7. Cấu trúc luận văn
2.1.1. Chiến tranh và người lính
Từ cổ chí kim chiến tranh là nỗi kinh hoàng của nhân loại, trong thế kỷ XX, cả dân tộc phải chiến đấu bảo vệ tổ quốc chống hai đế quốc hùng mạnh nhất thế giới. Chiến thắng vang lừng cùng với hi sinh tổn thất là vô cùng nặng nề, khủng khiếp. Lịch sử đã vậy thì cũng phải có người, có tác phẩm ghi lại dấu ấn thời đại vẻ vang, đẫm máu bi hùng đã qua. Do đó đề tài chiến tranh vẫn là đề tài nổi bật, tiêu biểu, một mảnh đất màu mỡ chứa đựng nhiều cảm hứng. Nhà văn Chu Lai nói rằng: Chiến tranh là một siêu đề tài và người lính cũng là một siêu nhân vật. Càng khám phá càng thấy độ rung không mòn
nhẵn. Ở đó có mọi thứ đều được nén chặt đến ngột ngạt và biết cách khơi mở thì đấy là một đối tượng văn học vĩnh cửu nhất.
Nguyễn Minh Châu trong Truyện ngắn (2003) cho rằng: ''So với tầm vóc sâu rộng của hiện thực đời sống bộ đội và nhân dân trong hơn một phần tư thế kỉ qua, thì công việc của mình chỉ như vừa mới đặt chân lên bậc cửa của tòa thâm cung đồ sộ, đầy biến động thần bí, vừa mang tính chất thời cuộc, vừa mang tính chất lịch sử đó. Rất nhiều cuộc đời của những con người bình thường nhưng chứa đựng số phận của đất nước, chứa đựng cả một bài học lớn về đường đời, đang cần ngòi bút của nhà văn soi rọi trên trang giấy'' [9, tr 8].
Cao Tiến Lê lên đường nhập ngũ và từ đó cũng hình thành biết bao kí ức gian khổ cho đôi chân trần ''Xẻ dọc trường sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai". Truyện ngắn của tác giả góp phần vào mảng đề tài vừa hào hùng vừa bi thương đó. Những tác phẩm chứa đựng kí ức về quá khứ hay hiện tại về chiến tranh cũng là một quy luật tất yếu lịch sử. Bởi vì đó là những mảng hiện thực khắc nghiệt nhất, có tính trọng đại của lịch sử một dân tộc. Nhưng nhận thức cũng sẽ khác nhau khi ở vào từng thời điểm hiện tại hoặc dĩ vãng lùi xa.
Nỗi buồn chiến tranh, nỗi đau nhất trong các nỗi đau mất nước nhà tan, là nỗi đau dai dẳng của một kiếp người vào sinh ra tử. Những nguồn cơn ám ảnh không bao giờ phai nhòa, không bao giờ tắt trong tâm hồn của một thế hệ đã đi qua chiến tranh. Những vết thương không phải một sớm một chiều liền ngay được và dù có liền thì đâu đã vẹn nguyên như thường, những ngày trái gió trở trời lại là những ngày tái tê. "Những lần trước mỗi lần sắp mưa là các vết thương anh nhức buốt'' (Láng giềng). Đây là một hiện thực không thể chối bỏ, những người lính đêm ngày mang trên mình những nỗi đau nhìn thấy và nỗi đau vô hình trong cơ thể người trần mắt thịt là nỗi đau rất lớn. Với sở trường và bản lĩnh nghề nghiệp, Cao Tiến Lê cũng đã và đang đi trên con đường chung bao thế hệ nhà văn khác. Ông đã trở thành nhà văn bất đắc dĩ
đặc biệt khi toàn bộ sáng tác từ tiểu thuyết, truyện ngắn, kí, văn học thiếu nhi đều là đề tài chiến tranh và người lính, một sự ngẫu nhiên hay tất yếu của cuộc đời bản thân. Điều đó có thể thấy rằng nỗi ám ảnh chiến tranh trong ông là quá lớn. Ông tâm sự: ''tôi nhớ như in trong tâm trí những lần bị sốt rét rừng hành hạ. Những đêm hành quân bị vắt bám vào đầy người. Có lần, tôi bị một con vắt chui vào vết thương bưng mủ và làm tổ trong đó mấy ngày liền mới phát hiện ra. Lần khác nghỉ giữa chặng đường hành quân, tôi nằm lên một thanh gỗ mục chỉ vài phút sau tấm lưng của mình bám đầy những con vét căng mọng máu. Một lần nữa, khi một chiến sĩ đi lấy nước về uống, tôi đã tu gần hết nửa bi đông liền một mạch thì thấy có cái gì vương vướng ở răng, lấy tay gỡ ra thì đó là một…con đỉa! Những câu chuyện này, ắt hẳn không chỉ tôi mà tất cả những người lính đều đã vài lần nếm trải, song nhiệm vụ của những nhà văn như chúng tôi là ghi lại những quãng thời gian ấy để cho một hậu thế mai sau, thế hệ không biết đến chiến tranh và mất mát, hiểu được phần nào giá trị sự hi sinh mà cha anh. Dù biết rằng, chiến tranh đã lùi xa lâu lắm rồi, nhưng chắc chắn thế hệ của chúng tôi sẽ không bao giờ quên được một phần đời của mình đã nằm lại nơi ấy. Và ngay cả những vết thương chưa lành trên da thịt, cũng nhức nhối mỗi khi trở trời là động lực để chúng tôi vẫn tiếp tục cầm bút để sáng tác'' [28].
