Kết hợp nhiều giọng điệu

Một phần của tài liệu Đặc điểm ký sự chiến tranh chống Mỹ giai đoạn 1954 1975 (qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 82)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3.3. Kết hợp nhiều giọng điệu

Giọng điệu là yếu tố cần thiết cho việc sắp xếp, liên kết các yếu tố hình thức khác nhau, làm cho tác phẩm có cùng một âm hưởng, một khuynh hướng nào đó. Giọng điệu được thiết kế bởi mối quan hệ, thái độ, lập trường tư tưởng, tình cảm của người kể chuyện với các hiện tượng, các sự kiện được miêu tả cũng như người nghe tạo thành giọng điệu trần thuật.

Giọng điệu là giọng nói, lối nói, biểu thị một thái độ nhất định, trong văn chương có thể hiểu đây là lối viết, giọng văn. Giọng văn này thường biểu hiện thái độ của tác giả đối với các sự kiện, nhân vật đang được nói đến. Mỗi nhà văn có một giọng khác nhau tùy thuộc vào vốn sống, sự trải nghiệm và cả tài năng của nhà văn.

Trong ký sự chiến tranh chống Mỹ chúng ta bắt gặp nhiều giọng điệu khác nhau, trong bản thân mỗi tác phẩm có sự đan xen nhiều giọng điệu, dễ nhận thấy là giọng chính luận, giọng trữ tình, giọng mỉa mai.

Giọng chính luận là giọng văn bắt gặp nhiều nhất trong các tiểu loại của thể ký. Thông thường khi viết văn tác giả đã có ý đinh chọn cho mình một giọng văn nhất định. Nếu viết về tình yêu thì chắc chắn giọng văn phải trữ tình, mượt mà, uyển chuyển, viết về thói hư tật xấu của xã hội giọng phải mỉa mai, châm biếm, cời cợt, còn khi viết về những vấn đề trọng đại của quê hương đất nước, đặc biệt là các biến cố của lịch sử thì giọng chính luận là phù hợp hơn cả. Để viết những dòng ký sự chiến tranh các nhà văn đã chọn cho mình một giọng văn phù hợp. “Với ngôn ngữ chính luận, người viết bộc lộ trực tiếp và rõ ràng khuynh hướng tư tưởng của mình, nhằm mục đích tuyên truyền chiến đấu” [21, 439], nên chúng ta thấy rất rõ sự lập luận một cách chặt chẽ đầy thuyết phục của tác giả. Sở dĩ giọng điệu này chủ đạo trong ký sự 1954 – 1975 bởi vì xuất phát từ thực tế khách quan, các tác phẩm giai đoạn này phản ánh những vấn đề nóng hổi của đất nước gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Các nhà văn đã phân tích, bình luận các vấn đề chính trị, xã hội đương thời bằng giọng văn chính luận sắc sảo, sâu sát nhất. Qua khảo sát những tác phẩm ký sự giai đoạn 1954 – 1975 chúng ta thấy hầu hết các tác phẩm đều viết về những vấn đề nóng của lịch sử lúc bấy giờ. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 là bước ngoặt trọng đại của dân tộc ta, Tháng ba ở Tây Nguyên của Nguyễn Khải đã ghi lại sự kiện lớn vào loại bậc nhất trong lịch sử đó là chiến dịch Tây Nguyên long trời lở đất đúng, đủ và sâu. Nguyễn Sinh – Vũ Kỳ Lân ghi lại những ngày chiến đấu ác liệt của quân và dân ta trên mảnh đất Vĩnh Linh máu lửa... đó là những vấn đề lớn, những vấn đề trọng đại, những vấn đề thuộc về chính trị.

