Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn tỉnh Hưng Yên

Một phần của tài liệu Hoạt động của tổ chức cơ sở trong thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn tỉnh Hưng yên hiện nay (Trang 30 - 39)

4. Đánh giá khái quát kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học đã công bố và những vấn đề luận án tập trung giải quyết

1.1.2. Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn tỉnh Hưng Yên

1.1.2.1. Một số vấn đề về dân chủ và dân chủ cơ sở

Dân chủ là vấn đề liên quan mật thiết tới cuộc sống của con người và sự phát triển của xã hội. Dân chủ có nội dung rộng lớn gắn với những tiến bộ về lịch sử và văn hóa của loài người; thực hiện dân chủ là vấn đề phức tạp, nhạy cảm; dân chủ, phải xem xét dưới nhiều góc độ, khía cạnh: là phương thức của phong trào chính trị xã hội của quần chúng; là hình thức nhà nước, hình thức tổ chức và thực hiện quyền lực xã hội; là một hệ thống quyền hành, tự do và trách nhiệm của công dân được quy định bởi hiến pháp và pháp luật; là nguyên tắc tổ chức toàn thể xã hội và với tư cách là một chế độ chính trị.

Dân chủ là khái niệm xuất hiện từ thời cổ đại. Dân chủ có nghĩa là quyền lực của nhân dân, là một trong những hình thức tổ chức chính trị nhà nước của xã hội. Dân chủ là một phạm trù chính trị -xã hội vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính giai cấp và gắn liền với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Bản chất của dân chủ là quyền lực của nhân dân, cùng với sự phát triển của lịch sử. Dân chủ được vận dụng vào tổ chức và hoạt động của mọi tổ chức và mọi thiết chế chính trị - xã hội và được biểu hiện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Nội dung cốt lõi của dân chủ là mọi quyền lực thuộc về nhân dân, là sự kiểm soát của nhân dân đối với toàn bộ quá trình ban hành và thực thi các quyết định chung của chính thể nhà nước.

Dân chủ ở cơ sở, kế thừa và vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện, hoàn cảnh nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Quyền lực Nhà nước là của nhân dân. Thực tiễn cho thấy, ở đâu người dân được biết, được bàn, được tham gia ý kiến, quyết định, thực hiện và giám sát việc thực hiện dân chủ ở địa phương, cơ sở mình thì ở đó dân chủ được thực hiện có hiệu quả. Ngược lại, những nơi nào không làm tốt vấn đề đó thì nơi đó dân chủ bị vi phạm, dân chủ hình thức, cản trở sự phát triển của xã hội.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm đến vấn đề phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã chủ trương thực hiện phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" và chủ trương đó ngày càng được thực tế kiểm nghiệm tính cần thiết, khách quan đối với đời sống xã hội. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII (tháng 6 năm 1997) khẳng định: Khâu quan trọng và cấp bách trước mắt là phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở, là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, là nơi cần thực hiện quyền dân chủ của nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất. Theo tinh thần của Nghị quyết đó, ngày 18 tháng 02 năm 1998, Bộ Chính trị (khóa VIII) ban hành Chỉ thị số 30 - CT/TW về "Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”; ngày 20/4/2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 34/2007/PL - UBTVQH về "Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”. Đó là những văn bản có tính chính trị và pháp lý làm cơ sở để mọi người, mọi tổ chức ở cơ sở xây dựng và thực hiện dân chủ cơ sở.

Từ những phân tích trên có thể hiểu: Dân chủ ở cơ sở là quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội… được tiến hành ở cấp cơ sở là xã (phường, thị trấn), doanh nghiệp nhà nước và cơ quan hành chính sự nghiệp theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, bảo đảm đúng đường lối, chủ trương của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.

Dân chủ ở cơ sở có nội dung toàn diện trên tất cả các lĩnh vực hoạt động:

+ Dân chủ về chính trị: Dân chủ trong tiếp nhận các giá trị tư tưởng chính trị…; trong hoạch định các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhân dân trong xã, phường, thị trấn; trong dự thảo nghị quyết…trong thực hiện các quyền lợi về chính trị của người dân, của các tổ chức.

