nghề được phép đào tạo.
3. Xây dựng kế hoạch tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh học nghề
4. Tổ chức các hoạt động dạy và học, thi , kiểm tra, công nhận tốt nghiệp, cấp bằng, chứng chỉ nghề theo quy định của Bộ trưởng bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
5. Tuyển dụng, quản lý đội ngũ giáo viên, cán bộ, nhân viên của trường đủ về số lượng phù hợp với ngành nghề, quy mô và trình độ đào tạo theo quy định của pháp luật.
6. Tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, thực hiện sản xuất kinh doanh và dịch vụ khoa học, kỹ thuật theo quy định của pháp luật.
7. Phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, gia đình người học nghề trong hoạt động dạy nghề.
8. Tổ chức cho giáo viên, cán bộ, nhân viên và người học nghề tham gia các hoạt động xã hội.
9. Thực hiện dân chủ, công khai trong việc thực hiện các nhiệm vụ dạy nghề, nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ vào dạy nghề và hoạt động tài chính.
10. Quản lý, sử dụng đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị và tài chính của trường theo quy định của pháp luật.