Khái quát về xã, phường, thị trấn tỉnh Hưng Yên

Một phần của tài liệu Hoạt động của tổ chức cơ sở trong thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn tỉnh Hưng yên hiện nay (Trang 26 - 30)

4. Đánh giá khái quát kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học đã công bố và những vấn đề luận án tập trung giải quyết

1.1.1. Khái quát về xã, phường, thị trấn tỉnh Hưng Yên

Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 quy định: “Các đơn vị hành chính của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân định như sau: Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tỉnh chia thành huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh; thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương; huyện chia thành xã, thị trấn; thị xã và thành phố thuộc tỉnh chia thành phường và xã; quận chia thành phường”[48].

Hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn được thành lập theo quy định của Hiến pháp nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, bao gồm: Tổ chức đảng, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội…hoạt động theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, xã, phường, thị trấn có vị trí đặc biệt quan trọng, bảo đảm cho đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được tổ chức thực hiện thắng lợi, quyền dân chủ của nhân dân được phát huy trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - chính trị.

Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX, tỉnh Hải Hưng được chia thành tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên. Ngày 01tháng 01 năm 1997 tỉnh Hưng Yên được tái lập, có diện tích tự nhiên là 923,09 km2; dân số 1.116 nghìn người (năm 2014), với 10 đơn vị hành chính cấp huyện, 07 phường, 09 thị trấn và 145 xã, 851 thôn [102]. Thành phố Hưng Yên là trung tâm chính trị, văn

hoá nằm ở phía Nam của tỉnh, tiếp giáp với tỉnh Thái Bình và tỉnh Hà Nam, có 7 phường, 10 xã; huyện Ân thi có 01 thị trấn, 20 xã; huyện Khoái Châu có 01 thị trấn, 24 xã; huyện Kim Động có 01 thị trấn, 16 xã; huyện Mỹ Hào có 01 thị trấn, 12 xã; huyện Phù Cừ có 01 thị trấn, 13 xã; huyện Tiên Lữ có 01 thị trấn, 14 xã; huyện Văn Giang có 01 thị trấn, 10 xã; huyện Văn Lâm có 01 thị trấn, 10 xã; huyện Yên Mỹ có 01 thị trấn, 16 xã [102].

Xã là nơi cộng đồng dân cư làm ăn sinh sống, liên kết chặt chẽ với nhau trong các quan hệ anh em, họ tộc, xóm làng, nghề nghiệp và quan hệ kinh tế, tín ngưỡng, tôn giáo…được hình thành từ các làng (thôn, xóm), có các đặc điểm chung về cấu trúc văn hoá, phong tục, tập quán…nhưng cũng có nhiều nét riêng biệt. Các xã ở tỉnh Hưng Yên là nơi tập trung một lực lượng lớn lao động, sản xuất ra lương thực, thực phẩm, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy, xí nghiệp và các sản phẩm xuất khẩu…; là nơi phản ánh trực tiếp tâm tư, tình cảm, yêu cầu và nguyện vọng của quần chúng nhân dân, nơi tổ chức thực hiện kiểm nghiệm trên thực tế sự đúng đắn của các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ở nông thôn; là nơi cung cấp các kinh nghiệm thực tiễn để Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tỉnh Hưng Yên điều chỉnh bổ sung, hoàn chỉnh các chủ trương, đường lối về phát triển nông nghiệp nông thôn. Là nơi cư trú và hoạt động của người nông dân, nên mọi biến động tích cực hay tiêu cực của các xã đều tác động trực tiếp đến sự phát triển chung của toàn tỉnh Hưng Yên nói riêng cũng như của cả nước nói chung như: các vấn đề về dân số, dân cư, dân chủ…Đây là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị, xã hội và sự phát triển của xã hội nói chung và trong thực hiện dân chủ ở cơ sở nói riêng.

