Kết cấu “xâu chuỗi sự kiện”

Một phần của tài liệu Đặc điểm ký sự chiến tranh chống Mỹ giai đoạn 1954 1975 (qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 68)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.1. Kết cấu “xâu chuỗi sự kiện”

Theo Lại Nguyên Ân kết cấu là “sự sắp xếp phân bố các thành phần hình thức nghệ thuật, tức là sự cấu tạo tác phẩm, tùy theo nội dung và thể tài”

[4, 167]. Như vậy, chúng ta thấy kết cấu thuộc mặt hình thức của tác phẩm, nó gắn kết các yếu tố nhỏ còn lại của hình thức và phối thuộc chúng với tư tưởng, làm cho hình thức và nội dung tác phẩm thống nhất với nhau. Có nhiều kết cấu khác nhau, tùy thuộc vào từng thể loại mà tác giả chọn cho tác phẩm mình một kiểu kết cấu phù hợp. Sự đa dạng của kết cấu sẽ làm cho tác phẩm có sự đa dạng, phong phú, không gây sự nhàm chán ở người đọc. Chính vì lẽ đó trong các tác phẩm ký sự thời kỳ chống Mỹ, các tác giả đã sử dụng nhiều kiểu kết cấu khác nhau, thậm chí trong cùng một tác phẩm có sự đan xen nhiều kiểu kết cấu. Bằng sự kết hợp đó làm cho người đọc không thấy sự nhàm chán mà ngược lại hồi hộp theo dõi như theo dõi một bộ phim trên màn ảnh nhỏ.

Không giống như truyện ngắn hay tiểu thuyết, trong ký cốt truyện không được xác định một cách rõ nét. Các biến cố, các sự kiện trong ký được nhà văn thể hiện qua sự xâu chuỗi những câu chuyện nhỏ mà họ bắt gặp trong thực tế cuộc đời. Những câu chuyện nhỏ ấy có khi là ở hiện tại nhưng cũng có khi là ở sự hồi tưởng quá khứ do tác giả kể lại nhằm lí giải về những vấn đề của cuộc sống cũng như giãi bày suy nghĩ trong lòng nhà văn.

Kết cấu xâu chuỗi sự kiện được hiểu là dạng kết cấu mà nhà văn móc xích các sự kiện, các yếu tố kế tiếp nhau theo một đường thẳng không chồng chéo lên nhau. Hình thức kết cấu này thường bắt gặp trong truyện cổ tích hoặc tiểu thuyết chương hồi. Trong ký sự chiến tranh chống Mỹ giai đoạn 1954 – 1975 đã có khá nhiều tác phẩm thành công với dạng kết cấu xâu chuỗi sự kiện và những tác phẩm ấy đạt giá trị nghệ thuật không nhỏ. Các mẩu chuyện, các sự kiện được phản ánh không phải xuất hiện cùng một lúc mà có sự liên hệ móc xích với nhau. Chính vì thế các nhà văn phải sử dụng luận đề, luận điểm đề mục cho cho từng mẩu chuyện, từng sự kiện để người đọc dẽ theo dõi. Trong hầu hết các tác phẩm ký sự chiến tranh chống Mỹ mỗi mẩu chuyện, sự

kiện đều được tác giả đặt cho một mục đề. Tên mục đề có thể xuất phát từ bản chất của sự kiện cũng có thể xuất phát từ cảm xúc của nhà văn. Khảo sát qua ba tập ký sự: Tháng ba ở Tây Nguyên, Bắc hải Vân xuân 1975, Ký sự miền đất lửa đều sử dụng kiểu kết cấu này. Toàn bộ những bài ký sự này được phân chia những chương, đề mục rõ ràng, mạch lạc, chẳng hạn:

Ký sự Tháng ba ở Tây Nguyên gồm các đề mục:

- Một cách nghĩ còn rụt rè trước một tình thế đã bao la

- Vốn là niềm tin của chúng ta nhưng được diễn giải qua những nhân vật rất bất ngờ

- Lời dẫn trước khi vào chuyện chính

- Sự kiện trọng đại đã được bắt đầu như thế nào

- Tại cơ quan chỉ huy của Bộ Tư lệnh chiến dịch Nam Tây Nguyên từ 6giờ 00 ngày 9 tháng ba đến 24 giờ 00 ngày 15 tháng ba

- Một đội quân đã bị rữa ra

- Nhân vật thân yêu của ba chục năm kháng chiến.... Ký sự Bắc Hải vân xuân 1975 gồm các đề mục:

- Kể chuyện từ khu nhà thuộc về người chiến thắng - Sự tích niềm tin vào thắng lợi cuối cùng

- Cuộc chuẩn bị ba mươi ngày – cuộc chuẩn bị ba mươi năm - Hãy đợi đấy không lâu nữa đâu...