+ Dân chủ về kinh tế: Dân chủ trong bàn bạc, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và hàng năm của xã. Dân chủ trong chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng (điện, đường, trường học, trạm y tế, nghĩa trang, các công trình văn hóa, thể thao…); trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai; dự toán và quyết toán ngân sách xã hàng năm; dự toán, quyết toán thu chi các quỹ, chương trình, dự án, các khoản huy động nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng; các chương trình, dự án do Nhà nước, các tổ chức và cá nhân đầu tư, tài trợ trực tiếp cho xã; chủ trương, kế hoạch vay vốn phát triển sản xuất, xoá đói, giảm nghèo; bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng về kinh tế của người dân và các tổ chức.

+ Dân chủ về văn hoá, xã hội: Dân chủ trong công tác văn hóa, xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội của xã; kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vụ việc tiêu cực, tham nhũng của cán bộ xã, thôn; xây dựng hương ước, quy ước làng văn hóa, nếp sống văn minh, giữ gìn an ninh trật tự, bài trừ các hủ tục, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội. Dân chủ trong bình xét các hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất và xây dựng nhà tình thương; thực hiện chính sách đối với gia đình có công với cách mạng, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh được tặng nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm, thẻ bảo hiểm y tế; giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn xã.

+ Dân chủ về quốc phòng, an ninh: Dân chủ trong trong bảo đảm chế độ nghĩa vụ quân sự, xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ và quốc phòng toàn dân; thực hiện nhiệm vụ hậu cần tại chỗ; chính sách hậu phương quân đội và chính sách đối với các lực lượng vũ trang nhân dân ở địa phương; bảo đảm giữ gìn an ninh, trật tự nơi công cộng, an toàn xã hội trên địa bàn.

1.1.2.2. Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn tỉnh Hưng Yên

Trên cơ sở phân tích một số vấn đề cơ bản về dân chủ và dân chủ cơ sở, có thể quan niệm về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn tỉnh Hưng Yên như sau:

Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn tỉnh Hưng Yên là tổng thể các chủ trương, biện pháp, cách thức do hệ thống chính trị và nhân dân ở xã, phường, thị trấn tiến hành trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng an ninh…bảo đảm cho nhân dân thực hiện đầy đủ, có hiệu quả quyền, lợi ích và nghĩa vụ của mình theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và phù hợp với mục tiêu xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, góp phần xây dựng địa phương vững mạnh, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân.

- Mục đích thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn tỉnh Hưng Yên là nhằm bảo đảm đầy đủ quyền, lợi ích và nghĩa vụ của nhân dân trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng an ninh…theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng địa phương vững mạnh, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị, mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở xã, phường, thị trấn tỉnh Hưng Yên.

- Chủ thể lãnh đạo thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn tỉnh Hưng Yên là các cấp ủy, đảng bộ cơ sở, chi bộ cơ sở.

- Lực lượng thực hiện là tổ chức chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân xã, phường, thị trấn tỉnh Hưng Yên.

- Nội dung THDC ở xã, phường, thị trấn được quy định cụ thể trong Quy chế dân chủ cơ sở và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Trên cơ sở đó, nội dung thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn tỉnh Hưng Yên được biểu hiện cụ thể trên tất cả các mặt của đời sống xã hội từ kinh tế, chính trị, đến văn hoá, xã hội, quốc phòng an ninh như sau:

Trên lĩnh vực chính trị, thực hiện quyền của nhân dân trong tham gia tiếp nhận thông tin và tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị của cấp uỷ,

chính quyền địa phương; tham gia đóng góp ý kiến phê bình, nhận xét cán bộ, đảng viên; tham gia công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương; tham gia ứng cử, đề cử, lựa chọn bỏ phiếu tín nhiệm hay bất tín nhiệm cán bộ, đảng viên ở cơ sở; khiếu nại, tố cáo, được yêu cầu cán bộ, chính quyền địa phương giải đáp các vấn đề mà mình quan tâm. Điều 5 Pháp lệnh thực hiện dân chủ cơ sở xác định nhân dân có quyền được biết, được tham gia chất vấn về các nội dung như: “Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vụ việc tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức cấp xã, của cán bộ thôn; kết quả lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch và Phó chủ tịch HĐND, Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND cấp xã; nội dung và kết quả tiếp thu ý kiến của nhân dân đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của cấp xã…”[115]. Điều 13 Pháp lệnh thực hiện dân chủ chỉ ra những nội dung nhân dân được tham gia bàn bạc, biểu quyết và đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định, như: Hương ước, quy ước của thôn; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn; bầu, bãi nhiệm thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; tham gia bình xét người có công với cách mạng, gia đình thương binh, liệt sỹ, nạn nhân chất độc da cam.