Ở đây, các tác giả không chỉ sử dụng một giọng điệu trong cùng một tác phẩm, mà có sự kết hợp nhiều giọng điệu. Trong Tháng ba ở Tây Nguyên

Nguyễn Khải đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn các giọng điệu. Nhà văn đã biết phân bổ chỗ nào nên sử dụng giọng điệu nào để người đọc, người nghe có

thể cảm nhận hết được những biến cố lịch sử đang xẩy ra. Có những đoạn văn thấm đẫm giọng trữ tình, đó là tâm trạng của tác giả đứng suốt đêm để suy nghĩ về lịch sử: “Đứng phơi mặt ngoài trời cả đêm, đứng không đổi chỗ, ý nghĩ cứ mờ mờ ảo ảo, vừa là chính mình, vừa là người khác, quen thuộc vô cùng mà cũng ngỡ ngàng vô cùng. Việc tin chắc rằng trước sau rồi cũng phải xẩy ra đúng như thế, mà chưa hẳn tin tại sao lại có thể xẩy ra gọn ghẽ, lẹ làng đến thế. Biến động lịch sử là gì? Là như thế đó! Là khi những dấu hiệu đầu tiên của những ngày tháng vĩ đại đã xuất hiện thì ta vẫn còn phân vân tự hỏi: đó là hiện tượng gì?” [50, 11]. Trong Tháng ba ở Tây Nguyên những đoạn văn kiểu như thế xuất hiện nhiều nhưng càng về sau giọng chính luận phổ biến. Đó là những kiểu hội thoại đậm chất chính trị, những công văn, điện báo chiến sự kiểu “Căn cứ vào nhận định của chỉ huy sở tiền phương của Bộ, Bộ tư lệnh chiến dịch kết luận:

- Địch có thể rút khỏi PlâyCu và công Tum, vì tình thế buộc chúng Cho nên:

- Lực lượng đánh căn cứ 53 phải giải quyết xong trong ngày 16, chậm lắm là sáng 17.

- Lực lượng bao vây quân đổ bộ cũng phải tiêu diệt chúng thật gọn trong mấy ngày tới, chậm nhất là ngày 18. Nếu tiêu diệt được sư đoàn 23 bộ binh ngụy trong chiến dịch Nam Tây Nguyên thì có thể nhanh chóng phát triển lên hướng PlâyCu (nếu địch chưa rút), hoặc đánh sang Cheo Reo (nếu địch cụm chốt ở đó)

- Lực lượng hậu cần chuẩn bị xe và xăng, súng đạn và lương thực sẵn sàng đưa bộ đội tới nhiệm vụ mới bất cứ lúc nào” [50, 138]. Nguyễn Khải đã đưa ra những câu lập luận chặt chẽ khi nhận định hướng tấn công và ngày giờ tấn công của ta với quân địch.

Trong hầu hết các tác phẩm ký sự chiến tranh tác giả sử dụng giọng phân tích chính luận, đây là dạng thức của văn bản chính luận. Phân tích có nghĩa là khảo sát vấn đề theo nhiều khía cạnh cùng mối liên hệ giữa chúng, rồi tổng hợp nâng cao nhằm đi sâu vào bản chất của sự việc.

Trong ký sự chiến tranh chống Mỹ giai đoạn 1954 – 1975 chúng ta thấy giọng văn chính luận được tác giả sử dụng một cách triệt để, tối đa. Mục đích chủ yếu của hình thức dùng giọng văn này là nhằm làm rõ, làm nổi bật các sự kiện chính trị được đề cập đến.

Ký sự chiến tranh sở dĩ được người đọc yêu thích và có một chỗ đứng quan trọng là ở cách tái hiện hiện thực bằng ngôn ngữ chính luận đặc sắc, cách lập luận chặt chẽ, sắc bén. Tác giả không chỉ giúp người đọc hiểu một cách tường tận về các vấn đề đặt ra mà còn khơi gợi được những suy nghĩ sâu sắc về vấn đề đó.

Bản chất của những văn bản viết về chiến tranh, thuật lại những thời khắc quan trọng của lịch sử không thể sử dụng một kiểu giọng điệu mà nó phải có sự kết hợp nhiều giọng điệu với nhau. Ký sự chiến tranh giai đoạn 1954 – 1975 biết kết hợp nhiều giọng điệu để những trang ký tưởng như khô khan sẽ chứa chất văn chương trong đó. Bởi vì ký vốn là một thể loại văn học mà đã là văn học nó phải có chất văn chương.

