Truy tố là một trong những giai đoạn quan trọng trong quá trình TTHS mà trong đó VKS căn cứ vào các quy định của pháp luật TTHS tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm đánh giá một cách toàn diện, khách quan các tài liệu của vụ án hình sự do CQĐT chuyển đến. Điều 166 BLTTHS 2003 quy định: “trong thời hạn hai mươi ngày đối với tội ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, ba mươi ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, VKS phải nghiên cứu kĩ hồ sơ và tùy tình
hình cụ thể và kết quả điều tra được phản ánh trong hồ sơ vụ án thì VKS phải ra một trong những quyết định sau đây:
- Nếu thấy hồ sơ vụ án và đề nghị truy tố của CQĐT là đúng và không vi phạm quá trình tố tụng thì VKS truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng;
- Nếu hồ sơ vụ án chưa đầy đủ, chưa đúng với quy định của pháp luật thì VKS trả hồ sơ cho CQĐT để điều tra bổ sung;
- Nếu thấy có căn cứ đình chỉ hoặc tạm đình chỉ thì VKS ra quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án. Trong trường hợp cần thiết, Viện trưởng VKSND có thể gia hạn, nhưng không quá mười ngày đối với tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng; không quá mười năm ngày đối với tội rất nghiêm trọng; không quá ba mươi ngày đối với tội đặc biệt nghiêm trọng.
Sau khi CQĐT kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ vụ án cho VKS. Khi đó vụ án được chuyển sang một giai đoạn mới với những nội dung, yêu cầu mới phát sinh, thay đổi. Do đó, căn cứ vào tình hình thực tiễn của vụ án, xuất phát từ lợi ích của hoạt động điều tra, xử lý tội phạm và những quy định của pháp luật, VKS có quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, yêu cầu CQĐT truy nã bị can nếu bị can bỏ trốn.
+ Để đảm bảo tính nhanh chóng, kịp thời trong giải quyết vụ án, nếu vụ án đưa ra truy tố thì trong thời gian ba ngày ngày kể từ ngày ra quyết định truy tố bằng bản cáo trạng, VKS phải gửi hồ sơ và bản cáo trạng đến Tòa án.
+ Trong trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền truy tố của mình, VKS ra ngay quyết định chuyển vụ án cho VKS cấp có thẩm quyền.
VKS thực hiện chức năng công tố và chức năng kiểm sát các hoạt động TTHS. Do vậy, thẩm quyền truy tố của VKS tương ứng với thẩm quyền điều tra và thẩm quyền xét xử của Tòa án các cấp (Điều 110 và Điều 170 BLTTHS năm 2003). Bản cáo trạng là một văn bản pháp lý thể hiện quan điểm, thái độ của VKS đối với người phạm tội và vụ án. Do đó, bản cáo trạng phải ghi rõ:
- Ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm xảy ra tội phạm;
- Những căn cứ xác định tội trạng của bị can, cũng như tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự;
- Nhân thân của bị can và mọi tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án như tiền án, tiền sự, thành tích cống hiến cho xã hội, hoàn cảnh gia đình… Bản cáo trạng không chỉ phản ánh kết quả tài liệu chứng cứ của hoạt động điều tra thu thập được mà còn nêu rõ các biện pháp điều tra để thu thập tài liệu đó. Sự trình bày trong bản cáo trạng phải đầy đủ, khách quan đối chiếu với những quy định của pháp luật;
- Phần kết luận của bản cáo trạng ghi rõ tội danh và điều khoản của BLHS được áp dụng;
- Bản cáo trạng phải ghi rõ ngày tháng năm lập cáo trạng, họ tên chức vụ và chữ ký của người ra bản cáo trạng. Như vậy bản cáo trạng là cơ sở để bị can và người bào chữa chuẩn bị việc bào chữa. Vì vậy, VKS phải có nhiệm vụ giao cho mỗi bị can một bản cáo trạng trước khi chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án. Khi VKS quyết định truy tố bị can bằng bản cáo trạng thì cũng là lúc VKS kết thúc giai đoạn THQCT và kiểm sát trong giai đoạn điều tra, chuyển sang một giai đoạn mới là THQCT trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án.