5.1.1 Tác động tích cực
Qua những thông tin về tình hình kinh doanh của dịch vụ thanh toán thẻ qua POS do ngân hàng Vietcombank Cần Thơ cung cấp và thông tin khảo sát nhu cầu của khách hàng chương trước, kết hợp với thực trạng của nền kinh tế, có những nhân tố tác động để hoạt động của dịch vụ như sau:
a. Về phía khách hàng
Qua quá trình phỏng vấn khách hàng, nhìn chung, người dùng thẻ ở thành phố Cần Thơ nói riêng và Việt Nam nói chung đang dần tiếp cận với dịch vụ thanh toán thẻ. Số lượng thẻ phát hành tăng mạnh, đồng thời số lượng và giá trị giao dịch tăng lên nhanh 2 năm gần đây là dấu hiệu cho thấy sự khởi sắc của thanh toán không dùng tiền mặt. Song song đó, giới trẻ đã và đang tiếp cận với xu thế mới, hiểu biết được lợi ích của việc sử dụng thẻ. Mặc dù vẫn chưa phải là đa số nhưng có thể nói đây là một trong những bước đầu phát triển để hướng đến một tương lai mà ở đó, người người dùng thẻ. Dự kiến trong tương lai, số lượng giao dịch và giá trị sẽ còn tăng mạnh, số người sử dụng thẻ sẽ còn tăng lên nữa với mức độ dùng thẻ cao hơn, giá trị thanh toán dần lớn hơn, góp phần phát triển thành công thanh toán không dùng tiền mặt.
Hơn nữa, thu nhập của người dân đang dần tăng lên cũng tạo điều kiện cho người dân có xu hướng tiêu dùng cao hơn. Thêm vào đó, hiện nay đa số dân cư được trả lương qua tài khoản thẻ tại ngân hàng, đây cũng là một xu hướng phát triển chung của toàn ngành ngân hàng nhằm góp phần khuyến khích người dân sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Thu nhập càng cao, người dân có dễ có xu hướng dùng thẻ để thanh toán vì sự tiện lợi của nó
b. Về phía các ĐVCNT
Hiện nay, số lượng các ĐVCNT tuy không nhiều, nhưng đã có sự gia tăng đáng kể. Sự phổ biến của POS đến các cửa hàng quần áo, trang sức tư nhân là một bước tiến lớn, chứng tỏ những doanh nghiệp tư nhân dần nhận biết sự quan trọng của thanh toán thẻ nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Hơn nữa, theo kinh nghiệm của một số quốc gia có hoạt động thanh toán thẻ phát triển như Mỹ, Singapore,…, thanh toán thẻ đem lại cho họ doanh thu và lợi nhuận cao hơn. Hơn nữa, họ không phải tốn chi phí bảo quản,
lưu trữ, kiểm đếm tiền mặt, cũng như tính an toàn tại nơi buôn bán cũng cao hơn rất nhiều. Đó là những lợi ích mà dịch vụ thanh toán thẻ có thể đem lại cho các ĐVCNT.
c. Về môi trường pháp lý
Đến thời điểm hiện tại, NHNN đã ban hành những quyết định, thông tư nhằm hỗ trợ cho việc phát triển không dùng tiền mặt. Cụ thể là:
- Quyết định số 2453/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 27/12/2011 về phê duyệt Đề Án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015: Với mục tiêu tổng quát là “đa dạng hóa dịch vụ thanh toán, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử, chú trọng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực nông thôn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của nền kinh tế, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, tạo sự chuyển biến rõ rệt về tập quán thanh toán trong xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng và hiệu quả quản lý nhà nước” (QĐ số 2453/QĐ-TTg). Đồng thời, trong Quyết định cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện tốt mục tiêu trên, trong đó “trọng tâm vẫn là phát triển thanh toán qua ĐVCNT để giảm thanh toán bằng tiền mặt, tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt trong bộ phận lớn dân cư” (QĐ số 2453/QĐ-TTg).
- Quyết định số 1131/QĐ-NHNN về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 2453/QĐ-TTg cùng với bản kế hoạch kèm theo do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 30/05/2012: Đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, “các nhiệm vụ, lộ trình thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức có liên quan thuộc NHNN” (QĐ số 1131/QĐ-NHNN) từ năm 2012 đến năm 2015.
- Nghị định 101/2012/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 22/11/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt.
