7. Cấu trúc luận văn
2.3.4. Những nhân vật khác
Trong truyện Ở trần, hình ảnh cô Hai xuất hiện khi gia đình ông Tư đổ vỡ. Cô Hai là người vợ bất đắc dĩ mà ông Tư ‘‘nhặt’’ được lúc trên đường hành quân. Cô Hai sống trong cảnh nuôi con bị người ta xỉ vả, xem thường nhân phẩm vì chót sai lầm. Nhưng ông chủ nhiệm nhà khách nói với Đức Bình: ''người phụ nữ như thế thật là quý và cũng thật là cô đơn. Sự bền vững
lâu dài của dân tộc và sự vươn lên của thế hệ phải nhờ vào những người như thế. Để họ thất vọng, để họ đau lòng, chúng ta cảm thấy mình có lỗi. Chúng ta nên giúp đỡ chi ấy'' [33, tr 29]. Trật tự xã hội bị đảo lộn, những người bị xã hội khinh rẻ thì lại chính là những người phụ nữ giàu đức hi sinh đẹp về nhân cách. Đặt bên cạnh cô Hai suốt đời đi tìm chồng, tìm cha cho con là cô vợ của ông Tư, suốt ngày chỉ biết tiền và danh vọng. ''Chị vợ tếch vào Sài Gòn hai năm nay rồi. Không viết đơn không li dị, cũng không về thăm chồng. Nghe đâu chị ta đi theo một băng nhóm buôn vàng'' [33, tr 32]. Tương phản với cô Hai chỉ một đêm cũng trở thành nghĩa phu thê bền chặt, suốt nửa cuộc đời đi tìm kiếm người có vết sẹo ở bụng: ''anh quên rồi sao? Còn em không bao giờ quên anh. Không bao giờ quên vết sẹo ở bụng, không bao giờ quên nốt ruồi trên lưng anh'' [33, tr 33, 34]. Hình ảnh hai người phụ nữ đối lập nhau hoàn toàn, một người dày công tìm kiếm tình yêu, một người quay lưng bỏ đi. Người vợ chính thống đã không làm tròn trách nhiệm bổn phận người phụ nữ hi sinh vì chồng vì con mà suốt ngày đòi quyền bình đẳng, ''đầy tham vọng và thiếu sự yêu thương, làm ít kể nhiều luôn đòi quyền bình đẳng''. Suốt ngày bà chì chiết chồng: ''ông không lên tướng ông chẳng buồn, mà vợ ông buồn, buồn rồi sinh ra cáu gắt chì chiết chồng: ''này người ta vấn nói đầu đường đại tá bơm xe, ông ở trong vòng luẩn quẩn ấy đấy'' [33, tr 31]. Hình ảnh con đường mở ra cho cuộc đời cô Hai khi: "rồi một buổi sáng tại đường Công Lý em nhìn thấy anh Tư ngồi trên ô tô ra sân bay Tân Sơn Nhất. Đột nhiên người em nôn nao choáng váng, đường phố quay cuồng, đứng không vững, em phải ngồi xuống" [33, tr 26]. Đó là khi cô nhìn thấy ông Tư trên đường Công Lý. Trong tâm hồn cô, tìm thấy Tư đời cô mới được hạnh phúc. Những năm sống trong cảnh tủi nhục nhưng vẫn đi tìm cho được chồng, chăm sóc và bảo vệ chồng cho đến khi tìm được. "không chị phải hành động để có tất cả. Chị phải đương đầu với kinh doanh, đương đầu với quá khứ với hiện tại với phong ba bão táp, với dư luận xã hội, để dành cho được anh [...] buộc anh phần cuối đời
vẫn còn tổng kết, nhưng không tổng kết đường lối cách mạng mà tổng kết về chị, tổng kết về người đàn bà, suốt đời chỉ sống cho riêng mình và cho chồng cho con. Chẳng lẽ sống như thế là tội lỗi ư?'' [33, tr 42]. Cô Hai muốn tổng kết về điều gì thì đã quá rõ. Cái hay là tác giả để cho những người phụ nữ "mèo mả gà đồng'' như cô Hai lên tiếng, tự phán xét. Những định kiến cứng nhắc: ''em trở về sống trong cảnh sinh con và nuôi con giữa sự theo dõi khắc nghiệt của những cặp mắt xung quanh'' [33, tr 27].