Chiến tranh kết thúc nhường chỗ cho cuộc sống mới, cho sự đối diện với nền kinh tế thị trường. Các nhà văn chuyển kênh bắt nhịp với đời sống, viết về người lính thời hậu chiến, với cách khai thác khác hẳn. Cao Tiến Lê là đứa con đẻ từ chiến tranh, nên mang trong mình biết bao cay đắng gian khổ, những mất mát, những ám ảnh về tinh thần luôn canh cánh trong lòng. Chính nỗi đau không bờ bến này góp phần cộng hưởng cho thiên hướng nghệ thuật của ông. Ông tâm sự: ''tôi là lính bảo vệ giới tuyến 17, rồi lăn lộn ở tuyến lửa khu bốn, đi từ tiểu đội lên trung đội rồi đại đội trưởng. Một năm có tám tháng tôi lăn lộn ở chiến trường. Tôi cảm ơn vùng khói lửa đã cho tôi trưởng thành,
cho tôi lòng tin yêu vào con người. Để viết nên những trang văn giàu lòng trắc ẩn. Dù nhiều lần bước hụt chân vào cái chết, thương tích đầy mình'' [28].
Bước chân thương tật đi về với đời thường, ông nhanh chóng bắt nhịp với con người mới, cuộc sống mới. Nhưng ông cũng không thể tránh khỏi bi kịch đớn đau xé lòng giữa đời thường được. Một người lính dù đánh giặc giỏi đến đâu, dù tài giỏi đến đâu, cũng không hiểu hết đời thường, cũng đau khổ trước đời thường. Đấy là trung tướng Hoàng Lương (Trung tướng giữa đời
thường). Cũng là đề tài quen thuộc nhưng không chỉ là ánh hào quang mà còn
là chất chứa nỗi đau, những dư chấn về thể xác và tinh thần. Đặc biệt nỗi ám ảnh được phản ánh một cách trung thực và đầy đủ, được sự hâm mộ của độc giả đón đọc. Cao Tiến Lê không ngần ngại đưa vào truyện ngắn về sự thật chiến tranh bằng cái nhìn đa diện, nhiều chiều kích, nhiều phương diện và nhiều giọng điệu như ngợi ca, trang trọng; trữ tình nhẹ nhàng; mỉa mai phê phán. Ở các sáng tác của ông không chỉ là cái anh hùng mà còn có cả cái bi đát, có thấp kém hèn mạt. Chiến tranh có thể làm cho con người trở nên cao đẹp hơn, tỏa sáng nhân cách, nhưng cũng có thể khiến con người hèn đi, tha hóa nhân cách trắng trợn.