- Thông tư số 35/2012/TT-NHNN ngày 28/12/2012 Quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa.
- Kế hoạch số 673/KH-CTH ngày 17/09/2012 thực hiện Quyết định do Thủ tướng Chính phủ và của Thống đốc đã xây dựng theo Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015: Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện Đề án trên một cách hiệu quả và triệt để trong giai đoạn 2011 – 2015 trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
- Văn bản 488/CTH-KTHH do NHNN Chi nhánh Cần Thơ ban hành ngày 06/06/2013, thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
thành phố Cần Thơ trong công văn số 2281/UBND-KT ngày 27/05/2013: Yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán mở rộng, phát triển và nâng cao chất lượng các hệ thống thanh toán hiện có, đặc biệt là hệ thống thanh toán bán lẻ qua ATM và POS.
Ngoài ra, phía NHNN chi nhánh thành phố Cần Thơ luôn yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán báo cáo về tình hình thực hiện các Thông tư, kiểm tra định kỳ và thường xuyên các ĐVCNT, các ngân hàng thương mại tại địa phương. Qua những điều này, chứng tỏ các cơ quan chức năng, ban ngành của Nhà nước đã quan tâm đến hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
d. Về phía ngân hàng
*Ngân hàng hội sở: Vietcombank luôn đảm bảo chất lượng dịch vụ mọi lúc mọi nơi, đưa nhu cầu của khách hàng lên hàng đầu. Ngân hàng tuân thủ các Quyết định, Thông tư của NHNN đề ra, đồng thời đảm bảo các chi nhánh thực hiện đúng theo quy định. Ngân hàng hội sở cũng thường xuyên đề ra những kế hoạch, định hướng, chiến lược thực hiện Đề án trong tương lai để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Ngân hàng có quy định về mức phí cố định đối với ĐVCNT, đảm bảo không thu phí khách hàng khi thanh toán thẻ qua POS. Đồng thời, ngân hàng thường xuyên đưa ra các chương trình ưu đãi khuyến khích khách hàng sử dụng thanh toán bằng thẻ áp dụng tại nhiều ĐVCNT trên toàn quốc. Vietcombank luôn mở hotline điện thoại hoạt động 24/7 nhằm giải đáp thắc mắc, giải quyết những phiền hà, phàn nàn của khách hàng về các sự cố mà thanh toán thẻ gặp phải. Nói chung, Vietcombank luôn đảm bảo nhu cầu của khách hàng là trên hết và luôn đảm bảo khách hàng luôn hài lòng với chất lượng dịch vụ.
* Chi nhánh Vietcombank Cần Thơ: Chi nhánh đảm bảo thực hiện đúng chỉ thị do Hội sở chính và NHNN đề ra, đồng thời cũng kết hợp với những ý kiến chỉ đạo của địa phương nhằm có những kế hoạch thực hiện tốt nhất. Chi nhánh đảm bảo giám sát hoạt động của ĐVCNT thực hiện đúng quy định, thu phí đúng biểu phí mà Hội sở đưa ra, hỗ trợ các ĐVCNT trong hoạt động thanh toán thẻ qua POS. Đồng thời, đảm bảo các điểm này không thu phí khách hàng, xử lý kịp thời khi có phản ánh của khách hàng về vấn đề này; định kỳ báo cáo về hoạt động của dịch vụ thanh toán thẻ để đảm bảo chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của khách hàng là hàng đầu. Vietcombank Cần Thơ cũng kết hợp với công ty cung cấp máy đảm bảo vấn đề bảo hành, bảo trì máy POS tại các ĐVCNT đúng hạn, giải quyết sự cố kịp thời để không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các điểm này. Thông qua cuộc khảo sát,
có thể thấy ngân hàng đã thực hiện rất tốt vấn đề này và làm cho khách hàng khá hài lòng. Có như vậy, ngân hàng mới có thể nhận được những phản ánh tích cực từ khách hàng, nhận được sự tín nhiệm cao cho dịch vụ thanh toán thẻ và có thể phát triển dịch vụ tốt hơn và triệt để hơn.