Phường, thị trấn là đơn vị hành chính cơ sở ở Thành phố Hưng Yên và thị trấn của các huyện thuộc tỉnh Hưng yên, tổ chức theo khu vực dân cư đô thị, có vị trí rất quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là

đơn vị tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; nơi trực tiếp phát huy quyền làm chủ của nhân dân; nơi cư trú của nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội và là nơi có tiềm năng lớn về lao động, tay nghề, chất xám, cơ sở vật chất kỹ thuật, tiền vốn…Cộng đồng dân cư ở phường, thị trấn không cố kết bền vững như ở xã; số dân tăng cơ học nhanh và số người nghỉ hưu, mất sức ngày càng nhiều. Đây là địa bàn sôi động và có nhiều phức tạp trong điều kiện nền kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế và quá trình đô thị hoá.

Các xã, phường, thị trấn tỉnh Hưng Yên ngoài những nét chung của đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn còn có những khác biệt do điều kiện tự nhiên, xã hội, phong tục, tập quán, truyền thống…ở từng địa phương, tạo lên những nét riêng của toàn tỉnh Hưng Yên trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Hưng Yên là một tỉnh đồng bằng sông Hồng, tiếp giáp với các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Thái Bình. Địa hình của tỉnh Hưng Yên tương đối bằng phẳng, không có rừng và biển; chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, có hai mùa nóng và lạnh rõ rệt. Hưng Yên có diện tích đất nông nghiệp là 64.177 ha, trong đó đất cây hàng năm là 57.074,3 ha (chiếm 88,9%), cây lâu năm 716 ha (chiếm 1,1%), mặt nước nuôi trồng thuỷ sản 4000 ha[102]. Đất trồng cây lâu năm, đất vườn có khả năng trồng nhiều cây có giá trị kinh tế cao như: nhãn, vải, táo, cây cảnh, cây dược liệu…cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Các xã, phường, thị trấn tỉnh Hưng Yên nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là vùng có nhiểu tiềm năng phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; có vị trí địa lý thuận lợi, gần các khu công nghiệp và các thành phố lớn là điều kiện, cơ hội đón nhận và tận dụng sự phát triển chung của cả vùng, trước hết về khoa học kỹ thuật, công

nghệ tiên tiến, vốn đầu tư, tiêu thụ sản phẩm…để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hàng hoá phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Mặt khác, Hưng Yên là của ngõ của Thủ đô Hà Nội, có khả năng gắn kết với các tuyến du lịch từ Hà Nội qua Hưng Yên, Hải Dương đi Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Thái Bình…Đây là một lợi thế quan trọng tạo nên những tuyến du lịch hấp dẫn, góp phần phát triển nhanh các ngành du lịch dịch vụ, tăng xuất khẩu tại chỗ và tạo việc làm cho lao động trong tỉnh.

Hưng Yên là khu vực tập trung nhiều di tích lịch sử nổi tiếng. Toàn tỉnh hiện có hơn 800 di tích lịch sử và văn hoá, trong đó có hơn 130 di tích được xếp hạng cùng hàng nghìn tài liệu và hiện vật cổ có giá trị [102], có nhiều lễ hội truyền thống phản ánh khá rõ nét con người, truyền thống, phong tục của nền văn minh lúa nước.

Hiện nay, các xã, phường, thị trấn tỉnh Hưng Yên là nền tảng, nơi bắt đầu và là hạt nhân cơ bản thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, góp phần tạo ra động lực mới, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển. Chính quyền và nhân dân các xã, phường, thị trấn đã phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng địa phương giàu đẹp, an ninh và đảm bảo công bằng xã hội. Tuy vậy, một số xã, phường, thị trấn vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế bất cập trong thực hiện dân chủ cơ sở, một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ở các địa phương vẫn chưa nêu cao ý thức làm chủ, còn mang nặng tư tưởng ỷ lại, ngại họp hành, đấu tranh… phong cách lãnh đạo, quản lý, làm việc của một số cán bộ vẫn theo kiểu quan liêu, giấy tờ, sự vụ, không sâu sát dân, làm việc cầm chừng, sợ mất lòng…Đó là những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn tỉnh Hưng Yên hiện nay.

Một phần của tài liệu Hoạt động của tổ chức cơ sở trong thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn tỉnh Hưng yên hiện nay (Trang 26 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(183 trang)
w