Trong truyện Tiếng đêm, ta bắt gặp ở Việt là một người lính mang trong mình những nhân cách cao đẹp, đầy dũng cảm, một bản lĩnh phi thường. Anh được mệnh danh là con chim đầu đàn của đơn vị lái xe, bất chấp mọi khó khăn nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ được giao phó. Mặc dù ba lần bị thương, hàng ngày đối mặt với tử thần nhưng chưa bao giờ Việt nao núng tinh thần. Ta lắng nghe Việt kể về một lần bị thương để thấy chất kiêu hùng, bản lĩnh kiên cường trong anh: ''Việt đã nhiều lần bị thương. Nhưng đáng kể nhất là lần bị đạn bắn thẳng. Viên đạn cuối đà nên chỉ xuyên thủng lưng rồi móc lại. Việt đưa tay sờ, rút đầu đạn ra. Rút xong Việt cảm thấy chóng mặt và khó thở quá. Thì ra hơi trong phổi đang phì phì thoát ra từ chỗ bị thương. Không có bông băng Việt lấy đầu đạn vừa rút ra nhét vào chỗ cũ rồi đứng dậy đi về
phía trạm xá'' [33, tr 11]. Phải dũng cảm lắm, pha chút ngang tàng, ngạo nghễ Việt mới làm được như vậy.
Lực là một cô gái giao liên, làm nhiệm vụ mở đường trên các cao điểm. Một cô gái thoạt trông yếu đuối mảnh dẻ, nhưng lại ẩn chứa một sức sống kì lạ. Cô sẵn sàng quên đi những đau đớn cá nhân để tiếp tục làm nhiệm vụ. Bom đạn đã cướp mất hai bàn tay của cô, nhưng Lực tàn mà không phế, không là gánh nặng cho ai. Cô tiếp tục chiến đấu với bản thân, làm nhiệm vụ dẫn đường; dẫn xe qua đoạn đường nguy hiểm nhất. Lực tâm sự: "ở đây em thấy vui, vui vì tìm được việc làm. Chính ở đây em mới tìm thấy em một cách rõ ràng. Nếu mình quá coi trọng sự hi sinh của bản thân thì chỉ có hại thôi anh nhỉ!'' [33, tr 16]. Việt nghĩ về Lực: ''ôi phải chịu đựng, phải đấu tranh ghê lắm cô mới vượt qua những tổn thất đau đớn để sống bình thường…Bên cô, bỗng Việt cảm thấy mình nhỏ bé quá và ngường ngượng khi nhớ lại mình đã kể thành tích cho cô nghe và dạy cô về cuộc sống'' [33, tr 15].
Trong truyện Điều chưa thể nói trong chiến tranh, tác giả kể về Thía đã tham gia hoạt động cách mạng trong nội thành từ năm 15 tuổi, được đơn vị cài vào hàng ngũ địch làm tình báo. Anh sẵn sàng chịu mang tiếng kẻ phản bội, bất hiếu với mẹ, hi sinh tuổi trẻ của mình để cung cấp thông tin vô cùng quan trọng cho quân đội ta. Vẻ đẹp tâm hồn, những hi sinh thầm lặng của người chiến sĩ cộng sản, hình ảnh của Thía đại diện cho lớp măng non lên đường chiến đấu.
Trong truyện Láng giềng, tác giả miêu tả tình yêu mà Hương dành cho người thương binh Thung cũng là những trang tình sử đẹp đẽ lạ thường. ''trên đường về, gió dìu dịu lùa mái tóc của hương bay về phía sau phất phơ như trêu chọc trên khuôn mặt Thung. Hương phóng xe nhanh hơn cho tóc quấn vào mặt Thung mạnh hơn. Hương cười như nắc nẻ và tăng ga cho xe phóng hết tốc độ'' [33, tr 300].
Hay như trong truyện Ở trần, ta cũng hay bắt gặp một tình yêu hết sức tự nhiên, thánh thiện của cô Hai dành cho ông Tư, người có vết sẹo mà suốt đời cô tìm kiếm. Tình yêu là vậy đến với nhau dựa trên cơ sở tình nghĩa, chỉ một đêm ngắn ngủi, nhưng đối với phụ nữ đó là danh dự, phẩm tiết của cả cuộc đời. Trong chiến tranh họ đến với nhau bằng sự khâm phục và lòng tin, lòng thương, rồi tình yêu và hi sinh cho tình yêu.
Trong truyện Cây sau sau lá đỏ, tác giả lại miêu tả hình tượng người lính hiện lên đẹp lỗng lẫy như chưa bao giờ đẹp hơn thế nữa. Các anh suốt ngày suốt đêm đào hầm trên trận địa, hết trận địa chính đến trận địa phụ, rồi trận địa nghi binh. ''Quần áo anh nhuộm màu bụi đỏ - đầu tóc lông mày, da mặt cũng nhuộm đỏ. Không nước tắm'' [33, tr 212]. "Các anh ấy bảo vệ mùa xuân, cô giáo thầm thì: Các anh ấy cũng là mùa xuân" [33, tr 220]. Hình tượng cây sau sau lá đỏ tô đậm thêm hình tượng người lính. Cả hai hình tượng đan cài vào nhau, quyện vào nhau tạo thành một bức tranh thật đẹp, để cô giáo Hạnh yêu đến ngây ngất. Trong chiến tranh tình yêu như đẹp hơn, thi vị hơn. Tình yêu anh đã cho cô thêm ý chí và nghị lực ngoài việc dạy chữ cho học sinh cô còn tham gia tuần tra canh gác làm thơ về vẻ đẹp anh bộ đội.