5.1.2 Những khó khăn và hạn chế
Bên cạnh những kết quả tốt mà dịch vụ thanh toán thẻ qua POS của ngân hàng Vietcombank Cần Thơ đã đạt được, vẫn tồn tại những khó khăn chưa thay đổi được và rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động của dịch vụ:
a. Về phía khách hàng
Tuy lượng khách hàng dùng thẻ và sử dụng thẻ để thanh toán có tăng lên, nhưng chỉ chiếm một bộ phận nhỏ trong đại đa số dân cư. Khảo sát thực tế cho thấy đa phần dân cư nước ta cũng như ở thành phố Cần Thơ vẫn còn thói quen dùng tiền mặt quá cao. Kể cả công chức Nhà nước nhận lương qua tài khoản thẻ, nhưng sau khi nhận lương họ cũng rút tiền mặt rồi cất giữ tại nhà hoặc gửi tiết kiệm chứ không thích sử dụng thẻ. Một số người dùng thẻ trong thanh toán cũng vì lý do quên mang tiền mặt, hoặc quên rút tiền chứ không phải vì mong muốn dùng thẻ để thanh toán. Tư tưởng dùng tiền mặt trong người dân một phần cũng do có quá ít ĐVCNT trên địa bàn. Đa số nơi buôn bán giao dịch là chợ, các tiệm tạp hóa quy mô nhỏ, giá trị hàng hóa dịch vụ thấp nên họ nhận thấy sử dụng thẻ là không cần thiết.
Trình độ dân trí còn khá thấp nên dù thu nhập của người dân có cao hơn, nhưng họ không hiểu rõ về những lợi ích của dịch vụ thanh toán thẻ, họ cũng không quan tâm và không muốn sử dụng. Hơn nữa, tài khoản thẻ chỉ được trả lãi suất không kỳ hạn là 1,2%/năm, trong khi nếu rút tiền mặt ra chỉ chịu phí 1.100 VNĐ/giao dịch/lần và đem gửi tiền mặt thì có thể hưởng lãi suất cao hơn rất nhiều (5%/năm cho kỳ hạn 1 tháng và tăng dần với kỳ hạn cao hơn). Vì thế, người dân thường chọn xu hướng gửi tiết kiệm để có thể hưởng lãi suất cao hơn. Tâm lý đại đa số cũng cho rằng cầm tiền mặt có cảm giác an tâm hơn, kiểm soát được số tiền mình sử dụng. Ngoài ra, họ cũng sợ phải chịu thêm những khoản phí không đáng có. Những suy nghĩ trên là trở ngại để ngân hàng đem dịch vụ thanh toán thẻ đến gần với người dùng thẻ hơn. Về phí, khách hàng dùng thẻ ghi nợ nội địa không phải trả phí khi thanh toán qua POS, nhưng đối với thẻ quốc tế thì lại phải trả một khoản phí cao trên giá trị giao dịch, phí thường niên và lãi suất đối với thẻ tín dụng, chưa kể những khoản phạt mà họ phải chịu khi trả phí, trả lãi chậm. Những thứ này đè nặng lên thu nhập của họ, làm cho khách dùng thẻ cảm thấy mệt mỏi và chán nản khi thanh toán bằng thẻ.
Đồng thời, dịch vụ thanh toán thẻ tồn tại những rủi ro về vấn đề giả mạo thẻ hay giả mạo thông tin trên thẻ. Những trường hợp này đã từng xảy ra nhiều ở một số nước trên thế giới và cũng đã có trường hợp xảy ra ở Việt Nam. Ở Việt Nam đã xuất hiện một số đường dây làm thẻ giả chuyên nghiệp nhằm rút tiền, thanh toán hàng hóa khống để chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, còn một bất cập là ĐVCNT khó biết được thẻ của khách hàng là thật hay giả, mặc dù đã có trường hợp phát hiện ra nhưng cũng rất hiếm hoi. Ngoài ra, hiện đang có tình trạng khách hàng dùng thẻ để rút tiền tại POS của cửa hàng và họ phải thanh toán một khoản phí cho ĐVCNT để thực hiện giao dịch. Điều này trái với quy định của pháp luật. Những vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của dịch vụ thanh toán thẻ qua POS cũng như hoạt động kinh doanh của ngân hàng, tạo sự thuận lợi cho tội phạm thông tin phát triển mạnh hơn. Đây là rủi ro mà nhiều quốc gia trên thế giới đang ra sức phòng chống một cách triệt để.