Ký sự miền đất lửa gồm các đề mục:

- Vượt sông Lam - Thất bại đầu tiên - Đến Vĩnh Linh - Đánh hụt B 52 - Lại thất bại - Chiến thắng

- Thắng nhưng không được khen - Những ngày gian khổ

- Diệt pháo đài bay B 52 - Vượt sông Bến Hải - Tiến ra phía trước - Qua đò Tùng Luật

- Cuộc chiến đấu trên bờ sông Cửa Việt - Mắt của pháo

- Vĩnh Linh với Cồn Cỏ - Đảo

- Hồng Hà gọi Sông Lô - Cả nhà ra đảo

- Thuyền gỗ thắng tàu sắt...

Những đề mục này thể hiện rõ tính chất xâu chuỗi các sự kiện. Ký sự Tháng ba Tây Nguyên của Nguyễn Khải, Bắc Hải Vân xuân 1975 của Xuân Thiều, Ký sự miền đất lửa của Nguyễn Sinh – Vũ Kỳ Lân còn hấp dẫn người đọc bởi hệ thống đề mục thấm đẫm chất trữ tình khi tác giả nói về cảm xúc của mình “trước những tình thế đã bao la”, đối với đất nước thì thiết tha, đối với chiến thắng thì hân hoan tự hào, đối với kẻ thù thì khinh bỉ. Hệ thống sự kiện được trình bày theo kiểu kết cấu này cũng trở nên rõ ràng hơn, người đọc có thể tự xâu chuỗi hay tìm được mối liên hệ giữa các sự kiện với nhau một cách dễ dàng.

Trong ký sự chiến tranh giai đoạn 1954 – 1975 không chỉ xâu chuỗi những sự kiện ở hiện tại mà có khi đan xen cả quá khứ và hiện tại. Sự đan xen đó nhằm lý giải về những vấn đề của cuộc sống cũng như giãi bày suy nghĩ trong lòng nhà văn. Nguyễn Khải cái đêm 29 tháng 3 năm 1975 đứng một mình trên lầu khách sạn đường Trần Hưng Đạo Huế nhìn những vệt sáng xe

đi hàng ngàn chiếc về Nam, ông đã thức suốt. Gần như một thói quen, ông muốn ngược chiều những đoàn xe ấy, lần ngược trở về tìm ngọn nguồn của dòng sông cách mạng vĩ đại đang cuồn cuộn dâng lên. Đi ngược lại Nguyễn Khải gặp những “những cột số của lịch sử”. Nguyễn Khải đã xâu chuỗi những sự kiện ở quá khứ với hiện tại. Trong chương hai của cuốn ký sự, cũng là chương hấp dẫn, lý thú nhất, tác giả đã ghi lại những cuộc gặp cỡ bất ngờ của ông với những người vốn an toàn ở trong vùng địch trước đây: ông lái buôn, cụ giáo học, nhà sư...Đặc biệt là những đoạn Nguyễn Khải đả động đến tâm lý cách mạng nửa vời của anh tiểu tư sản trí thức trong vùng địch tạm chiếm. Từ những cuộc trò chuyện với các nhân vật để biết được thái độ cách mạng của những tầng lớp trong xã hội thời bấy giờ. Sau đó Nguyễn Khải đã sắp xếp các sự kiện theo một trình tự thời gian, xoay quanh những ngày trọng đại của lịch sử: Tháng ba lịch sử. Trong Tháng ba Tây Nguyên Nguyễn Khải đã ghi lại những sự kiện bằng hình thức nhật ký, đó là ghi lại những ngày tháng cụ thể nối tiếp nhau, giúp người đọc theo dõi mạch câu chuyện một cách trôi chảy, mạch lạc.

Như vậy, có thể thấy nghệ thuật kết cấu trong Tháng ba ở Tây Nguyên

được sử dụng một cách khéo léo. Những chi tiết tưởng chừng như vụn vặt mà tác giả đã xâu chuỗi lại, chứa đựng một nội dung ý tưởng nào đó hay truyền tải được tư tưởng tình cảm của nhà văn. Trong Ký sự miền đất lửa của hai nhà báo Nguyễn Sinh và Vũ Kỳ Lân, người đọc chứng kiến dồn dập những chiến thắng vẻ vang của quân và dân Quảng Bình – Vĩnh Linh, chiến trường Trị Thiên những năm chống Mỹ. Đọc những đề mục trong tác phẩm người đọc phần nào hình dung ra được nội dung muốn nói đến. Sự hấp dẫn nằm trong các đề mục và cũng thể hiện được cảm xúc của tác giả, đối với quê hương đất nước thì thiết tha, đối với kẻ thù thì khinh bỉ, đối với chiến thắng thì hồ hởi vui tươi, kiêu hãnh. Hệ thống sự kiện được trình bày theo kiểu kết cấu này

giúp cho người đọc tự xâu chuỗi hay tự tìm ra mối liên hệ giữa các sự kiện với nhau một cách dễ dàng.

Một phần của tài liệu Đặc điểm ký sự chiến tranh chống Mỹ giai đoạn 1954 1975 (qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 68)