Viết về hiện thực khốc liệt của chiến tranh còn có những kẻ đớn hèn, tha hóa nhân cách tiêu biểu là tác phẩm Thượng sĩ Đông Dương. Ông Ngân suốt đời say mê, cống hiến, coi Đảng là kim chỉ nam của đời mình. Đặt bên cạnh nhân vật cao cả như ông Ngân là gương mặt của một kẻ phản bội đó là Nguyễn Đắc Tưởng. Vì tham sống sợ chết hắn đã phản bội cách mạng, chạy theo hàng ngũ giặc. Hắn còn bán đứng ông Ngân người đã dìu dắt, nâng đỡ hắn. Hai con người ở cùng chiến tuyến nhưng lại có cách ứng xử khác nhau.
Trong truyện Ớt ngọt, tác giả lại cho ta thấy về hiện thực khốc liệt của chiến tranh, ta hãy lắng nghe nhân vật tôi tâm sự về gian khổ mà anh phải đối mặt hàng ngày: "quần áo tôi rách bươm, mảnh nâu mảnh trắng bởi có những chỗ phải dùng cả mảnh vải lau súng để vá vào. Nhưng tai ác hơn là những cơn
sốt rét phục sẵn trong cơ thể bắt đầu vùng dậy. Ngày nào cũng lên cơn sốt. Mỗi cơn sốt trải qua ba thời kỳ: Trước hết là rét, rét như trên đời này chưa bao giờ có một lần rét như thế, rét tới mức gí cả hòn than đỏ vào cánh tay cũng chỉ nghe tiếng cháy xèo xèo. Hết rét là chuyển sang nóng, nóng như có ai nung lửa ở trong ruột, nóng mà không toát được mồ hôi, hơi nóng tụ trên gia thịt có thể làm cháy lũ ruồi muỗi nếu chúng nhởn nhơ đậu vào…Tiếp theo là nôn mửa, ruột gan như bị xáo tung, toàn thân quằn quại, dạ dày ngỡ trào lên cổ, nước xanh nước vàng bật ra khỏi miệng" [33, tr 102, 103].
Những câu chuyện của Cao Tiến Lê thật giản dị như nó vốn có. Sau cái giản dị vẫn hiện lên phong thái trong trẻo của người lính. Tác giả có một tài năng khá đặc biệt bởi cách kể chuyện khéo léo giản dị, khéo đan cài những tình huống chân thực nhất. Cũng là đề tài chiến tranh và người lính nhưng ông không sa đà vào chết chóc, không tái hiện những cảnh bắn giết rùng rợn như các tác giả khác. Nhưng ông cũng không ngần ngại đi vào những bi kịch riêng của con người. Viết ít về nỗi đau chiến trận nhưng những ám ảnh thì không hề nhỏ. Trong mất mát đau thương bên cạnh cái xấu xa cái bỉ ổi ta vẫn tìm thấy con người tốt đẹp như ông Ngân, Ngô Văn Nghi. Phẩm chất ấy được nhà văn chia đều cho con người ở cả hậu phương và nơi chiến tuyến.
Truyện ngắn của Cao Tiến Lê thường đặt ra nhiều vấn đề đáng chú ý, đề tài chiến tranh và người lính của Cao Tiến Lê vô cùng phong phú và đa dạng. Viết về chiến tranh ông xây dựng và khai thác trên nhiều phương diện như chết chóc, hi sinh, bệnh tật nhưng vẻ đẹp con người vẫn ánh lên, vẫn được nâng niu, gìn giữ. Mảng đề tài tuy không mới nhưng dưới bàn tay lao động sáng tạo của Cao Tiến Lê đã để lại dư vị riêng. Với cách lựa chọn nhân vật, chi tiết, tình huống giản dị, ông đã đặt được dấu ấn trong lòng nhiều độc giả.