Cặp nhân vật tương phản thứ hai trong truyện Ở trần, là hình ảnh hai đứa con. Với đứa con ngoài giá thú của cô Hai bị người ta miệt thị: ''em muốn cho nó chơi với bạn bè, tha hồ tiêu pha, nhưng nó không hút thuốc lá, không uống rượu, suốt ngày, suốt đêm cặm cụi đọc sách, nghiên cức tài liệu chính trị, nó tìm hiểu nguồn gốc của chủ nghĩa Mác...nó nói lớn lên nó sẽ đi xung phong, đi quân đội. Phải góp sức mình xây dựng Tổ quốc'' [33, tr 27]. Đứa con không có bố thì cao đẹp như thế nhưng xã hội không chấp nhận khai sinh cho nó.
Trong truyện Một đời vô duyên, tác giả miêu tả Vi là người yêu cũ của Trác. ''Tuy hơi nhói lên nỗi xót xa nơi lồng ngực, pha chút lao đao như rối loạn tiền đình giai đoạn đầu, khi thấy người yêu cũ, Trác vẫn cố giữ vẻ tự nhiên hỏi: Làm sao có cuộc gặp hiếm hoi thế này nhỉ? Mười năm rồi còn gì...'' [33, tr 43]. Vi là người yêu cuối cùng của Trác trước khi trác lấy vợ: ''người đàn bà trạc tuổi bốn mươi khuôn mặt hơi nhờn dỗi, hàm răng cắn lấy làn môi dưới phơn phớt màu nâu đỏ, đôi mắt ẩm ướt như giao mùa nhìn Trác một lúc rồi nói: ''em buồn...Nhiều người dùng nửa phần đầu cuộc đời làm cho nửa phần sau khốn khổ. Em trong số đó. Em vừa bay ra chiều hôm qua. Trong kia đau khổ về ngoài này cô đơn...'' [33, tr 43, 44]. Vi là một trong nhiều người yêu Trác, nhận ra lỗi lầm của mình khi không còn liên tục phô cái tôi như Trang, vợ Trác bây giờ. Vi hối hận, tâm sự với Trác: ''anh ơi, lấy chồng rồi, em mới thấy cực kỳ yêu anh. Khi yêu anh em thấy anh vô duyên quá'' [33, tr,
49]. ''Trác thở dài. Không phải một mình Vi nói như vậy, mà nhiều người đã yêu anh, đã bỏ đi, rồi trở lại đều nói như vậy. Anh như một thứ để họ so sánh cuộc đời họ'' [33, tr, 49, 50]. Trác cũng ngậm ngùi thú nhận: ''không riêng gì Vi, mà nhiều người nữa, họ say đắm Trác, đã thề non hẹn biển đã hứa đi cùng trời cuối đất, nhưng rồi họ đột ngột lấy người khác, để lại trong Trác những khoảng trống lấp mãi không đầy. Vài năm sau họ trở về, tìm gặp anh, mang theo nỗi chán chường, hối hận, trách móc…Giá như ngày ấy em tự tin hơn, em nhìn rõ em hơn'' [33, tr 45]. Phải chăng Trác sống mãi trong vòng luẩn quẩn ''suốt đời làm trợ lí chuyên viên". Nhìn chung nhân vật phụ nữ chủ yếu là những con người vì mưu sinh trong cơ chế thị trường mà lầm đường lạc lối, rồi hụt hẫng, hối hận tìm về cái đẹp. Số phận của họ cũng éo le, tràn ngậm sự ngổn ngang trăm mối trong mỗi quan hệ của cuộc sống mới.