Trên lĩnh vực kinh tế, thực hiện quyền của nhân dân trong tham gia tiếp thu và tuyên truyền về các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế; kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và nhất là các vấn đề liên quan đến lợi ích trực tiếp của nhân dân; tham gia bàn bạc về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế và dự toán, quyết toán ngân sách hàng năm của cấp xã, dự án, công trình đầu tư và thứ tự ưu tiên, tiến độ thực hiện, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, các công trình trên địa bàn cấp xã, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và phương án điều chỉnh, quy hoạch khu dân cư trên địa bàn cấp xã. Thực hiện quyền của nhân dân trong bàn và quyết định

trực tiếp chủ trương mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, thôn, tổ dân phố do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí và các công việc khác trong nội bộ công đồng dân cư phù hợp với quy định của pháp luật.

Trên lĩnh vực văn hoá xã hội, thực hiện quyền của mỗi người dân trong sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hoá, nghệ thuật; tham gia thảo luận đóng góp ý kiến trong xây dựng các hương ước, quy ước, qui định tự quản trong cộng đồng dân cư, như: các qui định trong các công việc hiếu, hỷ; đóng góp xây dựng các quỹ khuyến học, khuyến tài; quỹ giúp đỡ gia đình nghèo khó khăn, gia đình chính sách và các qui định trong giải quyết các mối quan hệ trong cộng đồng, quyền tham gia bình xét hộ nghèo, người tàn tật để được hưởng chính sách đãi ngộ của Nhà nước.

Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trong bảo đảm chế độ nghĩa vụ quân sự, xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ và quốc phòng toàn dân; thực hiện nhiệm vụ hậu cần tại chỗ; thực hiện chính sách hậu phương quân đội và chính sách đối với các lực lượng vũ trang nhân dân ở địa phương; quyết định biện pháp bảo đảm giữ gìn an ninh, trật tự nơi công cộng, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, đấu tranh phòng ngừa, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn.

- Phương thức THDC ở xã, phường, thị trấn tỉnh Hưng Yên

Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn tỉnh Hưng Yên được thực hiện thông qua các hình thức cơ bản sau:

Dân chủ đại diện, là hình thức nhân dân thực hiện quyền dân chủ của mình thông qua các cơ quan, các tổ chức đại diện và người đại diện. Các cơ quan đại diện và người đại diện do nhân dân bầu ra, là đại biểu cho quyền và lợi ích của nhân dân, như: Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh… và các đại biểu của các tổ chức đó.

Dân chủ trực tiếp, là sự tham gia một cách trực tiếp và chủ động của nhân dân vào các hoạt động quản lý xã hội, quản lý nhà nước, thực hiện các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân theo qui định của hiến pháp và pháp luật, như: Trực tiếp tham gia bầu cử, ứng cử, đề cử; trực tiếp bỏ phiều tín nhiệm hay bất tín nhiệm cán bộ ở cơ sở; trực tiếp chất vấn và trả lời chất vấn với các vấn đề mà mình quan tâm; trực tiếp bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của mình; trực tiếp tham gia bàn bạc các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương…

Dân chủ tự quản, là hình thức người dân tự hình thành các tổ chức và người phụ trách, tự thảo luận ban hành các quy định, tự tổ chức thực hiện, tự kiểm tra, tự đánh giá và tự điều chỉnh ý thức, hành vi trong các quan hệ xã hội, trong thực hiện các quyền, lợi ích của mình trong cộng đồng dân cư… phù hợp với các qui định của luật pháp và tập quán, như: Các hương ước, quy ước, qui định của thôn, xóm trong các công việc hiếu, hỷ; việc hình thành các loại quỹ trong khu dân cư, như: Quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ xoá đói giảm nghèo, các qui định về giúp nhau vượt khó của các tổ chức…

Ngoài các phương thức THDC cơ bản trên, nhân dân còn thực hiện quyền dân chủ của mình thông qua nhiều công cụ, phương tiện khác, như: Các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan tư vấn pháp luật, các văn phòng luật sư… Tuy nhiên, quyền dân chủ của nhân dân xã, phường, thị trấn tỉnh Hưng Yên dù được thực hiện thông qua phương thức nào cũng đều phải bảo đảm đúng đường lối, quan điểm của Đảng, tuân thủ hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, nhất là Quy chế dân chủ cơ sở và Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

- Nguyên tắc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn tỉnh Hưng Yên

Một phần của tài liệu Hoạt động của tổ chức cơ sở trong thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn tỉnh Hưng yên hiện nay (Trang 30 - 39)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(183 trang)
w