Bên cạnh giọng chính luận, ký sự giai đoạn này còn thấm đẫm chất trữ tình. Đó là việc phản ánh hiện thực bằng cách biểu hiện những ý nghĩ, cảm xúc, tâm trạng riêng của con người, kể cả bản thân người nghệ sỹ trước cuộc sống. Vì vậy, trong toàn bộ một tác phẩm chính luận không chỉ toàn ngập tràn những sự kiện mà còn có những dòng cảm xúc, suy tưởng của thế giới nội tâm. Với giọng điệu trữ tình nó làm “sống dậy cái thế giới chủ quan của hiện thực khách quan” mà còn “giúp ta đi sâu vào thế giới của những suy tư, tâm trạng, nỗi niềm – một phương diện rất năng động, hấp dẫn của hiện thực” [28,

358]. Giọng điệu trữ tình được nảy sinh từ mối quan hệ giữa cảm xúc của nhà văn và xã hội. Nguyễn Khải trước “những tình thế bao la”, trước những ngày lịch sử của chiến dịch Tây Nguyên đã bộc lộ cảm xúc của mình. Trong một không gian rộng lớn, thời gian về đêm, đứng trên tầng cao của khách sạn HB thành phố Huế, nhìn những vệt sáng xe đi hàng ngàn chiếc vào nam Nguyễn Khải đã thức suốt đêm. Gần như một thói quen tác giả muốn lần ngược chiều những đoàn xe ấy, lần ngược trở về tìm ngọn nguồn của dòng sông cách mạng vĩ đại đang cuồn cuộn dâng lên. “Bài viết đầu tiên của năm 1975 đáng nhẽ phải được bắt đầu từ đêm 29 tháng ba. Suốt một đêm ấy tôi không ngủ, cứ đứng sững ở tầng lầu hai của khách sanh HB, nhìn xuống đại lộ Trần Hưng Đạo đếm từng đoàn xe từ phía Bắc vào thành phố Huế ào ào chạy qua mặt đường ướt đẫm ánh điện” [50, 11]. Xuân Thiều trước thời khắc của chiến dịch sắp xẩy ra cũng bồi hồi đầy tâm trạng “Vâng! Đang nói về mùa xuân năm 1975. Nhắc tới mùa xuân ta chợt có cảm giác thanh thản nhẹ nhõm, dẫu đang ở trên rừng. Tưởng như ngửi thấy mùi hoa phong lan phảng phất trong tiếng hót ngọt ngào chim khướu, trong tiếng róc rách suối chảy. Tưởng như có thể say sưa ngắm những ré nắng xuân xuyên qua đám sương màu lam” [50]. Những câu văn thấm đẫm chất thơ. Các nhà văn đã thể hiện những suy tưởng của thế giới nội tâm đầy cung bậc cảm xúc về đất nước, dân tộc. Cái hay ở đây chính là “qua sự bộc lộ cảm xúc, nhận xét, suy tưởng của tác giả làm hiện lên một nhân cách, một chủ thể giàu có về tâm tình, sắc sảo về trí tuệ” [28, 326]. Qua những dòng cảm xúc của nhà văn chúng ta thấy được tình cảm nhân văn cao cả của họ dành cho đất nước. Toàn bộ tác phẩm Tháng ba ở Tây Nguyên của Nguyễn Khải ghi lại một cách trung thực, đầy xúc động những diễn biến của sự kiện lớn vào bậc nhất trong lịch sử bốn ngàn năm của dân tộc ta. Nguyễn Khải bước đầu đã gây cho người đọc chúng ta cái cảm giác choáng ngợp trước sự chuyển dịch không gì ngăn cản lại được của guồng máy

lịch sử đồ sộ hợp thành từ trăm ngàn chi tiết, trăm ngàn người. Tiếng nói trữ tình trong Tháng ba ở Tây Nguyên, trong Bắc Hải Vân xuân 1975 là tiếng nói của một “cái tôi”, đồng thời cũng là tiếng nói của cái ta, đại diện cho nhân dân, dân tộc. Trong Tháng ba ở Tây Nguyên, Bắc Hải Vân bên cạnh cái thiết tha trữ tình chúng ta còn nhận thấy cái giọng hào sảng, hùng hồn của những con người nhỏ bé nhưng rất đỗi anh hùng chuẩn bị cho ngày mai ra trận.

