7. Cấu trúc luận văn
3.2.1. Khái niệm giọng điệu
Trong Từ điển thuật ngữ văn học, các tác giả cho rằng: giọng điệu là ''thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn qui định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca châm biếm […]. Đồng thời giọng điệu cũng phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm và thị hiếu thẩm mỹ của tác giả, có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn và tác dụng truyền cảm cho người đọc. Thiếu một giọng điệu nhất định, nhà văn chưa thể viết ra được tác phẩm, mặc dù đã có đủ tài liệu và sắp xếp hệ thống nhân vật'' [19, tr 134].
Theo M. B. Khravchenco: ''Cái quan trọng trong tài năng của nhà văn […] là tiếng nói của mình […] là cái giọng riêng biệt của chính mình không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kì một người khác'' [12, tr 190]. Lép Tônxtôi từng nói: Cái khó nhất khi bắt tay vào một tác phẩm mới không phải là chuyện đề tài, tư liệu mà phải chọn được một giọng điệu thích hợp.
Từ một số nhận định ta thấy rằng giọng điệu đã trở thành một phương tiện hữu hiệu đặc thù cho từng phong cách của nhà văn, thể hiện tài năng của nhà văn. Từ giọng điệu tác giả sẽ làm rõ chủ đề, bộc lộ hạt nhân tưởng nghệ thuật. Từ điển tiếng Việt định nghĩa: ''Trong đời sống giọng điệu được coi là giọng nói, nó biểu thị một thái độ tình cảm nhất định. Còn trong tác phẩm văn học giọng điệu là thái độ, tình cảm của nhà văn đối với sợ vật hiện tượng được miêu tả mà người đọc có thể cảm nhận được qua sắc thái, bản chất của lời văn''. Nhà văn Pháp Victor Huy gô từng có ý: ''Tương lai chỉ thuộc về những ai nắm được phong cách''.
Độc giả nắm được giọng điệu là nắm được cốt lõi của tư tưởng, nắm được bức thông điệp thi ca mà tác giả muốn gửi gắm. Giọng điệu là chìa khóa vàng mở cửa tác phẩm.