b. Về phía ĐVCNT
Số lượng ĐVCNT có POS của Vietcombank Cần Thơ đã tăng lên rất nhiều so với trước, tuy nhiên phân bố không đồng đều trên lĩnh vực kinh doanh. Đa số các ĐVCNT là các khách sạn, nhà hàng lớn, hoặc các tiệm trang sức lớn, là những điểm mà chỉ có một bộ phận nhỏ khách hàng tại địa phương thanh toán. Những loại hình kinh doanh này phụ thuộc vào số lượng khách hàng và thu nhập của họ, cũng như ý thích dùng thẻ của họ. Số lượng máy POS tăng lên nhưng lại tập trung vào một vài điểm chính ở trung tâm thành phố như siêu thị, các cửa hàng điện máy. Sự phân bố không đồng đều của ĐVCNT cũng như POS là trở ngại để khách hàng ít có dịp tiếp cận với dịch vụ.
Loại hình kinh doanh phổ biến ở Thành phố Cần Thơ cũng như Việt Nam là buôn bán nhỏ lẻ, hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH quy mô nhỏ, hàng hóa ít và giá trị thấp, chưa tập trung thành một hệ thống. Hơn nữa, lượng khách hàng mua bán không đều, giá trị thanh toán mỗi lần không cao làm cho họ không muốn phải tốn phí lắp đặt POS tại cửa hàng. Một vài điểm lắp đặt POS nhưng quá ít khách hàng sử dụng làm họ nản lòng, hủy dịch vụ. Thị trường buôn bán ở Việt Nam còn nhỏ lẻ, chưa tập trung nên chưa tạo điều kiện để dịch vụ thanh toán thẻ phát triển triệt để. Thêm một vấn đề nữa, nhiều nơi không muốn công khai doanh thu trên tài khoản để dễ dàng lách thuế hoặc vì mục đích khác. Hơn nữa, khi lắp đặt POS họ phải chịu một khoản phí cố định, phí trên giao dịch (phí của POS Vietcombank cao hơn các ngân hàng khác) mà phải công khai doanh thu, đóng thuế bằng với giao dịch bằng tiền mặt. Nói tóm lại, doanh thu họ nhận được đã thấp hơn doanh thu
bằng tiền mặt, mà không nhận được sự ưu đãi nào về thuế làm họ quyết định không dùng dịch vụ thanh toán thẻ.
Một vấn đề thường xảy ra ở các ĐVCNT có nhiều POS của nhiều ngân hàng tình trạng dùng thẻ của NH này thanh toán tại POS của ngân hàng khác. Cụ thể, tại Maximart, khi khách hàng dùng thẻ do Vietcombank phát hành thanh toán, nhân viên tại quầy thu tiền thường dùng POS của NH khác vì lý do thanh toán qua POS của Vietcombank thu phí cao hơn. Tình trạng này ảnh hưởng đến doanh thu của các ngân hàng.
c. Về môi trường pháp lý
NHNN và Chính phủ đã đưa ra nhiều Quyết định, Thông tư thực hiện nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng việc thực hiện, giám sát vẫn chưa gắt gao, triệt để. Trong quá trình giám sát vẫn còn sự lỏng lẽo của một số cơ quan chức năng. Những trường hợp phát hiện tội phạm là minh chứng cho sự lơ là đó. Trong các quy định vẫn còn khe hở để các cá nhân, tổ chức luồn lách để qua mặt pháp luật (như các trường hợp đề cập ở trên). NHNN ban hành các quy định, giải pháp thực hiện nhưng lại không có quy định về việc xử lý vi phạm một cách rõ ràng, cũng không có biện pháp răn đe những trường hợp đã vi phạm và phát hiện.
Song song đó, nhiều bộ luật xử lý tội phạm đã lỗi thời, như Bộ luật Hình sự về xử lý tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mặc dù đã chỉnh sửa bổ sung vào năm 2009, nhưng việc thực hiện chưa triệt để. Trong Bộ luật còn nhiều khe hở, khó thu thập chứng cứ trong quá trình truy tìm tội phạm thông tin. Các cơ quan chức năng liên quan vẫn chưa có sự quan tâm nhất mực đến vấn đề này, cũng như chưa xem trọng việc phòng chống tội phạm thông tin lên nhóm đầu. Có thể nói vòng pháp luật của Việt Nam còn nhiều khúc mắc, làm cho Việt Nam trở thành một thị trường béo bở để những hoạt động phi pháp có