Nhân vật Cu Đởn trong truyện Đại biểu nhân dân là nhân vật sống lang thang từ đầu làng đến cuối chợ. "Cu Đởn liên tục đi trên con đường đó, độ dăm ba bước lại dùng bàn chân trái đạp bàn chân phải tạo tiếng quanh quách theo nhịp với ngón tay cái miết vào nón tay giữa. Gặp ai Cu Đởn chuyển sang vân vê làm động tác xin thuốc lào, miệng cười rất tươi, hai hàm răng nhuộm nước trầu đỏ như hoa dâm bụt'' [33, tr 223]. Chi tiết gợi ta liên tưởng đến câu chuyện ngụ ngôn ''Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng" trong dân gian cảnh ''nồi da nấu thịt''. Nhịp bước đi của Cu Đởn ''độ dăm bước lại dùng bàn bàn chân trái đạp vào gót chân phải tạo nên tiếng quanh quách theo nhịp với ngón tay cái miết vào ngón tay giữa'' [33, tr 223]. Hình dung ở làng quê cứ cách dăm bước một nhà dân đều đặn như thế, rồi ngón tay cái miết vào ngón tay giữa đều chung trên một bàn tay: ''anh em như thể tay chân'', tiếng quanh quách là tiếng nói của mọi người nhà sát nhau mời nhau uống nước chè. Nước trầu đỏ như hao dâm bụt trong miệng Cu Đởn là màu máu ''ngậm máu phun người'' đồng loại vậy. Hình ảnh người dân dậm đạp lên nhau. Hình ảnh láng giềng bà con sớm hôm ''tắt lửa tối
đèn có nhau'' đã bị mai một theo thời buổi kinh tế thị trường. Vì những lợi ích nhỏ nhen ích kỉ hẹp hòi, mà giày xéo lên nhau, rồi đẩy Nghi ra khỏi cộng đồng. Nhà văn phê phán thực trạng xã hội ta lúc bấy giờ.
Đặt bên cạnh là nhân vật con người nhà văn cũng thành công trong việc miêu tả thế giới loài vật một cách tinh tế như Mèo, Chó...Trong truyện Một
đời vô duyên, Trác chăm sóc và vỗ về chúng. Trác nói: ''Mèo là lũ bạc bẽo, hờ
hững tình cảm, cũng cất tiếng meo meo, rồi dụi đầu vào ngực Trác, hình như nó cũng cảm nhận được sự ra đi lặng lẽ của chủ nó và ai sẽ là người lo cơm lo cá cho nó những ngày tới, nhất là khi thấy chủ khoác chiếc ba- lô - cóc lên vai, nó chạy ra đứng ở cửa, rồi chui qua cánh cổng sắt, gương đôi mắt trong veo tròn như hai hòn bi nhìn chủ'' [33, tr 53]. Trác nói: ''cái giống mèo thuộc loại thần kinh phân lập mà cũng biết bịn rịn à?'' [33, tr 53]. Đây là khao khát, là lời trách móc nhẹ nhàng, thâm thúy của Trác đối với vợ.
Hay hình ảnh con chó trong truyện Đôi mắt chó, cũng để lại nhiều day dứt cho độc giả. Một chú chó có đầy đủ bản lĩnh, tài năng, phân biệt tốt xấu. Đặc biệt là sự tri ân của nó đối với Vũ: ''đã hơn chục năm rồi mà con chó vẫn không quên tiếng chủ, vẫn chờ đợi tiếng chủ'' [33, tr 198]. ''Trước lúc chết nó còn chắp hai chân như lạy như van xin cuộc đời con người hãy cứu vớt linh hồn cho chủ nó. Chao ôi, nghe tiếng hát, đôi mắt nó thiết tha, thể hiện sự van xin những người xung quanh vớt chút gì còn sót lại, không phải cho nó, cho sự huyền diệu đang rạn vỡ ở tận vùng xa xôi nào đó mà bằng linh cảm chung tần số mới rung động được'' [33, tr 185]. Đây cũng là khao khát, là niềm hoài vọng của Vũ về gia đình vợ con sau khi anh hi sinh.
Thế giới nhân vật Cao Tiến Lê đầy đủ màu sắc, mỗi nhân vật là một nhát cắt điển hình cuộc sống lưỡng diện đầy đa đoan, là một thông điệp nhân văn mà tác giả dụng công gửi gắm.