Giọng điệu trữ tình còn được thể hiện ở giọng reo vui hồ hởi khi nói về niềm vui, sự tin tưởng, lạc quan vào tương lai của đất nước. Điều này khởi nguồn từ cái nhìn lãng mạn cách mạng được xem là một đặc trưng về mặt bút pháp của văn học 1954 – 1975 nói chung và của ký sự chiến tranh nói riêng.

Chất trữ tình còn được thể hiện rõ ở những trang ký sự tác giả miêu tả cảnh sắc thiên nhiên. Dù là cảnh thiên nhiên trong khung cảnh chiến tranh nhưng nó vẫn đẹp, vẫn nên thơ đến lạ. Con người trong chiến tranh không chỉ thấy màu đen mà bên cạnh đó tâm hồn lạc quan, yếu sống, yêu cuộc đời vẫn nhìn thấy được những cái đẹp ngay trong chính những cái quen thuộc.

Trong Ký sự miền đất lửa, những trang ghi chép của hai nhà báo tưởng như ít chất văn chương thì có những đoạn văn với cách miêu tả so sánh con người, cảnh vật đầy tính nghệ thuật đã phần nào thể hiện được tài năng của những người cầm bút.

Kết hợp nhiều giọng điệu, ngoài giọng chính luận, trữ tình, ký sự chiến tranh giai đoạn 1954 -1957 còn thêm giọng mỉa mai, đả kích. Giọng văn này được các tác giả sử dụng khi viết về bọn giặc Mỹ và bọn tay sai của Mỹ. Các tác giả đã sử dụng những từ xưng hô như “hắn”, “bọn”, “bọn nó”, “chúng”, “lũ ruồi xanh”,... để chỉ bọn cướp nước mà cụ thể hơn là giặc Mỹ. Cách gọi thể hiện sự căm ghét, khinh bỉ đối với bọn chuyên đi xâm lược. Đặc biệt giọng điệu bình luận mỉa mai, cười cợt được thể hiện rõ trong Bắc Hải Vân xuân 1975 của Xuân Thiều khi tác giả nói đến tên tướng bại trận Lâm Quang

Thi. Đọc những dòng ký sự viết về Lâm Quang Thi ta lại nhớ đến những dòng văn chính luận trong tác phẩm Vi Hành của Nguyễn Ái Quốc. Ngòi bút của Xuân Thiều như cười cợt, chế diễu tên tướng bại trận: “Thoạt tiên tôi buồn cười cho một kiếp người. Sau đó tôi để trí tưởng tưởng của mình bay đến một thành phố xa lạ, ồn ào với những ngôi nhà cao tầng, với những dòng người và xe nườm mượp hối hả. Trong một khách sạn trang trí lòe loẹt, có một anh bồi bàn da vàng đang chạy bắng nhắng giữa đám khách da trắng trong tiếng nhạc giật cuồng loạn, tiếng dao dĩa cốc va vào nhau, tiếng cười nói la hét, huýt sáo của những người say:

- Ê bồi! Thêm một “Mác-ten”! cho nhiều Sô đa vào - Ê ông lỏi da vàng! Sâm banh mau lên

- Này! Vang trắng còn nữa không? - Ê!....

Hắn quay cuồng bận rộn, luôn mồm: thưa ông, thưa cô, thưa ngài...Hắn đanh học cách bưng khay làm sao cho đi đứng thật uyển chuyển như múa” [50, 210-211].

Là những tác phẩm thuộc thể ký, Tháng ba ở Tây Nguyên, Bắc Hải Vân xuân 1975, Ký sự miền đất lửa... ít có biến cố, ít sự kiện đạt đến tính cao trào như các thể loại tự sự khác. Nhưng điều đó đã tạo điều kiện cho các tác giả ký có điều kiện vận dụng nhiều giọng điệu trần thuật khác nhau như tự sự, trữ tình, chính luận đan xen những lời bình luận. Một bức tranh toàn cảnh về đất nước Việt Nam trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước ngồn ngộn hiện ra sinh động và đầy hiện thực. Thái độ của người kể chuyện rạch ròi, vừa mang tính chủ quan vừa mang tính khách quan. Đây là nét đặc sắc mà các thể loại văn xuôi tự sự khác ngoài ký chưa làm được.

Một phần của tài liệu Đặc điểm ký sự chiến tranh chống Mỹ giai đoạn 1954 1975 (qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 82)